Điều kiện tự nhiên của tỉnh Bến Tre

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh bến tre luận văn ths kinh tế 60 31 (Trang 36 - 38)

Bến Tre là một tỉnh của đồng bằng Sông Cửu Long, được hợp thành bởi 3 cù lao lớn: An Hóa, Bảo và Minh do phù sa của bốn nhánh sông Cửu Long (Sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên) bồi tụ qua nhiều thế kỷ. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 2.315,01km2, phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía Tây và Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, có ranh giới bởi sông Cổ Chiên, phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển là 65 km.

Bến Tre có đường bộ nối từ thị xã Bến Tre đến Thành phố Hồ Chí Minh dài khoảng 86km.

Là một tỉnh châu thổ nằm sát biển, Bến Tre địa hình bằng phẳng, rải rác có những giồng cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, chỉ có một ít rừng ngập mặn ven biển và ở các cửa sông. Bốn bề đều có sông nước bao bọc, nên Bến Tre có một hệ thống đường thủy gồm những con sông lớn nối từ biển Đông qua các cửa sông chính (cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên), ngược về phía thượng nguồn đến tận biên giới Campuchia và một hệ thống sông ngòi chằng chịt như những mạch máu chảy khắp ba dãy Cù lao, rất thuận lợi cho giao thông vận tải cũng như thủy lợi. Tàu bè từ Thành phố Hồ Chí Minh đi về miền Tây và ngược lại đều qua đất Bến Tre.

Bên cạnh hệ thống đường thủy lý tưởng, Bến Tre còn có hệ thống đường bộ: đoạn quốc lộ 60 chạy từ phà Rạch Miễu (bên bờ sông Tiền) qua thị

xã Bến Tre, qua phà Hàm Luông, thị trấn Mỏ Cày, đến phà Cổ Chiên sang tỉnh Trà Vinh. Đoạn quốc lộ 57 từ thị trấn Mỏ Cày, qua thị trấn Chợ Lách sang tỉnh Vĩnh Long.

Ngoài ra, còn có các tỉnh lộ nối liền từ thị xã với các huyện trong toàn tỉnh.

Điều kiện tự nhiên của tỉnh Bến Tre thể hiện rõ qua các mặt sau: - Về đất đai:

Nhìn khái quát vị trí địa lý, Bến Tre là một dạng cù lao lớn ở cửa Sông Cửu Long hình thành do quá trình bồi tựu phù sa của những “đảo cửa sông”, một trong những dạng thức lấn biển của đồng bằng Sông Cửu Long qua hàng nghìn năm.

Từ sau năm 1975, công tác điều tra khảo sát đất đai của tỉnh được tiến hành trên một quy mô lớn. Qua kết quả khảo sát do chương trình điều tra cơ bản tổng hợp dòng Sông Cửu Long cấp nhà nước ở giai đoạn II (1984 - 1985), cho biết toàn tỉnh Bến Tre có 4 nhóm đất chính, cụ thể như sau.

+ Nhóm đất cát: trong đó chủ yếu là đất giồng, chiếm khoảng 14.248ha (6,4% diện tích toàn tỉnh), phân bổ chủ yếu ở 3 huyện ven biển (Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú). Ngoài ra nhóm đất này còn có rải rác ở một số nơi của huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm và thị xã Bến Tre. Trong thành phần hóa học của đất cát giồng, tỷ lệ sắt khá cao, ít chua, thiếu đạm, nghèo dinh dưỡng, độ mặn trong đất không cao.

+ Nhóm đất phù sa: chiếm diện tích 66.471ha (26,9% diện tích toàn tỉnh), tập trung ở các huyện vùng nước ngọt phía tây Chợ Lách, Châu Thành, bắc Giồng Trôm và bắc Mỏ Cày.

Đất phù sa ở Bến Tre có thành phần chủ yếu là sét (50 - 60%), đất thường hơi chua ở tầng mặt, tầng đất sâu có phản ứng trung tính. Nhóm đất này có độ phì vào loại thấp, nguồn đạm tốt, nhưng nguồn dự trữ lân không đủ.

+ Nhóm đất phèn: khoảng 15.127ha (chiếm tỷ lệ 6,74% diện tích toàn tỉnh), phân bổ rải rác trên toàn tỉnh. Nhóm đất phèn ở Bến Tre được chia làm hai nhóm phụ:

 Đất phèn tiềm tàng là đất phèn chưa bị hóa chua, chỉ có tầng sinh phèn, chưa có tầng phèn (3.286ha).

 Đất phèn tiềm tàng trung bình, tầng sinh phèn cạn từ 50 - 100cm; do tầng phèn sâu trên 50cm, nên không ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa.

+ Nhóm đất mặn: chiếm khoảng 96.739ha (43,11% diện tích toàn tỉnh), phân bổ tập trung ở các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.

Tóm lại, Bến Tre là tỉnh có tiềm năng dồi dào về đất đai (trên 66% diện tích thuộc loại thuận lợi, ít hạn chế) đối với các loại cây trồng chính. Các loại đất có nhiều hạn chế đối với một số cây trồng như lúa, dừa, cây công nghiệp ngắn ngày chỉ chiếm 19% diện tích.

- Về khí hậu:

Bến Tre nằm trong miền khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhưng nằm ngoài ảnh hưởng của gió mùa cực đới, nên nhiệt độ cao, ít biến đổi trong năm, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26O

C – 27OC.

Tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc từ tháng 12 đến tháng tư năm sau và gió mùa tây nam từ tháng 5 đến tháng 11, tạo thành hai mùa rõ rệt: mùa gió đông bắc là thời kỳ khô hạn, mùa gió tây nam là thời kỳ mưa ẩm. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1250mm - 1500mm

Tuy là tỉnh nằm tiếp giáp với biển Đông, nhưng Bến Tre ít chịu ảnh hưởng của bão, vì nằm ngoài vĩ độ thấp (bão thường xuyên xảy ra từ vĩ độ 15 độ bắc trở lên).

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh bến tre luận văn ths kinh tế 60 31 (Trang 36 - 38)