CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT
3.3.1.2. Không gian sự kiện trong tiểu thuyết Nhắm mắt thấy Paris
Trong tiểu thuyết Nhắm mắt thấy Paris, từng sự kiện được đặt vào những khoảng không gian khác nhau. Không gian sự kiện có mối quan hệ với nhau. Không gian sự kiện tác động đến nhân vật và tác động đến những sự kiện khác. Sự kiện Mai được tu nghiệp ở Paris trong vòng một năm đã tác động trực tiếp đến cô. Mai có cơ hội để đi xa hơn trong sự nghiệp của mình, có điều kiện để học hỏi và khẳng định chính mình trong môi trường làm việc mới. Nhưng chính sự kiện Mai được đi Paris mới dẫn đến sự kiện Mai gặp và được nhận làm con nuôi của bà Christine, được bà truyền đạt cho những triết lí tưởng chừng thô thiển, vụn vặt nhưng lại rất hay trong cuộc sống hiện đại. Và cũng chính việc Mai đi Paris mà Tuyết Hường có điều kiện tiếp cận với Louis và làm Mai đau khổ vì mối tình đầu tiên tan vỡ. Hay trong sự kiện “Scandal tình ái”, ông tổng giám đốc Jean-Paul đã bị Pink Lady làm cho thân bại danh liệt, nhưng cũng nhờ sự thất bại “tưởng mình phải chết đi” [19; tr.270] mà ông nhận ra được giá trị của cuộc sống đích thực làm thấy lòng mình thanh thản hạnh phúc hơn. Không gian sự kiện đã tạo nên những bước ngoặt lớn cho từng nhân vật trong tác phẩm trong một mốc thời gian nhất định. Những mối quan hệ chằng chịt lẫn nhau giữa sự kiện với nhân vật trong sự kiện đó, sự kiện này với những sự kiện khác, nhân vật này với nhân vật khác tạo nên tính mạch lạc cho tác phẩm. Nhờ vào không gian sự kiện mà ta có thể dễ dàng lí giải và phân tích từng nhân vật cụ thể hơn
Một trong những cái hay trong không gian của tiểu thuyết Nhắm mắt thấy Paris là không gian giấc mơ. Không gian nghệ thuật bám chặt vào đời sống hiện thực để biểu hiện. Nó phản ánh tích cực tất cả những diễn biến mà có – thể - xảy – ra trong cuộc sống hiện tại. Nhưng ở đâu đó, không gian vẫn có sự tồn tại của thế giới hư hư thực thực, thế giới ảo qua những giấc mơ. Những cơn ác mộng của Tuyết Hường chính là nơi hư ảo đó.
Tuyết Hường “ú ớ kêu gào trong một cơn ác mộng khủng khiếp nào đó” [19; tr.217] hay
“Đêm cuối cùng ở Milan, những cơn ác mộng của Tuyết Hường trở nên khủng khiếp hơn. Cô oằn mình như bị ai đang cầm dao đăm thẳng vào bụng, hai tay ôm chặt đầu, miệng ú ớ không thoát ra lời, hai chân giãy giụa đau đớn.” [19; tr.218]. Trong cơn mơ, Tuyết Hường thấy “nó hiện về, hình hài chưa nguyên vẹn, nhìn ghê tởm như một con ác quỷ. Nó sỉ vả em dùng nó làm mưu đồ cho mình. Nó nguyền rủa em hết lời, rằng quả báo nhãn tiền, kiếp này trả chưa đủ thì kiếp sau trả tiếp. Em lại thấy mình có một mái ấm gia đình, có chồng yêu thương và đang mang thai một đứa con khác. Em đang trông chờ ngày sinh thì cái bào thai ác quỉ kia đến quậy phá, nó cầm dao đâm vào bụng để giết chết con em.”
[19; tr.221-222]. Không gian trong giấc mơ đã thể hiện rõ những ám ảnh về quá khứ và những tội lỗi của con người. Những giấc mơ còn nói lên khao khát của Tuyết Hường “có một mái ấm gia đình, có chồng yêu thương”. Giấc mơ là thứ chân thật nhất. Ở đó, tất cả những trần trụi của cuộc đời sẽ được phơi bày rõ rệt nhất. Qua những giấc mơ, con người đã bộc lộ những bản chất thật của mình, sau những mưu mô, thủ đoạn là những nỗi sợ hãi và đau khổ. Tuy không gian giấc mơ chỉ xuất hiện rất ngắn trong tác phẩm, nhưng nó đã phần nào làm hể hả bao người đọc về luật trả vay của cuộc đời. Rồi cuộc sống sẽ trôi qua, rồi con người sẽ dần quên những oán hận và tha thứ cho nhau, nhưng tòa án lương tâm có chắc sẽ tha thứ? Nó sẽ luôn gào thét những tội lỗi và nhắc nhở con người không nên quên đi nó. Tuyết Hường được mọi người tha thứ và chắc sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn với số tiền mà cô có được từ vụ scandal tình ái. Nhưng với tất cả những ai đã biết và yêu thích
Nhắm mắt thấy Paris, ai cũng sẽ bị ám ảnh bởi những con ác mộng của Tuyết Hường. Những cơn ác mộng đó sẽ không tha thứ cho những mưu mẹo và mánh khóe của cô ta.
Ngoài ra, không gian trong Nhắm mắt thấy Paris còn là không gian của sự rào cản. Cái ngày Louis đặt chân đến Việt Nam làm việc cũng là ngày chàng biết tin Mai sẽ sang Pháp tu nghiệp một năm. Hai người xa nhau. Nữ hoàng Tháng năm sẽ không thể ở bên cạnh Louis được. Chàng tâm trạng “Anh buồn quá! Mục tiêu chuyến làm việc ở Việt Nam của anh thế là không trọn vẹn. Anh không thể gần gũi cô ta nhiều. Chắc vài tuần nữa cô sang Paris rồi. Thật là khôi hài. Anh ở Sài Gòn còn người anh thích lại ở Paris.”
[19; tr.65]. Cũng nhờ không gian của sự rào cản, cũng nhờ vào chuyến tu nghiệp của Mai mà Tuyết Hường – Pink Lady – mới có dịp “nhất cự ly nhì tốc độ” tiếp cận với Louis,
đưa chàng vào bẫy tình và làm cho mối tình đầu của Mai tan vỡ. Xa cách Mai và với bản tính phóng khoáng trong chuyện tình cảm, ham của lạ vốn có của người châu Âu, Louis dễ dàng ngã vào vòng tay của Tuyết Hường. Nhưng anh đâu ngờ, chính một phút ham vui đó đã phá nát cả tình yêu và sự nghiệp của anh đến nỗi Louis phải tìm đến cái chết. Louis đã thật lòng yêu Mai và có ý định tiến xa hơn với cô nhưng không gian đã chia cách hai người. Mai và Louis không có nhiều thời gian để tìm hiểu, yêu thương và đủ để cảm thông cho nhau. Không gian kết hợp với thời gian nghệ thuật cản trở tình cảm của con người. “Xa mặt cách lòng”, ai có thể tin vào hai chữ thủy chung khi họ ở cách nhau nửa vòng trái đất? Thật sự có phải là do lỗi của Louis khi anh đến với Mai khi mọi chuyện đã kết thúc nơi Tuyết Hường và tình cảm anh dành cho cô là chân thật? Chính không gian đã làm Mai không thể tin vào Louis và tuyệt vọng vào tình yêu, làm cô không thể nào cảm thông cho anh. Cũng chính không gian làm cho Mai không thật sự hiểu được tình cảm của lòng mình, để biết chắc Louis là lựa chọn đúng đắn của trái tim cô. Nhưng cũng chính không gian đã đưa họ đến với nhau rồi để Mai lao vào Louis với mục tiêu ban đầu là sợ mất Louis vào tay đối thủ. Không gian rào cản là thứ không gian đáng sợ và đầy thử thách với mỗi người mà ai cũng phải một lần đối mặt. Rồi cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn hay xấu xa hơn, tình cảm sẽ đơm hoa kết trái hay vụt mất như bọt biển? Tất cả đều được tác giả lí giải và kết thúc nhờ vào sự cách biệt của không gian.