b. Không gian hoài niệm
3.2. Ngôn ngữ biểu cảm
Ngôn ngữ thơ Xuân Quỳnh không chỉ giản dị, thân mật như những lời ăn tiếng nói hàng ngày mà đó còn là thứ ngôn ngữ đầy biểu cảm. Tính biểu cảm ấy cũng là một đặc điểm chung của ngôn ngữ nghệ thuật.
Nói ngôn ngữ thơ Xuân Quỳnh đầy biểu cảm trước tiên là nói đến tính chất gợi hình gợi cảm trong thơ. Hay nói cách khác đó tính hình tượng của thơ. Tính hình tượng trong ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện ở cách diễn đạt thông qua một hệ thống các hình ảnh, màu sắc, biểu tượng để người đọc
dùng tri thức vốn sống của mình liên tưởng, suy nghĩ và rút ra bài học nhân
sinh nhất định [4, tr.120].
Xuân Quỳnh sử dụng ngôn ngữ biểu cảm để miêu tả thế giới thiên nhiên xung quanh. Dưới ngòi bút đầy tài năng của Xuân Quỳnh, những con chữ vô nghĩa dần hiện ra đầy gợi hình gợi cảm, lột tả được sức sống tràn trề của cuộc sống quanh ta:
Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa (Hoa cỏ may)
Ngôn ngữ trong câu thơ nhẹ nhàng truyền cảm với những từ láy ngẩn
ngơ, xao xuyến, biện pháp tu từ nhân hóa cây ngẩn ngơ, từ tượng hình cát
vắng, sông đầy, lối ngắt nhip 2/2/3 chậm rãi…Tất cả đã diễn tả được khoảnh
khắc đẹp đẽ nhất của bước chân thời gian, đó là khoảnh khắc giao mùa. Hoặc trong bài thơ cuối Xuân Quỳnh viết:
Một con tàu chuyển bánh ngoài ga Làn nước mới, trời xanh và mây trắng Ngô non mướt, bãi cát vàng đầy nắng Như chưa hề có mùa lũ đi qua
(Lại bắt đầu)
Bằng một thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, những tính từ giàu màu sắc: trời
xanh, mây trắng, ngô non mướt, cát vàng đầy nắng, biện pháp liệt kê, Xuân
Quỳnh đã lột tả sức sống của thiên nhiên xung quanh. Người đọc không còn nhận ra nỗi lo âu trăn trở từng đè nặng trái tim nhà thơ trong bài Thời gian
trắng mà thay vào đó là một sức sống mới đang hồi sinh của một cái tôi yêu
cuộc sống tha thiết.
Xuân Quỳnh còn sử dụng ngôn ngữ biểu cảm, đầy chất thơ để diễn tả cung bậc tình yêu tha thiết, mãnh liệt đang ngân rung trong trái tim nhà thơ:
Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối Một chút mặn giữa đại dương vời vợi Loài rong rêu không ai biết bao giờ Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua Là hạt bụi vô tình trên áo
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Xuân Quỳnh lựa chọn ngôn ngữ đầy chất tạo hình thông qua sự biện pháp đối lập giữa hình ảnh vĩ đại, chói sáng trong thiên nhiên (mặt trời) với những sự vật nhỏ nhoi, hữu hạn (hạt muối, rong rêu, ngọn cỏ, hạt bụi) để thấy được người phụ nữ đã tôn tình yêu làm bá chủ cuộc đời mình.
Ngôn ngữ đầy biểu cảm trong thơ Xuân Quỳnh còn được tạo nên do sử dụng thán từ hô gọi (à, ơi,..), sử dụng nhiều trợ từ mang ý nghĩa tình thái
(nhỉ, nhé, ư, đi…) khiến cho câu thơ vừa thân mật vừa gợi cảm giàu chất
thơ:
-Anh không ngủ được ư anh -Ngủ đi anh hãy ngủ đi -Anh ơi anh hãy ngủ đi
(Hát ru chồng những đêm khó ngủ)
Một đặc điểm dễ nhận thấy trong thơ Xuân Quỳnh đó là số lượng từ láy giàu giá trị biểu cảm được sử dụng khá nhiều. Có thể lấy ví dụ:
Những ngả đường phơ phất gió heo may Bao mơ ước mượt mà như lá cỏ
Hoặc trong hai câu thơ bảy chữ mà có tới hai từ láy được sử dụng:
-Buổi chiều này sặc sỡ như thêu Muôn màu áo trong hoàng hôn rực rỡ -Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ
Việc sử dụng số lượng từ láy giàu biểu cảm với tần suất khá cao đã khiến cho những câu thơ của Xuân Quỳnh luyến láy về vần điệu, giàu chất gợi hình, gợi cảm.
Không chỉ sử dụng từ láy, Xuân Quỳnh còn đưa vào thơ của mình một hệ thống tính từ chỉ màu sắc rất giàu biểu cảm. Cả thảy tập thơ cuối có 20 bài thì Xuân Quỳnh sử dụng hơn 40 lần tính từ chỉ màu sắc. Mà chủ yếu là những gam màu sáng, tươi tắn như màu vàng rực rỡ của nắng, màu trắng của mây, màu tim tím của hoa tường vi, màu hồng của hoa đào nở…
Màu ban trắng khắp đèo cao vực thẳm Cỏ xanh rờn như tiếng hát lan xa
Đặc biệt sắc xanh xuất hiện với tần số khá dày đặc trong thơ Xuân Quỳnh. Một thế giới xanh hiện ra với màu xanh của lúa, xanh của mây, xanh của hoa cúc, xanh của cỏ, xanh mênh mang của trời đất:
-Khắp mặt dầm xanh biếc màu hoa
Châu chấu xanh chuồn chuồn kim thắm đỏ -Biển xanh thẳm cánh buồm lồng lộng trắng -Xanh tiếng hát, xanh áo màu bộ đội
Ngọn lửa xanh lá ngụy trang vẫy gọi
Tất cả tạo thành biểu tượng của niềm tin, lòng hi vọng và cuộc sống trường tồn.Màu xanh của bầu trời biểu trưng cho niềm tin và lòng hy vọng, còn màu xanh của cây cỏ biểu trưng cho cuộc sống đang nảy nở. Cuộc sống, niềm tin và lòng hy vọng luôn cần thiết đối với nhau. Lòng tin và niềm hy vọng quyết định đến sự tồn tại và ý nghĩa của cuộc sống, trong khi đó cuộc sống là nơi nảy mầm, sinh trưởng của niềm tin và hy vọng.
Một đặc điểm khác khiến ngôn ngữ thơ Xuân Quỳnh giàu tính biểu cảm là Xuân Quỳnh hay vận dụng các biện pháp tu từ như nhân hóa, ẩn dụ, so sánh ví von, điệp từ, điệp ngữ…Trong bài thơ Anh, Xuân Quỳnh đã sử
dụng biện pháp so sánh ẩn cơ sở so sánh để ví thế giới tâm hồn anh như là một bí mật mà em không dễ gì thấu hiểu được:
Anh, con đường xa ngái Anh, bức vẽ không màu Anh, nghìn nỗi lo âu Anh,dòng thơ nổi gió
Hay trong bài thơ Hoa cỏ may Xuân Quỳnh rất chí lí khi so sánh tình yêu ảo ảnh như phù vân, mỏng manh như những làn khói:
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói Ai biết tình anh khó đổi thay
Việc sử dụng ngôn ngữ giàu giá trị tạo hình, sử dụng từ láy, tính từ chỉ màu sắc, các biện pháp tu từ…đã tạo cho ngôn ngữ thơ Xuân Quỳnh một vẻ đẹp biểu cảm và có giá trị thẩm mỹ cao. Đó cũng chính là cách mà Xuân Quỳnh khẳng định vị thế của mình trên thi đàn bằng chính tài năng và cá tính sáng tạo của mình.
KẾT LUẬN
1. Thế giới nghệ thuật là một khái niệm rất rộng, bao gồm nhiều yếu tố, nhiều cấp độ khác nhau của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Từ lí thuyết của khái niệm thế giới nghệ thuật, tác giả khoá luận đã vận dụng để tìm hiểu thế giới nghệ thuật trong tập thơ Hoa cỏ may của Xuân Quỳnh. Qua việc khai thác thế giới nghệ thuật trong tập thơ Hoa cỏ may của Xuân Quỳnh, khoá luận góp phần tìm hiểu phong cách độc đáo của thơ Xuân Quỳnh - một gương mặt thơ tiêu biểu trong dàn đồng ca những nhà thơ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ.
2. Chặng đường thơ của Xuân Quỳnh là một hành trình lao động nghệ thuật nhọc nhằn, không ngừng nghỉ. Qua mỗi tập thơ hình tượng cái tôi trữ tình nhà thơ có sự vận động, biến đổi phù hợp. Trong tập thơ Hoa cỏ maynổi bật là hình tượng cái tôi trữ tình với ba dạng thức cơ bản: cái tôi với những lo toan cuộc sống đời thường; cái tôi với những ẩn ức tuổi thơ bơ vơ, côi cút; cái tôi cô đơn trong tình yêu. Ba dạng thức cái tôi hoà quyện vào nhau thể hiện vẻ đẹp trong tâm hồn người phụ nữ Xuân Quỳnh: khao khát tình yêu tuyệt đích nhưng lại trăn trở, băn khoăn làm sao có được một tình yêu lặng gió giữa cuộc đời mưa gió.
Bên cạnh xây dựng hình tượng cái tôi trữ tình, Xuân Quỳnh còn tập trung xây dựng hình tượng thời gian, không gian nghệ thuật. Thời gian trong thơ Xuân Quỳnh là thời gian hiện tại gắn với cuộc sống đời thường; thời gian quá khứ gắn với những hoài niệm; thời gian quá khứ - hiện tại- tương lai có sự giao thoa, đan cài vào nhau. Tương ứng với các kiểu thời gian là các mô hình không gian nghệ thuật. Đó là không gian hiện thực đời thường; không gian hoài niệm. Mô hình thời gian, không gian trong thơ Xuân Quỳnh
là mảnh đất màu mỡ để cái cây nghệ thuật đơm hoa kết trái, đồng thời là nơi gửi gắm quan niệm của tác giả về thế giới hiện thực.
3. Để thể hiện Thế giới nghệ thuật trong tập thơ Hoa cỏ may, Xuân Quỳnh đã lựa chọn những hình ảnh gần gũi, giản dị mang tính tả thực và những hình ảnh ẩn dụ tượng trưng chuyên chở tâm tư tình cảm của nhà thơ. Bà cũng sử dụng một thứ ngôn ngữ giản dị, không hề trau chuốt, gọt giũa nhưng không kém phần biểu cảm, giàu chất nữ tính. Thêm vào đó xuyên suốt tập thơ là giọng điệu giãi bày, ưa kể lể, nhắn nhe, tự tình bàng bạc chút lo âu, băn khoăn, hoài nghi…Tất cả những yếu tố: ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu góp phần tạo nên thế giới nghệ thuật đặc sắc và tạo nên phong cách riêng trong thơ Xuân Quỳnh.
4. Tìm hiểu Thế giới nghệ thuật trong tập thơ Hoa cỏ may của Xuân Quỳnh, chúng tôi muốn khẳng định vị trí của Xuân Quỳnh trên thi đàn Việt Nam. Có thể nói Xuân Quỳnh đã đem đến cho thơ ca Việt Nam hiện đại một vẻ đẹp riêng, thấm đẫm chất nhân văn và đầy nữ tính. Đó là kết quả của một quá trình miệt mài sáng tạo - mà trước hết là ý nghĩa của những nhịp đập từ trái tim nhân hậu, đằm thắm yêu thương, như nhà nghiên cứu Phan Ngọc từng viết: “Xuân Quỳnh không có gì hết ngoài trái tim biết yêu, nhưng chính trái tim ấy đã nói lên thành thơ và chị trở thành nhà thơ nữ lớn nhất thế kỉ
này của Việt Nam chỉ bằng trái tim chân thành và vô giá ấy”[3,tr.310]. Đó
cũng là những gì còn lại đích thực của cuộc đời và thơ Xuân Quỳnh, mà dư ba vẫn hằng lan tỏa, đồng hành với thời gian.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Tuấn Anh (2001), “Hình tượng thời gian trong thơ Xuân Quỳnh”, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ (10).
2. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG Hà Nội.
3. Ngân Hà (2006), Thơ Xuân Quỳnh và những lời bình, Nxb Văn hoá thông tin.
4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2007),
Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb Giáo dục.
5. Nguyễn Trọng Hoàn (1999), Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Phạm Tiến
Duật, Nguyễn Duy, Nxb Giáo dục.
6. Nguyễn Văn Long (chủ biên) (2010), Giáo trình văn học Việt Nam
hiện đại tập II, Nxb ĐHSP.
7. Vân Long (2010), Xuân Quỳnh thơ và đời, Nxb Văn học.
8. Phương Lựu (chủ biên) (2006), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục.
9. Nguyễn Đăng Mạnh (1991), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của
nhà văn, Nxb Giáo dục.
10. Hoàng Phê (chủ biên) (2008), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
11. Ngô Văn Phú (1989), Hoa cỏ may, Nxb Tác phẩm mới - Hội nhà văn Việt Nam