5. Bố cục của đề tài
3.2.1 Hoãn phiên tòa trong trường hợp đương sự đã được triệu tập hợp lệ lần thứ
nhất nhưng vắng mặt
Việc quy định các thủ tục áp dụng trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên toà đã cho thấy các nhà làm luật luôn có sự dự liệu cho những trường hợp có thể phát sinh trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, từ đó góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự đồng thời tạo điều kiện để Tòa án thực hiện tốt chức năng của mình. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho Tòa án xử lí các hành vi cố ý không có mặt theo lệnh triệu tập của Tòa án, nếu đương sự vắng mặt lần thứ hai mà không có lí do chính đáng thì Tòa án có quyền xét xử vắng mặt họ, quy định này giúp cho vụ án giải quyết nhanh hơn và xử lí những hành vi cố ý cản trở hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định trong thực tế thực hiện
Khoản 1 Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định về việc hoãn phiên tòa trong trường hợp đương sự đã được triệu tập hợp lệ lần
thứ nhất: “tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ,
người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đơn sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt” và NQ 02/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn:“Toà án chỉ có thể tiến hành xét xử vụ án khi có đương sự vắng mặt tại phiên toà trong các trường hợp quy định tại Điều 202 của BLTTDS (không phân biệt chỉ có một đương sự, một số đương sự hoặc tất cả các đương sự trong vụ án đều có đơn đề nghị Toà án xét xử vắng mặt); do đó, khi nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên toà
GVHD: Trương Thanh Hùng Trang 67 SVTH: Nguyễn Hoài Phong lần thứ nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 199, khoản 1 Điều 200 và khoản 1 Điều 201 của BLTTDS dù không có lý do chính đáng, thì Toà án vẫn hoãn phiên toà”. Đây
là một quy định phù hợp với thực tiễn xét xử của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, quy định này cũng dễ dẫn đến quá trình tố tụng dân sự bị kéo dài, gây khó khăn cho Tòa án và cũng không phù hợp với pháp luật các nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trên thực tế, có nhiều trường hợp bị đơn là người bị kiện, thường là người sau này phải thực hiện nghĩa vụ nên về tâm lý họ không muốn tham gia tố tụng và muốn hoãn phiên tòa để kéo dài thời gian tố tụng. Như vậy, nếu hoãn phiên tòa khi đương sự vắng mặt lần thứ nhất ngay cả khi không có lý do chính đáng sẽ chỉ bảo vệ được quyền lợi của một bên đương sự vắng mặt, các đương sự sẽ lợi dụng quy định này của pháp luật, làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo sự bình đẳng giữa các đương sự. Hơn nữa trong những vụ án của nhiều nguyên đơn, bị đơn hoặc nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì mỗi nguyên đơn, mỗi bị đơn, mỗi người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt lần thứ nhất (có lý do chính đáng hoặc không có lý do chính đáng) Tòa án đều phải hoãn phiên tòa một lần. Như vậy, sẽ làm cho vụ án bị hoãn nhiều lần, gây tốn kém thời gian, công sức của cả đương sự lẫn Tòa án.
3.2.2 Nhiều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực tố tụng dân sự còn mang tính chất nửa vời, không rõ ràng về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức độ chế tài xử phạt hành chính và quy định tản mạn trong nhiều văn bản
Hiện nay vẫn còn nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tố tụng (dân sự, hình sự, hành chính) chưa được quy định rõ ràng. Ví dụ, tại điểm b khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 150/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định về việc xử phạt hành chính đối với các hành vi:
“2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
b)Vi phạm nghĩa vụ của người tham gia tố tụng như: không cung cấp tài liệu, vật chứng theo yêu cầu hợp pháp của cơ quan và người tiến hành tố tụng, không thực hiện nghĩa vụ của người làm chứng, người phiên dịch, người bào chữa, người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án; vi phạm các quy định về bảo quản vật chứng, niêm phong, kê biên tài sản hoặc có các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật”
Trong khi đó việc xử phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn xét xử lại chưa được quy định trong Nghị định này. Tại khoản 2 Điều 35 của
GVHD: Trương Thanh Hùng Trang 68 SVTH: Nguyễn Hoài Phong
Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 của Chính phủ về XLVPHC trong lĩnh vực tư pháp quy định:
“2. Cá nhân có hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh dự người thi hành công vụ hoặc chống lại người thi hành công vụ; xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ; gây rối, làm mất trật tự hoặc hoặc lôi kéo, kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc có hành vi gây rối hoặc cản trở khác gây trở ngại cho các hoạt động trong lĩnh vực tư pháp được áp dụng theo quy định tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.”
Như vậy, nếu căn cứ vào khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 150/NĐ-CP để xử phạt hành chính các hành vi vi phạm theo tinh thần của khoản 2 Điều 35 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP sẽ dẫn đến việc bỏ sót các hành vi vi phạm trong giai đoạn xét xử tại Tòa án, rõ ràng đây là một quy định còn mang tính chất nửa vời giữa hai văn bản trong lĩnh vực XLVPHC .
Hoặc cũng trong việc XLVPHC ở giai đoạn xét xử của Tòa án các quy định còn tản mạn, không rõ ràng về trình tự, thủ tục và mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự thì Điều 390 của Bộ luật Tố tụng dân
sự năm 2005 lại quy định: “Thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt đối với các
hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự do ủy ban thường vụ Quốc hội quy định”.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, với quy định này, thì ủy ban thường vụ Quốc hội cần phải ban hành một Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự (cho đến nay Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành gần 4 năm nhưng pháp lệnh hay văn bản quy phạm tương tự quy định về vấn đề này vẫn chưa được ban hành). Như vậy từ những phân tích nêu trên, cho thấy các quy định về XLVPHC trong lĩnh vực tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính), đặc biệt là trong giai đoạn xét xử tại Tòa án vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện.
3.2.3 Sự không thống nhất giữa thực tế thi hành và các quy định của pháp luật về việc yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ
Về nguyên tắc, khi Tòa án nhận được đơn khởi kiện thì Tòa án sẽ vào sổ nhận đơn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn cho thấy vẫn còn có những trường hợp khi nhận đơn khởi kiện, cán bộ nhận đơn xét thấy đơn khởi kiện của đương sự về hình thức và nội dung không theo đúng quy định của pháp luật hoặc còn thiếu các tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc thụ lý vụ án. Toà án đã yêu cầu đương
GVHD: Trương Thanh Hùng Trang 69 SVTH: Nguyễn Hoài Phong
sự bổ sung chứng cứ, tài liệu ban đầu để có thể thụ lý vụ án nhưng đương sự không thể bổ sung được do cá nhân, cơ quan, tổ chức khác lưu giữ các tài liệu, chứng cứ này không có thiện chí cung cấp cho đương sự. Trong khi đó, theo pháp luật hiện hành thì đương sự chỉ có quyền yêu cầu Toà án can thiệp sau khi đương sự xuất trình được cho Toà án văn bản trả lời của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó về lý do của việc không giao nộp chứng cứ, quá trình giải quyết vụ án ngày càng kéo dài, tốn nhiều thời gian và ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Bởi vì trên thực tế khi Tòa án yêu cầu đương sự bổ sung các giấy tờ, chứng cứ cần thiết khi nộp hồ sơ khởi kiện, nhưng các chứng cứ này lại nằm trong sự quản lí của các cơ quan tổ chức và họ không có ý muốn giao nộp chứng cứ cho đương sự. Vì vậy, đương sự phải trở lại yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ thay mình nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành thì đương sự phải đưa ra được lí do của các cơ quan, tổ chức không giao nộp chứng cứ28. Có thể thấy, đương sự đã đi một vòng tròn thu thập chứng cứ để có thể giải quyết yêu cầu tranh chấp của mình nhưng kết quả lại trở về ban đầu. Nguyên nhân là do sự không thống nhất giữa thực tế và quy định hiện hành liên quan đến việc yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Điều này tạo điều kiện góp phần làm cho một số bộ phận cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự do không thi hành quyết định của Tòa án về việc không cung cấp chứng cứ. Bên cạnh đó, đương sự không thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, thậm chí mất quyền khởi kiện do thời hiệu khởi kiện đã hết.