CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN VĨNH
2.3.2 Những tồn tại.
Trong quá trình quản lý chi thường xuyên trên địa bàn huyện Vĩnh Linh còn một số tồn tại như sau:
1 - Trong công tác quản lý nguồn: Các đơn vị sử dụng ngân sách chưa thật sự đề cao ý thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc chi tiêu ngân sách ở đơn vị mình. Thiếu sự năng động, còn trông chờ, ỷ lại vào cấp trên là chủ yếu, còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn khác ngoài NSNN.
2 - Trong công tác lập dự toán: Thiếu thực tế, không sát với tình hình nhiệm vụ, khả năng cụ thể của từng đơn vị. Đa số làm theo phương thức dưới lập lên, trên chỉ ký phê duyệt chưa có sự suy xét, giám sát chặt chẽ, do đó thường là dưới đưa lên cao hơn so với thực tế gây ra tình trạng lãng phí NSNN. Đó là bệnh quan liêu, một căn bệnh chung đang phát triển mạnh mẽ trong chế độ quản lý hiện nay ở đất nước ta chứ không riêng gì về việc thực hiện ngân sách và cũng không riêng gì trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.
Mặt khác đối với một số đơn vị có chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt thì lại có định mức, tiêu chuẩn chưa phù hợp gây hạn chế trong hoạt động, trong chi tiêu không đạt hiệu quả cao hoặc phải lấy khoản chi này bù cho khoản chi khác, dẫn đến việc bội chi NSNN ở tầm vĩ mô.
3 - Trong quá trình chấp hành NSNN chưa có được mô hình cấp phát tối ưu, hệ thống kênh thông tin liên lạc giữa các cơ quan ban ngành hoặc giữa Phòng Tài chính với KBNN còn nhiều thiếu sót và chậm nên nhiều khi còn gây khó khăn trong việc thực hiện chi trả thanh toán các khoản chi. Quá trình quản lý, giám sát các đơn vị dự toán trong quá trình này còn nhiều hạn chế do đội ngũ cán bộ của Phòng Tài chính còn mỏng, chỉ được một đến ba người phụ trách trong khi có rất nhiều đơn vị cơ quan ban ngành phải quản lý, do đó không giám sát được, không phát hiện kịp thời những khoản chi sai, chi thừa, thiếu thực tế. Trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư văn phòng cũng như sửa chữa tài sản không được giám sát kiểm tra chặt chẽ, còn phổ biến tình trạng mua sắm tài sản, phương tiện đắt tiền vượt quá tiêu chuẩn định mức quy định dẫn đến gây lãng phí thất thoát NSNN. Những quy định truyền thống về lập ngân sách đã tạo ra một tiền lệ cho các đơn vị sử dụng ngân sách tìm mọi cách chi tiêu hết tất cả các nguồn lực tài chính được phân bổ, thậm chí việc chi tiêu đó không thực sự cần thiết. Họ quan niệm rằng, nguồn lực tài chính được phân bổ là “tiền chùa” không tiêu cũng phí, đồng thời nếu không tiêu hết ngân sách năm nay thì họ có thể được phân bổ nguồn lực ít hơn trong năm ngân sách kế tiếp.
Ngoài ra còn có sự tách biệt giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển nên việc phân bổ nguồn lực tài chính để đầu tư vào các dự án chương trình và đưa các dự án chương trình vào khai thác sử dụng chưa đảm bảo được tính đồng bộ, gây lãng phí nguồn lực tài chính của nhà nước.
4 - Trong khâu quyết toán: Năng lực kế toán của một số đơn vị còn hạn chế, làm không đúng chế độ kế toán gây khó khăn trong việc quyết
toán ngân sách của Phòng Tài chính, kéo dài thời gian. Đội ngũ cán bộ mỏng mà số lượng chứng từ phải kiểm tra thẩm định lớn, lại có nhiều đơn vị phải kiểm tra mà thời gian thì eo hẹp, không thể kiểm tra, kiểm soát một cách kỹ lưỡng chặt chẽ, nhiều khi làm rất qua loa theo kiểu “cưỡi ngưạ xem hoa”. Công tác thẩm định quyết toán phần lớn chỉ mang tính hình thức.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là:
Nguyên nhân chủ quan: Cán bộ nhân viên của Phòng Tài chính kế
hoạch Vĩnh Linh đang còn ít, trình độ lại không cao. Năng lực hạn chế, làm việc còn nhiều chỗ chưa đạt yêu cầu. Cấp trên không quản lý nghiêm ngặt. Các đơn vị dự toán còn ỷ lại, không năng động sáng tạo tìm nguồn vốn khác, cung cách làm việc, cấp phát còn mang tính bao cấp, trông chờ, xin – cho, tiêu pha lãng phí gây thất thoát NSNN.
Nguyên nhân khách quan: Cơ chế quản lý chi thường xuyên nói riêng
và chi NSNN nói chung còn nhiều bất cập, nhiều lổ hỏng gây ra thất thoát, lãng phí. Do địa bàn huyện với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đồng thời thường có thiên tai xảy ra nên nguồn thu NS không được ổn định lại phải có nhiều nhiệm vụ phải giải quyết cũng làm cho nhiệm vụ chi NSNN thêm phần nặng nề, khó thực hiện việc xã hội hoá một số ngành nghề.
Nhìn chung, việc tìm hiểu những đặc điểm kinh tế xã hội của huyện Vĩnh Linh , ta có thể thấy được những thuận lợi, khó khăn cũng như tình hình kinh tế xã hội của huyện trong những năm qua đã có tác động đến công tác quản lý chi thường xuyên như thế nào. Đánh giá lại thực trạng quản lý chi thường xuyên của huyện vừa là cơ sở để đánh giá hiệu quả các khoản chi NSNN vừa là cơ sở để đề ra những nhiệm vụ, phương hướng trong những năm tiếp theo.