Các nguồn vốn có kỳ hạn thường nhạy cảm với lãi suất. Lãi suất huy động là yếu tố quan trọng để khách hàng lựa chọn ngân hàng để giao dịch. Biểu lãi suất thay đổi theo từng thời kỳ, phù hợp với từng hoàn cảnh kinh tế, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao. Việc áp dụng lãi suất huy động cho từng loại tiền gửi, chi nhánh có thể điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho phù hợp với danh mục tài sản nhằm tạo cơ hội tăng lợi nhuận. Ngân hàng cần tiến hành phân tích cấu trúc kỳ hạn của nguồn vốn, dự báo xu hướng biến động của lãi suất để chỉ động tạo ra khoảng cách giữa tài sản nhạy cảm và nguồn vốn nhạy cảm với lãi suất.
Chi nhánh cần áp dụng lãi suất linh loạt phù hợp với thị trường để huy động tối đa nguồn vốn. Sự linh hoạt của lãi suất không chỉ dừng lại đối với từng kỳ hạn mà còn là từng đối tượng khách hàng. Với các khách hàng lớn, thường xuyên giao dịch, hoặc gửi tiền với số lượng lớn, thời hạn dài nên có những chính sách ưu đãi như lãi suất thỏa thuận, miễn phí các dịch vụ nếu có phát sinh ở mức độ cho phép, hoặc có thể tặng quà ngày lễ tết, sinh nhật… Với những chính sách như vậy vừa có thể “giữ chân” được khách hàng đang có vừa thu hút thêm những khách hàng mới.
Bên cạnh đó, chi nhánh có thể kiến nghị giao quyền chủ động cho giám đốc chi nhánh được ấn định lãi suất huy động cạnh tranh trên mặt bằng lãi suất chung song vẫn phải tính toán được chi phí hợp lý đảm bảo thực hiện được kế hoạch tài chính. Tại trụ sở chính nên ban hành lãi suất trần huy động và thường xuyên cập nhật tình hình lãi suất trên từng địa bàn, từng vùng, miền trên toàn quốc để kịp thời thông tin trong điều hành lãi suất.
Việc áp dụng lãi suất linh hoạt thường làm gia tăng chi phí huy động. Do vậy mà chi nhánh cần phải giảm chi phí huy động vốn nhiều nhất có thể. Ngoài chi phí trả lãi cho khách hàng, chi phí quản lý,… chi nhánh có thể gia tăng việc cắt giảm chi phí bằng việc đơn giản hóa thủ tục nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn. Nâng cao nghiệp vụ để hạn chế chi phí quản lý, cắt giảm nhân viên ở những vị trí không cần thiết, điều chuyển nhân viên vào đúng vị trí phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn… Hiệu quả của chính sách lãi suất linh hoạt là quy mô nguồn vốn tăng trưởng, cơ cấu hợp lý, sự ổn định cao hơn, hạn chế rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản…