CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT
3.5.1. Người trần thuật
Trần thuật bao giờ cũng được thực hiện bởi một người nào đó. Hầu hết các thể loại văn xuôi trong văn học đều có người trần thuật. Người trần thuật có vai trò rất lớn về mặt kết cấu cũng như chi phối ngôn ngữ của nhân vật. Người kể chuyện là sản phẩm trong quá trình hư cấu của nhà văn. Nó khác với người kể chuyện trong thực tế đời sống bên ngoài. Việc phân tích được vấn đề người kể chuyện sẽ giúp ta tìm hiểu sâu sắc và trọn vẹn hơn về tác phẩm. Người kể chuyện là người thay mặt cho nhà văn nêu lên tư tưởng của mình trong tác phẩm. Người kể chuyện có thể ở ngôi thứ nhất, nhân vật xưng tôi kiểu như tác giả hóa thân vào tác phẩm tự thuật lại câu chuyện đời mình. Hoặc người kể chuyện đứng ở ngôi thứ ba, là người ngoài cuộc nhưng lại là người biết hết tất cả các sự việc trong truyện. Cũng có tác phẩm, người kể chuyện vừa ở ngôi thứ nhất vừa ở ngôi thứ ba.
Trong Nhắm mắt thấy Paris, người kể chuyện đã được Dương Thụy chỉ định ở ngôi thứ ba, là người tai nghe mắt thấy tất cả các sự việc, tình tiết bên trong câu chuyện của các nhât vật khác nhưng không xuất hiện. Người kể chuyện ẩn mình làm câu chuyện trở nên khách quan và trung tính hơn. Lúc này, những khung cảnh, con người, những suy nghĩ được dựng lên do chính những người trong cuộc. Câu chuyện của Dương Thụy trở nên chân thật, sống động hơn bởi những cảm nhận thực của từng nhân vật. Hai cô gái Mai và Tuyết Hường được đánh giá qua suy nghĩ của ông sếp Jean Paul Lafatonie “Ông linh cảm rồi đây giữa hai cô gái Việt và chàng trai Pháp đỏm dáng này sẽ xảy ra nhiều chuyện tranh giành, một cuộc tình tay ba, một kết thúc với nhiều sứt mẻ. Bởi hơn ai hết ông hiểu rõ hai cô gái đó là những người trẻ nhiều hoài bão nhưng lắm mưu mẹo, khá
thông minh nhưng ưa chứng tỏ, thừa năng lực làm việc nhưng thiếu kinh nghiệm…” [19; tr.57]. Hay những đoạn nói về Paris, ta dễ dàng cảm được vẻ đẹp của Paris qua từng suy nghĩ của nhân vật, đặc biệt là Mai – một cô gái tuy không được đi nhiều nơi, chiêm ngưỡng các cảnh đẹp của Paris do áp lực công việc nhưng cô cũng có những cái nhìn rất đẹp về Paris qua lăng kính của mình. Đó là những của hàng shopping đơn giản nhưng cực kì đắt đỏ mà Mai chỉ có thể “windown shopping” theo kiểu “tên thương hiệu nhỏ xíu, chữ màu đen trên nền trắng, nằm khiêm tốn trên các mái vòm của cửa hàng” [19; tr.103] để rồi Mai phải há hốc kinh ngạc “nhìn hàng hóa và giá cả qua kính thôi nhé. Ăn mặc lùi xùi như tụi mình, vào đó họ không tiếp đâu”, “Cô hoa mắt khi thấy bảng giá bé xíu nhưng có sức mạnh ngàn cân, toàn ba bốn số không.”, rồi “cả chục ngàn euro trở lên!”
[19; tr.103]. Đó là những lâu đài xa hoa, cổ kính, một trong niềm tự hào của người Pháp, nơi “thời tiết trong lành, sông núi hữu tình, thung lũng yên tĩnh và rừng rậm nên thơ với những cuộc săn bắn” [19; tr.162], “có lò sưởi đốt bằng củi, có giường gỗ theo phong cách hoàng gia” [19; tr.164] và cả “vòng đai trinh tiết” [19; tr.165]. Hay đơn giản, đó chỉ là một món ăn bình thường của người Pháp “cô thích cầm trên tay ổ bánh mì baghete nóng hổi được phết những lát bơ Bretagne béo thanh dễ chịu. Vừa đi vừa cắn ngập những miếng bánh mì giòn rụm, cảm giác bơ tan chảy trên đầu lưỡi, cô thấy yêu Paris thêm một chút.” [19; tr.139]. Đọc những dòng trong Nhắm mắt thấy Paris, qua những cảm nhận chân thật của từng nhân vật, không chỉ “Mai thấy yêu Paris hơn một chút” mà chính những người đọc cũng thấy yêu và hiểu thêm về Paris nhiều hơn một chút. Những trải nghiệm từng chính bản thân mình, những gì mình đi qua, đã chạm vào, đã thưởng thức được Dương Thụy đưa vào tiểu thuyết của mình làm từng con người và cảnh vật trở nên xinh đẹp hơn rất nhiều.
Với tư thế “biết tuốt” tất cả mọi diễn biến trong toàn bộ câu chuyện, người kể chuyện ẩn mình dễ dàng chuyển cảnh, chuyển đối tượng một cách linh hoạt. Như trong Chương 21 “Lời đe dọa để lại” [19; tr.247] câu chuyện đang xoay quanh cuộc đối thoại của Mai và Tuyết Hường thì cảnh tiếp theo được chuyển sang buổi tối khi Mai đi về căn hộ của mình. Tiếp sau đó, đang nói về Mai
Nhưng cô đã lầm. Một rắc rối lớn do chính Tuyết Hường đạo diễn đang chờ cô.” [19; tr.254] thì mạch truyện lại đột ngột chuyển sang nhân vật Christine “Bà Christine đang chập chờn trong giấc ngủ khó nhọc của người già, tiếng chuông điện thoại réo lên bất an” [19; tr.254]. Hay như cách chuyển sang các chương: từ chương 17 “Scandal tình ái”
[19; tr.198] khi Mai được chị Lan sang thăm và báo những tin tức về Tuyết Hường gây náo loạn ở Việt Nam vì bị gây rối tình dục và trong đó có cả Louis thì chương tiếp theo, chương 18 “Ác mộng nửa đêm về sáng” [19; tr.210] khi Mai đang chuẩn bị đi Milan công tác thì gặp phải Tuyết Hường với những tình huống dở khóc dở cười. Những diễn biến được chuyển liên tục như những thước phim khác nhau, nhưng những cảnh đó lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đoạn này giải thích cho đoạn kia, cảnh này bổ sung cho những điều khó hiểu của đoạn kia. Với cách chuyển cảnh liên tục như vậy, câu chuyện sẽ trở nên hấp dẫn hơn bởi cách ngắt ngang những đoạn hấp dẫn, cao trào, làm người đọc tò mò, hồi hộp với những tình tiết và diễn biến đang diễn ra trong truyện.
Người trần thuật ẩn mình cũng là một cách để người kể chuyện tỏ ra thấu hiểu tình cảnh và tâm trạng của nhân vật. Ở chương 7 “Nụ hôn bất ngờ” [19; tr.79], khi Mai đang chuẩn bị lên máy bay đi Paris có đoạn “Dù không hiểu tiếng Việt, vẻ mặt trêu tức của Pink Lady và cái giọng khó chịu của “Nữ hoàng Tháng Năm” làm Louis biết mình đang là đề tài cho hai cô đấu đá. Anh chưa hiểu nguyên do sâu xa của mối quan hệ đồng nghiệp này, chỉ biết khi họ chạm mặt nhau, một người luôn nhẹ nhàng, dịu dàng dù không giấu được vẻ giả tạo. Người kia luôn nhát gừng, lạnh lùng tỏ vẻ khinh ra mặt.” [19; tr.81] rồi khi Louis hôn Mai trước mặt nhiều người “Cô chưa kịp bàng hoàng. Cô kịp nhìn thấy cái mồm há ra sâu hun hút của mẹ, ánh mắt trợn ngược của ba, nụ cười khoái chí của chị Lan và đôi môi mím chặt của Tuyết Hường” [19; tr.81-82]. Chỉ qua những hành động, những cử chỉ hay một vài lời đối thoại của các nhân vật, nhưng với vai trò người kể chuyện ở ngôi thứ ba, người trần thuật dễ dàng nói lên những tâm trạng, tình cảnh của mọi người. Louis khó hiểu với sự đấu đá của hai cô gái trẻ, Mai – một cô gái chưa biết yêu là gì - ngơ ngác với nụ hôn đầu đời, ba mẹ Mai với nền giáo dục truyền thống, kinh ngạc trước hành động rất bình thường đối với phương Tây, còn Tuyết Hường thì tức giận và ghen tị với hình ảnh đó. Tất cả đều được người trần thuật phản ánh rõ nét, tạo nên một nét độc đáo và hấp dẫn cho quyển tiểu thuyết này.
Với cách kể chuyện mà người kể chuyện giấu mình đi và đưa điểm nhìn sang cho các nhân vật làm cho cách kể chuyện mang đầy tính khách quan, sinh động, câu chuyện trở nên sâu sắc và giàu tình cảm hơn. Đó là lối kể chuyện mang chiều sâu đời sống nội tâm của chính chủ thể thẩm mĩ. Đọc từng câu, từng chữ trong Nhắm mắt thấy Paris, độc giả có thể hiểu rõ hơn nhân vật trong tiểu thuyết và yêu hơn những gì tồn tại trong tác phẩm như yêu chính cuộc sống bên ngoài.