I. CÁC GIẢI PHÁP Ở CẤP VĨ MÔ :
1. Về cơ cấu hệ thống thuế: 1 Các loại thuế cần bãi bỏ
1.2.1/ Thay lệ phí trước bạ bằng thuế trước bạ
Theo quan điểm chính danh của Khổng Tử (551-479 trước CN) thì mỗi vật mỗi người sinh ra đều có một địa vị, một công dụng nhất định. Ứng với mỗi địa vị, công dụng đó của nó là một “danh” nhất định. Vật nào, người nào trong thực tại đều có danh hợp với nó. Nếu không, danh sẽ không hợp với thực, là loạn danh. Ông giải thích “chính danh là làm mọi việc cho ngay thẳng”. Quan điểm của ông cũng gần như quan điểm của chủ nghĩa Duy vật biện chứng về sự phù hợp giữa nội dung và hình thức. Việc cải tiến những nội dung của lệ phí trước bạ đã có nhiều ý kiến đóng góp hoàn chỉnh và đã được Luật hóa bằng Thông tư số
128/2000/TT-BTC ngày 16.04.2000 của Bộ tài chính, nên trong phần này chỉ đề cập tới tên gọi của loại thu này.
Lâu nay đã có nhiều ý kiến nêu lên việc đổi tên lệ phí trước bạ thành thuế trước bạ cho phù hợp với nội dung và vai trò của nó. Nhưng đến nay vấn đề này vẫn đang còn bàn cãi, chưa được chấp thuận. Xét về “danh” và “thực” của lệ phí trước bạ hiện nay thì ý kiến thay lệ phí trước bạ bằng thuế trước bạ là hoàn toàn đúng đắn.
Thứ nhất, tuy tên là lệ phí trước bạ nhưng nó lại mang đầy đủ các
yếu tố cấu thành của một sắc thuế như tên gọi, đối tượng nộp, căn cứ tính (giá tính thuế, thuế suất), chế độ miễn giảm, thủ tục nộp. Các yếu tố này được quy định chi tiết, cụ thể tại nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21.12.1999 của Chính phủ và Thông tư số 28/2000/TT-BTC ngày 18.04.2000 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện nghị định số 176/1999/NĐ-CP về lệ phí trước bạ.
Thứ hai, ngoài việc tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách (được
nêu cụ thể trong bảng 3 trang 25). Loại thu này còn có tác dụng tích cực trong việc kiểm tra, kiểm soát, điều tiết của nhà nước đối với các tài sản thuộc diện quản lý. Qua đó giúp nhà nước phát hiện những tiêu cực trong quá trình sử dụng hoặc chuyển nhượng tài sản. Bên cạnh đó, nó còn góp phần điều tiết thu nhập của những người có tài sản phải đăng ký. Cùng một mục đích đăng ký tài sản như nhau, nhưng người có tài sản giá trị cao phải chịu mức nộp lớn hơn. Như vậy, loại thu này đã thể hiện đầy đủ vai trò của thuế, cho nên nó không thể là lệ phí được.
Thứ ba, danh nghĩa là lệ phí nhưng thực chất nó đã biểu hiện của
một sắc thuế vì có số thu rất lớn, hơn cả số thu từ thuế nhà đất hay thuế sử dụng đất nông nghiệp (bảng 3,4 trang 25,26).
Xét về mặt hình thức, loại thu này phục vụ trực tiếp cho người nộp nên nó mang tính lệ phí. Thế nhưng tính hoàn trả trực tiếp cho người nộp loại thuế này thể hiện bởi chi phí hành chính phục vụ cho việc đăng ký tài sản chỉ chiếm xấp xỉ 3% trên tổng số thu. 97% còn lại được động viên vào ngân sách. Với một lượng lớn như vậy đủ nói lên bản chất của loại thu này là thuế chứ không phải lệ phí.
Cuối cùng, tuy về mặt pháp lý thể hiện trên giấy tờ là lệ phí trước bạ đã lâu, nhưng tên gọi này vẫn còn rất xa lạ trong nhân dân. Ngược lại cái tên thuế trước bạ đã trở nên quen thuộc, phổ biến từ trước tới nay trong dân chúng kể cả những người làm công tác thuế.
Từ những lý do trên, tên lệ phí trước bạ là không đúng, không phù hợp với thực chất của loại thu này. Việc trả lại tên vốn có của nó – thuế
trước bạ – tức là làm cho “danh” hợp với “thực” sẽ nâng cao được tính pháp lý, nâng cao hiệu lực trong tổ chức thực hiện, và như vậy mới đẩy mạnh việc phát huy vai trò của loại thuế này. Qua đó, tiến tới hoàn thiện các nội dung của thuế trước bạ để nó trở thành một bộ phận hoàn chỉnh cấu thành nên Luật thuế tài sản đang được Quốc hội nước ta dự kiến soạn thảo, ban hành.