Một số kĩ năng cần thiết cho học tập

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NGƯỜI HỌC, CẬP NHẬT KIẾN THỨC, KỸ NĂNG, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ (Trang 73 - 78)

VI. NHỮNG VIỆC ÔNG, BÀ, CHA, MẸ CẦN CHUẨN BỊ CHO TRẺ TRƯỚC KHI ĐI HỌC LỚP

4. Một số kĩ năng cần thiết cho học tập

Thời gian trẻ mới vào lớp 1, cha mẹ cần chú ý rèn kỹ năng học tập, đặc biệt là tư thế ngồi học của trẻ. Việc này cần thật kiên nhẫn. Cha mẹ phải nhắc đi nhắc lại hàng nghìn lần trẻ mới thành thói quen được. Bởi vì hầu hết trẻ khi viết đều co rúm người lại, người cong vẹo sang một bên, ghì bút thái quá và áp sát mặt xuống khi viết. Chỉ cần cha mẹ hoặc cô giáo lơ đi một chút là trẻ thành thói quen không tốt, sau không sửa được. Thói quen này ảnh hưởng rất xấu tới thị lực

Điều quan trọng trong việc rèn viết ban đầu cho trẻ không phải là vở sạch chữ đẹp mà là kỹ năng cầm bút, thả lỏng cổ tay, không căng cứng toàn thân, ngồi viết đúng tư thế, để sách thẳng, đầu ngẩng cao.

Để có thể học tốt và hứng thú học tập, trẻ cần được tập cầm bút, luyện tập cơ tay để khi tập viết lâu không cảm thấy mỏi. Cha mẹ hãy tập cho trẻ tính tự lập, tập ngồi bàn học đúng tư thế… Ở bậc mầm non trẻ đã nhận biết được bảng chữ cái, đã biết cách sử dụng bút, biết viết các nét chữ cơ bản. Cha mẹ cùng tập viết với con. Cha mẹ tìm hiểu và sưu tầm những cuốn vở tập tô hiện đang có bán trên thị trường để tập tô lại cùng con. Trẻ được làm quen với các đường nét cơ bản như nét cong, nét móc, nét thắt… sẽ tránh được nhiều bỡ ngỡ khi vào lớp 1. Bên cạnh đó, sau khi học trên lớp, về nhà, gia đình phải thường xuyên kèm cặp con em mình.

Tư thế ngồi và cầm bút đúng:

Tư thế ngồi

1. Tư thế ngồi viết phải thoải mái, không gò bó. 2. Khoảng cách từ mắt đến vở 25 -30 cm.

3. Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi, ngực cách mép bàn ít nhất 1cm, tránh tì ngực vào bàn dễ mắc bệnh tim phổi.

4. Hai chân thoải mái, không chân co chân duỗi, gập thành vuông góc.

5. Đầu cúi, hơi nghiêng.

5. Tay trái giữ chặt mép vở cho khỏi xô lệch, đồng thời làm điểm tựa cho trọng lượng nửa người bên trái. Tay trải cầm bút theo quy định. 6. Ánh sáng phải đủ độ và thuận chiều, chiếu từ bên trái sang.

Cách cầm bút đúng

1. Tay phải cầm chắc bút bằng 3 ngón tay (cái, trỏ, giữa). Đầu ngón trỏ cách đầu ngòi bút chừng 2,5cm.

2. Mép bàn tay là điểm tựa của cánh tay phải khi đặt bút xuống bàn viết .

3. Lúc viết, điều khiển cây bút bằng các cơ cổ tay và các ngón tay. 4. Không để ngửa bàn tay quá, tạo nên trọng lượng tì xuống lưng của hai ngón tay út va áp út (ngón deo nhẫn).

5. Ngược lại không úp quá nghiêng bàn tay về bên trái (nhìn từ trên xuống thấy cả 4 ngón tay: trỏ, giữa, áp út và út).

6. Cầm bút xuôi theo chiều ngồi. Vở nên để hơi chếch về bên trái từ 15-20 độ so với mép bàn. Bút nghiêng so với mặt giấy khoảng 45 độ. Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ.

7. Đưa bút từ trái qua phải từ trên xuống dưới các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải thật nhẹ tay, không ấn mạnh đầu bút vào mặt giấy.

8. Ở giai đoạn viết chì, cần chuẩn bị chu đáo cho đầu nét chì hơi nhọn đúng tầm. Nếu quá nhọn dẫn đến nét chữ quá mảnh, đôi khi còn chọc thủng giấy. Ngược lại, đầu nét chì quá “tù”, nét chữ quá to, chữ viết ra rất xấu.

Sau một thời gian trẻ viết bút chì sẽ chuyển sang viết bút mực. Chính vì vậy, việc chọn bút cho trẻ rất quan trọng. Lựa chọn bút viết cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

• Bút không quá dài hoặc quá ngắn khoảng 13 cm là vừa phải;

• Bút không to hoặc nhỏ quá nhất là chỗ tay cầm bút đường kính 7 mm là vừa;

• Phần ngòi bút và lưỡi gà cắm vào cổ bút phải vừa khít không quá rộng hoặc quá chật. Phần ngòi bút không được mềm quá dễ bị hỏng;

• Các bộ phận khác của bút phải đảm bảo cho việc hút mực, giữ mực và ra mực đều;

• Toàn bộ trọng lượng cây bút không được quá nặng hoặc quá nhẹ (khoảng 8 đến 10g/1 cây bút là vừa).

Cách viết bút mực:

Cầm bút bằng 3 ngón tay, bút được kẹp ở giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa ngón giữa đỡ phía dưới chỗ tay cầm, ngón trỏ ở phía trên chỗ tay cầm ngón cái giữ bút ở phía ngoài.

Giữ bút nghiêng khoảng 45 độ so với mặt giấy về phía người viết và tạo một góc 15 độ so với dòng kẻ dọc của trang giấy, bút đặt úp ngòi.

Cổ tay thẳng thoải mái với cánh tay. Điều khiển bút cơ bản bằng 3 ngón tay theo cử động lên xuống nhẹ nhàng.

Bút chỉ viết một chiều, không tỳ mạnh tay nhất là những nét từ dưới đưa lên. Mỗi buổi tối, cha mẹ yêu cầu trẻ tự chuẩn bị đủ đồ dùng học tập, sách vở theo thời khoá biểu cho ngày hôm sau. Tập cho bé thói quen giờ nào việc nấy, tuân thủ các yêu cầu giờ học, tập trung chú ý lắng nghe cô dặn dò sau mỗi buổi học và về thông báo ngay cho bố mẹ. Cha mẹ cũng giúp trẻ xếp lịch cụ thể những việc cần làm mỗi buổi tối… và nhớ đừng làm hộ mà để trẻ tự làm thì trẻ sẽ có ý thức tốt hơn

Trong thời gian con học, cha mẹ nên xen kẽ các hoạt động vui chơi, có tính chất nghỉ ngơi, thư giãn. Để tạo hứng thú cho trẻ, cha mẹ có thể cùng chơi với trẻ những trò chơi học tập, giúp trẻ làm quen với con số, chữ viết, nhận biết các ký hiệu toán học.

Ngoài ra, cha mẹ nên tập cho trẻ tự giác trong việc ăn bán trú, ngủ bán trú ở trường. Tập cho trẻ tự lập, biết cách giải quyết các vấn đề phát sinh khi không có bố mẹ ở bên cạnh như: nóng biết cởi bớt áo, lạnh biết mặc thêm áo, đau bụng, ngã,... thì nhờ sự giúp đỡ của ai,.... Mặc dù ở lớp mẫu giáo 5 tuổi, trẻ đã được rèn luyện tính tự lập, tự giác, biết tự phục vụ, tuy nhiên vẫn luôn có 1-2 cô giáo ở bên giúp đỡ trẻ.

Cha mẹ giúp trẻ làm quen dần và thành thạo với việc sử dụng cặp xách, cách sắp xếp tập vở, đồ dùng vào cặp, cách giở sách, tập vở, cách sử dụng bút, đồ dùng học tập... Tạo cho trẻ thói quen tự phục vụ, như: đeo cặp xách, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân...

Phụ huynh cũng cần tập cho trẻ biết tự lau chùi gọn và sạch khi đi vệ sinh nhằm đảm bảo sức khỏe cho bé. Buổi học đầu tiên của trẻ ở trường, cha mẹ nên chỉ cho trẻ khu vực nhà vệ sinh, hướng dẫn trẻ cách đi vệ sinh ở trường.

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NGƯỜI HỌC, CẬP NHẬT KIẾN THỨC, KỸ NĂNG, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ (Trang 73 - 78)