trước 1945 của Nam Cao
1.3.2. Người tường thuật xưng "tôi” tự kể về mình
1.3.2.1. Đây là kiểu tường thuật mà "người kể được cá thể hóa, đã nhập làm một với nhân vật chính của tác phẩm, đang "kể chuyện về mình "với những tình cảm, cách cảm nhận và lý giải mọi điều của người trong cuộc" [23;186].
Ở kiểu tường thuật này quan điểm cơ bản của tác giả thống nhất với nhân vật "tôi". Nhân vật "tôi" là nhân vật chính và tác giả nhập hẳn vào, hóa thân vào nhân vật "tôi" để tự bộc bạch ý nghĩ, tình cảm, đi sâu vào tâm tư sâu kín của mình, làm cho người đọc bị hút vào những nét đặc sắc của nhân vật. Người kể là người đã từng chứng kiến sự việc đã xảy ra. Do những lý do trên nên khoảng cách người kể và truyện rất nhỏ.
1.3.2.2. Khảo sát truyện ngắn Nam Cao, chúng tôi thấy có 4 truyện được kể theo kiểu tường thuật trên: Mua nhà, Cái mặt không chơi được,Những truyện không muốn viết và Những cánh hoa tàn. Đây là những truyện chủ thể kể về bản thân "tôi" một cách trực tiếp, phơi bày trực tiếp trước mắt người đọc những gì "tôi" đã chứng kiến trong cuộc sống. Đặc biệt ta thấy bốn truyện trên đều là đề tài trí thức tiểu tư sản, những mảng đời gắn chặt với tác giả như máu thịt nên tác giả kể xưng "tôi" là điều dễ hiểu. Tuy nó không trực tiếp đề cập đến kiểu con người tiểu tư sản của Nam Cao như ở tác phẩm Nước mắt, Trăng sáng, Đời thừa, Cười - kiểu con người giàu suy nghĩ, có lương tri, có năng lực, yêu nghề, luôn đấu tranh gay gắt với chính mình để vượt lên sự yếu đuối bất lực, chống lại sự xô đẩy của hoàn cảnh - những truyện không có nhân vật "tôi" nhưng nó giống bốn truyện trên là cách đặt điểm nhìn vào nhân vật và về mặt hình thức đều là truyện tự thuật.
Ở kiểu truyện này, tác giả và nhân vật "tôi" hòa làm một, khoảng cách giữa tác giả và nhân vật "tôi" rất gần, dễ cho tác giả gởi quan điểm, thái độ, tình cảm của mình. Một người trong cuộc, lại gánh vác việc trần thuật và phải thể hiện quan điểm tác giả nên lời văn gián tiếp hai giọng ở đây rất nổi bật, đậm hơn, rõ hơn so với kiểu tường thuật có nhân vật "tôi" dẫn truyện.
Ở truyện Mua nhà, bằng hình thức viết thư cho anh Kim, nhân vật "tôi" kể nỗi khổ tâm khi tiếp đón anh Kim và bạn bè tại căn nhà chẳng khác gì cái lều nhỏ, tối om, thế rồi sau trận
bão làm sập nhà, đành đi vay lãi để mua căn nhà của người đàn ông góa vợ có hai con, mê cờ bạc. Ngày dỡ nhà thấy lũ con khóc nức nở, nhân vật "tôi" ngậm ngùi:
"Nhưng mà thôi anh Kim ạ ! Nghĩ ngợi làm gì nữa ? Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp. Người này co thì người kia hở. Đâu phải tôi muốn tệ ? Nhưng biết làm sao được ? Ai bảo đời cứ khắt khe như vậy ? Giá mà người ta vẫn có thể nghĩ đến mình mà chẳng thiệt đến ai /...".
Đoạn độc thoại trên của nhân vật "tôi", có ngôn ngữ của "tôi", có quan điểm của tác giả trong lời văn gián tiếp của người kể chuyện. Lời văn này cho biết quan điểm của nhân vật "tôi" được tác giả tán đồng, ủng hộ và do đó hai quan điểm này cơ bản hòa vào nhau làm một và thống nhất nhau, vẫn băn khoăn trăn trở về hạnh phúc con người trong hoàn cảnh sống đầy bất ổn đang làm lung lay nhân cách, ý nghĩa sống của con người có lương tri.
Chuyện tình của "tôi" với Uyển đầy kỷ niệm thơ mộng giờ chỉ còn lại "Những cánh hoa tàn", được "tôi" kể lại bằng sự hồi tưởng, qua lời văn cảm động nhẹ nhàng :
"Có lần mẹ tôi ốm Uyển chăm sóc thuốc thang ân cần quá, đến nổi mẹ tôi cảm động đến chảy nước mắt và bảo rằng: "Giá trời cho mẹ một con gái như Uyển thì quý biết bao ! Nhà nào cưới được nó làm con dâu thật là nhà có phúc"".
Trong lời kể gián tiếp của "tôi", có ngôn ngữ của người mẹ "tôi" nhưng cả hai dạng lời nói có chung một suy nghĩ, tình cảm yêu mến đối với Uyển, tuy vậy chúng không làm mất đi dấu ấn ngôn ngữ riêng của mỗi nhân vật. Lời của nhân vật người mẹ không những đối thoại mà còn nhận được sự đồng cảm với người đọc. Điều này đã kéo gần lại khoảng cách câu chuyện ở quá khứ về thời hiện tại, để như là sự trực diện đối thoại, gợi suy nghĩ ở người đọc, làm tăng thêm sự khách quan của hiện thực.
Đây là vấn đề khá nổi bật ở văn Nam Cao và ta có thể tìm nhiều ví dụ tương tự ở kiểu tường thuật này. Một hiện tượng đặc biệt ở Nam Cao là hình thức kể truyện của chủ thể "tôi" đặt bên cạnh chủ thể khác, hình như tác giả muốn tăng thêm một nhân chứng, để cho tác phẩm được hiện thực, khách quan hơn:
"Sáng hôm nay đang ngồi viết với nhau, chẳng biết cái ý nghĩ lan man nào đã xui anh Sen đột ngột bảo tôi:
Này Tri ạ, cái mặt anh trông thế nào ấy. Quả thật không chơi được !" Và đây là lời của Đức, người con dì, học cùng với "tôi":
"Này Tri ạ, không hiểu sao Nhung nó sợ Tri lắm nhé. Nó bảo nó không dám hỏi Tri. Trông Tri ..., thế nào !" (Cái mặt không chơi được).
Chủ thể "tôi" đôi khi lại chiếu điểm nhìn qua cho nhân vật trong truyện kể của mình như trên, là việc ý thức của tác giả trong lối kể nhằm tránh giọng hồi tưởng một chiều, hay là sự đơn điệu bằng phẳng kéo tác giả lùi sâu vào quá khứ để suy tưởng. Chính vì lẽ đó mà mạch tự sự câu chuyện kể thỉnh thoảng bị dừng lại bởi lời trực tiếp của nhân vật, kéo gần tác giả lại với câu chuyện, tăng tính hiện thực của câu chuyện kể.