CHƯƠNG 1: CÁC PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC LỜI VĂN NGHỆ THU ẬT TRONG TRUYỆN NGẮN TRƯỚC 1945 NAM CAO

Một phần của tài liệu lời văn nghệ thuật trong truyện ngắn trước 1945 của nam cao (Trang 25 - 27)

1.1. Vấn đề lời văn nghệ thuật trong truyện ngắn

So với tiểu thuyết, truyện ngắn ít nhân vật, tình tiết chọn lọc, dung lượng ngôn ngữ cũng ít. Nó có thể nói ngắn gọn, nói trực tiếp, đứng hẳn về người sáng tạo nên Tô Hoài cho rằng

"truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc đời sống”[32;8]. Là "nhát cắt" nhưng là sự phản ánh đầy đủ cả "cây đời sống", nó là sự dồn nén trong phương thức phản ánh đời sống khi thể hiện một vấn đề tư tưởng sâu sắc nào đó của nhà văn. Chính vì đặc trưng đó nên truyện ngắn rất cần tài kể truyện của nhà văn.

Thông thường, người kể chuyện là tác giả. Nhân vật đến với độc giả phải thông qua tư tưởng, tình cảm tác giả được biểu hiện qua lời kể chuyện. Cho nên lời kể chuyện luôn mang dấu ấn của tác giả, bộc lộ phong cách, cá tính, tài năng nghệ thuật và thẩm mỹ để hấp dẫn người đọc. Qua lời kể, người đọc không ngừng nảy sinh những liên tưởng, cảm xúc về tư tưởng, tính cách nhân vật thông qua tâm trạng, giọng điệu, ngôn ngữ,...

Có nhiều góc độ và phương hướng tiếp cận một tác phẩm văn chương nói chung và truyện ngắn nói riêng. Với quan niệm xem tác phẩm như một nghệ thuật sáng tạo chứ không như một phép phản ánh giản đơn, việc khám phá lời văn nghệ thuật - một yếu tố quan trọng tác phẩm - là việc tìm đến vẻ đẹp văn chương nghệ thuật, những đặc sắc trong phong cách nghệ thuật tác phẩm.

Theo cách hiểu của chúng tôi, lời văn là lời được viết hoặc kể trong tác phẩm văn học. Lời văn nghệ thuật là hình thức ngôn từ nghệ thuật được tổ chức một cách nghệ thuật. Nó là hình thức của tác phẩm có quy luật tổ chức riêng, đặc biệt, theo nguyên tắc tư tưởng thẩm mỹ của nhà văn.

Điểm tất yếu làm cho lời văn nghệ thuật khác với lời nói thường và lời văn phi nghệ thuật là tính hình tượng. Pospelov trong cuốn "Dẫn luận nghiên cứu văn học" đã khẳng định "lời văn của tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng cố tính biểu cảm - đó là lời văn biểu cảm hình tượng"

[36;355]. Đặc điểm này đã nhấn mạnh đến thái độ cảm xúc và tư tưởng, ý nghĩa thẩm mỹ của nhà văn trong việc miêu tả, phản ánh bản chất đời sống qua lời văn?

Nói về tính hình tượng ngôn ngữ là nói về khả năng tái hiện hiện thực, làm sống lại mảng hiện thực đời sống trong óc người đọc mà họ có thể cảm nhận được. Bởi lẽ đặc trưng văn học là bắt nguồn từ đời sống, phản ánh đời sống xã hội và con người. Cho nên, tính hình tượng của lời văn bắt nguồn từ chỗ đó là lời văn của một chủ thể tư tưởng thẩm mỹ có tầm khái quát nhất định. Người ta cho rằng lời văn là lời của thế giới hình tượng muốn nói lên bằng ngôn ngữ là vì vậy. Mọi lời văn trong tác phẩm văn học đều là lời của người kể chuyện, của nhân vật đủ loại, chứ không chỉ là lời trực tiếp của tác giả. Nó là lời văn nghệ thuật nên buộc nó phải có tính hình tượng. Đây là lời nói của muôn người như cất lên từ chính cuộc đời vốn có.

Bên cạnh đó, lời văn nghệ thuật không là sự rời rạc, chắp nối mà là sự biểu hiện tính tư duy nghệ thuật và tính tổ chức cao. Khác lời nói tự nhiên trong giao tiếp hằng ngày, lời văn nghệ thuật là cách nói duy nhất, không thể khác trong việc lựa chọn, là lời đạt hiệu quả thẩm mỹ cao nhất của nhà văn để tập hợp với ý tình định nói. Cho nên, lời văn nghệ thuật là lời nói được tổ chức thành lời văn để nâng lên mức nghệ thuật; nó là sự cô đúc, gợi cảm giàu sức biểu hiện giúp người đọc cảm thụ đời sống một cách mới mẻ. Nói cách khác, lời văn nghệ thuật là hình thức ngôn từ độc đáo của mỗi tác phẩm văn học. Lời văn nghệ thuật là cách sử dụng phương tiện lời văn để tạo thành tính hình tượng theo nguyên tắc nhất định. Nó chỉ ra nguyên tắc dùng từ, dùng câu trong tác phẩm, đòi hỏi khám phá tính nội dung, tính quan niệm của các phương tiện lời văn để nhận ra cách chiếm lĩnh đời sống của tác phẩm văn học. Chính tầm quan trọng của nó mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định "lời văn là yếu tố quan trọng cho nghệ thuật viết truyện ngắn. Lời kể và cách kể chuyện là những điều được người viết truyện ngắn đặc biệt chú ý khai thác và xử lý, nhằm đạt hiệu quả mong muốn " [3;362].

Câu văn là đơn vị cơ bản của tác ghẩm. Có tác phẩm đọc xong nắm cốt truyện là đủ hiểu, thậm chí không cần đọc lại, riêng truyện ngắn Nam Cao đọc lại vẫn thấy hay. Hình như ông không chỉ tả hiện thực mà suy nghĩ về hiện thực, chứa đựng trong từng ý từng lời. Câu văn của ông không thừa, không thiếu mà có sự hoàn chỉnh, chứa đựng một năng lượng nội tại vừa đủ nên nó đọng lại ở người đọc cái hồn không vơi cạn. Sức hút của truyện ngắn Nam Cao xuất

phát từ giọng điệu rất riêng, từ cách sử dụng và khai thác tài liệu, từ cách kể chuyện, cách nhìn nhận tình đời của Nam Cao.

Thi pháp học hiện đại xem mọi hình thức nghệ thuật tác phẩm phải có tính hệ thống, nên cảm nhận lời văn phải qua những nguyên tắc nghệ thuật - thẩm mỹ gắn liền với quan niệm nghệ thuật nhất định. Để hiểu được điều này, ta đi vào thành phần cơ bản trong lời văn nghệ thuật - một bộ phận hình thức nghệ thuật tác phẩm - của Nam Cao. Đó là lời gián tiếp của người kể chuyện, người trần thuật và lời trực tiếp của nhân vật được tổ chức theo cách thức hoạt động giao tiếp, đối thoại. Lời văn nghệ thuật này thể hiện cách tư duy về hiện thực, ý thức nghệ thuật về giọng điệu của Nam Cao.

Khảo sát 43 truyện ngắn của Nam Cao trong Tuyển tập Nam Cao của Nxb Văn học, tập I, Hà Nội 1987, chúng tôi thấy thành phần cơ bản trong lời văn nghệ thuật và ý thức nghệ thuật về giọng điệu của truyện ngắn Nam Cao được tổ chức tập trung theo hai phương thức tổ chức lời văn nghệ thuật: khách quan hóa và chủ quan hóa. Tuy bảng thống kê có phân biệt phương thức tường thuật khách quan hóa, chủ quan hóa nhưng chỉ là tương đối. Bởi vì, xét về quy luật tâm lý sáng tạo cho dù tác giả ở chỗ này chỗ kia, có tách ra khỏi hay đi vào miêu tả nhân vật, tường thuật sự việc thì tác giả vẫn là chủ thể của lời văn đó - vẫn là một lời văn đa thanh, lạnh lùng mà chúng tôi sẽ làm rõ ở các phần sau.

1.2. Phương thức tổ chức lời văn nghệ thuật khách quan hóa trong truyện ngắn

Một phần của tài liệu lời văn nghệ thuật trong truyện ngắn trước 1945 của nam cao (Trang 25 - 27)