Thực hiện xã hội hoá một số ngành nghề.

Một phần của tài liệu luận văn quản trị tài chính HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN VĨNH LINH (Trang 69 - 71)

CHƯƠNG III: NHỮNG KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA

3.2.3Thực hiện xã hội hoá một số ngành nghề.

Xã hội hoá được hiểu là việc tăng khả năng tài trợ đối với các loại hình dịch vụ công của khu vực tư nhân, là một phương thức hoạt động nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội, góp phần tăng cường nguồn lực đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội.

Các biện pháp tài trợ có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, chẳng hạn thu phí đối với người sử dụng dịch vụ công, cũng có thể khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc cung ứng dịch vụ công, hoặc

thông qua các hợp đồng cung ứng dịch vụ công được ký kết giữa Nhà nước với khu vực tư.

Việc chuyển bớt một phần chi phí của hoạt động cung cấp dịch vụ công cho người sử dụng đồng thời với việc Nhà nước có thể dành nguồn lực của mình cho những ưu tiên khác, đặc biệt đối với một huyện nghèo như huyện Vĩnh Linh thì việc xã hội hoá một số hoạt động sự nghiệp sẽ tạo ra nguồn lực tài chính mới, bổ sung cho nguồn lực còn hạn hẹp như hiện nay.

Do người sử dụng dịch vụ phải đóng góp một phần chi phí cung cấp dịch vụ nên buộc họ phải nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng nguồn lực của mình.

Như vậy xã hội hoá không chỉ tạo ra nguồn lực tài chính mới cho Nhà nước mà còn đảm bảo cho người dân ngày càng được hưởng những dịch vụ công tốt.

Trong lĩnh vực giáo dục có thể thực hiện xã hội hoá bằng cách mở thêm các trường bán công, dân lập, tư thục hoặc tổ chức chương trình du học nước ngoài tự túc, du học tại chỗ, giáo dục từ xa. Khuyến khích thành lập các quỹ khuyến học rộng khắp trên địa bàn huyện như: quỹ học bổng, quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó…ở các xã, thị trấn, thôn xóm, dòng họ, các cơ quan…

Đối với lĩnh vực y tế, khuyến khích, tạo điều kiện cho tư nhân thành lập các phòng khám tư nhân, trung tâm tư vấn y tế và các dịch vụ bác sỹ gia đình nhằm giảm sức ép lên các bệnh viện công lập góp phần giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân. Giao cho trung tâm y tế quản lý về mặt chuyên môn, tránh xảy ra tình trạng quá nhiều dịch vụ mọc lên, không thể kiểm soát.

Ở nhiều địa phương trong nước ta đã từng bước thực hiện xã hội hoá các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hoá… và thực tế đã chứng minh chủ trương xã hội hoá là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với mong muốn của nhân dân. Thực hiện xã hội hoá góp phần thực hiện công bằng xã hội, huy động được thêm nguồn lực tài chính, giảm bớt áp lực tăng chi NSNN.

Một phần của tài liệu luận văn quản trị tài chính HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN VĨNH LINH (Trang 69 - 71)