Để có thể thực hiện các giải pháp nêu trong đề tài, cần phải có những điều kiện sau:
- Điều kiện về trang thiết bị vật chất: Cần trang bị phương tiện làm
việc cho công tác thu thuế phù hợp với yêu cầu mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về mọi mặt. Trước hết, cần có hệ thống máy vi tính nối mạng trang bị đến từng đơn vị của ngành thuế để thực hiện lưu trữ và theo dõi số liệu cần thiết của đối tượng nộp thuế, giúp cho việc truy cập và xử lý nhanh công tác xác minh hóa đơn chứng từ. Ngoài ra, trong quá trình điều chỉnh, bãi bỏ thuế SDĐNN và một số nội dung của các sắc thuế khác sẽ làm dôi ra một bộ phận cán bộ công chức. Vì vậy cần có kế hoạch đào tạo lại, bố trí công việc khác hoặc xây dựng một quỹ đặc biệt nhằm giải quyết trợ cấp kịp thời và thỏa đáng cho số cán bộ dôi dư này.
- Điều kiện tinh thần: Ngoài yếu tố vật chất nêu trên, điều kiện để
thực thi các giải pháp nêu trong luận văn chủ yếu tập trung ở yếu tố tinh thần, tưc nó đòi hỏi ở lòng quyết tâm và sự nỗ lực của ý chí trong tổ chức thực hiện. Cần phải quán triệt việc thực hiện các giải pháp là một nhiệm vụ quan trọng cần phải hoàn thành trong một giai đoạn xác định. Cũng nên có hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời để nhân rộng các điển hình tích cực, tiên tiến.
Điều kiện về pháp lý : Cần xây dựng một hệ thống chính sách thuế
tập trung tất cả nội dung của chính sách thuế vào một mối hoàn chỉnh nhằm đảm bảo tính nhất quán, tránh mâu thuẫn lẫn nhau tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng trong tổ chức thực hiện.
Điều kiện về nhân sự : Cần thành lập các tổ công tác chuyên môn
để triển khai, đôn đốc, chỉ đạo thống nhất quá trình thực hiện các giải pháp. Sau một thời gian nhất định cần phải tổng kết quá trình thực hiện để đúc kết rút kinh nghiệm giúp cho việc tổ chức thực hiện được tốt hơn. Ngoài ra yêu cầu về đào tạo cán bộ phù hợp với tình hình mới; Nâng cao trình độ và bố trí công tác phù hợp với sở trường, năng lực chuyên môn của cán bộ cũng là điều kiện cần thiết.
Điều kiện mang tính hỗ trợ : Chỉ có thể nâng cao hiệu quả việc
thực hiện các giải pháp bằng việc tiến hành song song với cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác
tuyên truyền nâng cao nhận thức của quần chúng. Ngoài ra, cũng cần thuyết phục, tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của các cấp các ngành có liên quan trong việc thực thi các giải pháp, nhất là đối với cấp có thẩm quyền ban hành và sửa đổi các sắc thuế.
Tóm lại : Toàn bộ nội dung của chương 3 – Chương cuối, cũng là
chương trọng tâm của đề tài – bám sát vào việc giải quyết các vấn đề tồn tại đã nêu ở chương trước trên cơ sở phương pháp luận từ quan điểm chung về các giải pháp. Trước đây, đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về hoàn thiện từng sắc thuế ở tầm vĩ mô nhất là đối với thuế GTGT, thuế TNDN và thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao. Vì đây, đề tài chỉ dừng lại ở việc nêu và giải quyết các vấn đề có thể là nhỏ nhưng bức xúc đang xảy ra trong thực tiễn quản lý thuế tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung. Hy vọng các giải pháp này góp phần cùng với các giải pháp ở các công trình nghiên cứu khác về thuế, nâng cao hơn nữa vị trí và vai trò của thuế trong nền kinh tế xã hội nước nhà.
KẾT LUẬN
Việc xác định đúng bản chất, khái niệm, vai trò của thuế không chỉ đơn thuần là vấn đề học thuật hay từ ngữ đơn thuần, mà nó có ý nghĩa sâu sắc giúp cho việc nhận thức và vận dụng đúng công cụ thuế trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế xã hội nước nhà. Chính vì vậy mà ngoài việc nêu một cách khái quát quá trình phát triển của hệ thống thuế ở Việt nam, có tham khảo thêm một số kinh nghiệm tổ chức hệ thống thuế của các nước trên thế giới, vấn đề lý luận cơ bản nhất chiếm tỷ trọng lớn trong nội dung của chương I tập luận văn này là việc làm rõ bản chất, khái niệm và vai trò của thuế.
Những vấn đề lý luận cơ bản đó được soi rọi vào thực tiễn công tác quản lý thuế tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ảnh hưởng của thuế tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong những năm gần đây, qua đó, phát hiện ra những vấn đề còn khiếm khuyết, tồn tại gây trở ngại đến việc phát huy vai trò của thuế. Đó là sự bất cập của vấn đề thuế SDĐNN, thuế đối hộ kinh doanh nhỏ, thuế GTGT trong khâu nhập khẩu, vấn đề ban hành văn bản pháp quy thuế, vấn đề về lệ phí trước bạ, môn bài cũng như các vấn đề mang tính khách quan như công tác thanh tra-kiểm tra, công tác quản lý hóa đơn chứng từ và giao chỉ tiêu kế hoạch.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn công tác quản lý thu thuế trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, luận văn đưa ra những giải pháp cụ thể giải quyết triệt để từng vấn đề tồn tại vừa nêu trên. Những giải pháp đó tuy không tầm cỡ, to tát như những công trình nghiên cứu khác về thuế, nhưng nó đang là vấn đề mang tính thời sự, bức xúc đòi hỏi phải được giải quyết đang nảy sinh trong thực tiễn quản lý thu thuế trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.
Luận văn cũng chỉ dừng lại ở việc vận dụng và phát huy các vai trò sẵn có của thuế đã được thừa nhận mà không đi vào tập trung nghiên cứu phát hiện ra những vai trò mới. Khám phá, phát hiện ra những yếu tố mới để phục vụ cuộc sống là nhiệm vụ và mục đích của khoa học. Luận văn này chỉ là sự tập dượt để làm quen với việc nghiên cứu khoa học. Hy vọng nó sẽ là bước đệm tạo được đà cho những bước nghiên cứu tiếp theo toàn diện, sâu sắc và có giá trị hơn sau này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Triết học tập 1,2,3 – Bộ giáo dục và đào tạo – NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội – 1997
- Kinh tế học – David begg; Stanley fisher; Rudiger Dorrnbusch – NXB Giáo dục Hà Nội – 1995.
- Giáo trình thuế-Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyễn Ngọc Thanh-NXB Thống kê 2001
- Thuế, công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế-Quách Đức Pháp-NXB Xây dựng – Hà nội 1999.
- Tài chính học-Trường ĐH TCKT Hà nội-NXB Tài chính-Hà nội 1999 - Thuế – Nguyễn Hồng Thắng – NXB Thống kê - 1998
- Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn
- Logic học và phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Lê Tử Thành, NXB Trẻ 1995
- Lý thuyết xác suất thống kê toán học – Phạm Văn Kiều – NXB Khoa học và kỹ thuật Hà Nội – 1998.
- Báo cáo tổng kết công tác thu thuế năm 1995 - 2000 của Cục thuế tỉnh BR-VT
- Niên giám thống kê từ năm 1996- 2000 - Cục thống kê tỉnh BR-VT - Một số báo, tạp chí khác.