Tài nguyên đất.
Đất có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và phân bố ngành nông nghiệp, là tư liệu sản xuất trực tiếp của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tài nguyên đất của tỉnh Hải Dương khá phong phú, đa dạng, bao gồm đất phù sa, đất feralit.
Tỉnh Hải Dương có 84.900 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 54.421 ha, chiếm 64,1%. Trong đất nông nghiệp, diện tích đất trồng cây hàng năm là 83.124 ha, chiếm 78,66%, riêng đất lúa có 72.500 ha gieo trồng được 2 vụ, diện tích đất trồng cây lâu năm là 10.636 ha, chiếm 10%; diện tích đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là 7.276 ha, chiếm 6,88%. Diện tích đất trống, đồi trọc cần phủ xanh 7.396 ha, diện tích đất mặt nước chưa được khai thác là 1.364 ha.
Như vậy, tỉnh Hải Dương có tài nguyên đất khá phong phú, diện tích đất xấu, nghèo dinh dưỡng chiếm tỷ trọng thấp còn diện tích đất tốt, thuật lợi cho phát triển nông nghiệp thì chiếm tỉ trọng cao trong tổng diện tích đất tự nhiên của Tỉnh, là cơ sở để phát triển nông nghiệp với cơ cấu cây trồng đa dạng, đạt năng suất và hiệu quả lao động cao.
Khí Hậu
Hải Dương nằm trong vùng khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa đông bắc và chia làm bốn mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông). Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.300-1.700 mm. Đây là vùng có độ ẩm khá cao khoảng 80-90%. Nhiệt độ bình quân 23,30C, số giờ nắng trung bình 1600- 1700 giờ/năm. Khí hậu thời tiết thuận lợi cho phát triển nông nghiệp: có thể gieo trồng 3-4 vụ/năm, vụ đông có thể trồng các loại cây nhiệt đới và ôn đới: bắp cải, khoai tây...
Tài nguyên nước
Hải Dương có mạng lưới sông ngòi tự nhiên và sông nội đồng dày đặc, cùng với hàng nghìn ao hồ nhỏ. Hải Dương có 16 tuyến sông chính nối với các sông nhỏ;
các loại tàu, thuyền trọng tải 500 tấn có thể qua lại. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 12 tuyến sông do Trung ương quản lý như Sông Thái Bình, sông Thương, sông Luộc, sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn... Tổng chiều dài 274,5 km, trong đó có sông Thái Bình, sông Luộc là những tuyến đường thuỷ quan trọng của khu vực đồng bằng sông Hồng.
Sông nội đồng đa dạng, tổng chiều dài sông lớn đạt 5000km và trên 2000km sông nhỏ, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển.
Giao thông
Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương rất thuận tiện bao gồm nhiều tuyến đường bộ (Quốc lộ 5A, 188, 18...); đường sắt (tuyến Hà Nội - Hải Phòng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hòa qua 7 trạm trên dọc tuyến đường, tuyến đường này dự kiến sẽ sớm được nâng cấp hiện đại hơn) và đường thủy (tuyến đường thủy dài 400 km rất thuận tiện cho việc vận chuyển của các loại tàu bè có trọng tải khoảng 500 tấn; Cảng Cống Câu có công suất khoảng 300.000 tấn/năm; Hệ thống cảng thuận tiên có thể đáp ứng được các nhu cầu về vận chuyển đường thủy). Hải Dương gần 2 sân bay đó là: Sân bay quốc tế Nội Bài Hà Nội và Sân bay Cát Bi Hải Phòng, và có tuyến đường vận chuyển Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Quảng Ninh chạy qua.
Hệ thống giao thông như vậy rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế giữa tỉnh Hải Dương và các Tỉnh, thành khác trong và ngoài nước.Với ví trí địa lý thuận lợi như vậy, Hải Dương có nhiều cơ hội gia lưu, phát triển kinh tế đặc biệt là trong phát triển nông nghiệp.Các đơn vị hành chính: Hải Dương bao gồm 01 thành phố trực thuộc, 01 thị xã và 10 huyện:
Tài nguyên rừng.
Rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh Hải Dương tập trung ở thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn, với tổng diện tích đất lâm nghiệp là 10.630 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng 10.462,2 ha, chiếm 98,4% diện tích đất lâm nghiệp. Diện tích đất
lâm nghiệp phân theo đơn vị hành chính, chủ yếu ở thị xã Chí Linh chiếm 86,8%, huyện Kinh Môn chiếm 13,2%.
Diện tích rừng sản xuất 4.371,3 ha, trong đó diện tích có rừng 4.203,5 ha, gồm rừng trồng và các loại cây ăn quả (cây Vải). Hiện nay diện tích trồng vải mang lại hiệu quả kinh tế thấp đang có xu hướng chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp. Diện tích đất chưa có rừng 167,8 ha chiếm 1,6% diện tích đất lâm nghiệp, phân bố không tập trung ở cả 2 huyện, thị xã. Độ che phủ rừng chung cho 2 huyện, thị xã đạt 23,5%, trong đó: thị xã Chí Linh đạt 32,5%, huyện Kinh Môn đạt 7,8%.
Tài nguyên khoáng sản.
Tài nguyên khoáng sản của Hải Dương tuy không nhiều chủng loại nhưng một số có trữ lượng lớn, chất lượng tốt đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của Tỉnh, đồng thời cung cấp nguyên liệu cho trung ương và một số Tỉnh khác. Đá vôi ở huyện Kinh Môn, trữ lượng 200 triệu tấn, chất lượng tốt, CaCO3 đạt 90 – 97% cung cấp đủ nguyên liệu cho sản xuất sứ. Xi măng sản lượng 4 – 5 triệu tấn. Cao lanh ở Kinh Môn, Chí Linh trữ lượng 40 vạn tấn cung cấp đủ nguyên liệu cho sản xuất sứ trong Tỉnh và một số tỉnh khác. Sét chịu lửa ở huyện Chí Linh, trữ lượng 8 triệu tấn, chất lượng tốt cung cấp nguyên liệu sản xuất gạch chịu lửa trong tỉnh và một số tỉnh khác.