6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài
3.2.3. Mở rộng quy mô đất sản xuất của các chủ thể kinh tế trong
nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa
Vấn đề nan giải và khó khăn nhất trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở huyện Thọ Xuân hiện nay là làm thế nào để có các sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt cung cấp theo nhu cầu của thị trường và hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản có hiệu quả cao. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi giải quyết tốt cả hai khía cạnh là: Mở rộng quy mô đất sản xuất và tăng cường liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa giữa các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp và thủy sản trong huyện.
Thứ nhất, mở rộng quy mô đất sản xuất và nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh của các chủ thể kinh tế trong nông nghiệp. Hiện tại, hơn 98% giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp được tạo ra bởi kinh tế hộ cá thể. Tuy nhiên, đại bộ phận các hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Do đó, việc hỗ trợ để kinh tế hộ phát triển có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng và được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác trong nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ, hộ kinh tế trang trại và hợp tác xã phát triển nhằm tạo động lực mới, thúc đẩy sự hình thành liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản cũng có ý nghĩa không kém phần quan trọng. Các giải pháp cụ thể như sau:
Phát triển kinh tế hộ cá thể: Mục tiêu chung là tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để hộ cá thể phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng
lớn và trình độ ngày càng cao, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần hết sức chú ý đến đặc điểm của từng nhóm hộ để có chính sách tác động cho phù hợp, cụ thể:
- Đối với các hộ có khả năng vốn, đất đai, lao động và kinh nghiệm sản xuất giỏi thì khuyến khích, hỗ trợ để họ tiếp tục mở rộng quy mô đất đai, phát triển sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, hình thành kinh tế trang trại; đồng thời khuyến khích các hộ trang trại lớn, làm ăn hiệu quả chuyển sang thành lập công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp để tăng tính pháp lý trong giao dịch phát triển sản xuất - kinh doanh.
- Đối với các hộ nghèo, hộ khó khăn có đất nhưng thiếu kinh nghiệm sản xuất thì hướng dẫn họ cách làm ăn, trợ giúp vốn, giống để họ phát triển sản xuất thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
- Đối với những hộ ít đất thì giúp họ chuyển nhượng đất đai, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp để gia tăng thu nhập.
- Thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường quyền sử dụng đất, trước mắt chính quyền địa phương sớm có các quy định để hộ có thể sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần, tham gia liên kết, liên doanh.
- Bổ sung kịp thời các chính sách đền bù, tạo việc làm, ổn định đời sống của nông dân khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình hạ tầng, khu công nghiệp và dịch vụ, chỉnh trang đô thị và hình thành các khu dân cư mới.
Phát triển kinh tế tập thể: Trong điều kiện quy mô đất sản xuất của hộ nhỏ và trình độ sản xuất của hộ chưa cao, khả năng phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn chưa mạnh như ở huyện Thọ Xuân hiện nay thì phát triển kinh tế cá thể với nhiều hình thức liên kết và ở nhiều quy mô khác nhau là hướng đi phù hợp và tích cực nhất. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó
khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế tập thể cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản như sau:
- Đổi mới cách tuyên truyền, vận động giúp hộ nhận thức đúng đắn về lợi ích và vai trò của kinh tế tập thể trước yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt là trước sức ép cạnh tranh về quy mô, số lượng, chất lượng và giá cả nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và xuất khẩu ngày một tăng.
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kinh tế tập thể đi đôi với các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật về công tác tại xã như chúng ta đang làm. Các cán bộ về công tác tại xã được hưởng nguyên lương và các chế độ theo quy định hiện hành.
- Tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất - kinh doanh của hợp tác xã .
- Khuyến khích xã viên góp vốn bằng nhiều hình thức (bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất…) và tạo điều kiện cho hợp tác xã được vay vốn bình đẳng như các thành phần kinh tế khác; nghiên cứu để hợp tác xã có thể được vay vốn bằng tín chấp và bằng dự án có hiệu quả cũng như từ các chương trình, dự án quốc gia, tiến tới xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ bảo lãnh tín dụng cho kinh tế tập thể.
Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp: Khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển ở mọi quy mô, nhất là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa thông qua một số giải pháp như: Xóa bỏ triệt để mọi hình thức phân biệt đối xử, tôn vinh những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh giỏi; đơn giản hóa quy trình, thủ tục xét và cấp giấy phép hoạt động sản xuất - kinh doanh; Thực hiện trên thực tế chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh như đối với
doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tập thể, trong đó, đặc biệt ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào ngành nghề mà huyện có khối lượng hàng hóa lớn, các địa bàn khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Thứ hai, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, mối liên kết "Bốn nhà" (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông) thông qua hợp đồng kinh tế đã bước đầu mang lại những lợi ích thiết thực, đặc biệt là gắn thị trường tiêu thụ nông sản với sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với khoa học; thúc đẩy hình thành các hợp tác xã, đại diện cho nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; thúc đẩy các hộ kinh tế trang trại phát triển theo hướng chuyên môn hóa, tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu ổn định về chất lượng, đảm bảo về quy mô số lượng theo yêu cầu của công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; điều hòa một phần lợi nhuận từ khâu chế biến, tiêu thụ của doanh nghiệp sang cho khâu sản xuất của nông dân, tạo thêm vốn đầu tư cho hộ mở rộng sản xuất theo hướng thâm canh chuyên môn hóa; và tạo thương hiệu nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu mà lâu nay người nông dân chưa làm được. Nhưng nhìn chung, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa người sản xuất và doanh nghiệp ở huyện Thọ Xuân còn rất thấp và mới thực hiện được một số sản phẩm, đặc biệt là tình trạng phá vỡ hợp đồng đã ký kết diễn ra khá phổ biến, đòi hỏi phải có giải pháp tác động dưới đây:
Đối với Nhà nước: Giữ vai trò trung tâm điều hoà các mối quan hệ giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản thông qua một số nội dung cụ thể:
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch và lập dự án đầu tư các vùng sản xuất nguyên liệu kèm theo chính sách khuyến khích để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ nông sản hàng hóa và tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức
tín dụng tiến hành cho vay vốn theo các quy định, trong đó một số công việc cụ thể trước mắt cần được tập trung thực hiện gồm: Rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội để làm cơ sở cho huyện xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; xác định các cây, con chủ lực có lợi thế phát triển, xây dựng danh mục các chương trình, các dự án trọng điểm cần được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2020; điều chỉnh quy hoạch và thiết kế hệ thống các công trình hạ tầng, nhất là các công trình thủy lợi và giao thông cho phù hợp với yêu cầu sản xuất mới.
- Hoàn thiện các chế tài trong việc thực hiện hợp đồng giữa nhà nông với các nhà trong đó quy định rõ quyền lợi vật chất của các bên tham gia hợp đồng; nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả và giúp nông dân nâng cao trình độ hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng.
- Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng thương hiệu, tổ chức hệ thống thu mua và tiêu thụ nông sản, khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán, gây biến động giá cả và làm thiệt hại đến lợi ích của cả người sản xuất, chế biến và tiêu dùng.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá hàng hóa, trước hết là phát triển hệ thống thông tin thị trường, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về quản lý chất lượng nông sản hàng hóa theo yêu cầu của thị trường.
- Củng cố và tăng cường năng lực hoạt động của các trung tâm xúc tiến thương mại từ tỉnh xuống địa phương. Chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu đi đôi với khai thác có hiệu quả thị trường nội địa.
- Nghiên cứu và ban hành cơ chế giúp các hiệp hội, tổ chức chính trị xã hội có thể làm trung gian tham gia vào quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản của hộ.
- Tăng cường vai trò của các cấp chính quyền trong việc điều chỉnh, xử lý kịp thời những bất cập, tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
- Hỗ trợ đầu tư nâng cấp các chợ hiện có và phát triển thêm các chợ buôn bán nông sản hàng hóa, nhất là các chợ đầu mối kết hợp với xây dựng các kho chứa đạt tiêu chuẩn để nông dân và thương lái có thể gửi hàng hóa nông sản. Tổ chức các phòng trưng bày, giao dịch tiêu thụ nông sản ở các đô thị lớn.
- Phát triển các cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương để thu hút nguồn nguyên liệu, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Thúc đẩy các thị tứ, thị trấn và các cụm dịch vụ ở nông thôn phát triển nhằm góp phần nâng cao khả năng giao dịch, tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Đối với Nhà doanh nghiệp: Bao gồm cả doanh nghiệp công nghiệp chế biến, dịch vụ, ngân hàng và các quỹ tín dụng. Các doanh nghiệp này giữ vai trò hạt nhân trong mối liên kết giữa các nhà. Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn đó, cần tập trung vào một số nội dung sau:
- Nhà nước cần tạo lập môi trường pháp lý và chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức ký kết hợp đồng theo hướng gia tăng trách nhiệm cộng đồng và gắn kết lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp với nông dân, như hình thức ứng trước vốn, giống, vật tư, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và mua lại nông sản theo giá cả thống nhất ghi trong hợp đồng hoặc bán vật tư trả chậm và mua lại nông sản theo giá thỏa thuận; hoặc các hình thức liên kết cao hơn như nông dân góp vốn bằng đất hoặc cho doanh nghiệp thuê đất rồi sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp.
- Đổi mới hoạt động của các ngân hàng thương mại, các quỹ hỗ trợ phát triển, các tổ chức tín dụng theo hướng thực hiện liên kết tay ba giữa Doanh
nghiệp - Tổ chức tín dụng - Nông dân trong việc cho nông dân vay vốn sản xuất để giảm bớt các thủ tục vay vốn còn đang bất cập.
Đối với Nhà khoa học: Bao gồm các tổ chức và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Theo đó, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy các nhà khoa học quan tâm hỗ trợ nhà nông về huấn luyện tay nghề, đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các hình thức ký kết hợp đồng trực tiếp với hộ nông dân hoặc ký kết hợp đồng tay ba với doanh nghiệp và hộ nông dân.
Đối với Nhà nông: Bao gồm kinh tế hộ, kinh tế trang trại và kinh tế tập thể. Nhà nước thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức của nhà nông về vai trò và trách nhiệm của họ trong việc thực thi hợp đồng kinh tế, đồng thời tăng cường củng cố và phát triển mạnh kinh tế tập thể để các tổ chức này đại diện cho hộ xã viên đứng ra ký kết hợp đồng, vừa tạo thuận lợi cho việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, vừa giảm đầu mối ký kết hợp đồng cho các doanh nghiệp và tăng vai trò tự quản trong việc thực hiện hợp đồng; phát triển kinh tế trang trại làm hạt nhân hỗ trợ cho hộ vệ tinh trong việc thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản.