Thị hiếu người tiêu dùng

Một phần của tài liệu giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản tại công ty cổ phần thực phẩm thủy sản xuất khẩu cà mau (Trang 66 - 69)

5. Nội dung và các kết quả đạt được

4.3.3 Thị hiếu người tiêu dùng

Ngoài nhân tố chất lượng, bao bì, nhãn mác thì nhân tố không kém phần quan trọng có ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ của công ty đó là nhân tố về thái độ, ý thích và thị hiếu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng là một yếu tố không thể tách rời trong môi trường cạnh tranh. Sự tín nhiệm của người tiêu dùng là tài sản có giá trị đối với doanh nghiệp, sự tín nhiệm đó đạt được nếu công ty biết thoả mãn tốt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng so với các đối thủ cạnh tranh. Nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm, mức tiêu thụ, thói quen và tập tính sinh hoạt, phong tục của họ là nguyên nhân tác động trực tiếp đến lượng sản phẩm tiêu thụ của công ty. Nhu cầu tiêu dùng thủy sản ở mỗi quốc gia rất đa dạng và hoàn toàn không giống nhau. Cụ thể như sau:

Thị trường Nhật Bản:

Tại thị trường Nhật Bản, thủy sản là nguồn cung cấp protein chính cho bữa ăn người Nhật, bình quân tiêu thụ thủy sản đầu người của Nhật đạt từ 72 kg/người/năm. Được như vậy là nhờ ở thói quen tiêu thụ sản phẩm thủy sản và nghệ thuật chế biến món ăn từ thủy sản có từ lâu đời trong mỗi người Nhật. Các món ăn truyền thống được người Nhật ưa thích là mực Shushi, mực Sashima, cá ngừ Sashimi, tôm Nabashi, tôm Surimi.

Tuy nhiên, hầu hết các món ăn kể trên đều phải đều phải làm từ thủy hải sản tươi sống, chất lượng cao, vì vậy đối với việc chế biến sản phẩm thuộc dạng này là rất phức tạp, cần có một trình độ chế biến và trang thiết bị hiện đại.

Hằng năm, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 300.000 tấn tôm các loại, trong đó 87% là nhập khẩu, trong đó tôm Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 20%.

Trước đây 70% tôm được tiêu dùng ở các điểm dịch vụ ăn uống nhưng nay do nhu cầu sử dụng tại các gia đình tăng lên nên tỷ lệ này chỉ còn 50%. Trong khi tại các nhà hàng thường tiêu thụ các loại tôm to như tôm hùm thì các gia đình thường mua các loại tôm nhỏ hơn và các nhà chế biến thường dùng những loại tôm nhỏ nhất.

Nhu cầu tiêu thụ tôm tăng mạnh trong các ngày lễ tại Nhật Bản như Tuần lễ Vàng (đầu tháng 5), Lễ hội mùa hè (tháng 7, 8) và năm mới Dương lịch. Vùng tiêu thụ nhiều tôm nhất ở Nhật Bản là vùng Kansai (Osaka, Kyoto, Kobe…).

Ngoài ra, thì người Nhật Bản rất ưa chuộng sự đa dạng của sản phẩm nếu hàng hóa có mẫu mã đa dạng, phong phú mới dễ dàng thu hút được người tiêu dùng Nhật. Nắm bắt được sở thích xu hướng, nghệ thuật trong ăn uống

của người Nhật là chúng ta đã bước đầu thành công trong việc tiếp cận đưa họ đến với sản phẩm của Công ty mình.

Thị trường Úc:

Do nguồn thủy sản không dồi dào, nên nước này đang phụ thuộc phần lớn vào thủy sản nhập khẩu. Ước tính mỗi năm, thủy sản nhập khẩu chiếm tới 70% nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân Úc, với lượng nhập khẩu vào khoảng 200 ngàn tấn. Xu hướng nhập khẩu thủy sản vào Úc vẫn sẽ còn tăng lên trong những năm tới. Dự báo trong khoảng 10 năm tới đây, nước này có thể phải nhập khẩu tới cả triệu tấn thủy sản.

Việt Nam là một trong những nước cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Úc. Trong năm 2012, giá trị thủy sản nhập khẩu vào Úc từ Việt Nam là 182 triệu USD, chiếm 1/4 kim ngạch nhập khẩu thủy sản của nước này. Và với kim ngạch nói trên, Úc đang là thị trường lớn thứ 5 của thủy sản Việt Nam, đạt mức tăng trưởng khá là 11,69% trong năm 2012.

Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu quan trọng nhất vào Úc, chiếm gần 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, tiếp đó là cá tra chiếm 26,2%, nhuyễn thể 3,4%. Thống kê cho thấy trong 4 năm qua, Việt Nam dẫn đầu về cung cấp tôm chế biến cho Úc. Kim ngạch xuất khẩu tôm chế biến sang nước này trong năm ngoái là trên 77 triệu USD.

Hiện tại Úc đã giảm thuế suất xuống còn 0% đối với các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Đây là một lợi thế lớn để sản phẩm thủy sản Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường Úc. Một điểm thuận lợi nữa của thị trường Úc đối với thủy sản Việt Nam là nước này không dựng nhiều rào cản khắt khe, vô lý như kiểu thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp… như ở một số thị trường khác. Nói chung, so với Mỹ hay EU, thị trường Úc tương đối dễ tính hơn. Một điểm nữa đó là Hiệp định tự do thương mại giữa các nước Asean với Australia trong đó có Việt Nam cũng tạo điều kiện cho các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Úc được thuận lợi hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, không phải không có những khó khăn cho việc đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường đầy tiềm năng này. Trong đó, một trong những cái khó lớn nhất là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân Úc rất nhạy cảm với những vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Mà vừa qua, vẫn còn nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cơ quan chức năng Úc cảnh báo. Mới đây Bộ Nông lâm ngư nghiệp Úc đã thông báo về việc phát hiện dư lượng Fluoroquinolones tăng cao trong hàng thủy sản Việt Nam, với 39 lô bị cảnh báo. Mặt khác, những thông tin không đúng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản Việt Nam được đăng tải trên một số phương tiện

truyền thông ở châu Âu, Mỹ…, cũng đã có tác động tới một bộ phận người tiêu dùng Úc.

Thị trường châu Âu:

EU là một thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu người tiêu dùng. EU gồm 27 thị trường quốc gia, mỗi thị trường lại có đặc điểm tiêu dùng riêng. Do vậy, có thể thấy rằng thị trường EU có nhu cầu rất đa dạng và phong phú về hàng hóa. Người Châu Âu có thu nhập, mức sống cao và khá đồng đều, yêu cầu rất khắt khe về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm nói chung, còn riêng đối với thực phẩm thì chất lượng và vệ sinh là hàng đầu. Yếu tố quyết định tiêu dùng của người Châu Âu là chất lượng hàng hóa chứ không phải là giá cả đối với đại đa số các mặt hàng được tiêu thụ trên thị trường này.

Thị trường EU về cơ bản cũng giống như một thị trường quốc gia, do vậy có 3 nhóm người tiêu dùng khác nhau:

(1) Nhóm có khả năng thanh toán ở mức cao, chiếm gần 20% dân số ở EU, dùng hàng có chất lượng tốt nhất và giá cả đắt nhất hoặc những mặt hàng hiếm và độc đáo.

(2) Nhóm có khả năng thanh toán ở mức trung bình, chiếm 68% dân số sử dụng loại hàng có chất lượng kém hơn một chút so với nhóm 1 và giá cả cũng rẻ hơn.

(3) Nhóm có khả năng thanh toán ở mức thấp, chiếm hơn 10% dân số, tiêu dùng những loại hàng có chất lượng và giá đều thấp hơn so với hàng của nhóm 2.

Hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường này gồm cả hàng hóa cao cấp lẫn hàng bình dân phục vụ cho mọi đối tượng. Và đối tượng tiêu dùng hàng Việt Nam là nhóm 2 và 3.

Để xuất được hàng vào thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam không những phải nắm vững nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng và đảm bảo sản phẩm có sức cạnh tranh về chất lượng cũng như giá cả, mà còn phải thông thạo kênh phân phối và hệ thống pháp luật của EU, nắm được hệ thống quản lý xuất nhập khẩu, đặc biệt là phải tăng cường áp dụng hệ thống quản lý HACCP.

Có thể khẳng định rằng, với khách hàng EU, 4 nguyên tắc sau đây là cách để thâm nhập vào thị trường thành công:

- Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng - Hạ giá thành sản phẩm

- Đảm bảo thời gian giao hàng - Duy trì chất lượng sản phẩm

Ngoài ra khi buôn bán với khu vực này cần chú ý 5 đặc điểm chính sau: - EU là thị trường rộng lớn, có sức mua rất lớn và đây là thị trường tự do lưu thông hàng hóa nhất thế giới

- Người dân Châu Âu ưa chuộng hàng hóa có nhãn hiệu nổi tiếng. Do vậy, giá cả không phải là giải pháp cạnh tranh tối ưu.

- Thị trường EU là thị trường khó tính, coi trọng mẫu mã và thời trang. Người tiêu dùng luôn tỏ ra thận trọng và bảo thủ.

- Thị trường EU luôn bảo vệ người tiêu dùng. Họ xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và khu vực để buộc các nước xuất khẩu phải thực hiện.

- Hàng hóa đưa vào thị trường EU theo 2 kênh: tập đoàn và không tập đoàn.

Thị trường Châu Á

Châu Á là châu lục đông dân nhất thế giới và cũng là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở thị trường này tương đối cao, khả năng thanh toán tốt, lợi thế về vị trí địa lý là những điểm mạnh của các thị trường trong khu vực châu Á. Như ta đã biết người dân Châu Á có quen sử dụng thủy sản làm thức ăn nhiều hơn là sử dụng các loại thịt. Do đó, đối với sản phẩm thuỷ sản thì thị trường Châu Á là thị trường có nhu cầu rất cao.

Nhìn chung, thị trường nào cũng rất đa dạng và năng động, vì vậy, khi Công ty thâm nhập vào từng thị trường nên có sự nghiên cứu, xem xét phong tục tập quán, văn hoá tiêu dùng, sở thích, niềm tin và mức độ chi trả… Sản phẩm là thước đo văn hoá người tiêu dùng vì vậy mà Công ty khi tung sản phẩm ra thị trường phải bám sát tập quán của người tiêu dùng. Thông thường, hàng hoá vào các thị trường phải qua nhiều khâu phân phối lưu thông nên khi đến tay người tiêu dùng thường có giá cả rất cao so với giá nhập khẩu, do đó, Công ty cần có những chính sách hợp lý về giá cả của các mặt hàng thủy sản mà Công ty sẽ xuất khẩu đến các thị trường khác.

Một phần của tài liệu giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản tại công ty cổ phần thực phẩm thủy sản xuất khẩu cà mau (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)