Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Nhắm mắt thấy Paris

Một phần của tài liệu giá trị tiểu thuyết nhắm mắt thấy paris của dương thụy (Trang 70 - 76)

CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT

3.3.2. Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Nhắm mắt thấy Paris

“Thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật” [12; tr.62]. Tất cả các tác phẩm văn học đều mang trong mình thời gian nghệ thuật. Trong tiểu thuyết, thời gian nghệ thuật được xây dựng trên dòng tâm trạng và ý thức của con người. Thời gian trong Nhắm mắt thấy Paris

có sự giải quyết triệt để trong khoảng thời gian gần ba năm cho tất cả những diễn biến trong tác phẩm. Điểm xuất phát là khi Mai có một cuộc họp ở Hồng Kông. Thời gian được tập trung trong vòng một năm Mai có mặt ở Paris trong chuyến tu nghiệp từ đầu thu cho đến Paris những ngày tháng sáu… Và kết thúc vào ba năm sau đó, mọi người trong tác phẩm lại có dịp gặp gỡ nhau tại Hồng Kông. Ba năm cho tất cả những biến cố trong đời của từng nhân vật. Có lúc thời gian như chùng xuống cho những tâm trạng, suy nghĩ

của những người trẻ, những nỗi băn khoăn bị đứt quãng bởi nhịp điệu thời gian. Nhưng cũng có khi thời gian trôi nhanh theo nhịp sống hiện đại, trôi dài trong từng bước đi qua những con đường mà các nhân vật đã chọn. Để rồi sau một thời gian nhất định, tất cả lại gặp lại nhau, trưởng thành hơn hay nói cách khác là già dặn hơn và thành công hơn.

Trật tự thời gian được giữ nguyên từ đầu cho đến cuối truyện, những sự kiện cứ lần lượt nối tiếp nhau trôi đi theo vòng xoay của cuộc đời làm người đọc dễ nắm bắt cốt truyện hơn, dễ hiểu hơn và cũng vì đó mà thu hút được nhiều độc giả hơn. Đó cũng là một nét thành công trong tiểu thuyết của Dương Thụy. Không đảo lộn, không phức tạp nhưng vẫn tạo nên tính hấp dẫn. Dùng một kết cấu thời gian trần thuật tuyến tính quen thuộc từ xưa đến nay và điển hình trong văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học dân gian như các loại truyện cổ tích nhưng tác phẩm của Dương Thụy vẫn được đón nhận nồng nhiệt. Những chi tiết giằng co giữa những cô gái, những chuyện tình, những tâm tư của những người trẻ làm cho tác phẩm có độ căng từ đầu cho đến cuối thiên truyện, tạo nên sự hấp dẫn cho trang tiểu thuyết.

Thời gian trong Nhắm mắt thấy Paris chủ yếu là thời gian nhân vật. “Đây là loại thời gian rất quan trọng, nó làm cho người đọc ý thức được sự tồn tại của nhân vật. Chính hành động tâm lí dòng kí ức tạo thành thời gian nhân vật”[14; tr.34]. Tuy không tường thuật trực tiếp về tiểu sử của các nhân vật nhưng ta vẫn có thể hiểu sơ lược về các nhân vật, đặc biệt là Mai. Cô sinh ra trong một gia đình có giáo dục, được dạy dỗ và được sống trong tình cảm yêu thương của những người trong gia đình. Cô đậu đại học và tốt nghiệp Ngoại Thương với loại xuất sắc, sau đó, cô được nhận vào làm việc trong tập đoàn mỹ phẩm L’Aurore. Ba năm sau, ở tuổi hai mươi lăm, do nhiều nguyên nhân và tình huống dở khóc dở cười mà Mai được công ty chuyển sang Pháp tu nghiệp một năm. Ba năm sau, cô đã thay đổi công việc mới và làm trưởng văn phòng đại diện công ty mỹ phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam. Nhờ thời gian tiểu sử, ta có thể dễ dàng nắm bắt được nhân vật hơn. Trong thời gian nhân vật còn có thời gian được nếm trải qua tâm hồn nhân vật hay nói khác hơn là thời gian tâm lí của nhân vật. Ở đây, quan niệm thời gian được đo bằng tình cảm, cảm xúc của nhân vật. Có khi thời gian trôi qua thật chậm cho những ngày Mai phải đối diện với nỗi cô đơn trong dịp nghĩ lễ Giáng sinh và cuối năm “Không thể quay lại giường ngủ tiếp, Mai uể oải dọn dẹp căn hộ. Cô biết làm gì cho hết mười ngày

nghỉ cuối năm đây?” [19; tr.153]. Con người chán nản, mệt mỏi nên thời gian dường như cũng chậm chạp hơn. Thời gian nặng nhọc đi qua “Những ánh nắng mỏng manh đầu tiên trong ngày e dè xuất hiện” [19; tr.154]. Thời gian sinh học có vấn đề hay chính thời trong lòng con người bị trục trặc? Trong những ngày buồn chán thì thời gian trôi qua nặng nề như thể ta ngồi đếm từng giây từng phút theo nhịp quay đều đặn của chiếc đồng hồ. Đến khi Mai đang ngập tràn trong hạnh phúc với cuộc viếng thăm bất ngờ của Louis, Mai muốn níu giữ những ngày nghĩ lâu hơn nhưng thời gian lại vùn vụt trôi qua. Cả Mai và Louis đều phải tranh thủ “tận hưởng những ngày ít ỏi còn lại khi Louis tiếp tục công việc ở L’Aurore Việt Nam” [19; tr.174]. Thời gian tâm lí được vận động theo những tình cảm, cảm xúc của nhân vật và làm thay đổi, ảnh hưởng đến không gian nghệ thuật. Đủ thấy, thời gian tâm lí rất quan trọng trong việc khắc họa thêm tình cảm và tính cách của nhân vật. Dương Thụy còn tinh tế trong việc sắp xếp trật tự tâm lí nhân vật theo trật tự thời gian. Việc Louis xuất hiện bên Mai vào những ngày mùa đông giá rét sẽ làm cho không gian trở nên ấm áp và tình hơn rất nhiều. Và khi Mai đã bình tâm lại sau cú sốc về mối quan hệ của Louis và Tuyết Hường, thời gian lại trở về với những ngày Paris tháng sáu với thời tiết dễ chịu làm tâm trạng con người trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Tâm trạng và thời gian cùng hòa hợp với nhau đã tạo nên một khung cảnh “đắt” trong tác phẩm. Bởi sự kết hợp đó làm người đọc dễ hình dung hơn những yếu tố nghiêng về mặt cảm tính và cụ thể hóa được những điều mà tác giả muốn gửi gắm vào trong tiểu thuyết.

Nói chung, thời gian và không gian nghệ thuật là hai yếu tố không thể tách rời nhau trong quá trình nghiên cứu. Không gian làm nền cho thời gian, và ngược lại, thời gian thay đổi sẽ làm yếu tố không gian thay đổi theo. Việc kết hợp chặt chẽ giữa không gian và thời gian nghệ thuật đồng thời tạo ra những điểm nhấn không gian mới lạ cùng với khoảng cách thời gian thích hợp, Dương Thụy đã mang vào trong tiểu thuyết một hơi thở mới của thời đại, làm cho tác phẩm hay và độc đáo hơn.

KẾT LUẬN

Đi một vòng lớn với những lời khen chê xoay quanh tác phẩm Nhắm mắt thấy Paris, với những giá trị nội dung và nghệ thuật ghi nhận được, cuối cùng ta còn đọng lại được những gì?

Đó là chất kí sự về những cảnh đẹp của Paris, của Hồng Kông và của thủ đô nước Áo, là Paris vào mùa xuân, vào những ngày tháng sáu, tháng bảy, vào đêm Noel rực rỡ và vào những buổi cuối xuân đầu hè “…có nắng hanh vàng, bầu trời trong xanh gợn những cụm mây trắng như bông, gió nhè nhẹ đủ thổi bay những chiếc lá chấp chới trong vườn Luxembourg” [319; tr.210]. Quả thực, châu Âu là một trong những cái nôi văn minh nhân loại, tất cả cô đọng ở Paris, vì thế châu Âu luôn quyến rũ khách du lịch. Những cảnh sắc và sinh hoạt của Paris trong tác phẩm đã đem đến những nét thoáng qua về Paris cho người đọc. Đem đến cho họ những trải nghiệm thú vị khi được du lịch qua từng con chữ trong tiểu thuyết.

Kết thúc tác phẩm theo lối có hậu đem đến cho người đọc sự an tâm hơn về quy luật của cuộc đời, những ai thật sự tìm cho mình một lối đi đúng sẽ được đền đáp xứng đáng. Mang chút ảnh hưởng của triết lí nhân quả, ở hiền gặp lành trong truyện dân gian, Dương Thuỵ cũng có phần nghiêng về những suy gẫm triết lý. Daniel với quan niệm lạc quan “Chúa đóng cánh cửa này thì sẽ mở ra cánh cửa khác” [19; tr.270], còn Lafatoine tán gia bại sản, thân bại danh liệt vì Pink Lady. Nhưng khi trải qua một biến cố lớn của cuộc đời, ông thấu hiểu hơn cho cuộc sống và có cái nhìn vị tha hơn “khi tha thứ mình sẽ được cuộc đời đền bù gấp bội…Giờ tôi không xem thành công là cái đích của mỗi con người. Tất cả chỉ còn lại cái tình, và hạnh phúc được sống trong thanh thản, đó mới là điều quan trọng nhất”.

[19; tr.271]

Qua nhân vật maman Chritine cũng đã phản ánh hiện thực một cách trần trụi. Do quá hiểu cuộc đời, bà tìm mọi cách cho dù trần tục để tự tạo niềm vui cho

mình, tự an ủi mình bằng những triết lí độc đáo. Nghe qua có sự bất cần đời nhưng nếu ngẫm kỹ. Đôi lúc ta cũng sẽ như maman. Christine dạy Mai phải biết chửi “merde” vào tất cả. “Chửi thề là cách hữu hiệu để chống stress ở Paris. Nào ! Hét to lên “Merde! Merde!” [19; tr.95] hay “Đừng quá băn khoăn, đừng quá nghiêm trọng hoá vấn đề, rồi mọi thứ cũng tự ổn thỏa, bởi cuộc đời này vốn không phức tạp như những triết gia thích tư duy. Sự vật hào nhoáng nếu nhìn dưới lăng kính trần tục cũng chỉ là một đống “merde” mà thôi. Không phải Paris hoa lệ cũng tồn tại chung cùng những đống phân chó đó sao?” [19; tr.180-181]. Đó là hiện thực. ai cũng mơ ước một lần được đến với Paris, Paris hào nhoáng, xinh đẹp và giàu có. Nhưng ở đâu mà không có kẻ giàu người nghèo, ở đâu mà không có nơi tuyệt đỉnh cao sang nhưng vẫn còn nơi nhơ nhớt, bùn lầy. Kể cả Paris. Đằng sau những khung cảnh xa hoa tráng lệ, vẫn tồn tại những nơi dành cho cấp thấp sinh sống.

Ấn tượng về sex và vấn đề trinh tiết cũng là một đặc sắc trong tác phẩm. Trong những phút đau đớn nhất của Louis, anh nhận ra danh dự làm người mới là giá trị quan trọng: “Suy cho cùng, tình dục là cái thá gì! Có thì được vài khoảnh khắc hưởng thụ, không thì cũng chẳng chết ai! Thậm chí bất lực càng hay, sẽ không bị đuổi việc nhục nhã và phá huỷ hết những gì đã gây dựng được” [19; tr.239-240]. Louis đã hối hận về những gì mình đã gây ra và âm thầm chịu đựng nỗi đau đớn vì những điều đó. Chàng nhận ra những điều tốt đẹp hơn đáng lẽ phải có với mình nếu như trong giây phút nhất thời ấy, anh có thể chiến thắng được chính bản thân mình. Có vượt qua được những cám dỗ thì con người mới thật sự đi đến con đường thành công. Nói về sex, Dương Thuỵ có ý thức đặt vấn đề sex gắn với những vấn đề xã hội, không miêu tả sex kích dục, sex bẩn. Những chỗ miêu tả cảnh sinh hoạt nam nữ, ngòi bút Dương Thuỵ có sự tế nhị văn hoá. Tình yêu của người Việt Nam gắn với tình nghĩa và trách nhiệm xã hội, không có “tình cho không biếu không”, không có chuyện “tình dục chỉ là thú vui” không đòi buộc trách nhiệm xã hội như cách nghĩ của xã hội phương Tây. Sau cùng Mai cũng đã nhận ra điều này khi hiểu ra Daniel mới chính là tình yêu thật sự của cô. Tình yêu

bao gồm trong nó sự quan tâm chia sẻ nâng đỡ lẫn nhau, tôn trọng nhau, thuỷ chung với nhau. Daniel đạt những chuẩn mực lý tưởng đó.

Không gian và thời gian cũng là một điểm nhấn cho tác phẩm. Với những yếu tố không gian thời gian mới lạ, độc đáo, không ngừng thay đổi, xoay chuyển theo sự kiện và tình huống của từng nhân vật, làm cho kết cấu chuyện trở nên lôi cuốn và hấp dẫn hơn với độc giả.

Trong phạm vi nghiên cứu còn hạn hẹp về thời gian và kiến thức nên chắc chắn, bài nghiên cứu này sẽ không tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Người viết mong muốn rằng, công trình nghiên cứu này sẽ giúp ích được cho quá trình nghiên cứu về tác giả Dương Thụy và những đóng góp của chị trong tiến trình hiện đại hóa văn học thế kỉ XXI. Và hơn thế nữa, sẽ có nhiều nữa những bài nghiên cứu sau bổ sung và khắc phục những hạn chế của bài nghiên cứu này và tiếp tục khai thác thêm những cái hay về giái trị nội dung và nghệ thuật của tiểu thuyết Nhắm mắt thấy Paris.

Một phần của tài liệu giá trị tiểu thuyết nhắm mắt thấy paris của dương thụy (Trang 70 - 76)