Kiểu người trần thuật ủy thác cho nhân vật

Một phần của tài liệu lời văn nghệ thuật trong truyện ngắn trước 1945 của nam cao (Trang 36 - 43)

trước 1945 của Nam Cao

1.2.3.Kiểu người trần thuật ủy thác cho nhân vật

1.2.3.1. Cũng như kiểu trần thuật hòa mình với nhân vật, kiểu trần thuật ủy thác việc kể cho nhân vật là biến thể của kiểu tường thuật lạnh lùng. Nó buộc "Người trần thuật tách mình ra diễn biến câu chuyện, dẫn dắt câu chuyện từ ngôi thứ ba, nhưng đến lúc nào đó để cho sự tường thuật sinh động lại ủy thác câu chuyện cho một nhân vật, để cho nhân vật nói năng y nguyên như cuộc sống thực" [23 ;170].

Kiểu tường thật này xen kẽ chủ thể kể chuyện với những đoạn kể của nhân vật trong truyện. Để tránh sự đơn điệu và không thật khách quan nên đôi lúc người kể nhường lại cho nhân vật kể chuyện. Điều này làm nảy sinh ở người đọc sự đối thoại trực tiếp với nhân vật về câu chuyện chân thật. Cách kể này do đó nó sử dụng xen kẽ lời nói gián tiếp của tác giả (người kể chuyện) với lời nói trực tiếp của nhân vật.

Chính lời tường thuật lúc ở góc độ nhân vật này, lúc ở góc độ khác, có khi là lời giới thiệu gián tiếp của tác giả, cũng có nghĩa là tác giả đã phân bố lại chức năng tường thuật giữa một vài quan điểm kể, một vài góc độ nhìn.

1.2.3.2. Một trong những nét nổi bật ở truyện ngắn Nam Cao mà chúng tôi khảo sát (31 truyện) theo phương thức tường thuật khách quan hóa là việc chủ thể kể thường trao cho nhân vật điểm nhìn trần thuật.

truyện Từ ngày mẹ chết hầu như tác giả "ủy thác" việc kể chuyện cho nhân vật Ninh - một đứa bé chưa hiểu sự đời - chứng kiến cảnh gia đình: mẹ bệnh qua đời, gia đình túng quẫn, thầy Ninh đánh bạc phải bán nhà, để hai chị em Ninh rơi vào cảnh đói rách. Truyện không là sự triết lý cao siêu, hay là sự đấu tranh tư tưởng dữ dội mà truyện đưa ta đến lời kể bằng cái nhìn ngây ngô hồn nhiên của tuổi thơ, cho người đọc như trực tiếp chứng kiến cảnh đời cảm động, đầy nước mắt. Chúng tôi xin dẫn một đoạn tiêu biểu:

"Bỗng từ bên nhà đưa sang những tiếng dùi đục kêu chan chát. Nghe ghê rợn lắm. Ninh đã nghe được những tiếng dùi đục ấy một lần rồi, vào cái ngày mẹ chết: Người ta đóng cá chiếc xăng của mẹ... vết nhăn trên má thầy Ninh sâu thêm, rộng thêm ra. Trông như thầy Ninh mếu. Ninh òa lên khóc...

Bu ơi là bu à !..."

Ở Xem bói, tác giả nhường cho nhân vật hắn dẫn dắt câu chuyện, đặt điểm nhìn vào nội tâm của nhân vật này. Mọi cảnh vật, cái cảm giác đói, cái bộ dạng của lão thầy bói, cái ảo tưởng về tương lai và hơn nữa cái hành vi, cách nói, suy nghĩ của người vợ được nhìn từ góc độ và nhận xét của nhân vật "hắn" - một người thất nghiệp :

"Thì là hẳn ! Ai mà giận được con mẹ ấy ! Nó nói nghe tức thật: Thật cứ ngang như cua, nhưng cái nết làm, cách ăn ở với chồng con với hàng xóm láng giềng, thì thật không chê trách được. Không có nó hết lòng chạy chữa, hắn chết tám đời rồi, đâu còn sống được đến bây giờ? Và tuy nhà túng lắm, một hào cũng khó, nhưng chẳng lần nào hắn đi xin việc, nó không đưa cho đồng bạc. Ấy ! Sáng này cũng thế: Nó vừa đưa tiền vừa căn dặn dù hắn xin được việc hay không, thì đi ăn uống gì đi rồi hãy về, kẻo đói bụng, cảm một cái là không bố..."

Tường thuật theo kiểu "ủy thác" cho nhân vật nên điểm nhìn của truyện rất linh hoạt, có khi tác giả ở ngoài nhân vật, có khi lại nhập vào nhân vật. Lúc ở ngoài nhân vật thì là lời gián tiếp của chủ thể kể, lúc nhập vào cùng nhân vật suy tư thì sử dụng lời văn nửa trực tiếp, có khi điểm nhìn khi trao cho nhân vật này, lúc thì trao cho nhân vật khác và có khi điểm nhìn trao cho người kể. Đó là tác phẩm như : Chí Phèo, Một đám cưới, Trẻ con không được ăn thịt chó ... "Chà ! Hôm nay mát trời lắm nhỉ ? Rượu với thịt chó mà lại gặp khí trời mát thì ngon biết chừng nào là ngon ! (lời trực tiếp của nhân vật - điểm nhìn của nhân vật "hắn"). Hắn nuốt nước dãi hai ba lượt. Rồi hắn lại nhịt thuốc vào nõ điếu, châm đóm hút thêm điếu nữa".(lời gián tiếp và điểm nhìn người kể). Và sau đó là điểm nhìn trần thuật của người Vợ: "Người đàn bà, nghĩ đến cái bộ mặt tiu nghỉu của con lúc nào, rỏ nước mắt ra lúc ấy. Trông thương đứt ruột. Nhưng biết làm sao được? Đã đành quà của nó, chỉ một đồng chinh là đủ ". (Trẻ con khổng được ăn thịt chó)

Khi kể chuyện, để đảm bảo tính khách quan của truyện và để hướng về người đọc hiện tại, tác giả phải sử dụng linh động các điểm nhìn khi kể qua hình thức lời văn trực tiếp và gián tiếp. Từ đó điểm nhìn cũng có sự khác nhau, có truyện Nam Cao điểm nhìn thường không đổi (như ở "Từ ngày mẹ chết" được kể theo điểm nhìn của Ninh, ở "Xem bói" kể chủ yếu theo quan điểm của cái nhìn của nhân vật "hắn"). Nhưng có truyện điểm nhìn thay đổi theo nhân vật, theo chính người kể chuyện ở "Trăng sáng" chẳng hạn, từ chuyện cái ghế vứt đi, đưa đến tuyên ngôn nghệ thuật chính nhờ điểm nhìn của người kể trong từng thời đoạn.

Ở kiểu tường thuật "ủy thác" cho nhân vật trong truyện Nam Cao, điểm nhìn của người kể và nhân vật không phải lúc nào cũng ăn khớp với nhau. Khi kể, người kể có thể dừng lại, tách ra khỏi truyện để đối thoại với nhân vật ở đoạn độc thoại nội tâm hay dừng lại để tả cảnh (dù cảnh này cũng mang ý thức của nhân vật). Nên thời gian kể chuyện có thể kéo dài ra. Lúc này ta thấy cốt truyện dường như lẩn quẩn, nhịp kể có vẻ đủng đỉnh, dềnh dàng, nhấm nha nhấm nhẵn, như gây không khí buồn chán, bế tắc, dù không hẳn thế. Từ đó, tác giả thu hẹp khoảng cách giữa hành động kể và thời gian cốt truyện, buộc người kể phải di động điểm nhìn.

Chẳng hạn ở truyện Nhỏ nhen, đoạn đầu là điểm nhìn tác giả bằng lời văn gián tiếp, kế tiếp theo là lời tranh luận của Du, Giang, Tá, Hồ xen kẽ giữa hai đoạn hồi tưởng của Du kể về chuyện "trả thù" bằng cách lấy trộm sách khi chính mình bị mất bốn xu và chuyện của Giang cho người yêu vay hai đồng rồi lấy trộm lại. Lúc này tác giả trao điểm nhìn cho nhân vật khi họ kể chuyện về mình, để nhân vật dẫn dắt câu chuyện theo kiểu "truyện được lồng trong truyện" bằng lời gián tiếp và trực tiếp của người kể. Có đoạn nhân vật Du kể thay chuyện cho nhân vật Giang như là sự bênh vực cho cái "nhỏ nhen". Câu chuyện như là sự xấu hổ của chính tác giả khi phải vật lộn với cái nhỏ nhen tầm thường, được kể rất linh hoạt bởi do những điểm nhìn khác nhau thông qua lời văn gián tiếp và trực tiếp.

Lời văn gián tiếp ở Nam Cao không chỉ là lời tái hiện phẩm bình theo ý đồ của tác giả, không liên quan đến ý thức của người khác về chúng mà do tác giả trao cho nhân vật chức năng trần thuật nên lại gián tiếp (dù lời của một nhân vật phải là trực tiếp). Do đó lời kể chuyện của nhân vật Du và Giang ở Nhỏ Nhen là lời gián tiếp. Điều này M.Bakhtin từng viết "là lời của nhân chứng hoặc người ở trong cuộc, lời người kể có sức thuyết phục riêng, có màu sắc cá tính và cảm xúc đậm đà. Nhưng mang sứ mệnh trần thuật, nó phải thể hiện quan điểm tác giả" [27;337]. Chính nó tạo nên lời gián tiếp hai giọng ở Nam Cao mà chúng tôi sẽ bàn ở chương sau.

1.2.4. Có thể nói ở hầu hết chuyện tường thuật theo phương thức khách quan hóa, sự phân tích tâm lý nhân vật đều do chủ thể kể đảm nhận vì ngôn ngữ người kể can thiệp vào mạch tự sự, biến ngôn ngữ nhân vật thành ngôn ngữ của mình trong sự mổ xẻ tâm lý phức tạp của con người thông qua hình thức độc thoại nội tâm bằng lời văn nửa trực tiếp rất nổi bật. Cho nên, nhân vật ở Nam Cao ít nói vì chủ thể kể biến đổi ngôn ngữ nhân vật thành ngôn ngữ người kể

nhưng vẫn giữ nét riêng về ngôn ngữ phù hợp tính cách nhân vật. Cách nhìn con người ở chiều sâu tâm lý này, đã rút ngắn khoảng cách giữa độc giả và chủ thể kể về phương diện tổ chức điểm nhìn, tạo nét riêng độc đáo ở Nam Cao.

Điều này rất khác các nhà văn Tự lực văn đoàn, khi chủ thể kể và nhân vật khoảng cách khá xa do phần lớn lời nói của nhà văn, chứ không phải là lời của nhân vật. Chẳng hạn ở đoạn độc thoại của nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ sau một ngày buồn tẻ chờ đợi chuyến tàu đêm qua phố huyện, được Thạch Lam miêu tả:

"Chuyến tầu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sang hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về ! Liên lặng theo mơ tưởng Hà Nội xa xăm, Hà nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tầu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu".

Suy nghĩ của nhân vật Liên được tác giả "nói hộ " bằng lời văn trực tiếp, gián tiếp nên đã tạo khoảng cách giữa tác giả và nhân vật. Tác giả như là điều khiển mọi cái trong truyện của mình. Đó là kết quả phù hợp với phong cách của Thạch Lam: kể chuyện theo dòng cảm giác hòa hợp nội tâm và ngoại cảnh. Cho nên, để nhân vật tự kể thì yêu cầu cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật đặt ra vốn không phù hợp sở trường của Thạch Lam. Đó là nét riêng của nhà văn Thạch Lam : tham gia vào việc miêu tả và biểu hiện tâm lý nhân vật, chưa trả cho nhân vật của mình một thứ ngôn ngữ riêng nhiều hơn, sâu sắc hơn như ở Nam Cao.

M. Bakhtin chỉ ra rằng "chủ nghĩa lãng mạn đã mang theo đến một lời văn trực tiếp toàn vẹn ý nghĩa mà không nghiêng về ước lệ. Đối với chủ nghĩa lãng mạn, cái tiêu biểu là lời văn trực tiếp của tác giả có tính biểu hiện đến quên mình, không hề bị nguội lạnh khỉ bị khúc xạ qua môi trường lời văn của người khác" [5;217]. Trong khi đó, lời văn của nhà văn hiện thực tràn ngập lời của kẻ khác, nhà văn tự định hướng, cảm nhận các đặc thù lời văn ấy để đưa chúng vào mặt bằng lời văn mình.

Cũng là nhà văn hiện thực, nhưng nếu Nam Cao chứa đựng lời văn suy nghĩ về đối tượng, tập trung miêu tả tâm lí nhân vật qua sự tương tác giữa tính cách và hoàn cảnh, thì ở Nguyễn Công Hoan tập trung tả về đối tượng-những hạng người mang mặt nạ giả dối mà ông rất thông thuộc. Cho nên, Nguyễn Công Hoan rất chú ý đến những chi tiết sống của hiện thực được thể

hiện bằng lời văn mà theo Trần Đình Sử thì "có thể nói mỉa mai trên tất cả cấp độ là nguyên tắc chủ đạo trong tổ chức lời văn truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan" [27;330].

Để chuyển tải bức tranh hiện thực đầy chất bi hài như thể sờ mó được, ông cũng biết vận dụng uyển chuyển các hình thức kể truyện. Ở những truyện tác giả đóng vai trò khách quan kể chuyện, nếu tác giả đứng ra nói thay cho nhân vật hoặc bình luận giải thích thêm vào thì truyện trở nên mất sự khách quan, nhạt nhẽo, nhưng ở Nguyễn Công Hoan ta lại bắt gặp những câu bình luận có duyên của tác giả, đưa lại sự thú vị cho người đọc bằng lời văn trực tiếp hay gián tiếp.

Ở truyện Ngậm cười kết quả treo giải thưởng đuổi cướp của bọn quan lại, là để lại cho chị cu Bản sự góa bụa và đàn con nheo nhóc đói khổ. Sau bao tháng chờ đợi tưởng nhận tiền, chị được quan trên truy tặng ... "cửu phẩm bá hộ". Nguyễn Công Hoan đã đưa chi tiết ngược đời này vào lời văn trực tiếp, lời văn gián tiếp của mình, tạo nên sự chua chát, éo le đầy phẫn nộ sau tiếng cười:

"Sự thành công của anh cu Bản đã làm cho vợ anh góa chồng !" hay ở đoạn kết: "Chị giật tờ giấy, chạy ù ra cổng, quên đứt rằng đáng lẽ chị phải vui vẻ cho chồng chị ở chín suối được ngậm cười".

Sự uyển chuyển trong lối kể chuyện ở Nguyễn Công Hoan rõ nhất ở truyện Thật là phúc. Tuy suốt thiên truyện đều được nhìn từ quan điểm của tác giả nhưng cách kể khá linh hoạt: phần đầu chuyện là lời trực tiếp miêu tả của người kể chuyện "Cứ kể ra, chị Tam trông cũng tình thực ! Cái quần sồi đen nhánh ...", tiếp đó là lời trực tiếp của nhân vật chị Tam và chú lính cơ Ván-cách xen kẽ lời gián tiếp người kể chuyện, đặc biệt có khi lời người kể hướng đến độc giả "Hẳn các ngài đã đoán trước rằng ..." Dạng câu kiểu này ở Nam Cao không có, tuy điểm nhìn của nhà văn rất linh hoạt trong cách kể rất nhiều. Do sự khác nhau như trên, nên ở Thạch Lam và Nguyễn Công Hoan không nhiều sự độc thoại độc đáo bằng lời văn nửa trực tiếp rất nổi bật như ở Nam Cao. Nó là cơ sở làm nên tính đa giọng ở Nam Cao.

Nói như thế không có nghĩa ở truyện Nguyễn Công Hoan không có lời nửa trực tiếp khi lời kể và lời nhân vật hòa vào nhau được, vừa có giọng . người kể vừa có giọng nhân vật nhưng ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ người kể, rất khác ở Nam Cao. Ta thử xem đoạn văn sau :

"Và lại một lần nữa. Chả sao: Có bạn là người nước văn minh, mình học thêm được sự văn minh, lại có lợi nữa. Đời cô thật là may mắn hơn các chị em khác. Cô sắm ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, may mặc cho mình, cho chồng. Cô còn muốn có chiếc xe hơi để chủ nhật vợ chồng đi chơi với nhau. Giá mà có tiền tậu được biệt thự thì hoàn toàn sung sướng" ( Chuyện của cô ấy).

Tác giả đã mượn giọng nhân vật hòa với giọng kể để mỉa mai về sự ảo tưởng của cô gái khi quen người Mỹ, nhưng ngôn ngữ vẫn mang quan điểm tác giả.

Lời văn nửa trực tiếp trong độc thoại nội tâm của nhân vật như nói ở trên, được Nam Cao vận dụng tinh tế, nhuần nhuyễn, lời tác giả đi vào lời nhân vật rất tự nhiên nhưng nó không che lấp đi hết tâm trạng và ngôn ngữ nhân vật. Tính cách nhân vật nổi bật ở văn Nam Cao nhờ lời văn này mà nó đi vào chiều sâu tâm lý trong quá trình nhận thức và tự nhận thức của nhân vật, buộc người đọc suy nghĩ, trăn trở với nó.

Độc thoại ở Nam Cao buộc thời gian kể phải dừng lại, lắng đọng lại, có khi chia cắt từng khúc đoạn thực tế, là điểm nhìn của nhân vật di chuyển nhưng điểm nhìn của người kể luôn thấu suốt trên trục thời gian lựa chọn trước và xâu chuỗi lại nhờ liên hệ với người đọc. Ở nhiều truyện ngắn Nam Cao, sự vận động lối kể không đúng với chiều thời gian như Chí Phèo (chọn đoạn cuối đời Chí để mở đầu chuyện), rồi Tư cách mõ, Rửa hờn... Trái lại sự vận động lối kể thường đúng chiều thời gian với cái nhìn đầy xót thương kiếp người nhỏ bé trong xã hội như (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa, Dưới bóng hoàng lan... của Thạch Lam. Điều đó cho thấy ở truyện ngắn Nam Cao thời gian hồi tưởng nhiều mà trần thuật ít, do nhà văn muốn mở rộng thời gian ý thức nhân vật để biểu hiện tính cách.

Một phần của tài liệu lời văn nghệ thuật trong truyện ngắn trước 1945 của nam cao (Trang 36 - 43)