Theo Nam Mặc miếu trạch bi kí dựng vào niện hiệu Duy Tân năm thứ 2 (1908) thì vào khoảng năm Thiên Ứng Chính Bình (1232 - 1250) Phùng Tá Chu về đốc suất công việc xây dựng miếu nhà Trần trên nền cũ của nhà thờ họ Trần, văn bia ghi: “Tức Mặc đế hương dã, Trần Miếu tại yên, Thiên Ứng niên gian Phùng Vương Đổng tạo nhân cựu dương chỉ dã…”. Khi triều Trần hết vai trò lãnh đạo vào cuối thế kỷ XIV khu cung điện, lăng tẩm cũng không còn nữa. Đền Thiên Trường được dựng lên để thờ phụng các vua.
Đến năm Chính Hòa thứ 15 (1695) khi con cháu nhà Trần trở về quê cũ đã dựng nhà thờ mới bằng gỗ lim. Năm 1705 nơi đây chính thức được gọi là Trần miếu và hàng năm được nhà Lê ban quốc tế. Năm Long Đức (1733) làm thêm 5 gian tiền tế bằng gỗ lim, mái lợp tranh. Năm Tự Đức thứ 6 (1853) các quan chức hàng tỉnh, hàng huyện đã chỉ đạo tu sửa lớn, thay tranh bằng ngói mất hơn một năm mới xong. Lần sửa chữa này nhà đại bái (nay là cung đệ nhị) chỉ giữ lại bộ cánh cửa được chạm khắc từ thế kỉ XVII còn tất cả đều được mở rộng nâng cao lên. Năm Ất Mùi niên hiệu Thành Thái thứ 7 (1895) hội từ thiện tu sửa lại chính tẩm đền Thiên Trường. Đến năm Thành Thái thứ 15 (1903) đắp hai voi chầu trước cửa đền. Từ 1907 – 1908 dưới triều vua Duy Tân thứ 2 và thứ 3 đền thờ các vua Trần lại được tu sửa, đồng thời hồ nước trước cửa đền và hệ thống ngũ môn cũng được sửa sang lại.
Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh: “Đền quốc tế thuộc xã Tức Mặc, tổng Đông Mặc xưa là từ đường dòng họ Trần. Niên hiệu Thiệu Long thứ 5 dựng cung Trùng Quang rồi lại dựng cung Trùng Hoa. Thời thế đổi thay cung thất không còn, bảo lưu được đến nay có gia từ và nơi ở cũ của Hưng Đạo thân vương Quốc Tuấn. Tự Đức năm thứ 6 sửa lại nhưng chỉ chú trọng nơi gia từ. Niên hiệu Thành Thái, Trần Trọng Hàng khuyên giáo sửa nội điện, phía trước nội điện xây phương đình, bên ngoài dựng tế đường và hành lang đông tây. Năm Duy Tân, nguyên tổng đốc Phạm Văn Toán tu sửa ngũ môn lâu. Cũng năm Thành Thái Trần Trọng Hàng nhân theo lệ tu sửa của tỉnh, tu sửa đền thờ Hưng Đạo Vương, kiểu cách tương tự gia từ nhưng bề thế kém hơn, hành lang không có mà chỉ dựng năm gian cho thủ từ ở lui lại phía trái”.
Trải qua các triều đại phong kiến đền Thiên Trường đã được tu sửa nhiều lần, nhưng những dấu vết kiến trúc được lưu lại đậm nét. Những chân tảng cánh sen thời Trần hay bộ cánh cửa tại gian giữa tòa tiền đường là những di vật tiêu biểu.
Toàn bộ công trình đền Thiên Trường được làm theo trục đối xứng bắc – nam bao gồm các hạng mục chính như sau: chính tẩm, thiêu hương, tiền đường và các công trình phối hợp tạo sự hoàn chỉnh như hai dãy tả hữu vu, hai dãy tả hữu ống muống cùng hai dãy nhà giải vũ đông tây. Công trình có 9 tòa, 31 gian lớn nhỏ khác nhau được xây dựng theo phong cách truyền thống. Bộ khung bằng gỗ lim, phần nền lát gạch đáy giếng. Tổng thể công trình với các tòa chính, tòa phụ, tòa ngang, dãy dọc đã hình thành theo thế tay ngang với lối bố cục theo kiểu cung điện. Các công trình trải rộng, vươn dần về phía nam như hướng về Tức Mặc là quê hương của các hoàng đế nhà Trần.
Theo thống kê đến tháng 10 năm 2010 đền Thiên Trường có 2 tấm bia đá, 39 bức đại tự, 7 bài châm, 31 câu đối được bài trí từ ngũ môn vào đến cung cấm. Nội dung các bức đại tự câu đối phản ảnh quá trình hình thành, trùng tu, tôn tạo di tích đền Trần, ngợi ca dòng họ Đông A và các vị danh tướng, danh thần Trần triều. Đây là những di sản Hán nôm có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu mảnh đất và con người Nam Định.
Đền Cố Trạch
Đền Cố Trạch (còn gọi là đền Hạ) thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng gia đình và các tướng sĩ thân tín của ông. Căn cứ vào tư liệu văn bia đền Cố Trạch được xây dựng sau đền Thiên Trường.
Theo Nam Định địa dư chí của Ngô Giáp Đậu viết: “Khoảng đời Tự Đức (1848 – 1883) quan tỉnh thừa lệnh sửa đế miếu, đào đất phía đông được một phiến đá bia vỡ, trên trán bia khắc chữ “Hưng Đạo thân vương Cố Trạch”, nghĩa là ngôi nhà cũ của Hưng Đạo Vương. Từ đó nhân dân đã xây dựng đền thờ ông.
Tấm bia “Nam mặc miếu trạch bi kí” khắc năm Duy Tân thứ 2 (1908) do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm giáng bút có nội dung như sau: Vào năm Thành Thái thứ 6
(1894) sau khi sửa xong tòa miếu thờ 14 vị vua Trần thì làm đền thờ, bắt đầu khởi công vào ngày 13 tháng 10 đến ngày 21 tháng chạp năm sau công trình mới hoàn thành.
Qua các nguồn tư liệu trên có thể thấy công trình đền Cố Trạch hiện nay được xây dựng sớm nhất vào thời Tự Đức (1848 – 1883) nhưng tại thời điểm xây dựng ngôi đền chỉ có quy mô nhỏ. Phải đến thời Thành Thái (1889 – 1907) đền mới được xây dựng lớn theo quy mô như hiện nay. Tấm bia Nam mặc miếu trạch bi ký còn ghi: “Niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894) …Tỉnh phái thuộc ty cùng với ấp thang mộc và thiện kính sửa miếu thờ 14 vua xong, trên nền nhà ấy làm đền (thờ Trần Hưng Đạo) lên. Khi trước chỉ có hai tòa nay là chính tẩm và trung đường (nội cung) còn kinh đàn (thiêu hương) và tiền tế (bái đường)…do tổng đốc Nam Định Phạm Văn Toán xây dựng… Công trình được khởi công từ ngày 13 tháng 10 năm ấy (1894) đến ngày mồng 2 tháng chạp thì xong”.
Như vậy đền Cố Trạch (tức đền Hạ) được khánh thành và lập bài vị thờ Hưng Đạo Đại Vương cùng gia đình và các vị gia tướng vào năm Thành Thái thứ 7 (1895).
Quy mô kiến trúc đền Cố Trạch hiện nay hoàn toàn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn với bộ khung bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Công trình chính của đền bao gồm toà tiền đường 5 gian, thiêu hương (siêu hương) bốn mái cong.
Toàn bộ xà, bẩy, kẻ cũng như dàn mái tòa thiêu hương đều dồn lực vào tứ trụ. Xung quanh có hệ thống thoát nước, tách nền và mái với hai bên nhà giải vũ. Tiếp đến nội cung có hai tòa đệ nhị 5 gian, đệ nhất 3 gian được làm theo kiểu chữ nhị.
Hiện nay tại đền còn lưu giữ hai tấm bia dựng ở nghi môn trước cửa đền, 34 bức đại tự, 9 bức châm, 45 câu đối bài trí trang trọng tại các cung, các tòa.
Đền Trùng Hoa
Phủ Thiên Trường xưa mà trung tâm là cung điện Trùng Quang, nơi ngự của các Thái thượng hoàng thời Trần. Cung Trùng Hoa là nơi nghỉ của các vị Hoàng đế mỗi khi từ Thăng Long về phủ Thiên Trường yết kiến vua cha. Từ thế kỉ XV khi giặc Minh sang xâm lược nước ta chúng đã tàn phá cả hai cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa. Người
đời sau mới tạo dựng được đền Thiên Trường trên nền cung Trùng Quang xưa để làm nơi thờ tự 14 vị Hoàng đế triều Trần.
Năm 2000, tỉnh Nam Định đã xây dựng ngôi đền Trùng Hoa năm ở phía tây đền Thiên Trường, nằm trong khuôn viên di tích đền Trần.
Năm 2005, UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến các nhà khoa học và quản lý để đầu tư đúc tượng mười bốn vị hoàng đế nhà Trần. Đến ngày 10 tháng giêng năm Bính Tuất (2006) mười bốn pho tượng được tiến hành các nghi lễ truyền thống yên vị tại đền Trùng Hoa.
Bình đồ kiến trúc của đền Trùng Hoa cũng giống như đền Thiên Trường và đền Cố Trạch, bao gồm: tiền đường 5 gian nối tiền đường với trung đường là kinh đàn (hay còn gọi là thiêu hương) và hai gian tả hữu vu. Trung đường 5 gian và chính tẩm ba gian. Kiến trúc đền Trùng Hoa mặc dù mới được được phục dựng nhưng mang phong cách của thời Hậu Lê, thế kỷ XVII – XVIII. Các tòa đều được làm theo kiểu bốn mái với bốn đầu đao được uốn cong, các bộ vì được thiết kế theo kiểu chồng rường, hệ thống bẩy hiên, kẻ góc có chặm khắc lá lật, chữ thọ. Ván bịt hồi đại bái và hậu cung chạm nổi rồng mây. Bộ mái lợp ngói mũi, bờ mái có gắn hoa chanh kép. Trên đầu bờ nóc có gắn hai con kìm nóc và mặt nguyệt ở giữa, trên mỗi góc đao mái có các đầu rồng con sổ trang trí. Tường bao che đầu hồi xây nối giáp nhà tả hữu vu bằng gạch kiểu chữ công, mặt trong trát, mặt ngoài xây mạch truyền thống.
Ba ngôi đền nằm trong quần thể di tích đền Trần, mỗi đền là những công trình kiến trúc độc đáo của mỗi giai đoạn được phục dựng cùng những dấu ấn văn bản Hán Nôm là những tư liệu góp phần vào quá trình nghiên cứu về những giá trị văn hóa vật thể. Sự tồn tại của các tác phẩm kiến trúc với những đường nét chạm khắc tài tình của các nghệ nhân dân gian xưa trải qua thời gian dài đã tạo nên những giá trị mỹ thuật độc đáo làm tăng sự hấp dẫn đối với các du khách khi về đền tham quan, vãn cảnh.
2.2.3. Giá trị văn hóa tâm linh
Di tích và lễ hội đền Trần mang giá trị nhân văn sâu sắc, tôn vinh những thành tựu võ công, văn trị của vương triều Trần, đặc biệt là Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Thông qua lễ hội thể hiện tư tưởng tri ân những vị anh hùng dân tộc có công lao với dân với nước.
Uống nước nhớ nguồn từ lâu đã trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc ta và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Truyền thống này được biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tham gia vào lễ hội hay quá trình trùng tu tôn tạo di tích hay dâng hương tưởng niệm để nhớ tới công lao những người đi trước cũng là một cách để thể hiện đạo lý này. Bởi vậy mà hàng năm cứ mỗi dịp xuân sang, thu về khi tổ chức những lễ hội của đền Trần, nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách lại về dự hội để tưởng nhớ công lao của 14 vị Hoàng đế triều Trần và Đức Thánh Trần. Việc làm này thể hiện sự thành kính và lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã thiết lập một vương triều phong kiến thịnh trị và công lao đánh tan giặc Nguyên Mông – một đế quốc hùng mạnh nổi lên vào thế kỷ XII – XIII, vó ngựa đã từng chinh chiến khắp các miền Á - Âu.
2.2.3.2. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần
Ở nước ta duy nhất chỉ có lễ hội Đức Thánh Trần mở vào tháng Tám âm lịch là được diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau. Đền Cố Trạch (nền nhà cũ) lúc sinh thời ở đất Tức Mặc, đền Bảo Lộc là thái ấp được ban phong của gia đình ông cùng thuộc phủ Thiên Trường xưa. Đền Vạn Kiếp (Hải Dương) nơi ông từng đóng đồn đã sống và mất tại đây. Đền Trần Thương (Hà Nam) là kho lương dự trữ trong cuộc chiến đấu chống xâm lược. Tuy lễ hội diễn ra cùng một thời gian nhưng mỗi nơi cũng thu hút hàng vạn khách hành hương.
Phụng thờ các nhân vật lịch sử là công việc xưa nay nhân dân ta vẫn làm. Việc nâng con người có công lên thành vị Thánh ở các làng xã là việc làm thường xuyên, nó không phải là một tục lệ nữa mà là các đạo của một dân tộc. Chính vì vậy làng nào cũng có thánh. Những vị đứng đầu các môn phái là thánh tổ. Người sáng lập ra ngành nghề là
thánh sư. Các nhân vật nữ được thờ là thánh mẫu. Trần Hưng Đạo đã được thánh hóa theo cung cách ấy gọi là Đức Thánh Trần hay Đức Thánh Cha.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là tôn thất nhà Trần, là con thứ hai của An Sinh Vương Trần Liễu và gọi vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) là chú ruột. Quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường. Theo Trần triều thế phả hành trạng, thân mẫu của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Thiện Đạo Quốc Mẫu (tức Thuận Thiên công chúa, con gái cả vua Lý Huệ Tông).
Hiện nay chưa có tài liệu chính xác nào về ngày tháng năm sinh và khu lăng mộ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Còn ngày mất của Trần Quốc Tuấn được sử cũ ghi lại rất cụ thể, đó là ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 9 năm 1300) dưới triều vua Trần Anh Tông.
Đối với vương triều Trần, gia đình Trần Quốc Tuấn có mối quan hệ ruột thịt. Bố ông là Trần Liễu – anh ruột vua Trần Thái Tông; vợ ông là trưởng công chúa Thiên Thành – con gái vua Trần Thái Tông; con gái và cháu gái ông được lập làm hoàng hậu của hai triều vua. Các con trai Trần Quốc Tuấn đều được phong tước như Hưng Vũ Vương Nghiễn, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện và là những danh tướng có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Trần Quốc Tảng sau được phong lên tước Đại vương, truy tặng Thái uý. Cháu nội Hưng Đạo Đại Vương là Tư Đồ Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (con trai Trần Quốc Tảng) là trọng thần triều Trần Minh Tông. Các thành viên trong gia đình Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là đều giữ những vị trí quan trọng trong vương triều Trần.
Hưng Đạo đại vương Trần quốc Tuấn là vị Tiết chế, thống lĩnh đại quân trong ba lần chống bọn xâm lược Nguyên – Mông để bảo toàn nền độc lập của đất nước. Ông là một nhà quân sự thiên tài, một nhà chính trị lỗi lạc. Sự nghiệp và những cống hiến của Ngài đã sống mãi trong lòng dân tộc ta trong tiềm thức văn hóa dân gian Việt Nam. Sử thần Phan Huy Chú viết: “Danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương không mấy đời có; kiêm cả văn võ, thừa trí dũng, dựng nên công lao sự nghiệp kỳ vĩ mà giữ vững trung
nghĩa cùng một hàng với Quách Tử Nghi. Ông không những là anh hùng của một thời đại mà cho đến các bậc tướng thần cổ kim cũng ít tai bì kịp”
Không chỉ là một thiên tài quân sự mà Ngài còn là một tác gia nổi tiếng với những tác phẩm như: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Hịch tướng sỹ,… Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là người đã đưa ra chân lý bất hủ: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”, hay “dân vi bang bản”. Với những nguồn tư tưởng đó vị danh tướng một thời đã trở thành một vị Thánh, một vị Phúc thần của nhân dân và trở thành một niềm tin tâm linh, một tín ngưỡng nội sinh của dân tộc Việt.
Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là một hình thức tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam. Tín ngưỡng này được hình thành qua quá trình thánh hoá, thần hoá một nhân vật có thật trong lịch sử – anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong lịch sử, Trần Hưng Đạo là một vị anh hùng có công lớn với đất nước. Bước vào huyền thoại – trong tâm thức dân gian ông trở thành vị Thánh, vị Thần được nhân dân tôn thờ. Người là vị thần hộ mệnh, phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và giúp dân diệt trừ tà ma, chữa bệnh.
“Sinh vi tướng tử vi thần” – sinh làm tướng giúp dân giúp nước, chết làm thần giúp nước giúp dân – đó chính là tâm linh tôn giáo của nhân dân ta. Vì vậy sau ngày mất 20/8/1300 (âm lịch) của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân ở khắp mọi nơi trên cả nước đã về lập miếu thờ. Cũng vào dịp này, ngoài việc phong cho Trần Quốc Tuấn danh hiệu Thái sư thượng phụ thượng quốc công nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương, vua Trần Anh Tông còn phong cho Người làm Thượng đẳng phúc thần, xuân thu tế nhị, sắc cho các nơi phải chăm lo hương khói không bao giờ ngừng.