Cái tôi với những lo toan cuộc sống đời thường

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tập thơ hoa cỏ may của xuân quỳnh (Trang 25 - 29)

8. Bố cục khoá luận

2.1.1. Cái tôi với những lo toan cuộc sống đời thường

Xuân Quỳnh là cây bút thuộc thế hệ những nhà thơ trẻ chống Mỹ. Trong những năm tháng chiến tranh, Xuân Quỳnh đã khoác ba lô vào vùng đất lửa Vĩnh Linh để sống và hòa mình vào cuộc sống nơi đây. Nhưng bước ra khỏi cuộc chiến tranh đau thương, hào hùng ấy, trong khi các nhà thơ khác ngoái nhìn chiến tranh hoặc say sưa ca ngợi cuộc sống mới thì Xuân Quỳnh đã chọn cho mình một lối đi riêng. Xuân Quỳnh không đề cập đến những điều lớn lao mà bà hướng đến hiện thực cuộc sống xung quanh với tất cả những gì chân thực nhất. Đặc điểm này một phần bị chi phối bởi chất nữ tính trong thơ bà. Xuân Quỳnh là một nhà thơ, đồng thời bà cũng là một người phụ nữ. GS. Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Thơ Xuân Quỳnh xuất phát từ tấm lòng tinh tế, dễ rung động của một người phụ nữ đôn hậu, đầy nữ

tính”[3,tr.76].Chất nữ tính đã thấm đượm trong các sáng tác và góp phần tạo

nên một phong cách riêng cho thơ Xuân Quỳnh.

Giống như bao người phụ nữ khác, Xuân Quỳnh mang trong mình thiên chức làm vợ, làm mẹ. Bà luôn chứng tỏ mình là người phụ nữ đảm đang tháo vát, biết lo toan cho cuộc sống gia đình từ những thứ nhỏ nhất mà những người đàn ông ít khi để ý đến. Những năm Xuân Quỳnh sống là những năm đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh, đời sống nhân dân vô cùng thiếu thốn. Ai đã sống trong những năm tháng ấy mới có thể thấu hiểu hết những khó khăn cực nhọc:

Củi thì thiếu và dầu cũng thiếu Điện tắt ban ngày, điện tắt ban đêm Nhiều người mua nhưng ít cửa hàng Những vải gạo, thực phẩm đều bán phiếu Giờ thì ít xếp hàng lâu phát cáu

Xuân Quỳnh không ngại ngần đưa vào thơ mình những lo toan của cuộc sống đời thường. Đó là nỗi lo toan về cái ăn, cái mặc, cái ở, nhất là trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn. Gánh nặng cơm áo đã đè nặng lên đôi vai của bà cũng như những người phụ nữ khác:

Chúng tôi chỉ là những người đàn bà không tên tuổi Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày

Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây Gạo bánh củi dầu biết chia thế nào cho đủ Đầu óc linh tinh nghĩ về chợ búa

Những quả cà, mớ tép, rau dưa

…Chúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt Sắm cho con đôi dép tới trường

Chúng tôi quan tâm đến xà phòng, thuốc đánh răng Lo đan áo cho chồng con khỏi rét

(Thơ vui về phái yếu)

Xuân Quỳnh đã tâm sự rất chân thật về những lo toan tẹp nhẹp của cuộc sống đời thường. Đọc những vần thơ của Xuân Quỳnh người đọc không cảm thấy tẻ nhạt khi bà đưa vào trong thơ những chuyện cơm áo gạo tiền mà ngược lại, chúng ta càng cảm thấy trân trọng, cảm thông với nỗi lo toan vất vả của bà. Nhà thơ Xuân Diệu từng nói vui:

Nỗi đời cay đắng đang giơ vuốt Cơm áo không đùa với khách thơ

Cuộc sống quanh ta đâu chỉ rực rỡ màu hồng mà nó còn ẩn chứa đầy khó khăn, chông gai, vất vả. Người nghệ sỹ đâu thể phủ nhận thực tại mà phải đối diện với hiện thực để thấy được cuộc sống này đầy rẫy những khó khăn, lam lũ. Trong bộn bề của cuộc sống, Xuân Quỳnh giống như một cây phong ba vẫn đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời. Bà đã dang tay

ra bao bọc, chở che tổ ấm bé nhỏ của mình. Sự đảm đang, tháo vát của Xuân Quỳnh được người mẹ chồng hết lòng khen ngợi: “Xuân Quỳnh là một phụ nữ tài năng, thông minh và yêu chồng thương con hết mực. Ban ngày quần quật, vất vả với công việc cơ quan, công việc gia đình, lo chợ búa cơm nước,

giặt giũ cho ba đứa con. Quỳnh chỉ có thời gian sáng tác vào ban đêm” [3,

tr.289].

Xuân Quỳnh luôn ý thức được trách nhiệm của một người vợ, người mẹ cho nên bà luôn toàn tâm, toàn ý với gia đình của mình. Lê Minh Khuê từng nhận xét: “Chị xoè cánh như một con gà mái che chở và vun vén cho tổ ấm

của chị trong điều kiện sống ngặt nghèo”[3,tr.266].

Khi quyết tâm xây dựng hạnh phúc lần thứ hai với Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh tin rằng đã tìm được lí tưởng của đời mình. Bà lo toan chăm sóc cho chồng từ bữa ăn, giấc ngủ. Tình yêu và sự chăm lo của bà dành cho chồng không chỉ xuất phát từ tình cảm vợ chồng mà cao hơn đó là sự tôn thờ chồng – tôn thờ lí tưởng của mình. Trong những đêm hè nóng nực, bà sẵn sàng thức cả đêm để quạt ru chồng ngủ:

Anh không ngủ được ư anh

Để em mở quạt, quấn mành lên cho Lặng sao cái gió mặt hồ

Ghét sao cái nắng đầu mùa đã ghê

(Hát ru chồng những đêm khó ngủ)

Nhưng cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng suôn sẻ, hạnh phúc. Đôi khi trong gia đình bé nhỏ ấy chút sóng gió va chạm cũng nổi lên, báo hiệu dấu hiệu rạn nứt:

Cây bút gãy trong tay Cặn mực khô đáy lọ Ánh điện tắt trong phòng

(Anh)

Nhưng bằng tình yêu và tấm lòng bao dung nhân hậu, Xuân Quỳnh vẫn dang rộng vòng tay để đón đợi người chồng yêu thương trở về, để chở che và bù đắp cho anh:

Thôi đừng buồn nữa anh Tấm rèm cửa màu xanh Trang thơ còn viết dở Tách nước nóng trên bàn Và lòng em mong nhớ

(Anh)

Chính sự yêu thương và tình cảm vợ chồng khăng khít là nguồn động lực lớn lao để Lưu Quang Vũ có thể bước những bước tiến chắc chắn trên con đường chiếm lĩnh nghệ thuật. Lưu Quang Vũ từng bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn với người vợ thương yêu của mình:

Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài Chỉ một người ở lại với anh thôi Cám ơn em, em từ miền cát gió Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng Anh thành người có ích cũng nhờ em Anh biết sống vững vàng không sợ hãi

(Và anh tồn tại)

Xuân Quỳnh không chỉ là người phụ nữ yêu chồng mà bà còn là người mẹ hết lòng vì con. Mặc cảm về tuổi thơ bơ vơ côi cút, hơn ai hết bà thấu hiểu vị trí của người mẹ với đứa con quan trọng như thế nào. Với bà, đứa con là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Xuân Quỳnh dành tình yêu thương cho các con, kể cả con riêng của chồng, đặc biệt là cho Mí - kết quả

tình yêu của bà với Lưu Quang Vũ. Bà dành những vần thơ hay nhất để tặng cho con ngay khi còn trong bụng:

Mẹ đan tấm áo nhỏ Bấy giờ vào mùa xuân Mẹ thêu vào cái khăn Cái hoa và cái lá Mẹ đi trên hè phố

Nghe tiếng con đạp thầm

(Chùm thơ xuân tặng ba con nhỏ)

Xuân Quỳnh có một tuổi thơ thiếu thốn bàn tay chăm sóc của mẹ cho nên thơ bà đã dấy lên khát khao được giãi bày, được sẻ chia, được an ủi và nó được cụ thể hoá qua những lời ru con ngọt ngào. Những lời ru đưa nôi đã thấm đượm tình yêu thương con tha thiết, cháy bỏng của trái tim người mẹ. Nguồn sữa ngọt ngào và những lời ru yêu thương ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ:

Ngủ nào ngủ ngoan Mí yêu của mẹ Mẹ hát khe khẽ Cái lá cái hoa

(Ngủ nào ngủ ngoan)

Có thể thấy, Xuân Quỳnh không nói đến những điều lớn lao mà bà viết về cuộc sống xung quanh với tất cả những lo toan, bộn bề. Nhưng bà tự nguyện làm tất cả những điều đó cho chồng cho con vì với bà đó là niềm hạnh phúc đời thường của một người phụ nữ.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tập thơ hoa cỏ may của xuân quỳnh (Trang 25 - 29)