Thứ nhất: Về thực hiện chính sách ruộng đất – luật đất đai
Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật các quyền sử dụng đất đai; khuyến khích nông dân thực hiện "dồn điền, đổi thửa" trên cơ sở tự nguyện; nông dân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết… tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Hiện trạng đất đai của các hộ nông dân ở Phú Yên rất manh mún, trong khi đó sự liên kết, liên doanh, dồn điền đổi thửa của các hộ nông dân diễn ra chậm. Do vậy, tỉnh cần có những biện pháp cụ thể hơn nữa để thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất, để giải quyết vấn đề này có hiệu quả cần chú ý một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, cần nhanh chóng quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu để nông dân tự liên kết đi vào sản xuất bền vững. Trên cơ sở quy hoạch và quản lý đất đai theo quy hoạch, cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc có thời hạn cho các hộ nông dân và các trang trại để họ yên tâm đầu tư thâm canh cây trồng thu lợi nhuận cho chính bản thân họ và đóng góp cho Nhà nước. Đồng thời thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp phát triển, trên cơ sở đó đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa nhằm khắc phục tình trạng manh mún về đất đai, tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất cây trồng.
Hai là, nâng cao năng lực quản lý đất đai của các cơ quan chức năng.
Do tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán, nên việc thúc đẩy quá trình tập trung ruộng đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất là vấn đề đặc biệt quan trọng nó liên quan đến nhiều ngành. Để giải quyết vấn đề này một cách có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự phối hợp các biện pháp của chính sách đất đai với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức sản xuất, cả về mô hình sản xuất liên ngành, kết hợp các thành phần kinh tế và quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, chính sách đầu tư, tài chính tín dụng, chính sách thị trường, giáo dục, đào tạo…. nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo chiều sâu, xây dựng các hiệp hội nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động làm thuê trong nông nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Để thực hiện được điều này một cách có hiệu quả đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban ngành trong tỉnh mới tạo ra được bước đột phá.
Ba là, hạn chế đến mức tối đa, việc sử dụng đất nông nghiệp vào các mục đích phi nông nghiệp. Khai thác có hiệu quả đất trống đồi núi trọc vào mục đích sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp. Chú trọng thâm canh trên cơ sở đầu tư chiều sâu,
nâng cao hệ số sử dụng của đơn vị đất đai. Thực hiện đa dạng hoá cây trồng, đa dạng hoá sản phẩm trên cơ sở thâm canh hợp lý.
Bốn là, sử dụng đất đai đúng mục đích, thực hiện tốt việc giao đất, khoán rừng quản lý tài nguyên đất, cải tạo đất chống xói mòn, thoái hoá thông qua việc thực hiện chế độ canh tác hợp lý và khoa học, tạo hệ canh tác bền vững nhất là các loại đất dốc, đất đồi núi trọc.
Thứ hai: Về chính sách tín dụng - đầu tư để thâm canh cây trồng
Để thâm canh tăng năng suất cây trồng có hiệu quả đòi hỏi sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp trong đó chính sách tín dụng - đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để chính sách này tiếp tục phát huy tác dụng trong thời gian đến cần tập trung giải quyết tốt một số khâu quan trọng sau:
Một là, phấn đấu nâng cao tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước tương ứng với vị trí, vai trò của nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và tập trung tất cả các kênh huy động vốn để đầu tư phát triển ngành trồng trọt của tỉnh, đặc biệt chú ý một số cây chủ lực thuộc về lợi thế cạnh tranh trên thị trường hiện nay.
Hai là, vốn đầu tư của Nhà nước cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng như: thuỷ lợi, giao thông, thông tin liên lạc… tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thâm canh tăng năng suất cây trồng; hạ thấp chi phí dịch vụ trên một đơn vị diện tích, nhất là dịch vụ đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, giống… để nông dân có điều kiện tập trung đầu tư kỹ thuật.
Ba là, sử dụng hợp lý và nâng cao năng lực tưới tiêu của các công trình thuỷ lợi hiện có để thâm canh, tăng vụ mùa cây trồng. Đây được xem là một nội dung quan trọng, cơ bản nhất, quyết định đến phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt của tỉnh nói riêng; hiện nay tỷ lệ diện tích đất được tưới tiêu chủ động của tỉnh thấp nên để thâm canh có hiệu quả phải làm tốt công tác thuỷ lợi. Tuy nhiên, đầu tư vào thuỷ lợi đòi hỏi vốn lớn nên trong thời tới tỉnh phải tập trung mà trước hết ưu tiên đầu tư nâng cấp và tăng cường công tác quản lý để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình đã có; tập trung vốn hoàn thành các công trình xây dựng dở dang để sớm đưa vào sử dụng, tiếp tục thực hiện kiên cố hoá kênh mương.
Tập trung đầu tư phát triển các công trình thuỷ lợi nhỏ gắn với thuỷ điện miền núi, củng cố và phát triển hệ thống kênh mương hoá và các công trình phòng tránh bão lũ để giảm nhẹ thiệt hại. Có chính sách khuyến khích nhân dân tham gia đầu tư quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi. Sử dụng một cách tiết kiệm tài nguyên nước.
Bốn là, riêng lĩnh vực tín dụng trong nông nghiệp, tỉnh cần có các biện pháp thúc đẩy hệ thống tín dụng ngân hàng hoạt động đa dạng hơn để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ở nông thôn cần có chính sách cho vay với lãi xuất thoả thuận, tăng mức cho vay cũng như thời hạn cho vay để nông dân chủ động phát triển những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và mở rộng qui mô sản xuất. Người nông dân được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay để vay vốn ngân hàng, được vay vốn tín chấp và vay theo dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Chính sách tín dụng trong nông nghiệp đặc biệt chú ý cho các hợp tác xã nông nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để khuyến khích các HTXNN mở rộng mạng lưới dịch vụ, trên cơ sở đó đóng vai trò chủ đạo trong công tác dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích phát triển quỹ tín dụng nhân dân ở các xã, các tổ tín dụng ở nông thôn, đặc biệt là các hộ nông dân; hạn chế tới mức tối đa tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn và trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Thứ ba: Về chính sách thị trường đối với yếu tố đầu vào và đầu ra.
Thị trường tiêu thụ nông sản hàng hoá là một vấn đề bức xúc hiện nay đối với nước ta nói chung và Phú Yên nói riêng, nhất là khi Việt Nam gia nhập vào thị trường chung thế giới thì cạnh tranh càng trở nên quyết liệt, hàng nông sản đang có cơ hội để thâm nhập vào thị trường thế giới rộng lớn, đồng thời cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Mặc dù, trong thời gian qua tỉnh có nhiều cố gắng trong việc giải quyết thị trường các yếu tố đầu vào và đầu ra cho ngành trồng trọt. Nhưng nhìn chung thị trường nông sản hiện nay còn mang nhiều yếu tố tự phát, vai trò của Nhà nước can thiệp vào thị trường còn hạn chế. Do vậy, trong thời gian đến để thị trường hàng nông sản hoạt động được thông suốt tỉnh cần tập trung giải quyết tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, khuyến khích, mọi thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia lưu thông hàng nông sản, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng trên thương trường. Thương nghiệp nhà nước tập trung nắm giữ các mặt hàng thiết yếu, các khâu đầu vào và đầu ra quan trọng trong ngành trồng trọt như: phân bón, thuốc trừ sâu, tiêu thụ một số mặt hàng trọng yếu như lúa gạo, tiêu, điều, mía, sắn… có dự trữ các mặt hàng ngành trồng trọt để điều tiết quan hệ cung - cầu trên thị trường khi cần thiết. Cần mở rộng hệ thống tiếp thị, nghiên cứu thị trường, dự báo thị trường, tăng cường công tác thông tin kinh tế, nhất là về giá cả hàng nông sản để giúp nông dân, các doanh nghiệp và trang trại chủ động trong việc cung ứng sản phẩm. Tỉnh phải xây dựng các kho chứa hàng đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như lúa, sắn, ngô, cà phê để nông dân gửi hàng hoá khi giá cả hạ thấp và khi giá cả hợp lý họ có thể bán cho Nhà nước để tránh thiệt hại cho nông dân, đồng thời trong thời gian gửi hàng, nông dân được vay với lãi suất ưu đãi và được vay 70 % giá trị hàng hoá đang gửi trong kho để có vốn tiếp tục sản xuất vụ tiếp theo. Làm tốt công tác này sẽ hạn chế sự tác động tiêu cực của sự tăng hoặc giảm giá hàng nông sản bất thường, từ đó hạn chế ảnh hưởng xấu đến quá trình sản xuất cũng như đời sống nông dân.
Hai là, thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để đa dạng hoá các hình thức mua bán, mở rộng hình thức bán trả góp vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp cho nông dân. Khuyến khích người sản xuất, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng quỹ bảo hiểm ngành hàng để trợ giúp nhau khi gặp rủi ro.
Ba là, mặc dù đã thực hiện giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn điền cho nông dân đến năm 2010, nhưng các khoản phí, lệ phí khác trong nông nghiệp hiện nay còn cao, tạo gánh nặng trong sản xuất nông nghiệp làm cho nông dân ít có cơ hội để thâm canh tăng năng suất cây trồng. Do vậy, bên cạnh giảm thuế nông nghiệp thì việc giảm các khoản thu ngoài thuế như thuỷ lợi phí và một số dịch vụ khác trong nông nghiệp là cần thiết để hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành trồng trọt của tỉnh phát triển.
Bốn là, Nhà nước cần hỗ trợ và bảo hộ hợp lý một số ngành có triển vọng nhưng hiện tại còn gặp nhiều khó khăn; đáp ứng kịp thời thông tin thị trường để nông dân chủ động đầu tư đúng hướng. Đồng thời cần có cơ chế để tăng sự liên kết giữa 4 nhà, nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và nhà doanh nghiệp để hỗ trợ nhau phát triển.
Năm là, tiếp tục có những giải pháp tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt chú ý thị trường trong nước nhất là các tỉnh Tây Nguyên và khu vực Duyên hải nam Trung bộ. Mặt khác trong điều kiện thị trường trong nước còn hạn chế tỉnh cần chú ý thị trường nước ngoài, đặc biệt là những thị trường mà ở đó các mặt hàng ngành trồng trọt của tỉnh có lợi thế trong cạnh tranh.
Sáu là, đa dạng hoá loại hình dịch vụ với nhiều chủ thể tham gia tạo thành hệ thống dịch vụ - sản xuất năng động trên địa bàn nông thôn, bao gồm dịch vụ chuyển giao khoa học - công nghệ, cung ứng vật tư thuỷ nông, tín dụng nông thôn, tiêu thụ sản phẩm… với sự tham gia của các đơn vị Nhà nước, các đơn vị hợp tác xã, các doanh nghiệp và mạng lưới tư nhân. Ở nông thôn phát triển dịch vụ hỗ trợ sản xuất dưới sự dẫn dắt chủ yếu các hợp tác xã nông nghiệp và hộ gia đình cá thể, đặc biệt là vai trò hướng dẫn sản xuất thông qua dịch vụ hỗ trợ của hợp tác xã nông nghiệp.
Bảy là, củng cố và cải thiện các hoạt động dịch vụ hợp tác xã để làm tốt chức năng dịch vụ cho kinh tế hộ, đồng thời giúp đỡ các hộ gia đình có dịch vụ hỗ trợ sản xuất đúng hướng và đúng quỹ đạo quản lý nhà nước. Thực hiện Luật hợp tác xã (1996) và Nghị định 16/CP của Chính phủ, những năm qua tỉnh đã chuyển đổi, thành lập mới nhiều hợp tác xã để thực hiện công tác hỗ trợ nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, hoạt động dịch vụ trên địa bàn chủ yếu do hộ gia đình hoặc tư nhân đảm nhiệm, vai trò hợp tác xã trong thực hiện chức năng dịch vụ đầu vào và đầu ra còn mờ nhạt, phần lớn hợp tác xã nông nghiệp còn lúng túng trong công tác làm dịch vụ, chưa thật sự rõ nét về nội dung hoạt động, nhiều hợp tác xã tập trung làm những dịch vụ phi nông nghiệp như điện, nước sinh hoạt trong khi đó một khâu quan trọng như tiêu thụ hàng nông sản, giải quyết đầu ra cho các hộ nông dân còn rất hạn chế. Đây là khâu yếu làm
giảm vai trò “bà đỡ” của các hợp tác xã. Do vậy, trong thời gian đến cần đẩy mạnh vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong công tác dịch vụ đầu vào và đầu ra cho hàng nông sản. Tuy nhiên, để hợp tác xã nông nghiệp thực hiện tốt công tác hậu cần, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
+ Nhà nước cần tập trung nguồn tài chính để khắc phục tình trạng hoạt động nhỏ lẻ của các hợp tác xã nông nghiệp, tạo điều kiện cho các hợp tác xã mạnh về tài chính để mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, làm tốt vai trò bà đỡ trong dịch vụ đầu vào và đầu ra cho nông dân, để làm được điều đó Nhà nước cần cho các hợp tác xã vay vốn với lãi suất ưu đãi.
+ Chấn chỉnh, kiện toàn đội ngũ cán bộ hợp tác xã nông nghiệp bằng cách cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay đang hoạt động theo cơ chế thị trường.
Tám là, các cơ quan sự nghiệp kinh tế, các trung tâm quản lý chuyển giao khoa học - kỹ thuật của tỉnh và huyện đào tạo, tập huấn hỗ trợ, liên kết, khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn, các câu lạc bộ nhằm chuyển giao, phổ biến và ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất cây trồng.