Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả, thì nhất thiết phải ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và quản lý. Vì khoa học trở thành động lực
mạnh mẽ trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm. Nên Ph.Ăng - ghen có nhận xét: “Khi xã hội có những nhu cầu về kỹ thuật thì nhu cầu này thúc đẩy khoa học hơn mười trường đại học” [26, tr.788].
Ở tỉnh Bến Tre, những năm trước đây do tâm lý, thói quen, điều kiện sản xuất... người dân đầu tư cây trồng, vật nuôi giống cũ, năng suất và chất lượng thấp nên tiêu dùng thật khó khăn. Những năm gần đây, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng giống mới đem lại hiệu quả cao; tuy nhiên việc ứng dụng này chưa rộng khắp. Do vậy từ nay đến năm 2010 và giai đoạn tiếp theo, để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, mang lại hiệu quả cao, đòi hỏi tỉnh phải nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ vào các ngành sản xuất, kinh doanh.
- Đối với nông nghiệp: tập trung tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sinh học và khoa học - công nghệ khác để phát triển giống tôm, cua, cá nước ngọt, lợ; bảo vệ nguồn lợi giống nghêu, sò, các đặc sản biển...
Du nhập và tuyển chọn giống mới, nhằm cải thiện nhanh các giống cây ăn trái theo hướng sạch bệnh và nâng cao chất lượng xuất khẩu; áp dụng nuôi cấy mô để sản xuất nhanh giống cây ăn trái mới, có chất lượng cao. Đổi mới giống lúa theo hướng phục vụ xuất khẩu; cải thiện chất lượng giống gia súc (heo, bò), gia cầm; ứng dụng chương trình IPM trong trồng trọt nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
- Đối với công nghiệp: cần ứng dụng công nghệ vừa và nhỏ, công nghệ tinh xảo để góp phần tạo ra chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã các loại sản phẩm truyền thống: kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng, chỉ xơ dừa, than thiêu kết, nước mắm... Ngoài ra cần áp dụng công nghệ trong chế biến thủy sản, chế biến đường RE, công nghệ sấy khô dòn, bột hương liệu cho bánh kẹo, nước giải khát trái cây, bảo quản tươi xuất khẩu...
- Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái. Bến Tre là tỉnh cuối nguồn sông Cửu Long, tài nguyên đa dạng phong phú, nhưng môi trường dễ bị ô nhiễm, do đó trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần giải quyết các vấn đề sau:
+ Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về luật bảo vệ môi trường, pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho nhân dân để mọi người nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành tham gia bảo vệ môi trường.
+ Tăng cường quản lý nhà nước theo luật và pháp lệnh trên, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lạm sát nguồn lợi thủy sản, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc thiếu đầu tư hệ thống chống ô nhiễm.
+ Phối hợp đồng bộ các ngành các cấp địa phương và nhân dân giải quyết các vấn đề chất thải, thoát nước, vệ sinh công cộng ở đô thị, khu dân cư tập trung.
+ Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để tạo những công nghệ xử lý phù hợp với từng loại hình sản xuất đặc thù của địa phương, phối hợp liên vùng trong hạn chế nhiễm mặn và sự cố ô nhiễm dầu.
- Nghiên cứu, vận dụng khoa học - xã hội và nhân văn:
Trên cơ sở nghiên cứu, điều tra xã hội học, nghiên cứu kinh tế, tìm ra các luận cứ khoa học cho các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội.
Về kinh tế, nghiên cứu các chính sách thu hút nguồn lực (vốn, chất xám) cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với các thành phần kinh tế...
+ Về xã hội, y tế, giáo dục, nghiên cứu các giải pháp hạn chế tệ nạn xã hội, phát triển toàn diện kinh tế, xã hội nông thôn; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nghiên cứu lịch sử, truyền thống, danh nhân văn hóa địa phương, bổ sung hoàn chỉnh địa chí Bến Tre.
- Tỉnh cần liên kết với các trường đại học, các viện nghiên cứu… nhằm đào tạo đội ngũ khoa học - công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh nhà; nâng cấp trung tâm dịch vụ cây trồng, vật nuôi; giao lưu giữa nhà sản xuất - nhà quản lý - nhà khoa học… nhằm cung cấp thông tin cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường góp phần sản xuất đúng hướng, có hiệu quả cao.
Tóm lại, vai trò khoa học - công nghệ rất quan trọng trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nên nhất thiết phải nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.