Chăm sóc sức khỏe tại Mỹ được cung cấp bởi nhiều thực thể pháp lý riêng biệt, cơ sở chăm sóc y tế phần lớn thuộc sở hữu và điều hành bởi tư nhân. Mỹ là quốc gia điển hình đại diện cho các nước có hệ thống bệnh viện tư, tự hạch toán. Tuy nhiên nếu nói ở Mỹ hầu như chỉ có các tổ chức tư nhân hoạt động vì mục
đích lợi nhuận cung ứng các dịch vụ y tế là sai lầm mặc dù đây là hình thức chiếm tỷ trọng đáng kể song không phải là áp đảo. Tại Mỹ còn có nhiều bệnh viện thuộc nhà thờ, thuộc các Quỹ, thuộc trường học… Song điều đáng chú ý ở Mỹ là các hình thức sở hữu không cứng nhắc: có thể dễ dàng chuyển từ bệnh viện công thành bệnh viện tư hoặc ngược lại.
Hệ thống bệnh viện tại Mỹ hoàn toàn dựa vào khoản thanh toán từ các quỹ BHYT, BHXH và thu viện phí trực tiếp hoặc thu phí đồng chi trả BHYT. Bảo hiểm y tế hiện nay chủ yếu được cung cấp bởi chính phủ trong khu vực công, với 60-65% cung cấp chăm sóc sức khỏe và chi tiêu đến từ các chương trình: bảo
hiểm sức khoẻ cho người cao tuổi (Medicare), và cho người nghèo (Medicaid),
chương trình Bảo hiểm y tế của trẻ em, Y tế Cựu chiến binh. Đến ngày 23/03/2010, Luật Bảo vệ Bệnh nhân và Luật Bình ổn giá cả (PPACA) của Mỹ chính thức được thông qua đã tạo một sự thay đổi lớn trong Bảo hiểm y tế. Ngoài ra Nhà nước trực tiếp tài trợ cho nghiên cứu y khoa và đào tạo bác sỹ.
Với cách tổ chức trên đã khuyến khích tính hiệu quả trong y tế. Không thể phủ nhận một điều rằng Mỹ là quốc gia đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực áp dụng các tiến bộ y khoa vào thực tiễn. Theo lời ông Donna Shalala, người giữ chức Bộ trưởng Bộ Sức khoẻ và Con người lâu nhất trong lịch sử Mỹ: “Hệ thống của chúng ta là hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt nhất thế giới. Tuy vậy, hệ thống của chúng ta có thể là tệ hại, đặc biệt là với những người không được điều trị đủ sớm”.
Đó là một phần đáng kể dân chúng Mỹ, khoảng 15% hay trên 40 triệu người không có BHYT. Hơn thế nữa là vấn đề ít được nhiều người biết đến nhưng rất nghiêm trọng, đó là vấn đề “ Bảo hiểm thấp”. Các khoản chi tiêu trong khám chữa bệnh tại Mỹ là khá cao và tăng nhanh liên tục. Một số nhân tố tạo ra sự tăng nhanh là:
Thứ nhất, chính công dân tự quyết định chi cho bảo vệ sức khoẻ là bao
nhiêu từ tổng chi tiêu trong gia đình nên khoản chi này được hưởng ưu tiên cao hơn so với khi nhà chính trị quyết định phân chia các khoản chi tiêu ngân sách.
Thứ hai, Hoa Kỳ là nước dẫn đầu về phát triển công nghệ y học vì vậy
việc áp dụng công nghệ tiên phong là đắt nhất.
Thứ ba, mức thu nhập của bác sỹ cao. Thu nhập của bác sỹ Hoa Kỳ gấp
khoảng năm lần so với thu nhập trung bình quốc gia.
Thứ tư, chi phí khám chữa bệnh cao bởi một số dịch vụ mang tính hoang
phí không cần thiết, thậm chí có hại. Giá viện phí đắt lên hơn so với mức hợp lý. Cả bác sỹ lẫn bệnh nhân đều đẩy chi phí đắt đỏ sang cho hãng bảo hiểm, còn hãng bảo hiểm đẩy tổng số bảo hiểm sang cho người trả tiền (người sử dụng lao động và người được bảo hiểm) thông qua phí bảo hiểm cao hơn.
Thứ năm, thường xuyên xảy ra các vụ kiện tụng về sơ xuất y tế trong đó
các toà án thường tuyên những khoản bồi thường cao, gây áp lực thêm lên chi phí để bù đắp các chi phí liên quan. Và chính các vụ kiện tụng thúc đẩy nhà cung cấp dịch vụ đặt thêm nhiều xét nghiệm và tư vấn thừa vô dụng để tự bảo vệ chính mình chống lại những cáo buộc khả dĩ và sai sót.