Tính tích cực nhận thức trong trò chơi học tập

Một phần của tài liệu thực trạng tính tích cực nhận thức của trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi trong trò chơi học tập ở một số trường mầm non tại tp hồ chí minh (Trang 44 - 46)

Học tập tích cực là hoạt động trải nghiệm trực tiếp – đa phương, mà ở đó việc học diễn ra giữa cô giáo – trẻ; trẻ - cô giáo, và các trẻ với nhau. Học tập tích cực tăng thêm hiệu quả của quá trình dạy và học [ 1].

Phát triển tính tích cực của trẻ em trong giờ học là phần quan trọng của việc giáo dục và dạy học trong tập thể. Các câu hỏi của trẻ, các câu trả lời các câu hỏi của giáo viên biểu hiện tính tích cực của trẻ em, phải thật hợp lý, nghĩa là phải đem lợi ích cho tất cả các em. A.P. Uxôva quan niệm tính tích cực có ích của trẻ em trong các giờ học không phải là bất cứ những biểu hiện tích cực nào của một em nào đó thể hiện trong một thời gian nào đó, mà là những biểu hiện nào đó cần được phát triển để phục vụ cho mục đích giảng dạy cả tập thể trẻ em [66].

Theo X.E. Xorkina thì trí dục ở trường mẫu giáo có những nhiệm vụ chủ yếu như truyền đạt cho các em những tri thức sơ đẳng khác nhau và trên cơ sở đó hình thành thái độ đối với cuộc sống xung quanh, giáo dục các năng lực trí tuệ trong quá trình nắm tri thức, trong quá trình hoạt động trí tuệ, dạy trẻ lao động trí óc. Tác giả nhấn mạnh vai trò của trò chơi, trong trò chơi, trẻ phản ánh những biểu tượng của mình, nắm sâu hơn những biểu tượng ấy. Trò chơi làm nảy sinh nhu cầu về kiến thức mới, chẳng hạn, trong quá trình chơi, trẻ thường đề ra những câu hỏi khác nhau cho người lớn để muốn hiểu rõ một cái gì đó, muốn tin và muốn kiểm tra một cái gì đó. Giáo viên dạy cho trẻ biết phân biệt những tính chất muôn hình muôn vẻ của các vật thể, rèn luyện chú ý, trí nhớ và óc tưởng tượng của trẻ [71].

Trong trò chơi học tập mà cụ thể là trong quá trình học tập tích cực, trẻ sẽ rèn luyện kỹ năng điều khiển sự chú ý của bản thân và biểu lộ tính ham hiểu biết khi tri giác các hiện tượng và vật thể nghiên cứu. Ở trẻ sẽ hình thành năng lực nhanh chóng vượt ra ngoài giới hạn vốn liếng kiến thức đã có và nhanh chóng xác định được nhiệm vụ nhận thức, cũng như kỹ năng phân chia cái toàn thể ra thành nhiều phần, nêu lên cái bản chất và chủ yếu, đề xuất giả thuyết và tiến hành sự tìm tòi có tính chất “nghiên cứu”.

L.V. Dancop – nhà giáo dục Xô Viết, khi nghiên cứu tính tích cực nhận thức đã có những kết luận về nguyên tắc dạy học mới, trong đó tác giả nhấn mạnh nguyên tắc về sự cần thiết phải lôi cuốn học sinh vào công tác nhận thức tính tích cực, kích thích sự ham hiểu biết trí tuệ, có chiếu cố thích đáng đến năng lực và khả năng của các em sao cho mỗi em huy động hết mức trí lực của mình. Người giáo viên chỉ tạo nên những điều kiện cần thiết để kích thích hoạt động nhận thức của học sinh, còn việc nắm vững kiến thức thì diễn ra tuy theo mức độ biểu lộ tính tích cực trí tuệ và lòng ham hiểu biết của mỗi em và dĩ nhiên phải kể thêm cả năng khiếu trí tuệ [ 66].

Trò chơi có ý nghĩa không chỉ trong học tập mà nhiều nhà nghiên cứu cũng khẳng định trò chơi cũng là phương thức để hình thành nên nhân cách của trẻ. Usinxki đã nhấn mạnh rằng “ Trò chơi là một hoạt động tự do của trẻ em và nếu chúng ta so sánh lợi ích của trò chơi, và so sánh các dấu vết nhiều hình nhiều vẻ do trò chơi để lại trong tâm hồn của trẻ em lứa tuổi 4 -5 tuổi với những kết quả tương tự của việc học tập, thì tất nhiên trò chơi chiếm ưu thế hơn. Trò chơi tác động toàn diện đến tâm hồn và trí tuệ trẻ em, đến tình cảm và ý nghĩa của trẻ em và nếu người ta nói rằng, trò chơi tiên đoán được tính cách và số phận tương lai của trẻ em, thì điều này cũng đúng với ý nghĩa là không những trong trò chơi trẻ em thể hiện khuynh hướng và sức mạnh của tâm hồn mình, mà bản thân trò chơi cũng có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển những năng lực và khuynh hướng của trẻ em do đó mà ảnh hưởng đến số phận tương lai của trẻ em” [ 67].

Trò chơi nói chung và trò chơi học tập nói riêng trở thành đòi hỏi quan trọng đối với giáo dục trẻ, nó như tiêu chí để tạo sự phát triển toàn diện cho trẻ, A.X. Macarenco trong quá trình giáo dục trẻ quan niệm rằng trò chơi là giờ học chủ yếu của đứa trẻ, trò chơi lôi cuốn được các em, làm các em thích thú và ông nhấn mạnh rằng trò chơi phải phục vụ những nhiệm vụ cần cho công tác lao động [66].

Các trò chơi học tập là biện pháp dạy học đặc thù, chúng thúc đẩy sự hình thành các nhu cầu và tính tích cực nhận thức một cách có định hướng. Trong quá trình chơi, trẻ tích cực vận dụng kinh nghiệm của bản thân, cân nhắc và giải quyết nhiệm vụ chơi. Trò chơi học tập như phương tiện dạy học gián tiếp nhằm thúc đẩy hoạt

động trí tuệ tích cực hóa những kinh nghiệm có để giải quyết các nhiệm vụ nhận thức. Khi chơi, trẻ sẽ bộc lộ tính tích cực mạnh mẽ nhất. Tính tích cực đó được sử dụng trong quá trình dạy học, nó làm việc dạy học trở nên có tổ chức, được ý thức, có định hướng và có kết quả hơn. Trò chơi như hình thức và biện pháp giáo dục, dạy học tạo điều kiện để trẻ hoạt động tích cực phù hợp với các nhiệm vụ giáo dục toàn diện.

Tuy nhiên, việc phát huy tính tích cực nhận thức không chỉ phụ thuộc vào trẻ, mà còn chịu ảnh hưởng bởi việc tổ chức của giáo viên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tuyệt đối không được áp đặt ra lệnh, buộc trẻ phải thực hiện hành động theo ý riêng của mình, mà phải đảm bảo vai trò chủ thể của trẻ trong khi chơi, giáo viên chỉ nên có vai trò là “ giá đỡ” và là người giúp đỡ trong những trường hợp cần thiết. Chương trình giảng dạy cần tạo ra môi trường mà trong đó trẻ có thể tự mình xây dựng kiến thức – môi trường khuyến khích trẻ tự quyết định, tự làm thí nghiệm, tự giải quyết các mối quan hệ dựa trên sự hỗ trợ của người lớn.

Một phần của tài liệu thực trạng tính tích cực nhận thức của trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi trong trò chơi học tập ở một số trường mầm non tại tp hồ chí minh (Trang 44 - 46)