Miễn dịch trong bệnh đầu đen

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bệnh đầu đen do đơn bào Histomonas meleagridis gây ra ở gà tại Thái Nguyên, Bắc Giang và biện pháp phòng trị (Trang 42 - 44)

Lee D. L. và cs. (1969) [78] cho biết, sau khi đơn bào H. meleagridis xâm nhập vào lớp mô đệm niêm mạc của manh tràng, bạch cầu heterophile bắt đầu xuất hiện và bao vây đơn bào. Đơn bào tiết enzyme histolytic để tấn công lại các bạch cầu heterophile và thực bào chúng. Sau đó, H. meleagridis tiếp tục theo máu di chuyển đến gan và ký sinh ở gan. Khi H. meleagridis tới ký sinh ở gan thì số lượng bạch cầu trong máu tăng, đồng thời số lượng heterophile ở lớp mô hạ niêm mạc của manh tràng giảm. Từ khi H. meleagridis xuyên qua lớp mô đệm niêm mạc, vào niêm mạc và theo tĩnh mạch cửa di chuyển đến gan thì số lượng tế bào lympho trong máu tăng và chỉ trở lại mức bình thường trước khi gia cầm chết. Đại thực bào xuất hiện, bao vây để tiêu diệt đơn bào trong suốt quá trình nhiễm bệnh, tế bào khổng lồ và tế bào plasma xuất hiện ở giai đoạn cuối của bệnh. Theo tác giả, những gia cầm bị Histomonosis mà sống sót, thì cơ thể sẽ có kháng thể kháng lại H. meleagridis. Tuy nhiên, lượng kháng thể đã sản sinh ra không đủ để gia cầm có sức miễn dịch với bệnh này.

Theo Hess M. và cs. (2008) [65], phòng ngừa bằng cách tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch vắc xin chế tạo từ H. meleagridis không tạo được miễn dịch bảo vệ gia cầm chống lại Histomonosis. Ngược lại, truyền vào lỗ huyệt gia cầm đơn bào H. meleagridis đã giảm độc lực, sẽ kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch đủ để bảo vệ gia cầm không tái nhiễm Histomonosis. Tuy nhiên, miễn dịch được tạo ra sẽ giảm dần theo thời gian, đến một lúc nào đó cơ thể gia cầm không đủ sức chống lại sự tấn công của mầm bệnh. Để giúp gia cầm tiếp tục được bảo vệ một cách hiệu quả, cần có các đợt truyền nhắc lại qua lỗ huyệt để nâng cao hiệu giá kháng thể phòng H. meleagridis.

Tyzzer E. E. (1934) [125] cho rằng, sau khi nuôi cấy H. meleagridis trong môi trường nhân tạo một thời gian dài, lượng dinh dưỡng trong môi trường nuôi cấy giảm có thể tác động tới khả năng xâm lấn của đơn bào, đơn bào sẽ không xuyên qua được niêm mạc để di chuyển tới gan, do đó không gây ra bệnh nhưng sẽ tạo được phản ứng miễn dịch. Hoặc, do chất dinh dưỡng trong môi trường nuôi cấy thay đổi cũng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của H. meleagridis, đơn bào này sẽ không nhân lên đủ số lượng để gây bệnh, do đó sẽ tạo được miễn dịch cho cơ thể. Dựa vào những đặc điểm trên, người ta có thể nghiên cứu về biện pháp phòng bệnh H. meleagridis hiệu quả.

Powell F. và cs. (2007) [108] cho rằng, tỷ lệ mắc Histomonosis ở gà và gà tây khác nhau là do phản ứng miễn dịch của các loài thuộc bộ gà khác nhau. Khi đơn bào xâm nhập và bắt đầu gây tổn manh tràng, ở gà xuất hiện miễn dịch bẩm sinh thông qua phản ứng viêm. Tiếp theo là phản ứng Th2 IL-13 có tác dụng để cản trở sự di chuyển của đơn bào vào gan. Khi đơn bào đến gan, phản ứng miễn dịch Th2 xuất hiện để tiêu diệt đơn bào, do đó có tác dụng ngăn ngừa các tổn thương ở gan phát triển. Ngược lại, ở gà tây không có một phản ứng miễn dịch bẩm sinh hiệu quả nào để cản trở sự di chuyển của các đơn bào vào gan. Do đó, gà tây bị bệnh manh tràng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, đồng thời đơn bào sẽ di chuyển về gan với số lượng lớn, gây tổn thương nghiêm trọng ở gan.

Powell và cs. (2009) [109] cho biết, tham gia vào đáp ứng miễn dịch chống lại

H. meleagridis ở gia cầm, ngoài miễn dịch dịch thể còn có miễn dịch tế bào với sự tham gia của các tế bào lympho T, interleukin.

Theo Windisch M. và Hess M. (2009) [134], phương pháp ELISA gián tiếp được coi là công cụ hữu ích để phát hiện kháng thể chống lại H. meleagridis trong cơ thể gia

cầm. Bằng phương pháp này, tác giả đã xác định được kháng thể IgG bắt đầu xuất hiện trong huyết thanh gà 2 tuần sau gây nhiễm và liên tục tăng đến 6 tuần sau gây nhiễm.

Windisch M. và Hess M. (2010) [135] đã gây nhiễm H. meleagridis cho gà khỏe để nghiên cứu khả năng đáp ứng miễn dịch của gà với Histomonosis. Kết quả, tổn thương nghiêm trọng đã được thấy ở manh tràng của tất cả những gà thí nghiệm khi mổ khám lúc 7 và 14 ngày sau gây nhiễm. Bằng phương pháp ELISA, tác giả đã xác định kháng thể IgG bắt đầu xuất hiện trong huyết thanh gà 14 ngày sau gây nhiễm, IgA và IgM xuất hiện trong huyết thanh gà ở 4 tuần sau gây nhiễm. Xét nghiệm các mẫu mô manh tràng tổn thương cho thấy, phản ứng miễn dịch thể hiện rất mạnh ở manh tràng với sự xuất hiện kháng thể IgM, IgG ở mức cao, và tăng liên tục kháng thể IgA.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bệnh đầu đen do đơn bào Histomonas meleagridis gây ra ở gà tại Thái Nguyên, Bắc Giang và biện pháp phòng trị (Trang 42 - 44)