CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN VĨNH
2.1.1.1 Đặc điểm vị trí địa lý tự nhiên.
Vĩnh Linh là huyện phía bắc tỉnh Quảng Trị, có vị trí hết sức quan trọng, với cầu Hiền Lương – sông Bến Hải Vĩnh Linh được ví như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước. Phía Bắc giáp với Quảng Bình, phía Tây giáp với huyện Hướng Hoá, phía Nam giáp với huyện Gio Linh, phía Đông giáp với biển Đông. Ở vào đoạn giữa đất nước, có quốc lộ đi qua kéo dài 17 km, có đường mòn Hồ Chí Minh đi qua, huyện Vĩnh Linh có vị trí hết sức thuận lợi, là cầu nối giữa miền Bắc và miền Nam. Từ phía Tây kéo sang phía Đông rộng 62 km, bờ biển dài gần 30 km, Vĩnh Linh có diện tích 820 km2, dân số trên 90.000 người bao gồm 2 dân tộc Kinh (chiếm 97,83%) và Vân Kiều (chiếm 2,17%) sinh sống trên 22 đơn vị hành chính xã, thị trấn trong đó có 3 thị trấn, 16 xã đồng bằng và 3 xã miền núi. Mật độ dân số bình quân tổng thể là 136 người/km2 nhưng ở ba vùng khác biệt: vùng núi 20 người/km2, vùng đồng bằng và trung du 232 người/km2, vùng ven biển 607 người/km2.
Vĩnh Linh có địa hình lòng máng, dốc nghiêng nhẹ từ Bắc xuống Nam, phía Tây có núi cao vực sâu, phía Đông có những cồn cát di động, là một trong những vùng có khí hậu khắc nghiệt của miền Trung: thiên tai, hạn hán, lũ lụt, gió bão lớn thường xuyên xảy ra. Có thể nói Vĩnh Linh như một miền Trung thu nhỏ bởi có đầy đủ tất cả các yếu tố về tự nhiên: rừng, biển, sông hồ, đồi núi và đồng bằng. Sự phong phú và đa dạng về địa hình
đã tạo cho huyện nhà những tiềm năng kinh tế to lớn. Là một huyện thuộc tỉnh nghèo của đất nước, những nguồn lực của Vĩnh Linh hầu như đang ở dạng tiềm năng cần phải có sự đầu tư khai thác phát triển. Đặc biệt là cú hích từ Nhà nước mà cụ thể là việc sử dụng NSNN để làm bước đệm cho sự phát triển trong tương lai.