THẾ MÀ LẠI HAY!

Một phần của tài liệu skkn đổi mới tổ CHỨC lớp học lí LUẬN về THỂ LOẠI KỊCH THEO HƯỚNG sân KHẤU hóa, NHẰM PHÁT HUY NĂNG lực, PHẨM CHẤT NGƯỜI học (Trang 106 - 115)

II- Thiết kế giáo án và việc tổ chức dạy học

THẾ MÀ LẠI HAY!

Cảnh 1: Ngoài đường, ngoài chợ... Đoàn người đói rách lũ lượt kéo nhau đi, xác chết ngổn ngang...

Những người đói (thều thào): - Cho ... con ...xin ... miếng ... cơm... - Con... lạy ... ông.... giúp... đỡ...

- Thế ...này ... thì ...chết ...mất... - Tí ơi... Con ơi...

Chị Dậu (rao to): Ai mua chó đ...ây...!... Ai mua chó đ...ây...!...

Thị Nở (rao to): Ai chuối xanh ...đ...ây...!...

Thị Nở (nhìn người đói đầy cảm thương): Con mời cụ ăn tạm quả chuối nhà con. Mời bác! Mời chị! Của cháu đây! Chuối bờ sông lộng gió đấy! (Cười ngốc nghếch)

Chị Dậu: Khổ, cái chết đến mọi nơi, mọi lúc, chả trừ ai... Chó... thì lúc

này... ăn làm sao nổi...

Chị Dậu (bí mật dúi vật gì đó vào thúng chuối của thị Nở).

Thị Nở (bí mật gật đầu nghiêm nghị rồi lại cười tít mắt): Ai mua chuối xanh đ...ây...! Chuối xanh bờ sông lộng gió đ...ây...!...

Chị Dậu: Ai chó nào! Ai chó n...ào...!... Cảnh 2: Tại đường làng Vũ Đại

Trạch Văn Đoành (rao to, mặt hướng về các nhà trong làng):

L..oa...l..oa... loa... Bà con nghe đây...!... Có trát về làng...!... Thừa lệnh lí trưởng...!... Ngày 19 tháng 8 Tây, tại sân vận động huyện, có cuộc thi bóng đá, nhiều chiến tướng đá hay, mọi nhẽ... Nhiều chiến tướng tranh nhau một quả bóng... Mỗi nhà góp mặt một người, cả làng Vũ Đại phải đủ 50 người, đủ 5 lá cờ, đúng 10 giờ trưa, sẵn sàng..., tập trung tại đình làng Vũ Đại. 12 giờ trưa phải

có mặt tại sân vận động huyện, để 4 giờ chiều vỗ tay ầm ĩ, cổ động bóng đá... Không được vắng mặt...!

Trạch Văn Đoành (cười thích thú, hài hước): Ta, mõ đây! Đời mõ thế mà hay, gi gỉ gì gi cái gì cũng biết trước. Chuyện, Trạch Văn Đ..oành.. oành...oành Đoành mà lị!

Trạch Văn Đoành (nhìn loa, chỉ tay vào loa): Mõ hiện đại “nghiêm” đấy! (cười, đi vào cổng nhà Chí Phèo).

Cảnh 3: Tại nhà Chí Phèo

Chí Phèo (cười hài hước): Gớm, ai chả biết nhà bác có cái tên “hoành tráng”, đọc lên, nghe cứ “r...òn ...r...ã” như pháo nổ lỗ tai ấy!

Trạch Văn Đoành: Chào bác Chí Phèo!

Chí Phèo (sắc mặt nghiêm túc, nhìn mặt Trạch Văn Đoành, nói nhỏ):

Này, cái việc chị Dậu giao cho, bác vẫn đang triển khai đấy chứ?

Trạch Văn Đoành: Một công đôi việc, các cụ ta có câu “tương kế tựu

kế” mà lị! Đâu cứ gọi là vào đấy! Ngon ơ, Trạch Văn Đoành mà lị! Chuyện! Thế còn bác? Không đủ 5 lá là chết đòn đấy.

Chí Phèo: Hừ, 5 chứ 10, tôi cũng chơi tuốt. Cứ gọi là xong béng! À,

nhưng mà còn một lá đang làm dở.

Trạch Văn Đoành: Lại mải uống rượu chuối xanh với cô Nở hử?

Chí Phèo: Không, con mẹ đĩ nhà tôi nó đi chợ đầu mối bán chuối xanh

rồi. Này, các mụ ấy hẹn nhau ở chợ rồi (nói nhỏ vào tai Trạch Văn Đoành).

Trạch Văn Đoành (gật gù).

Chí Phèo (nói to, lảng chuyện): Này, uống rượu suông, chả có khỉ gì! Có hai thằng say ngồi vuốt râu nhau... ha... ha... ha...

Trạch Văn Đoành: Bác thật là sung sướng. Mõ tôi có ăn bao nhiêu cỗ

làng cũng không sang bằng bác.

Chí Phèo: Thì... ta không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại. Đời chỉ có tí

đó thôi...

Trạch Văn Đoành (đi ra, rao to): L..oa...l...oa...loa.. loa... Bà con nghe đây...

Cảnh 4: Tại nhà Tự Lãng

Tự Lãng (vò đầu, bứt tai, mặt nhăn nhó, chân liêu xiêu): Con lạy ông! Con lạy ông! Con lạy ông! Ông lạy con! Ông lạy con!

Ông Lí Kiến (cầm roi, đánh Tự Lãng): Ông lạy con này! Thì ông lạy con này!

Tự Lãng (chắp tay lạy): Ông lạy con! Ông lạy con! Xin ông tha cho nhà con! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, con chỉ biết làm bạn với mỗi rượu, chả biết gì bóng với chả đá mà đi vỗ tay. Ông tha cho con! Con sợ con không vỗ được đâu ạ!

Ông Lí Kiến (dứt khoát): Mặc xác mày! Chiếu theo sổ đinh thì lần này đến lượt nhà mày. Có vỗ tay mà cũng không làm được à? Nhìn ông đây! (vỗ tay).

Tự Lãng: À, tưởng gì, chỉ mỗi vỗ tay như ông thôi, thì con cũng làm

được (vỗ tay). Tự nhiên vỗ tay thì được ạ! (vỗ tay).

Ông Lí Kiến: Thôi, nhà mày cứ thế mà tuân lệnh.

Tự Lãng (vẻ mặt ngẩn ngơ, sực nhớ ra): Thôi, thôi, thôi, cắn rơm cắn cỏ xin ông tha cho nhà con! Con sợ đến lúc cần vỗ tay, con lại quên mất. Tính co hay quên. Mà cái chuyện chính trị với chả chính chiếc, con chả quen. Mới lị, con đang phải canh con lợn xề nuôi rẽ nhà cụ Nghị nó đẻ. Tất cả mạng sống nhà con trông chờ cả vào đấy. Con mà không canh, nó mà chết thì cả nhà con chết hết! Để con bảo mẹ đĩ nhà con nó đi.

Ông Lí Kiến (dứ gậy vào mặt Tự Lãng): Mày lại giở trò hoãn binh phỏng? Ông thì ông cho mày một cái!

Tự Lãng: Ông cứ bình tĩnh, đâu sẽ có đó, rượu phải có thịt chó với tắm

tôm ấy... Chết! (vả tay khẽ vào mồm). Con nghe nói, nhiều thằng phải hết sức tranh nhau một quả bóng. Cứ cho quách chúng nó mỗi thằng một quả, có phải hay hơn không?

Ông Lí Kiến (dịu giọng): Ừ, kể ra mày nói cũng phải!

Ông Lí Kiến (nghĩ lại, giận dữ, đe dọa): Mà không được! Tao thương mày thì ai thương tao? Có trát quan trên chiếu xuống, ông cứ thế ông làm. Hôm đó mà không có mặt, ông cho tuần đế gô cổ, đừng kêu!

Tự Lãng (tỏ vẻ thất vọng): Thì con đi là được, chứ gì!

Ông Lí (đi ra, miệng lẩm bẩm): Bố tiên sư cái loại... khinh đời khong thèm nhớ... “Tự” với chả “lãng”!

Cảnh 5: Tại nhà anh cu Tràng

Bọn trẻ con (lấp ló ngoài cổng, nói với vào):

- Anh Tràng ơi! Bế em mấy!

- Anh Tràng ơi! Hôm nay đi xe thóc liên đoàn về, có gì vui, kể chuyện em nghe mấy!

- Anh Tràng ơi! Ê... ê... Chông vợ hài! (nhìn vợ Tràng đang lúi húi dọn sân vườn).

Tràng (cúi xuống, nhổ nước bọt): Bố ranh!

Bọn trẻ con (đồng thanh): Nghe vẻ vè ve Nghe vè lá lốt

Anh Tràng cũng tốt Chị Tràng cũng xinh Hai bên rập rình Gia đình đồng ý

... Đóng ngay cho một cái giường! (cười tinh quái)

Vợ Tràng (quét dọn, e thẹn)

Tràng (đang đen phên, đứng dậy, dậm chân, dọa)

Bọn trẻ (chạy, va cả vào người ông Lí Kiến): Ối... ối... c... ụ Lí... í... í...

Ông Lí Kiến (phủi quần áo, chỗ bọn trẻ va vào người ông, lườm bọn trẻ; nhìn săm soi quanh sân, vườn, ngó vào nhà Tràng): Đống quần áo rách nhà chúng mày biến đâu sạch. Lại cả cái sân lổn nhổn những cỏ hoang nữa chứ... Gớm nhỉ! Như tiên sa ấy! (liếc nhìn vợ Tràng, mỉa mai).

Tràng (vội vàng): Con lạy ông, ông tha cho nhà con! Mẹ con già yếu rồi, còn nó mới chân ướt chân ráo về làm bạn với con, nó chả biết gì sất cả mà đi vỗ tay. Con thì còn phải chẻ nứa đan phên làm lại cái vườn, rồi cả cái chuồng gà cho tương lai nữa ạ.

Ông Lí Kiến: Ơ, cái tiên sư cái dân ngụ cư nhà chúng mày! Đồ khố rách

áo ôm nhà chúng mày, sắp chết đói đến đít rồi mà cũng vẽ chuyện tương lai à! Này, ông bảo cho mà biết nhá, tương lai nhà chúng mày ở cái trát của quan trên nhá! Rồi quan trên với nước Đại Pháp sẽ cho chúng mày được vui vẻ cả. Giờ ông hỏi nhà chúng mày: Gà nhà chúng mày với chức quan ông huyện, cái nào to hơn?

Vợ Tràng (khép nép, sợ sệt): Dạ, ông dạy phải ạ!

Tràng: Xin ông tha cho! Ông mà bắt con đi thì cái tiền đồ nhà con nó... Ông Lí Kiến (hung dữ, ngắt lời): Thì nó làm sao? Thì nó đen như cái tiền đồ nhà con Dậu phỏng? Không lôi thôi, ông cứ trát quan ông hò. Nhà chúng mày không đi thì ra ngoài đê mà ở với nhà cái thằng Chí Phèo! Rồi ông thì ông róc tiết chúng mày ra!

Tràng (im lặng, sợ hãi).

Ông Lí Kiến (quay sang nhìn soi mói vợ Tràng): Người đâu mà trông như ma đói! Mặt thì như cái lưỡi cày xám xịt, tuyền hốc mắt là hốc mắt! Không bù cho cái mặt con Nở...

Ông Lí Kiến (ra về, lẩm bẩm nói một mình): Cứ như cái con mụ vợ ba của ông ấy! Lúa trẻ mãi khoogn già! Cứ ngon như miếng thịt bò lựt sựt trong miệng... Khổ nỗi, rụng hết cả răng rồi... (chỉ tay vào miệng, tiếc rẻ).

Cảnh 6: Tại nhà chị Dậu

Chị Dậu (lo lắng): Này, bố cu nhà nó! Em bảo! Nếu lão Lí Kiến nhất quyết bắt tôi đi lên huyện cổ vũ cùng bà con thì nhà mình tính sao? Nhà mình lại còn một suất đinh của chú nó đã chết chưa đóng được. Mà bây giờ tôi còn đi lo việc chung nữa...

Anh Dậu (gượng ngồi dậy): Thì mình cứ ra đình cùng bà con. Còn việc kia để tôi đi thay cho.

Chị Dậu (dứt khoát): Không được! Bố cu còn yếu lắm, với lại còn phải ở nhà trông thằng Tuất, thằng Sún, con Bẽm cho em đi chợ bán chó. Mới có tiền đong gạo. Hết sạch cả rồi. Khổ thân bọn trẻ, dãi khoai cũng chả đủ mà ăn. Chúng nó da xanh thấu ruột mà em đau lòng (đau khổ).

Anh Dậu: Thời thế nó vậy, có riêng gì nhà nào đâu! (suy nghĩ, nhìn xa xăm). Mà cũng phải! Bu nó đi chợ cũng là để gặp chị em, gặp tổ chức nữa chứ.

Chị Dậu: Thôi thì... để em chạy ù ra chợ, đưa chó cho cô Nở bán hộ... Em

về nhà, lão Lí Kiến có sang cũng không nghi ngờ gì...

Anh Dậu: Bu nó hãy báo luôn cho cô Nở chuyển “phương án 2”. Rồi bu

nó về nhà luôn, để lão Lí Kiến khỏi để ý.

Chị Dậu: Vậy bố cu nó ở nhà, em đi nhanh. Cảnh 7: Tại đình làng Vũ Đại

Ông Lí Kiến (cầm gậy, điểm danh): Nhà thằng Chí Phèo đâu?

Chí Phèo: Dạ, cụ cho gọi con ạ! Cứ làm như trước đây lão ta cho gọi

mình đi đòi nợ thuê ấy (nói nhỏ, nói riêng với khán giả).

Bà con (cười ầm).

Ông Lí Kiến (bực mình): Nhà lão Tự Lãng đâu?

Tự Lãng: Dạ, cụ có rượu mời con ạ! Bà con (cười ầm)

Ông Lí Kiến (bực mình): Nhà thằng Dậu đâu! (nhìn quanh) Con Dậu đâu, đã chuẩn bị chỉnh tề để lên hầu quan trên chưa?

Chị Dậu (xuất hiện, thái độ nghiêm túc): Có nhà con đây ạ!

Ông Lí Kiến (gọi to): Nhà lão Hạc đâu!

Ông Lí Kiến (giận dữ, đạp gậy, dứ gậy, đe dọa): Tiên sư nhà chúng nó! Vậy là thiếu những 6 thằng: lão Phó cối, tên Lang Rận, thằng Binh Chức, thằng Năm Thọ, thằng Pha, lão Hạc mặt rúm... Chắc lại tay gậy tay bị khắp nơi tung hoành rồi. Ông thì ông cho rũ tù chưa biết chừng! Đồ ngu như lợn, quan trên cho đi cổ động bóng đá chứ có ai giết mà chết, mà phải trốn như trốn giặc!

Ông Lí Kiến (quay sang, nói với thằng tuần): Tuần đâu! Mày phải canh chúng nó thật chặt cho ông! Đứa nào bỏ trốn, ông bảo!

Tuần (hách dịch, cầm gầy lùa): 44 thằng ở đây, xếp hàng 5, đi cho đều bước! Đi! Đi! Đi! Đi cho đều! Bước!

Bà con (xếp hàng đi).

Thị Nở (xuất hiện, chạy tong tưởi, nói thầm vào tai chị Dậu)

Ông Lí Kiến (quát lớn, chỉ gậy vào thị Nở): Con này, nhà có mả hủi, về!

Thị Nở (không thèm để ý đến ông Lí Kiến, thị chờ hiệu lệnh của chị Dậu).

Chị Dậu (đến từng người, nói thầm vào tai họ).

Bà con (dừng lại).

Ông Lí Kiến (ngạc nhiên).

Tuần (xoa hai bàn tay vào nhau, cúi người, dò hỏi, xun xoe): Dạ, thưa cụ Lí, đi hay dừng ạ?

Ông Lí Kiến: Cho đi! Tuần: Đi, đi đều, bước!

Chị Dậu (nghiêm nghị, vui sướng): Bà con nghe đây! “Phương án 2” của chúng ta đã thành công! Cấp trên gửi lời cảm ơn bà con.

Bà con (lấy cờ ra, vẫy cờ, vỗ tay ròn rã): Hoan hô Việt Minh! Hoan hô cách mạng!

Chí Phèo: Có đất cắm rùi rồi!

Tự Lãng: Đúng vậy, không nên hoãn cái sự sung sướng lại. Ở đời có mỗi

một tí... Người ta đứng dậy, đi lên trời bằng gì nhỉ!

Anh Tràng: Đi lên bằng cái này (chỉ vào đầu). Anh Cu Tràng tôi không còn phải gò lưng kéo xe bò thóc cho Liên đoàn nữa rồi!

Thị Nở (cười): Mà nhà bác Dậu đi đón ngay cái Tí về!

Chị Dậu: Thôi, đề nghị bà con trật tự.

Chị Dậu (quay sang ông Lí, thái độ nghiêm túc, dứt khoát): Thay mặt chính quyền cách mạng của dân, tôi xin mời ông Lí Kiến lên ủy ban để giải quyết!

Ông Lí Kiến và Tuần (ngơ ngác, nhìn nhau, không hiểu): Ô, thế này là thế nào!

Tuần (méo mặt, cúi xuống vạch đầu gối): Trời ơi, ông hỏi ai! Ông cũng hỏi con thì con biết hỏi ai! Chả nhẽ con lại vạch cái đầu gối củ lạc của con ra con hỏi!

Ông Lí Kiến: Không được! Chúng mày định làm giặc phỏng? Chị Dậu: Xin mời ông...

Bà con (vẫy cờ, vỗ tay).

Tự Lãng: Hừ, thế là hết đời cụ Lí “toét” rồi nhá!

Chí Phèo (tặng chị Dậu hoa chuối): Nhân cái ngày này, tớ tặng đằng ấy...

Thị Nở (nguýt Chí Phèo).

Chí Phèo (chân đánh nhịp, đầu gật gù): Nở ơi, thế là từ nay cái thằng Chí Phèo này không phải ra ngoài bờ sông lộng gió rồi. Hay! Hay! Thế mà lại hay! (cười).

* Hoạt động 3: Trò chơi “Tôi có thể trở thành nhà phê bình sân khấu trong tương lai?”

Nhóm 5 nhận xét, đánh giá nhóm 2, nhóm 3 và nhóm 4 qua hình thức chấm điểm bằng biểu đồ.

Mẫu biểu đồ đánh giá kết quả dự án sân khấu hóa lớp học:

Chú thích:

- KB: kịch bản; ĐD: đạo diễn; DX: diễn xuất; HPT: hóa trang, phục trang; MT: thiết kế mĩ thuật; XL: xử lí tình huống sân khấu);

- Cột có màu nhạt: mức điểm lí tưởng; cột có màu đậm: mức điểm thực tế đạt được.

* Hoạt động 4: Giáo viên tổ chức cho học sinh đọc - hiểu kịch bản vừa diễn trên sân khấu:

Câu hỏi 1: Kể tên các nhân vật văn học xuất hiện (trực tiếp, gián tiếp)

trong vở kịch.

Đáp án: Chí Phèo, thị Nở, lí Kiến, tuần, Trạch Văn Đoành, chị Dậu, anh

Dậu, Tràng, vợ nhặt, Tự Lãng, Lang Rận, lão Hạc,...

Câu hỏi 2: Anh (chị) ấn tượng nhất với nhân vật nào trong vở kịch? Dùng

một vài từ để diễn tả ấn tượng của bản thân về nhân vật hoặc để miêu tả nhân vật.

Đáp án mở, học sinh trình bày ấn tượng của bản thân về nhân vật.

Câu hỏi 3: Nếu anh (chị) là nhà văn sáng tác ra các tác phẩm có những

nhân vật văn học vừa xuất hiện trong vở kịch, anh (chị) suy nghĩ gì? Anh (chị) có kết tội người biên kịch là “ăn cắp bản quyền” không, vì sao?

Đáp án mở, học sinh nói ra suy nghĩ của cá nhân. Giáo viên chấp nhận

các ý kiến trái chiều.

* Hoạt động 5: Kiểm tra dự án đọc kịch bản văn học của học sinh:

Ý nghĩa của xung đột kịch trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”

(trích Vũ Như Tô - Nguyễn Huy Tưởng). GV thu bài về nhà chấm.

* Hoạt động 6: Giáo viên tổng kết giờ học, hướng dẫn về nhà, nhấn mạnh

kĩ năng đọc kịch bản văn học, đưa ra các dạng câu hỏi đọc hiểu:

- Dạng câu hỏi về con người nhà văn để lại dấu ấn nghệ thuật trong tác phẩm;

- Dạng câu hỏi về phong cách nghệ thuật nhà văn thể hiện trong tác phẩm; - Dạng câu hỏi về thời đại ra đời của tác phẩm và thời đại được phản ánh trong tác phẩm;

- Dạng câu hỏi về ý nghĩa xung đột kịch; - Dạng câu hỏi về hành động kịch;

- Dạng câu hỏi về tính cách, tâm lí, số phận nhân vật kịch;

- Dạng câu hỏi về ngôn ngữ kịch (đối thoại, độc thoại nội tâm, lời chú thích nghệ thuật của tác giả);

- Dạng câu hỏi về biện pháp, thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm;

- Dạng câu hỏi về phong cách ngôn ngữ và phương tiện biểu đạt của tác phẩm;

- Dạng câu hỏi về chủ đề tư tưởng của tác phẩm;

- Dạng câu hỏi tích hợp: So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa thể loại kịch với tự sự.

(Hoạt động này, tùy thuộc vào thời lượng tiết học và năng lực học sinh có thể tiến hành hoặc không).

Chương 9. So sánh quá trình dạy - học lí luận văn học về thể loại kịch theo hướng đổi mới tổ chức lớp học sân khấu hóa với phương pháp dạy - học truyền thống

Một phần của tài liệu skkn đổi mới tổ CHỨC lớp học lí LUẬN về THỂ LOẠI KỊCH THEO HƯỚNG sân KHẤU hóa, NHẰM PHÁT HUY NĂNG lực, PHẨM CHẤT NGƯỜI học (Trang 106 - 115)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(131 trang)
w