CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT
3.2.2.5. Ngôn ngữ tiếng nước ngoà
Viết về cuộc sống và những hình ảnh “ngoại”, các từ nước ngoài là một điểm hay cho tiểu thuyết của Dương Thụy. Nó tạo nên một làn gió mới trong văn học Việt Nam. Những từ nước ngoài được sử dụng với tần suất cao tạo nên nét riêng biệt cho tác phẩm. Các từ tên riêng tiếng nước ngoài như Louis De Lechamps, Jean-Paul Lafatonie, Daniel Ng, Christine, Céline,…Các địa danh nước ngoài: Quảng trường Vendome [19; tr.103],
Đại lộ Champs Elysée [19; tr.174], sông Loire, các lâu đài Devermont, Chenonceau, Chambord,…[19; tr.163]. Các thương hiệu thời trang danh tiếng: Versace [19; tr.163],
Boucheron,…” [19; tr.104]. Rồi câu thành ngữ Pháp “Tout s’arrangera” (rồi mọi thứ sẽ tự sắp xếp) [19; tr.203], khẩu hiệu “We are the leader” (chúng ta là người dẫn đầu) [19; tr.12]. Hay cách gọi tên hài hước dành cho bà Céline – một quý bà Parisienne là “Evil wears rag” (quỷ cái diện ghẻ rách) [19; tr.13], cái tên Pink Lady (cô gái mặc áo hồng)[19; tr.56] của Tuyết Hường, cách ví von tên Quỳnh Mai thành Queen May (nữ hoàng tháng năm)[19; tr.20] của Louis,… Và nhiều nhiều nữa những tiếng cả Anh cả Pháp được sử dụng trong tác phẩm. Những từ nước ngoài được thêm vào trong tiểu thuyết làm cho các nhân vật có phong cách chuyên nghiệp hơn và xứng tầm những người làm việc trong công ty nước ngoài. Tất cả tạo nên một không gian mới, gây hứng thú cho người đọc. Với bản chất tò mò về những gì chưa biết vốn có của con người, những địa danh ở nước ngoài, những nhãn hàng nổi tiếng sẽ là một sự cuốn hút không thể chối từ, làm cho người đọc thấy thích thú hơn khi tiếp xúc với tác phẩm.
Đọc Nhắm mắt thấy Paris như đang được đi du lịch qua các nước khác nhau miễn phí bằng câu chữ. Ta có một chuyến du hành đặc biệt từ Hồng Kông, Paris rồi Ba Lan và Áo. Trong vai trò người hướng dẫn viên nhiệt tình, chị đưa người đọc hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, hết cảnh đẹp nơi này đến cảnh thiên nhiên nơi khác, làm người đọc ngỡ ngàng với những gì mình chỉ có dịp được nghe qua và thở phào một tiếng. À! Thì ra là vậy! Đọc Nhắm mắt thấy Paris, đôi lúc người đọc phải bật cười vì cách nói dí dởm của tác giả, nào là sex, nào là báo ứng rồi cả “Merde!”,… tất cả đều trở nên nhẹ nhàng hơn và không đặt nặng tâm lí người đọc.
Tuy việc sử dụng nhiều ngôn ngữ nước ngoài sẽ làm kén người đọc, hạn chế lượng độc giả, nhưng không thể cho việc sử dụng quá nhiều tiếng nước ngoài trong tiểu thuyết này là lạm dụng. Vì trong đời sống hiện đại ngày nay, có biết nhiều, hiểu được nhiều tiếng của các nước khác nhau, ta mới dễ dàng tiếp thu những tinh hoa tiên tiến của các nước và sàng lọc được những thứ không cần thiết. Mặt khác, trong bối cảnh chủ yếu là ở Paris và các nước ngoài Việt Nam, nếu tác giả cứ rập khuôn vào việc sử dụng tiếng Việt, câu chuyện sẽ trở nên nhàm chán, mất đi hẳn phong cách và tính cách của nhân vật. Và cũng từ đó, làm cho quyển tiểu thuyết mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Như Dương Thụy đã nói
“Tất cả những nhân vật trong tiểu thuyết này đều có một lí do riêng để nhớ về Paris và hẹn gặp lại tại đây. Bản thân tôi cũng thường nhắm mắt thấy Paris và Paris từ lâu với tôi
đã là một chốn đi về đầy yêu thương. Riêng đối với độc giả, tôi tự thuyết phục mình rằng sau khi đọc xong cuốn sách này, mọi người cũng tìm được cho mình một lí do để “thấy Paris”. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều đó!” [19; tr.6]. Trong lời mở đầu, tác giả cũng mong muốn người đọc có thể thấy Paris. Phải hiểu một chút về phong cảnh, con người cũng như về ngôn ngữ thì người đọc mới có thể nhắm mắt và đưa được mình đến với đất nước Paris.
Như vậy, ngôn ngữ trần thuật đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật rất cao cho tác phẩm. Nó là phương tiện giúp tác giả truyền tải tâm tư tình cảm đến với người đọc. Nó là yếu tố làm cho độc giả dễ dàng tiếp xúc với tác phẩm, yêu ghét, vui buồn xoay quanh những sự kiện của các nhân vật. Với cách vận dụng linh hoạt ngôn ngữ trần thuật. Dương Thụy đã tạo nên những hình mẫu sống động hơn cho tiểu thuyết của mình. Đọc Nhắm mắt thấy Paris, ta như thấy đâu đó quanh ta – trong cuộc sống hiện thực – là Mai, là Tuyết Hường, là Jean-Paul Lafatonie,...hay cả chính suy nghĩ của ta trong đó. Tất cả tạo nên sự cuốn hút đặc biệt làm cho tiểu thuyết trở thành “best-seller” [23] ngay khi vừa xuất bản. Nói chung, ngôn ngữ trong Nhắm mắt thấy Paris đã được Dương Thụy vận dụng linh hoạt, phong phú và đa dạng về sắc thái cũng như giọng điệu. Với vốn sống phong phú của mình, Dương Thụy đã tạo được một không khí mới, một phong cách mới của thời đại trong giai đoạn hội nhập và mở cửa. Ngôn ngữ như một sợi dây kết nối giữa tác phẩm với người đọc. Và Dương Thụy đã thật sự thành công khi gắn kết rất nhiều người đọc yêu thích và say mê tác phẩm của mình.