Giọng lo âu, day dứt

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tập thơ hoa cỏ may của xuân quỳnh (Trang 68 - 70)

b. Không gian hoài niệm

3.2.2. Giọng lo âu, day dứt

Bên cạnh giọng giãi bày bộc bạch thì trong tập thơ Hoa cỏ may người đọc nhận ra đằng sau ước vọng được đi đến “tận cùng đau đớn, tận cùng yêu” là một tâm trạng lo âu, day dứt. Đó là phần khuất lấp, ẩn đi sau hình ảnh một người phụ nữ khao khát yêu hết mình, sẵn sàng trải lòng mình với người mình yêu. Không phải vô cớ khi trong thơ bà xuất hiện nhiều từ chỉ tâm trạng: lòng da diết, lo âu phấp phỏng, lo âu, khao khát đợi chờ… đặc biệt từ nhớ xuất hiện với mật độ dày đặc. Nó góp phần thể hiện tâm trạng buồn, khắc khoải khôn nguôi của nhân vật trữ tình. Nhà thơ âu lo về thời gian sẽ qua đi, tuổi trẻ chẳng bao giờ là vĩnh viễn. Người đàn bà ấy dám nhìn thẳng vào quy luật khắc nghiệt của cuộc sống: cái gì đã đi qua thì không thể lấy lại được:

Một quá khứ ra đi cùng gió thổi Thời gian trôi kí ức sẽ phai nhòa

(Lại bắt đầu)

Bước chân của thời gian đi qua khiến cho người đàn bà khao khát yêu dương năm nào nay bỗng cảm thấy trống trải, cô đơn. Bà lo sợ một tình yêu không bền vững:

Nào hạnh phúc nào là đổ vỡ

(Thơ tình cho bạn trẻ)

Một cảm giác bất an len lỏi trong tâm hồn nhà thơ khiến bà trăn trở khôn nguôi. Xuân Quỳnh lo sợ sự chênh lệch về tuổi tác và sự tàn phai của nhan sắc có thể khiến cho sợi dây khoảng cách giữa hai tâm hồn càng xa xôi:

Anh con đường xa ngái Anh bức vẽ không màu

Lưu Khánh Thơ nhận xét: “Giai đoạn sau này, kể từ tập Gió Lào cát trắng trở đi, tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh có thêm một giọng điệu mới,

nhiều xao động và trăn trở” [3, tr.11]. Giọng lo âu đã trở thành giọng điệu

chủ đạo trong tập thơ cuối của bà.

Không chỉ cô đơn trong tình yêu, Xuân Quỳnh còn hoài nghi tình cảm của người mình yêu. Nỗi hoài nghi ấy được diễn tả bằng một giọng điệu day dứt, khôn nguôi. Bà lo sợ tình yêu ảo ảnh, nhòe mờ như sương khói:

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói Ai biết tình anh có đổi thay

(Hoa cỏ may)

Trong tập thơ cuối, Xuân Quỳnh đặt ra hàng loạt những câu hỏi xoáy sâu vào trí óc người đọc khiến người đọc không khỏi băn khoăn, day dứt. Càng về cuối số lượng câu hỏi càng tăng lên. Những câu hỏi không lời đáp khiến cho nhân vật trữ tình rơi vào nỗi âu lo, tuyệt vọng:

Anh cần chi nơi em Sao mà anh chẳng nói ? Mà em người đời thường Biết là anh có ở ?

Bên cạnh giọng điệu âu lo, người đọc nhận ra một nỗi tủi hờn, mặc cảm thân phận của nhân vật trữ tình. Xuân Quỳnh cảm thấy mình không còn có ích cho gia đình và cho cuộc đời này nữa. Giọng lo âu day dứt đã khiến cho những câu thơ như những tiếng khóc nghẹn ngào:

Trái tim này chẳng còn có ích Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè

(Thời gian trắng)

Có thể nhận thấy, trong tập thơ Hoa cỏ may Xuân Quỳnh đã kết hợp nhiều giọng điệu với nhau: giọng giãi bày, bộc bạch và giọng lo âu day dứt. Tất cả đã tạo nên một giọng điệu đặc trưng cho thơ Xuân Quỳnh mà như Lại Nguyên Ân từng nhận xét: “Ấy là một giọng thơ ưng phô bày kể lể, nhắn nhe, tự tình, ví von, một giọng thơ dù biến hoá thế nào vẫn còn lại cái phần gắn bó với lối nói, lối nghĩ, lối cảm thông thường có thể là xa xưa của người

Việt, tiếng Việt” [3, tr.213].

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tập thơ hoa cỏ may của xuân quỳnh (Trang 68 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)