Xây dựng quy hoạch phát triển cơ cấu ngành kinh tế ở tỉnh Bến Tre

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh bến tre luận văn ths kinh tế 60 31 (Trang 103 - 108)

Để có một cơ cấu kinh tế phù hợp thì điều trước tiên là phải có quy hoạch tổng thể về sự phát triển các ngành trên tất cả các địa bàn thuộc tỉnh Bến Tre. Dựa trên cơ sở điều tra cơ bản những tiềm năng kinh tế - xã hội và đặc điểm từng huyện mà xây dựng quy hoạch phát triển các ngành kinh tế của tỉnh.

- Về nông - lâm - ngư nghiệp:

Chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi cơ bản trong tỉnh từ nay đến 2010 như sau: diện tích lúa còn khoảng 29.000 ha, mía chỉ còn 8.000 ha, dừa vẫn ổn định 36.500 ha, cây ăn trái tăng lên đạt khoảng 45.000 ha, rau màu 5.500 ha; đàn heo đạt 370.000 con, đàn trâu bò đạt 73.000 con. Để thực hiện các chỉ tiêu trên, căn cứ vào điều kiện sinh thái của từng vùng, phân bổ cây trồng và vật nuôi vào 7 huyện và thị xã của tỉnh như sau:

+ Vùng ngọt: toàn bộ huyện Chợ Lách và các xã phía tây huyện Châu Thành, vùng này tập trung chuyên trồng cây ăn trái như: sầu riêng, chôm chôm, xoài, cam, chanh, quýt, bưởi, măng cụt, ca cao, vườn dừa kết hợp xen cây ăn trái; hoàn thiện, phát triển nghề sản xuất cây giống có uy tín và chất lương cao. Chú trọng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hộ gia đình và nuôi tôm, cá nước ngọt trong mương vườn.

+ Vùng lợ: từ các xã Bình Thạnh - Thạnh Phú, Hương Mỹ - Mỏ Cày trở lên tiếp giáp huyện Chợ Lách, định hướng vùng này: vườn dừa giữ ổn định, thâm canh tăng năng suất, tỉa thưa trồng xen các cây: chanh, quýt, bưởi, ca cao. Các xã phía tây Mỏ Cày loại bỏ vườn kém hiệu quả chuyển sang phát triển chuyên canh cây cam sành, bưởi da xanh, bưởi năm roi, bưởi đường.

Vùng đất được ngọt hóa ở phía tây Mỏ Cày trồng lúa, mía, kết hợp chăn nuôi.

Các xã cánh tây huyện Châu Thành giữ ổn định vườn dừa, phát triển cây ăn trái chất lượng cao, ổn định diện tích lúa, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại.

 Khu vực thị xã Bến Tre:

Ổn định vườn dừa chung quanh thị xã, tỉa thưa trồng xen các cây có múi, ca cao; phát triển dừa dứa, dừa sáp để phục vụ khách du lịch; phát triển vườn cây ăn trái, rau xanh ở ngoại ô thị xã.

 Huyện Giồng Trôm:

Ở các xã Phong Nẫm, Phong Mỹ, Lương Hòa, Lương Quới bố trí hai vụ lúa một vụ màu. Các xã còn lại trồng ba vụ lúa trong năm kết hợp trồng nấm rơm. Cây mía dự kiến trồng ở các xã Hưng Lễ, Thạnh Phú Đông, Tân Lợi Thạnh, Tân Hào, Châu Bình; phát triển cây ăn trái ở các xã dọc sông Hàm Luông. Các vườn dừa hiện có ở các xã nên tỉa thưa trồng xen cây có múi, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm... Bên cạnh trồng trọt, cần phát triển chăn nuôi như đàn bò Lai sind, heo hướng nạc, nuôi xen tôm, cá.

 Huyện Ba Tri:

Tập trung phát triển vùng lúa chuyên canh 3 vụ hoặc 2 vụ lúa 1 vụ màu ở những vùng đã được thủy lợi ngọt hóa.

Các xã đất cát giồng trồng các loại cây: nhãn xuồng, sapô, bắp lai, tre lấy măng, rau màu các loại.

Ổn định diện tích dừa ở cánh tây xã Tân Hưng; giữ vững diện tích mía ở các xã Tân Xuân, Tân Mỹ và Mỹ Hòa.

Phát triển mạnh đàn bò Lai sind, heo, gia cầm với quy mô gia đình, nơi có điều kiện; kết hợp nuôi tôm, cá đồng xen trong ruộng lúa.

 Cù lao An Hóa:

- Bốn xã phía tây huyện Bình Đại: Long Hòa, Long Định, Châu Hưng, Phú Thuận cần ổn định cây lúa kết hợp hoa màu, phát triển nhãn, chăn nuôi heo, bò, gia cầm, nuôi tôm, cá đồng và các loài thủy đặc sản.

- Vùng giữa huyện Bình Đại: ổn định diện tích dừa, trồng thêm các loại xoài, quýt, bưởi chất lượng cao; phát triển chăn nuôi gia cầm, nuôi tôm, cá các loại.

+ Vùng mặn:

 Huyện Bình Đại, gồm các xã: Bình Thới, Bình Thắng, Thị Trấn, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận.

 Huyện Ba Tri gồm các xã: Tân Thủy, An Thủy, Bảo Thuận, Bảo Thạnh.

 Huyện Thạnh Phú gồm các xã: An Thạnh, An Thuận, An Qui, An Nhơn, An Điền, Mỹ An, Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải.

Khu vực này cần tập trung nuôi tôm sú theo quy hoạch thủy sản, trồng rừng phòng hộ ven biển; chuyển đất trồng lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, dự kiến diện tích muối chỉ còn 500 ha ở xã Bảo Thạnh. Diện tích đất giồng cát quy hoạch trồng các loại cây ăn trái, bắp, dưa hấu, cây họ đậu. Vùng mặn chăn nuôi gia súc, gia cầm ít thuận lợi, riêng dê, cừu có thể phát triển nuôi đàn lớn.

- Về công nghiệp:

Song song với qui hoạch nông nghiệp, thì ngành công nghiệp tỉnh Bến Tre cũng phải bố trí, qui hoạch theo hướng hợp lý, đem lại hiệu quả cao.

Qui hoạch công nghiệp tỉnh xuất phát từ quan điểm:

 Phải phù hợp với qui hoạch tổng thể phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam.

 Lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo chính.

 Phát triển công nghiệp tỉnh phải đi đôi với phát triển nguồn nhân lực; phải dựa vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ.

 Phát triển công nghiệp theo hướng xuất khẩu, nhưng không coi nhẹ thị trường trong nước.

Với quan điểm trên, từ nay đến năm 2010 cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp dệt may - da giầy, công nghiệp chế tạo máy và gia công kim loại, công nghiệp hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng...

Cụ thể nội dung qui hoạch phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh như sau:

 Trước hết, là qui hoạch phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, hải sản đến năm 2010. Trong đó, công nghiệp chế biến dừa, cần đầu tư chiều sâu cho các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa tại Mỏ Cày, với tổng số vốn 24 tỷ đồng; đầu tư cho các cơ sở chế biến cơm dừa nạo sấy khoảng 20 tỷ đồng, đầu tư nâng công suất các nhà máy cơm dừa hiện có, nâng công suất lên 3000 tấn/năm với vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, nâng nhà máy sữa dừa 5000 tấn/ năm vốn đầu tư 10 tỷ đồng.

Đối với công nghiệp chế biến hải sản, đến năm 2010, phải hoàn chỉnh các nhà máy chế biến thức ăn tôm ở Bình Đại 1.000 tấn/năm; nhà máy chế biến cá xay, chả cá, công suất 2.000 tấn/năm ở địa bàn Ba Tri (hoặc Bình Đại), kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất 4.000 tấn/năm, tại khu công nghiệp của tỉnh. Ngoài ra đầu tư phát triển 3 nhà máy chế biến thủy sản khô, công suất từ 1.000 đến 1.500 tấn ở ba huyện Bình Đại,

Ba Tri, Châu Thành. Tổng số vốn đầu tư cho các nhà máy chế biến hải sản khoảng 71 tỷ đồng.

Về công nghiệp chế biến đường, từ đây đến 2010 đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để nâng cấp nhà máy đường hiện có, tạo sản phẩm chất lượng cao nhằm xuất khẩu. Đầu tư xây dựng nhà máy bánh, kẹo với công suất 1000 tấn/năm, với vốn đầu tư khoảng 6 tỷ đồng.

Công nghiệp chế biến trái cây từ đây đến 2010 theo qui hoạch phát triển như sau: đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nước trái cây, công suất 5 triệu lít/năm, vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng, tại huyện Châu Thành; xây dựng nhà máy chế biến nước trái cây cô đặc 5.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 75 tỷ đồng, địa điểm tại huyện Chợ Lách. Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mức trái cây công suất 6.000 tấn/năm, vốn khoảng 16 tỷ đồng, xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản, công suất 15.000 tấn/năm, vốn khoảng 30 tỷ, tọa lạc tại thị xã Bến Tre; kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm, công suất khoảng 1.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.

Các ngành chế biến hạt điều, xay xát lúa gạo, chế biến thức ăn gia súc; công nghiệp chế biến gỗ, công nghiệp dệt may - da giầy, công nghiệp cơ khí, hóa chất... phát triển theo qui hoạch và đề án đã được phê duyệt.

- Về thương mại - dịch vụ

Tỉnh Bến Tre đã có qui hoạch phát triển thương mại của tỉnh đến năm 2010, được sử dụng làm cơ sở cho qui hoạch chi tiết của ngành thương mại. Tuy vậy hiện nay đang có nhiều nhân tố mới tác động đến phát triển của ngành thương mại như hội nhập kinh tế thế giới và khu vực. Chính phủ, các ngành trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về phát triển xuất khẩu... Do vậy, đòi hỏi phải bổ sung qui hoạch phát triển thương mại phù hợp, thích ứng với mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2010.

+ Chương trình phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006 - 2010: tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu sản xuất hàng xuất khẩu đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng dần khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa của tỉnh để chủ động hội nhập kinh tế.

+ Chương trình phát triển nội địa và phát triển chợ 2006 - 2010: từ nay đến 2010 hoạt động mua bán hàng hóa qua mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Do đó trung tâm thương mại và siêu thị cần được qui hoạch, cải tạo và phát triển. Cụ thể từ 2001 - 2010 đầu tư 147 chợ và trung tâm thị xã, huyện thị và chợ nông thôn.

+ Chương trình phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa: trong thời gian qua sản lượng hàng hóa trong tỉnh tăng nhanh, nhưng tiêu thụ rất chậm, vì phần lớn người sản xuất hầu như chưa gắn với tổ chức thị trường, tổ chức lưu thông hàng hóa, do đó phải có chương trình phát triển xúc tiến thương mại là hỗ trợ các doanh nghiệp, các làng nghề tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm và thị trường xuất khẩu.

Tóm lại, để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo sự phát triển cân đối, phù hợp với từng vùng thì nhất thiết phải tiến hành qui hoạch, trên đây là những nội dung cơ bản qui hoạch phát triển kinh tế của tỉnh từ nay đến 2010.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh bến tre luận văn ths kinh tế 60 31 (Trang 103 - 108)