25 Theo thống kê của Ban tôn giáo chính phủ tại link website:
2.3.2.1 Lễ hội tháng giêng
a. Lễ khai ấn
+ Về nguồn gốc lịch sử: Đến nay chưa phát hiện được tài liệu, sử sách nào ghi chép cụ thể về nguồn gốc, lịch sử của lễ khai ấn đến Trần. Nhưng qua khảo sát đây là một tục lệ cổ truyền đã được dân làng Tức Mặc, gìn giữ duy trì từ nhiều thế hệ. Trong quá trình nghiên cứu về lễ khai ấn, chúng tôi đã căn cứ vào các nguồn tư liệu thông tin sau:
Thứ nhất: Qua lời kể, truyền thuyết của nhân dân làng Tức Mặc, đặc biệt là qua lời kể của các cụ cao niên trong làng, các nhà nghiên cứu ở địa phương
Thứ hai: Đền Thiên Trường và đền Cố Trạch được nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1962. Ngay sau khi xếp hạng, di tích đặt dưới sự quản lý trực tiếp của ngành Văn hóa – thông tin mà cụ thể là Bảo tàng và Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định. Cho đến năm 2007 mới phân cấp cho thành phố Nam Định trực tiếp quản lý. Các thế hệ lãnh đạo, Sở VHTT, bảo tàng tỉnh Nam Định và Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Nam Định đều khẳng định đã từng chứng kiến lễ khai ấn do dân làng Tức Mặc tổ chức và có sự tham gia của các nhà quản lí từ trung ương đến địa phương
Thứ ba: Theo hồ sơ di tích (hồ sơ nâng cao) đền Thiên Trường, đền Cố Trạch do Bảo tàng Nam Hà lập năm 1996 (hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Đinh và Cục di sản văn hóa) đã mô tả về lễ khai ấn và phát ấn tại đền Trần vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng giêng hàng năm.
Theo tư liệu Hương ước bạ của Tức Mặc xã viết năm 1942 (hiện đang lưu giữ tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội) trong phần thứ hai: Lễ nghi, khoản thứ 21:
“Điều thứ 118: Làng có hai đền Cố Trạch, năm đình, hai chùa, một miếu.
Điều thứ 119: Đình chùa đều có thủ từ hoặc sư trông nom.
Điều thứ 120:
1/ Đền Trần miếu thờ 14 vị hoàng đế nhà Trần để mỗi lệ 8s (8 sào) cộng là 11m2s (11 mẫu 2 sào) do chích ở kỵ diệu điền là ruộng vua Gia Long để lại. Cứ đệ niên đến ngày 15 tháng giêng ta có lệ giao điệt cũng trích ra 1m6s (1 mẫu 6 sào) ở xứ ấy để lệ.
Điều thứ 123: Những ngày sóc vọng phải sửa lễ ở các đình chùa xin kê sau này: Đền Trần miếu: 1,2,3/1BD; 14,15/1; 3/3; 5/5; 15/7; 15/8; 9,15/9; 1,30/12 âm; 10/12 âm và Tý, Ngọ, Mão, Dậu hạn ba năm tháng giêng vào đám” .
Qua tư liệu Hương ước bạ có thể thấy ngày 15 tháng giêng tại đền Trần miếu có tổ chức một nghi lễ trong đó có lệ giao điệt (đấu vật). Vua quan dưới triều Nguyễn cũng đã rất chú trọng tới lễ nghi tại Trần miếu nên có những phần ruộng riêng để phục vụ cho các ngày lễ tại Trần miếu, cứ ba năm vào đám một lần.
Trong bài thơ Thập tứ dạ quan khai ấn hội của Đỗ Hựu (sinh năm 1441, quê quán xã Đại Nhiễm, nay là xã Yên Bình huyện Ý Yên, Nam Định), đỗ Tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Mậu Tuất (1478) làm quan đến chức Lại bộ Tả Thị lang.
“Đêm mười bốn thăm hội khai ấn
Từng nghe rằng ngày trước vua Trần ở đất Tức Mặc có đền thờ Tổ Ban đầu dời tới Vạn Khoảnh đất đai rộng rãi
Sang Khang thôn lấy sự hiếu với mẹ cha, hòa cùng anh em cư trú Từ ấy tỏ lòng thành kính hằng năm tế tự tại ngư miếu
Về khai ấn để cầu sự tốt lành cho lớp tương lai Nay trong thiên hạ nơi nào sánh được
Thế là dân làng sở tại mãi mãi nhờ ơn to lớn”26
Sách Nam Định dư địa chí của Nguyễn Ôn Ngọc viết năm 1893 mục phong tục có viết: “Đền thờ vua Trần ở xã Tức Mặc, hàng năm đến ngày rằm tháng giêng có hội vật, xã Đệ Nhị hàng năm đến ngày rằm tháng tám, xã Phụ Long ngày 18 tháng 7 đều có hội đua thuyền. Tục ngữ có câu:
“Ba năm chúa mở khoa thi
Đệ Nhất thì xướng, Đệ Nhì thì bơi Đệ Tứ thì đánh cờ người
Phương Bông tứ xứ mồng mười tháng ba”
Sách Tân biênNam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh viết đầu thế kỉ XX có hai tập Thượng và Hạ. Tập Hạ viết về phong tục ở Tức Mặc như sau:
“Tức Mặc có lệ 15 tháng giêng đấu vật ở miếu Trần, Thượng Lỗi có lệ thi xôi ngày 5 tháng giêng, đền Tức Mặc có lệ tế nam quan vào ngày 5 tháng giêng, tế nữ quan vào ngày 6 tháng giêng tại nơi thờ bà Thục Côn. Phụ Long, Đệ Nhị có lệ thi chèo thuyền vào ngày 18 tháng 7. Phương Bông và Đệ Tứ hát bài bông, đánh cờ, bói cá vào ngày 10 tháng 3 ngày này còn có lệ hát nữ “thái bình an lạc” buổi tối, ai hơn sẽ được thưởng một mâm xôi đỗ xanh và mười quan tiền.”
Như vậy có thể thấy từ trong thư tịch cổ đến truyền thuyết ở địa phương tục lễ đầu xuân tại miếu nhà Trần có quy định về nghi lễ tế tổ cùng các nghi lễ rước nước tế cá, hình thức khích lệ võ công cũng như văn chương thơ phú.
+ Về nghi thức tổ chức buổi lễ:
26 Bản dịch nghĩa, xem Tuyển tập thơ Một ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, Hội VHNT Nam Định tuyển chọn, NXB Hội nhà văn, năm 2010, tr.96.97.
Hiện nay lễ khai ấn ngày càng được tổ chức quy mô, trang trọng hơn. Ngày thường quả ấn được lưu giữ tại đền Cố Trạch – nơi thờ Đức Thánh Trần. Sáng ngày 14 tháng giêng nhân dân làng Tức Mặc sửa soạn kiệu để chuẩn bị cho buổi lễ, đồng thời làm công tác chuẩn bị sắm sửa đồ tế lễ, phân công lực lượng tham gia buổi lễ. Vật lễ bây giờ là những thanh bông hoa quả được kết thành hình rồng, phượng với những loại hoa đắt tiền như hoa ly, hoa lan, hoa hồng… Kiệu rước được sơn son thếp vàng, trang trí lộng lẫy.
Trước giờ Tý mọi người tham dự tập trung tại đền Cố Trạch, đoàn rước chuẩn bị các cụ cao tuổi đại diện cho dân làng làm lễ tại đền Cố Trạch xin Đức Thánh Trần được rước ấn sang đền Thiên Trường khai ấn. Hòm đựng ấn được chuyển ra kiệu.
Đoàn rước ấn được tổ chức rất trọng thể, có sự tham gia của khoảng 150 người: Đi đầu có cờ thần rồi đến phù giá bao gồm kiếm lệnh, bát biểu rồi đến mâm hoa quả, tiếp đến là kiệu rước hòm ấn, đội bát âm, sau cùng là đoàn tế nam quan (25 người) cùng khách hành hương. Đoàn đi theo nhịp trống chiêng vòng quanh hồ vào sân đền Thiên Trường. Tại đây kiệu ấn được đặt trang trọng phía trước sân hành lễ nơi đặt bàn thờ trung thiên để làm lễ dâng hương tế cáo trời đất. Đội tế sắp xếp hàng ngũ do ông chủ tế chỉ huy, tiếp tục làm lễ tại ban thờ “Trần triều liệt miếu tiên hoàng đế Thần vị”. Hòm đựng ấn được dâng lên ban thờ và ông chủ tế đọc chúc văn có nội dung đại ý xin các Hoàng đế triều Trần được khai ấn ban phúc cho muôn dân.
Tiếp theo là phần khai ấn: Các cụ cao niên ngồi thành hàng phía dưới ban thờ các vua. Ông chủ lễ ngồi chính giữa có hai người giúp việc, một người chuẩn bị giấy, một người chuẩn bị mực dấu, phía sau là các đại biểu mời tham dự lễ khai ấn. Hòm ấn được mở ra, ông chủ lễ đóng các lá ấn đầu tiên. Ấn “Trần miếu tự điển” đóng trước chính giữa tờ giấy, tiếp đó là dấu Trần miếu (dấu nhỏ đóng phía dưới). Hiện nay việc đóng một số ấn còn có sự tham gia của một số vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi về tham gia nghi lễ. Những lá ấn được đóng đầu tiên dành dâng lên các nơi thờ liên quan đến nhà Trần ở địa phương như: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa, chùa Phổ Minh, đình Tức
Mặc, đình Động Kính (đình Kênh), đình Thượng Bái, đình Vĩnh Trường, đình Thượng Lỗi. Các lá ấn tiếp theo lần lượt phát cho người tham dự và khách thập phương.
Những năm gần đây do lượng khách tham dự và xin lộc ấn quá đông nên các lá ấn được đóng từ trước đựng trong các hòm gỗ sơn son. Khi tiến hành lễ khai ấn các hòm ấn được dâng lên ban thờ các vua, việc khai ấn chỉ đóng một số lá tượng trưng, những là ấn này được dâng lên các di tích liên quan tới nhà Trần ở địa phương. Sau đó ấn được chuyển ra ngoài phát cho nhân dân tham dự.
Từ năm 2013 thực hiện Đề án tổ chức lễ hội đền Trần do Bộ VHTT & DL cùng UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo việc phát ấn được chuyển sang sang ngày 15 tháng giêng và kéo dài một số ngày sau đó để đáp ứng nhu cầu xin lộc ấn của du khách.
Lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần là một tập tục vốn chỉ diễn ra trong phạm vi làng Tức Mặc, sau này cùng với sự vận động phát triển của xã hội, nó đã trở thành một lễ hội lớn thu hút đông đảo khách thập phương đến dự xin ấn, đặc biệt là trong những năm gần đây có sự tham dự của các cấp chính quyền địa phương cùng một số vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
b. Nghi lễ rước nước tế cá
Trong lễ hội đền Trần Nam Định năm 2014, ngày 12 tháng giêng âm lịch lần đầu tiên nghi lễ rước nước tế cá đã được phục dựng sau hàng trăm năm bị mai một. Nghi lễ này năm trong đề án “Mô hình tổ chức lễ hội đền Trần tỉnh Nam Định” do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở VHTT & DL tp. Nam Định thực hiện. Việc phục dựng lại nghi lễ truyền thống này mang nhiều ý nghĩa nhân văn và lịch sử, là dịp để con cháu tri ân tổ tiên nhà Trần – một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới gắn với sông nước, phát tích đế vương tại vùng đất Tức Mặc. Để phục dựng được nghi lễ rước nước tế cả có sự góp sức của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Sở VHTT & DL tỉnh Nam Định cùng cộng đồng cư dân làng Tức Mặc và phường Lộc Vượng.
Trước kia lễ rước nước tế cá diễn ra tại sông Hồng thuộc khu vực Hữu Bị, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc cách đền khoảng 3km. Hiện nay địa điểm rước nước được lấy ngay tại Giếng Rồng xưa. Mọi hoạt động trong nghi lễ rước nước tế cá được ban tổ chức chuẩn bị từ trước đó hàng tháng. Đến ngày chính lễ 12 tháng giêng, đoàn rước xuất phát từ đền Cố Trạch ra Giếng Rồng để lấy nước.
Đội tế lễ nghi thức rước nước tế cá được tổ chức trang trọng vào sáng sớm 12 tháng giêng. Đi đầu đoàn rước là đội cờ (40 người) gồm có cờ hội, cờ thần, cờ Trần triều. Tiếp theo là đội múa lân sư, rồng, phường bát âm, kiếm ngựa. Theo sau kiệu rước nước, kiệu rước cá là đội đánh bắt cá với trang phục truyền thống và vật dụng mang theo như vó, lưới, dậm, nơm,.. Tiếp đến là đoàn chấp kích, bát biểu đi cùng kiệu Thánh và đội tế nam quan, nữ quan, quan viên dân chúng. Cuối cùng đoàn rước là 40 cờ hội. Đoàn rước đi một vòng qua Giếng Rồng. Khi kiệu dừng trước giếng, ông chủ tế cẩn thận phủ một tấm vải đỏ lên miệng chóe nước. Bốn trai đinh giữ chóe và khăn. Ông chủ tế thả một chiếc vòng tròn rộng khoảng 60 cm xuống giếng rối cẩn thận múc nước từ trong vòng tròn theo tiếng trống giục. Sau ba hồi trống giục thì kết thúc việc lấy nước. Với sự giúp đỡ của bốn trai đinh ông chủ tế buộc miệng choé và rước choé nước lên kiệu.
Sau lễ rước nước là lễ đánh cá. Cá dùng để tế bao gồm cá triều đẩu (cá quả) và Long ngư (cá chép). Cá được đựng trong thùng lưới có hai ngăn, đặt sẵn xuống ao. Đây là những con cá được chọn mua từ trước, có dáng đẹp, khỏe mạnh. Đội đánh bắt cá xếp thành hai hàng, khi có hiệu lệnh của ông chủ tế cả đội cùng xuống ao đánh bắt. Trong suốt quá trình đánh bắt cá, nhạc lễ và trống hội diễn ra liên hồi. Ông chủ tế và các bồi tế dưới sự giúp đỡ của các trai đinh dưới ao đưa những con cá khỏe nhất lên thuyền rồng. Nghi lễ đánh cá kết thúc, đoàn rước nước và cá trở về đền Thiên Trường làm lễ tế.
Tại sân đền Thiên Trường đội tế nam quan thực hiện nghi lễ dâng nước tế cá. Nước trong chóe được chia đều sang ba chiếc bình. Ông thủ từ đại diện ba đền Thiên Trường, Cố Trạch và Trùng Hoa làm lễ rước nước về đền để thờ.
Tiếp theo ông chủ tế cùng đội tế chuyển cá từ thuyền rồng sang hai thúng sơn đỏ: một thúng đựng cá chép, một thúng đựng cá quả. Đoàn rước tiếp tục thực hiện nghi lễ rước cá phóng sinh ra sông Hồng đoạn đê Hữu Bị, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc.
Nghi lễ rước nước tế cá có ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, đồng thời thể hiện tinh thần khuyến ngư, nghề đánh bắt cá của dòng họ Đông A mãi phát triển, bờ cõi nước Việt mãi trường tồn.
c. Lễ rước kiệu ngọc lộ
Lễ rước kiệu Ngọc Lộ được khôi phục lại từ lễ hội xuân Ất Mùi (tháng giêng năm 2015). Việc khôi phục lễ rước kiệu ngọc lộ dựa trên nhiều căn cứ về tài liệu, văn bia lịch sử. Với tấm bia đặt ở hành lang bên trái chùa Tháp do Trần Trọng Hàng soạn khắc vào niên hiệu Duy Tân thứ 8 (1914):
“Trần miếu tự nam quan âm kiều ký”
Nội dung tấm bia có ghi: “Cung thẩm Nam Định tỉnh Tức Mặc quý hương phụng sự Trần miếu, nguyên lệ mỗi tế xuân đán chi vọng hội đồng đại lễ. Địa phương quan phụng mạnh chí tế duy cẩn, tiền nhất nhật hương chi Tráng Kiện, Động Kính, Thượng Bái tam thôn hiệp đồng đại lễ, phụng ấp Lộc Quý, Hạ Lộc, Hậu Bồi tam xã phụng nghinh long giá nghệ yết Phổ Minh tự, tham bái cung nghinh Trần triều nhân miếu Giác hoàng Tiên đế Trúc Lâm đệ nhất tổ hương lô tiên miếu đại tự lễ thành, thứ nhật phục nghinh hồi tự an vị đính tạ hồng cư. Hất kim tam niên nhất cử khâm tuân quốc điển chí long trọng dã. Gian nghinh đạo sở kinh ước thập dẫn ngoại hữu kiều yêu giá Đại Hán Khố Nhi xứ giao cừ chi thượng dĩ thông thủy lai dĩ vận nông công...”
Dịch nghĩa:
“Bài ký cầu Quan âm ở phía nam đền chùa nhà Trần
Nguyên lệ cũ cứ mỗi năm đến rằm tháng giêng thì hội đồng lễ lớn, các quan địa phương vâng mệnh trên làm lệ rất là kính cẩn. Trước một ngày ba thôn Tráng Kiện, Động Kính, Thượng Bái hợp đồng với ấp thờ là ba xã: Lộc Quý, Hạ Lộc, Hậu Bồi xin rước long giá đến chùa Phổ Minh bái yết. Ngày ấy còn kính rước bát nhang tiên đế Trần triều nhân miếu Giác hoàng Trúc Lâm đệ nhất tổ, từ chùa tới miếu nhà Trần làm lễ lớn xong ngày hôm sau lại rước về chùa làm lễ yên vị đính tạ ơn to. Đến nay thì ba năm một lần tuân theo điển lệ quốc gia là rất long trọng. Trên quãng đường dài ước 10 dặm, có một ngôi cầu bắc qua trên con cừ tại xứ Đại Hán Khố Nhi chỗ hai dòng nước giao nhau, nơi dòng nước này cốt để lưu thông phòng khi hạn úng và thuyền bè đi lại tiện lợi của nhà nông...”
Từ trong thư tịch cổ đến truyền thuyết ở địa phương, tục lệ đầu xuân miếu nhà Trần có quy định việc tế tổ trong những ngày này có tổ chức: rước kiệu “Ngọc Lộ”; rước nước, tế cá; đấu vật.... cùng những hình thức khích lệ võ công hay văn chương thơ phú...
Theo các văn bản Hán Nôm đã trình bày ở trên và khảo sát thực tế thì các xã có liên quan đến cung điện phủ đệ nhà Trần bao gồm: Làng Lốc tức Lộc Quý thờ Thái sư