Biểu hiện của tính tích cực nhận thức của trẻ

Một phần của tài liệu thực trạng tính tích cực nhận thức của trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi trong trò chơi học tập ở một số trường mầm non tại tp hồ chí minh (Trang 42 - 43)

Tính tích cực nhận thức của trẻ được biểu hiện trong các hoạt động của trẻ, từ hoạt động vui chơi, học tập, giao tiếp,.... Và tính tích cực nhận thức được biểu hiện qua một số yếu tố sau:

- Hứng thú đối với nhiệm vụ nhận thức: hứng thú lúc này được biểu hiện một cách chủ quan ở trạng thái xúc cảm trong quá trình nhận thức và chú ý đến đối tượng. Việc thỏa mãn hứng thú sẽ tạo tiền đề cho những hứng thú mới, nâng cao mức độ nhận thức của trẻ. Hứng thú nhận thức chính là khuynh hướng lựa chọn đặc biệt của cá nhân đối với quá trình nhận thức và nó có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động chơi của trẻ. Sự phát triền hứng thú nhận thức ở trẻ mẫu giáo biểu hiện rõ rệt ở chỗ lòng mong ước hoạt động trí tuệ ở các em được phát triển. Trẻ thích suy xét, tranh luận, làm các bài toán khó, làm thơ, so sánh các đồ vật và các hiện tượng khác nhau…Như công trình nghiên cứu của A.N. Golubeva cho thấy ở trẻ mẫu giáo lớn, hứng thú hoạt động trí tuệ cao độ đã làm cho trẻ chỉ giải quyết những bài tập “thuần túy trí tuệ” [ 60].

- Nhu cầu nhận thức: được biểu hiện thông qua động cơ kích thích hoạt động, nó là trạng thái của cá nhân thể hiện lòng mong muốn của trẻ đối với đối tượng nhận thức. Nhu cầu nhận thức của trẻ cũng được biểu hiện thông qua sự say mê, ý chí nỗ lực vượt qua khó khăn đề hoàn thành nhiệm vụ nhận thức.

- Tính chủ động: biểu hiện bằng sự hăng hái, năng động của trẻ trong hoạt động nhận thức. Trẻ làm chủ hành động của mình mà ít bị hoàn cảnh và người khác chi phối.

- Tính độc lập: trẻ có sáng kiến, chủ động tự tìm kiếm, lựa chọn các phương thức giải quyết nhiệm vụ đã đặt ra. Đặc biệt là trẻ tự mình giải quyết những nhiệm vụ, những khó khăn mà hoạt động nhận thức đưa ra.

Ngoài ra, biểu hiện của tính tích cực nhận thức cũng được thể hiện qua một số yếu tố như kỹ năng vận dụng những điều đã biết vào “ bài toán”, khả năng tập trung chú ý, nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn để giải quyết “ bài toán” hiệu quả nhất.

Một phần của tài liệu thực trạng tính tích cực nhận thức của trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi trong trò chơi học tập ở một số trường mầm non tại tp hồ chí minh (Trang 42 - 43)