Trong thời gian tới, nền kinh tế của tỉnh vẫn phát triển theo hướng nông - ngư - công nghiệp chế biến và dịch vụ - thương mại. Do đó lĩnh vực nông nghiệp vẫn giữ vị trí hàng đầu. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương từ năm 1991 đến nay có bước phát triển khá, riêng nông - lâm - ngư nghiệp có sự lớn mạnh rõ rệt: giá trị từ 1.727.423 triệu đồng (1991), tăng lên 2.070.867 triệu đồng (1995), tiếp tục tăng 2.672.424 triệu đồng (2000) và 4.465.320 triệu đồng vào năm 2003; đồng thời tỷ trọng nông nghiệp trong GDP có giảm từ 71% (1991) xuống còn 63% (2003).
Tuy nhiên quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh nhà đang có nhiều vướng mắc đặt ra, như:
+ Nhiều nơi nông dân còn chậm ứng dụng giống mới, trồng những loại cây cho sản phẩm được thị trường ưa chuộng còn ít. Có thể dẫn chứng diện tích cây ăn quả đến năm 2003 đạt 39.760 ha, trong đó diện tích cây bưởi chỉ có 1544 ha và xoài 1601 ha; thực tế hiện nay bưởi và xoài thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả cao, nhưng chiếm tỷ trọng còn quá khiêm tốn.
+ Thị trường tiêu thụ hàng nông sản còn quá hạn hẹp, giá cả không ổn định làm cho nông dân kém phấn khởi không yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, như: giá sản phẩm cây công nghiệp năm 2001 là 105,89%, xuống còn 98,45% vào năm 2003; sản phẩm gia súc 100,98% (2001) xuống còn 97,71% (2003)...
+ Công nghiệp phục vụ nông nghiệp còn ít, khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển. Chẳng hạn như ngành chế biến đường của tỉnh, do giá cả đường xuống thấp, nhiều cơ sở chế biến không đi vào hoạt động,
không tiêu thụ hết lượng mía của nông dân, làm cho đời sống của những người trồng mía gặp rất nhiều khó khăn.
+ Sản xuất còn chưa cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi; mô hình trồng xen, nuôi xen chưa có nhiều. Đến năm 2003, giá trị trồng trọt chiếm tới 3.056.996 triệu đồng, trong khi đó chăn nuôi chỉ có 1.125.573 (theo giá hiện hành); cho nên cần có hướng phát triển chăn nuôi, nhất là những sản phẩm có giá trị cao, tiêu thụ mạnh.
+ Việc phối hợp thực hiện giữa 4 nhà chưa đồng bộ nên nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phần nhiều nông dân sản xuất tự phát, manh mún, không ổn định.
+ Một số nơi trong tỉnh chưa huy động hết sức dân trong việc phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng gắn với các công trình đầu mối nên việc khai thác hiệu quả của một số công trình thủy lợi chưa cao.
+ Mạng lưới giao thông mặc dù có phát triển, nhưng cấp độ đường vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa với số lượng lớn.
- Đồng thời với trồng trọt và chăn nuôi, thì lĩnh vực thủy sản đang đứng trước những trở ngại cần phải tháo gỡ, cụ thể như:
+ Sự phát triển thiếu đồng bộ giữa các khâu: cung cấp giống, sản xuất nguyên liệu và chế biến. Hiện tỉnh có 10 trại sản xuất tôm, cá giống, trong đó lượng tôm sú giống cung cấp hàng năm khoảng 10% nhu cầu tôm giống của nhân dân; lượng thủy sản nguyên liệu năm 2000 đạt 53.600 tấn nhưng công suất chế biến của các xí nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh chỉ đạt 6.330 tấn/năm.
+ Qui hoạch nuôi thủy sản chậm triển khai dẫn đến tình trạng người dân tự phát nuôi, không chú ý đến điều kiện nuôi trồng và kỹ thuật, là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh, thua lỗ.
+ Nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm do người dân khai thác bừa bãi, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng chưa được quan tâm; nhà nước chưa có biện pháp khả thi trong việc quản lý mùa vụ khai thác, các bãi sinh sản của một số loài thủy sản có giá trị như sò huyết, nghêu....
Để phát triển nền kinh tế của tỉnh nói chung và nông - lâm - ngư nghiệp nói riêng, cần phải quan tâm giải quyết những cản trở nêu trên, nó là cơ sở để các cấp hữu quan đề ra các chính sách quy hoạch, đầu tư, cơ chế quản lý, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và đạt hiệu quả cao.