CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT
3.3.1.1. Không gian bối cảnh trong tiểu thuyết Nhắm mắt thấy Paris
“Không gian bối cảnh là môi trường hoạt động của nhân vật, một địa điểm có tên riêng hay không có tên riêng. Trong môi trường đó có cả thiên nhiên, xã hội và con người.” [14; tr.62]. Mỗi một tác phẩm văn học đều có một không gian riêng cho nhân vật xuất hiện, không gian có thể là ở một vương quốc nọ, ở một lâu đài nọ, hay trong một khu rừng nọ,…hay một địa danh nào đó như làng Vũ Đại trong Chí phèo của Nam Cao. Không gian bối cảnh được chia làm hai loại là không gian bối cảnh thiên nhiên và không gian bối cảnh xã hội.
Không gian bối cảnh xã hội trong Nhắm mắt thấy Paris là những khoảng không gian bối cảnh xã hội được thay đổi liên tục trong tầng lớp nhất định: tầng lớp trí thức và thương gia, các nhân vật cùng làm trong một tập đoàn mỹ phẩm lớn L’Aurore và những người có liên quan. Không gian bối cảnh trong tiểu thuyết được luân phiên thay đổi qua các nước trong từng môi trường làm việc và sinh hoạt của các nhân vật. Không gian này mở ra một góc nhỏ của đời sống xã hội, ở đây tồn tại tất cả những mưu toan, lọc lừa, những khát khao chinh phục và khẳng định bản thân. Qua sự thay đổi không gian bối cảnh xã hội của Mai, từ môi trường Việt Nam sang Paris, đã có những thay đổi tích cực về số phận của cô. Cô tìm được hướng đi mới cho bản thân mình. Không gian trong
Nhắm mắt thấy Paris đã tái hiện lại cuộc sống của những người Việt tại nước ngoài, không những thế, nó còn phản ánh được cuộc sống của con người ở nước ngoài, mà ở đây là Paris như cuộc sống của maman Christine hay của mẹ Louis, một phụ nữ quý tộc Pháp.
Tuy đầu và kết thúc truyện, các nhân vật xuất hiện tại Hồng Kông nhưng chính Paris mới là nơi nổi bật diễn ra hầu hết các sự kiện lớn trong cuộc đời mỗi nhân vật. Paris là nơi gắn kết những con người trong một tầng lớp thu nhỏ trong tác phẩm. Hấp dẫn hơn, không
gian bối cảnh lại tiếp tục được luân chuyển liên tục theo những diễn biến của các nhân vật từ Việt Nam sang Hồng Kông, Paris, Milan,…
Ở những không gian khác nhau, trong những điều kiện khác nhau, nhưng những nhân vật vẫn không ngừng tìm kiếm thành công cho mình. Mai – nhân vật chính – dần đi qua những thay đổi của cảnh sắc, của cuộc sống nơi trời Paris và cũng dần đi qua những thay đổi của bản thân mình. Khi phải quyết định giữa Việt Nam và Paris, Mai tự cho mình cơ hội để được hiểu biết, học hỏi và được đi xa hơn trên bước đường mình đang chọn. Mai cố vượt qua tất cả. Cho dù không gian không ngừng thay đổi, cuộc sống không ngừng đi qua và những khó khăn vẫn đang chờ cô phía trước, bằng năng lực và sự quyết tâm của mình, Mai đi, đi bằng đôi chân của mình và trụ vững được nó. Tự chọn cho mình những thay đổi liên tục của không gian, Mai đã có những thể nghiệm quý báu cho bản thân và tìm kiếm được chính mình. Nếu Mai ở tuổi hai mươi lăm ở Việt Nam non nớt, hiếu thắng, bốc đồng thì Mai của ba năm sau – sau những biến cố thăng trầm tại Paris và thay đổi qua những không gian khác nhau, Mai đã trưởng thành hơn và có một vị thế nhất định cho bản thân.
Hay như Daniel, sau khi rời khỏi L’Aurore, anh đã tạo lập được một sự nghiệp riêng cho mình và thành công ngoài sức mong đợi khi ba năm sau, anh đã là chủ của một hệ thống năm nhà hàng lớn tại Singapo và Hồng Kông. Bằng vốn sống phong phú của mình, Dương Thụy đã tạo ra một không gian tươi mới hơn trong cuộc sống hội nhập hiện nay. Không gian nghệ thuật ở đây đã làm thay đổi nhân vật và làm cho những thay đổi đó đi sâu vào lòng người đọc hơn.
Không gian bối cảnh thiên nhiên được Dương Thụy miêu tả qua cảnh sắc của các vùng miền khác nhau. Do viết về những người trẻ với những trải nghiệm hiện đại, nhân vật trong tác phẩm đã đi nhiều nơi, di chuyển qua nhiều vùng đất khác nhau. Và nhờ đó, không gian nghệ thuật lại càng được mở rộng ra. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm không là một nơi cố định, nó được thay đổi liên tục qua nhiều nước khác nhau mà tập trung miêu tả nhiều nhất là không gian tại Paris. Đó là không gian của Paris vào những ngày đầu tuần “hàng ngàn người từ Paris chảy về các tỉnh và cũng chừng ấy người rầm rầm từ các tỉnh chảy ngược lên Paris”, “Những dòng người tất bật, đông nghẹt và tay xách nách mang luồn lách dưới hầm ngột ngạt” [19; tr.114-115]. Đó là Paris đã sang
đông “Ngoài trời vẫn tối đen khi cô khoác áo bước ra đường. Đã có một bộ phận lao động cấp thấp hiện diện ngoài phố. Những nhân viên vệ sinh đang co ro quét lá, những anh chàng giao báo, những bác tài xế xe vận tải chuyển hàng hóa từ tỉnh về. Đi ngang một tiệm bánh mì, mùi hương ấm nóng tỏa ra thật dễ chịu” [19; tr.129]. Paris của những ngày cuối năm khoác mình trong tấm áo choàng lấp lánh, xinh đẹp “Những ngày cuối năm thành phố nhộn nhịp trang hoàng khắp nơi để thu hút khách du lịch và hào hứng bước vào một dịp kinh doanh hứa hẹn…Ở những quảng trường nổi tiếng, các tiểu cảnh được dựng lên vô cùng tráng lệ.”[19; tr.139]. Paris xinh đẹp và luôn thay đổi, mới ồn ào đó đã vội tĩnh lặng và còn chìm vào giấc ngủ mùa đông trong những ngày đầu năm
“Paris của những ngày đầu năm yên bình và lãng mạn. Tuyết rơi không dày như vùng thung lung sông Loire nhưng phố xá vẫn phủ trắng bộ đồng phục mùa đông. Dân thủ đô dường như vẫn còn mê mải với kì nghỉ ở những vùng biển miền Nam…” [19; tr.174]. Rồi mùa đông dần qua, không gian dần thay đổi theo thời gian “Paris của những ngày tháng sáu có thời tiết thật dễ chịu. Nắng hanh vàng, bầu trời trong xanh gợn những cụm mây trắng như bông, gió nhè nhẹ đủ thổi bay những chiếc lá chấp chới trong vườn Luxembuorg. Hương của những loài hoa dại tỏa ra dịu ngọt, mùi cỏ cây của những ngày đầu hè thơm ngan ngát.” [19; tr.210]. Chỉ một Paris thôi nhưng tác giả không ngừng luân chuyển qua những không gian khác nhau theo trình tự thời gian. Rồi những không gian khác nhau của Hồng Kông, Việt Nam,…lần lượt hiện ra, xinh đẹp, mới lạ.Và qua sự thay đổi của thiên nhiên, con người cũng thay đổi theo.
Dương Thụy không chỉ để không gian làm các nhân vật rõ nét hơn, mà chị còn đặt nhân vật vào những không gian rộng lớn, xa lạ khác để nhân vật tự đối diện với bản thân mình. Khi Louis đến với thị trấn nhỏ Otwock của Ba Lan để gặm nhắm nỗi cô đơn. Không gian trở nên khắc nghiệt và dữ dội “Cả tuần nay từ lúc anh đến thị trấn nhỏ Otwock, bầu trời luôn xám xịt, gió thốc mạnh và mưa kèm theo rỉ rả. Đã gần cuối tháng sáu, đang giữa mùa Xuân mà thời tiết đột ngột trở nên lạnh lẽo, không khí ẩm ướt, cảnh vật u buồn. Mùi nhựa thông ngai ngái trộn với mùi đất ẩm bốc hơi tạo thành một loại mùi đăng đắng, hang hắc, chán ngắt và bế tắc.” [19; tr.235] Không gian có tác động trực tiếp đến tâm trạng của con người. Louis với không gian u ám đó càng trở nên chán nản, tuyệt vọng nhiều hơn. Sống trong không gian xa lạ, rợn ngộp, anh càng thấy mình nhỏ bé và sợ
hãi, sự cô đơn càng đè nặng tâm hồn anh nhiều hơn. Nhưng cũng chính nơi đây, nơi không gian to lớn này, Louis cũng thấy hiểu được nhiều chân lí của cuộc đời. Anh nhận ra rằng “Suy cho cùng, tình dục là cái thá gì! Có thì được vài khoảnh khắc hưởng thụ, không thì cũng chẳng chết ai. Thậm chí bất lực càng hay, sẽ không bị đuổi việc nhục nhã và phá hủy hết những gì đã gầy dựng được.” [19; tr.239-240] Không gian lạnh lẽo nơi ngoại vi thủ đô Varsovie cùng cuộc gặp gỡ với Magda – một cô gái Ba Lan xinh tươi và tràn trề nhựa sống – làm Louis thức tỉnh. Louis đau đớn vì những gì mình đã làm và tuyệt vọng đến nỗi tự tìm cách giải thoát bằng cái chết. Không gian lúc này trở nên một tên đồng lõa, tiếp tay vào khung cảnh bi thương làm tâm trạng nhân vật càng trở nên nặng nề
“Louis thật không ngờ chỉ một đêm vui sướng xác thịt với Pink Lady lại gây hậu quả tai hại như thế. Và cuộc tình tưởng đẹp như mơ với uỳnh Mai cũng không thể tồn tại được. Mất việc, mất danh dự, mất người yêu, mất cả niềm tin từ gia đình trong cùng một thời điểm. “Magda! – Louis nấc lên – Anh sẽ tìm đến cái chết…” [19; tr.243].
Dưới điểm nhìn của nhân vật, những gì được kể, tả đều nhuốm thêm màu tâm trạng của nhân vật. Khi Mai đang buồn tủi và cô đơn, Paris với cô là một thứ vô cùng tệ hại và xấu xí. Dù mục kích được cảnh L’Aurore Paris – Rạng đông trời Paris với “những ánh nắng mỏng manh đầu tiên trong ngày e dè xuất hiện…đẹp hơn cái logo của công ty nhiều” nhưng với cô hiện tại “Paris! Paris! Paris là cái thá gì, cũng chỉ là những đống “merde” khắp các đường phố, cũng chỉ là công việc bù đầu và những cuộc mưu sinh khổ nhục” [19; tr.154]. Paris trở nên trần trụi và “thường” hơn bao giờ hết trước con mắt của Mai – một người đang rất – không – vui. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Tâm trạng sẽ chi phối rất nhiều đến những gì nhân vật thấy và tả lại qua lăng kính của mình. Con người trần tục, thế giới trần tục, tất cả đều là những gì rất bình thường. Có sự xa hoa, tráng lệ cũng sẽ tồn tại những nhơ bẩn, xấu xa. Khi Mai có tình yêu, có Louis, cảnh vật đã hoàn toàn đổi sắc “Paris của những ngày đầu năm yên bình và lãng mạn. Tuyết rơi không dày như vùng thung lũng sông Loire nhưng phố xá vẫn phủ trắng bộ đồng phục mùa đông. Dân thủ đô như vẫn còn mê mải với kì nghỉ ở những vùng biển miền Nam, khách bộ hành thưa thớt, xe cộ vắng vẻ, tiếng chim hót trên những cành cây dẻ dọc theo đại lộ Champ Elysée làm những kẻ yêu nhau ngơ ngác giật mình”
hai kẻ yêu nhau. Vẻ ủ rũ của trời Paris thoát cái biến mất, nhường chỗ cho yêu thương ngập tràn trong lòng Mai.
Như vậy, không gian bối cảnh chính là cái nền chung cho sự xuất hiện của tất cả các nhân vật. Tất cả những biến cố, diễn biến tâm lí và hoạt động của các nhân vật đều được thực hiện trên cái nền chung này, và qua đó, không gian bối cảnh sẽ làm bật nổi lên tính cách và tâm lí của từng nhân vật, làm cho bức chân dung nhân vật trở nên rõ ràng và có hồn hơn.