VI. NHỮNG VIỆC ÔNG, BÀ, CHA, MẸ CẦN CHUẨN BỊ CHO TRẺ TRƯỚC KHI ĐI HỌC LỚP
3. Chuẩn bị về tâm lý
Chuẩn bị về mặt trí tuệ cho trẻ vào lớp 1 có nghĩa là chuẩn bị cho trẻ tâm thế sẵn sàng đi học cũng như tập cho trẻ làm quen với những sinh hoạt gần gũi với hoạt động học tập. Chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1 không chỉ có quần áo, sách vở, cặp bút, dụng cụ học tập mà phải chuẩn bị tâm lý cho trẻ, để trẻ bước vào lớp 1 đầy háo hức đón chờ một sự thay đổi nhiều điều mới lạ. Bởi lẽ trẻ có háo hức muốn khám phá điều mới lạ thì trẻ mới ham thích đến trường, mới say sưa tìm tòi để khám phá thế giới xung quanh. Đây là động cơ tốt. Ở mầm non, trẻ chủ yếu được chơi còn lên lớp 1 thì hoạt động học là chủ yếu. Định hình dần dần trong trẻ ý thức về việc học sẽ nhiều hơn chơi, khác xa với trường mầm non. Đó là một việc làm vô cùng quan trọng mà cha mẹ phải định hướng, tác động vào suy nghĩ của trẻ.
Sự phát triển về tâm lí là tiền đề quan trọng cho việc học và phát triển toàn diện nhân cách của trẻ. Chính việc phát triển tính tự tin, tự trọng, thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập; khả năng tập trung, chấp hành những qui định chung và sự
chỉ dẫn của người lớn (phù hợp với lứa tuổi của trẻ) là vô cùng thiết yếu giúp trẻ học tập tốt ở khi vào lớp 1. Khi trẻ tự tin vào chính bản thân mình, trẻ sẽ học được cách chủ động độc lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ đến cùng. Vì vậy hãy để trẻ tự làm và phụ huynh chúng ta phải động viên, khích lệ trẻ.
Sở dĩ nhiều trẻ gặp khó khăn khi chuyển từ lớp mẫu giáo 5 tuổi lên lớp Một là do trẻ thấy ngôi trường mới quá xa lạ. Vì vậy, trong mùa hè trước năm học, cha mẹ hãy dắt trẻ đến tham quan và làm quen với ngôi trường mới.
Khi đã quyết định cho bé vào học ở một trường tiểu học nào đó, cha mẹ cần nói cho trẻ biết những điều đã tìm hiểu về trường lớp, như thầy cô, học sinh hay những thành tích, những bề “nổi”... của trường. Cha mẹ cần cho trẻ
quan sát ngôi trường từ ngoài và làm quen dần trước khi vào những ngày chuẩn bị đi học chính thức. Tham quan trường để trẻ quen dần với môi trường học tập mới. Dẫn trẻ tham quan trường, lớp học vài lần trước khi trẻ vào học. Hãy chỉ cho trẻ về những cảnh vật trong ngôi trường để các em cảm thấy đây là môi trường gần gũi và thân thiết của mình. Có thể nói, đây là giai đoạn chuyển tiếp vô cùng quan trọng của trẻ nên cha mẹ cần hết sức lưu tâm đến các em trong thời gian này. Từ đây tạo cho trẻ tình yêu với ngôi trường mới. Trẻ sẽ thấy trường học, con đường đến trường đều rất quen thuộc.
Học sinh trường Tiểu học Bảo An 2, Ninh Thuận trong ngày khai trường
Khi ở nhà bố mẹ nên tạo cho trẻ một góc học tập đẹp (chú ý không đặt gần tivi dễ gây mất tập trung) cũng như việc tập cho trẻ ngồi vào bàn để thực hiện một nhiệm vụ nào đó trong một thời gian nhất định (ví dụ cho trẻ vẽ, hoặc tô màu, xé dán các bức tranh, chơi
các trò chơi như tìm điểm chung giống nhau giữa hai hình, các trò chơi lắp ráp,....) với thời gian tăng dần để trẻ hình thành thói quen ngồi tập trung một chỗ trong vòng từ 30-40 phút. Điều này giúp cho trẻ khi bước vào lớp 1 có thể tập trung ngồi học một tiết học mà không thấy áp lực, khó chịu.
Góc học tập có bàn ghế ngồi vừa cho trẻ, không gian thoáng mát; ánh sáng phải đủ để đọc sách (tốt nhất phải dùng đèn chống cận thị); Tủ đựng sách vở gọn gàng, có lịch học tập nghiêm túc. Làm cho trẻ biết kiềm chế
dần tính hiếu động, bột phát để chuyển thành tính kỷ luật, nền nếp, chấp hành nội quy học tập.
Cha mẹ nên cho trẻ làm quen với chữ và số. Cho các em chỉ tập tô chữ, tô số trong khoảng thời gian chừng 30 phút vì tay trẻ còn yếu, rất nhanh mỏi. Hướng dẫn trẻ trao đổi về một vấn đề nhỏ nào đó với bạn bè, giúp trẻ tập nói cho trọn vẹn một câu, một ý, tập kể chuyện sao cho rõ ràng, lưu loát... Rèn cho trẻ khả năng tập trung, lắng nghe, sự tự tin, dám phát biểu, mạnh dạn trước tập thể, hòa nhập tốt với bạn bè.
Phụ huynh tạo thời gian cho con thích nghi, thậm chí con chưa làm hết bài tập cũng không sao cả vì tùy theo tốc độ học, khả năng tiếp thu của mỗi trẻ khác nhau nên phụ huynh lưu ý không nên ép con mà tạo hứng thú cho con học bài. Ngược lại trẻ sẽ sợ đi học. Học nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ không cảm thấy bị áp lực, căng thẳng và mệt mỏi. Một điều nữa, nhiều bậc phụ huynh trước đó đã tạo cho
trẻ bao nhiêu kỳ vọng rất tuyệt vời như đi sắm quần áo mới, ba lô đẹp để đi học khiến trẻ ảo tưởng rất lớn về trường lớp. Nhưng khi đến lớp, trẻ cảm thấy không được như sự kỳ vọng của chúng nên chúng cảm thấy chán nản, sợ đi học, bị rối nhiễu tâm lý, chống đối, bướng bỉnh, có thể trầm cảm và thiếu tự tin. Làm sao tạo cho trẻ niềm vui, sự háo hức muốn được đi học.
Những ngày đầu bé đi học cha mẹ nên đến đón đúng giờ và hướng dẫn cho bé cách tìm thấy vị trí cha mẹ đứng chờ. Đặc biệt để ý đến sự tương tác giữa bé và cô, bé và bạn bè. Sau mỗi buổi đón con ở trường về nên hỏi: “Hôm nay con học được những gì? Ở lớp có chuyện gì vui không?” thay vì hỏi “Con được mấy
điểm?” để tránh gây áp lực cho trẻ. Thêm vào đó không bao giờ đem thầy cô và việc đi học ra dọa trẻ. Hãy gieo vào lòng trẻ niềm sau mê học tập bằng những lời nói đơn giản như: “Con ngoan sẽ được đi học; Con ngoan sẽ được vào lớp 1…” trẻ sẽ cảm thấy đi học là niềm vui là đam mê và hạnh phúc.
Để trẻ không bị áp lực về mặt tâm lí khi bước vào lớp 1, các bậc phụ huynh cũng nên: Khảo sát trường trước khi cho con vào lớp đầu cấp, nhất là lớp 1 để biết quan điểm giảng dạy, phương pháp giáo dục để từ đó có những phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục trẻ; Không nên quá lo lắng cho con và hãy đặt niềm tin vào cô giáo chủ nhiệm; Chủ động bày tỏ một cách tế nhị với cô giáo về những lo lắng của mình đối với con, đề xuất với cô hướng xử lí (VD: ở nhà con cũng ăn ít nên xin cô cho con ăn suất ít hơn bạn không con có cảm giác sợ ăn; con nhát nên đề nghị cô cho con tham gia phong trào tập thể...); Dạy con biết yêu cô, yêu bạn để có niềm vui khi tới trường; Một điều nên tránh là dù có thể phụ huynh thấy cô giáo sai thì cũng không nên chỉ trích cô trước mặt con.