CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT
3.2.2.2. Ngôn ngữ đối thoại gián tiếp
Không chỉ sinh động qua ngôn ngữ đối thoại trực tiếp, ngôn ngữ trần thuật trong
Nhắm mắt thấy Paris của Dương Thụy còn độc đáo bởi những từ ngữ do chính suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật, những điều rất riêng tư mà không phải ai cũng được biết thông qua những bức email – một hình thức của đối thoại – đối thoại gián tiếp. Tác giả đã khá tinh tế khi cố tình đưa những cái cần và đủ để người đọc hiểu hơn về tác phẩm vào các bức email. Ở đây, nhân vật có thể tự nhiên bộc lộ cá tính của mình, có thể chia sẻ những suy nghĩ thầm kín riêng tư của mình. Chỉ đọc tác phẩm, ta thấy Tuyết Hường quả là một cô nàng cao tay, lắm mưu nhiều kế và rất đáng ghét. Nhưng nhờ email, qua những lời tâm sự chân thành của cô với chị Hai, ta nhìn thấy được phần người ở đâu đó trong con người của Tuyết Hường – cô cũng có những yêu ghét, cũng có nỗi cô đơn và đau khổ của riêng mình “Em biết chị sẽ la mắng em thật nhiều nhưng khi chị gọi về, em chỉ thấy giọng chị thật buồn. Chị em mình chịu nhiều thiệt thòi trong đời. Bất đắc dĩ mới phải hành động như vậy. Giờ em cũng không biết mình có nên hối hận. Nhưng mọi chuyện đã muộn, em đã đại náo cả công ty.” [19; tr.208] hay “Chị Hai ơi! Em mệt mỏi quá! Em sợ hãi quá! Từ trước đến giờ em chưa từng nghĩ đến cái gọi là “báo ứng”, nhưng lần này em thấy thật kinh sợ.” [19; tr.222]. Những dòng tâm sự của Tuyết Hường làm ta chợt nhận ra, không phải tự dưng con người trở nên vô cảm và mưu mô, phải chăng cảnh sống đã làm những con người bình thường trở nên chai sạn.
Lại qua những bức email, ta thấy được bản tính hồn nhiên vô tư của Mai và yêu thêm cô gái trẻ này. Cô rụt rè và thẹn thùng trong suy nghĩ về sex – một chi tiết rất hay mà Dương Thụy đã đưa vào tác phẩm với chủ ý gây hấp dẫn nhưng tinh tế và không sỗ sàng “Hình như tụi Tây nói đến sex và động từ “làm tình” một cách thoải mái lắm. Cương vị chủ tịch Tập đoàn mà giỡn với nhân viên theo kiểu “không làm tình mỗi đêm
à?” rồi cười khà khà khi thấy em sững sờ là bình thường chứ? Dù sau đó ổng có xin lỗi em và phân bua không ngờ em đã là manager của thế kỉ 21 mà phản ứng như một nữ sinh trung học thời Trung Cổ.” [19; tr.137]. Những bức email hay chính xác hơn là những thông tin riêng tư được Dương Thụy khơi gợi một cách tự nhiên làm cho nhân vật của chị hay hơn. Vẫn đưa vào những yếu tố của thời đại nhưng không lạm dụng đến mức gây tởm lợm như một số tác phẩm khác. Đó là một trong những thành công của chị trong Nhắm mắt thấy Paris.