CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT
3.4. Kết cấu trong tiểu thuyết Nhắm mắt thấy Paris
Kết cấu là cách sắp xếp, tổ chức các yếu tố trong một tác phẩm thành một chỉnh thể hoàn chỉnh. “Có thể nói kết cấu tác phẩm là toàn bộ tổ chức tác phẩm phục tùng đặc trưng nghệ thuật và nhiệm vụ nghệ thuật cụ thể mà nhà văn tự đặt ra cho mình. Kết cấu tác phẩm không bao giờ tách rời nội dung cuộc sống và tư tưởng trong tác phẩm.” [12; tr.295]. Kết cấu tác phẩm tăng cường thêm sức mạnh nghệ thuật của tác phẩm văn học, tạo nên sức hấp dẫn cho người đọc. Kết cấu trong những tác phẩm khác nhau sẽ khác nhau. Có nhiều hình thức kết cấu khác nhau như kết cấu theo trình tự thời gian, kết cấu đa tuyến, đơn tuyến, kết cấu tâm lí,… Trong tác phẩm Nhắm mắt thấy Paris, ta sẽ nghiên cứu tác phẩm theo hình thức kết cấu chương hồi.
Thuật ngữ “tiểu thuyết chương hồi” dùng để chỉ một dạng thức tiểu thuyết trường thiên quan trọng trong văn học cổ điển Trung Quốc và Việt Nam. Mỗi sự kiện được tính bằng một hồi, cho nên câu cuối mỗi hồi của trường thiên tiểu thuyết thường có câu “Hồi sau sẽ rõ”. Và kết cấu chương hồi là một trong những phương diện thi pháp trong tiểu thuyết chương hồi. Qua thời gian, kết cấu chương hồi đã có nhiều chỉnh sửa và thay đổi theo xu hướng của văn học. Nó được sáng tạo nhiều hơn qua mỗi lần sáng tác nên tác phẩm của mỗi tác giả. Tuy tiểu thuyết “Nhắm mắt thấy Paris” là một tiểu thuyết hoàn toàn mới và được viết theo lối hiện đại nhưng Dương Thụy vẫn chia theo kết cấu từng chương. Toàn câu chuyện được chia ra thành 22 chương. Ở mỗi chương lại được đặt một tiêu đề riêng có ý thâu tóm nội dung của cả chương truyện làm cho một cuốn tiểu thuyết gần ba trăm trang trở nên dễ hiểu hơn, gọn gàng hơn. Những cái tiêu đề khá ngộ ngĩnh ở mỗi chương như “Bị bán đứng ở hội nghị”, “Nụ hôn bất ngờ”, “Stanne mặc đầm tím hoa cà”, Bóng ma ở lâu đài Devermont”, hay “Paris hẹn ngày gặp”,…làm cho tiểu thuyết của chị trở nên hấp dẫn hơn. Chỉ cần đọc những tiêu đề của mỗi chương đã gây tò mò cho đọc giả. Người ta muốn biết “Stanne” là ai, muốn xem “bóng ma ở lâu đài” như thế nào.
Dùng nền tảng là kết cấu chương hồi, Dương Thụy muốn tiểu thuyết của mình mang màu sắc của cổ đại, gần với cách đọc của người Việt cả xưa và nay. Mỗi chương như một truyện ngắn nhỏ trong một quyển tiểu thuyết lớn. Mỗi chương là một câu chuyện, một bối cảnh riêng để người đọc dễ dàng tiếp cận tác phẩm hơn. Bản thân là một người không có nhiều thời gian thừa cho việc đọc sách, ngay cả việc viết sách còn phải tranh thủ từng giờ, Dương Thụy chắc hẳn hiểu rõ hơn hết việc tận dụng thời gian. Tuy có những chương bị ngắt ngang để chuyển qua chương sau tạo sự tò mò cho độc giả theo kiểu chiếu phim nhiều tập trên truyền hình, nhưng việc kết cấu theo từng chương vẫn làm cho người theo dõi không thể ngấu nghiến suốt ngày cả quyển tiểu thuyết vẫn có thể tóm được nội dung mình đang đọc và ít bị gián đoạn mạch cảm xúc khi tiếp xúc tiếp những chương sau.
Tiểu thuyết chương hồi xưa kết bằng câu “Hạ hồi phân giải” để tiếp cho chương sau. Dương Thụy đã sáng tạo trong việc cách tân nghệ thuật của kết cấu chương hồi. Chị kết thúc từng chương bằng những bức email. Những email của các nhân vật trong truyện được đưa ra thay cho kết thúc. Email là một thuật ngữ mới trong văn chương nhưng lại rất phổ biến trong đời sống hiện nay. Nó là một phần trong cuộc cách mạng thông tin của nhân loại. Lối dùng xưa đan xen với nay kiểu như Dương Thụy là rất hay và có thể xem là một phong cách riêng của chị. Email là thế giới riêng tư, là nơi không phải ai cũng biết,… bởi thế nên nó gây một giá trị “đắt” trong tiểu thuyết Dương Thụy. Nội dung trong các email bổ sung thêm những thông tin còn thiếu mà độc giả có thể không hiểu trong từng chương, và nó là nơi phơi bày tình cảm, tâm trạng và tính cách của mỗi nhân vật. Người đọc yêu ghét nhân vật có thể qua từng email đó. “Chị Hai. Em biết chị sẽ la mắng em thật nhiều nhưng khi chị gọi về, em chỉ thấy giọng chị thật buồn. chị em mình chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc đời. Bất đắc dĩ mới phải hành động như vậy. Giờ em cũng không biết mình có nên hối hận. Nhưng mọi chuyện đã muộn, e đã đại náo cả công ty…” [19; tr.208]. Đó là những lời trong một email Tuyết Hường gửi cho chị Hai mình. Như nhân vật Tuyết Hường vốn lắm thủ đoạn, nhiều mưu mô và không được nhiều lắm thiện cảm của độc giả, nhưng qua những bức email, ta thấy nhân vật này đáng thương hơn đáng trách. Ta nhận ra con người dù độc ác đến đâu cũng có một góc nhỏ tâm tư trong trái tim mình. Nó dằn vặt, dày xé con người, nó làm cho con người nhỏ bé, đáng thương và tội nghiệp hơn. Yếu tố nghệ thuật nhưng Dương Thụy vẫn lồng vào đó những trăn trở, những suy tư của mình về
cuộc sống. Đó có thể xem là những triết lí đáng để mỗi người chiêm nghiệm trong thế giới ngày càng hiện đại hiện nay.
Cách phối hợp kiểu kết cấu có pha chút xưa và nay tạo nên nét mới cho tác phẩm. Những chương nhỏ theo trình tự nối tiếp nhau, kết thúc mỗi chương là những bức email của các nhân vật làm rõ hơn cho những chi tiết không được nhắc đến trong quá trình trần thuật. Kiểu kết cấu vừa lạ lẫm, vừa thân quen của chương hồi và email,… Tất cả tạo nên một hệ quả nghệ thuật độc đáo và tạo sự cuốn hút người đọc thêm từ tác phẩm.