Hành vi từ chối biểu hiện bằng cấu trúc nghi vấn

Một phần của tài liệu Khảo sát phương thức ngôn ngữ biểu hiện hành vi từ chối lời cầu khiến trong tiếng Hán hiện đại (liên hệ với tiếng Việt (Trang 83 - 90)

2.1 .Đặc điểm chung của hành vi TCTT

3.3. Hành vi từ chối gián tiếp biểu hiện bằng thủ pháp cú pháp

3.3.1. Hành vi từ chối biểu hiện bằng cấu trúc nghi vấn

3.3.1.1. Cấu trúc từ chối là lời nghi vấn có giá trị phủ định – bác bỏ nội dung cầu khiến.

Theo 唐玲(Đường Linh) [53] và 王芙蓉(Vương Phù Dunh), 刘振平 (Lưu Chấn Bình) [38] cấu trúc từ chối là lời nghi vấn có giá trị phủ định bác bỏ nội dung cầu khiến thuộc loại câu từ chối cương quyết. Câu từ chối cương quyết là loại câu từ chối thường là không lịch sự và được sử dụng trong những trường hợp đối tượng giao tiếp của mình là người lạ không quen biết hoặc được sử dụng khi đối tượng cầu khiến đưa ra những lời cầu khiến không phù hợp với thân phận của người từ chối. Ví dụ :

(III.27) 你借给我你的笔好吗?

(Cho tôi mượn cái bút được không?) 我不认识你,为什么会借给你?[53-51]

(Tôi không quen biết anh, tại sao phải cho anh mượn?)

Hoặc là yêu cầu, đề nghị của người cầu khiến đi ngược lại một quy tắc nào đó hoặc không phù hợp với quy tắc xã hội.

Những cấu trúc nghi vấn như 为什么,什么,怎么…(tại sao, sao, nào…) dùng vào việc chỉ ra tính phi lí của nội dung cầu khiến, chất vấn mà không cần rõ nguyên nhân xuất hiện lời cầu khiến để phủ định và bác bỏ nội

dung cầu khiến dẫn dắt người nghe nhận diện được hàm ý từ chối của mình. Ví dụ:

(III.28) 你可以借给我1000元吗?

(Bạn có thể cho tôi vay 1000NDTệ không?)

那么多钱你需要干什么?你自己去赚吧,可能到时候你就

不会要花了。

(Cậu cần nhiều tiền như vậy làm gì? Cậu tự đi kiếm nó đi có thể đến lúc đó cậu sẽ không tiêu nó nữa)

Trong ví dụ trên, người từ chối không những không đề cập đến việc có thể hay không thể cho vay tiền mà ngược lại đã sử dụng câu hỏi có tính chất bác bỏ yêu cầu của người cầu khiến “那么多钱你需要干什么?”(Cậu cần nhiều tiền như vậy làm gì?) các câu sau có tính chất giải thích rõ hơn việc từ chối của người nói là chính đáng. Xem thêm ví dụ sau:

(III.29) 你借给我一些钱好吗?

(Cậu cho mình mượn ít tiền được không?)

为什么?你应该找工作。

(Tại sao? Cậu nên đi tìm việc làm đi)

Việc sử dụng các từ nghi vấn(như为什么?) không những có ý bác bỏ nội dung cầu khiến mà còn có ý ngạc nhiên và bực tức trước yêu cầu (có thể là phi lí) của người cầu khiến.

3.3.1.2. Cấu trúc từ chối là một lời nghi vấn có giá trị cầu khiến.

Hình thức từ chối bằng nội dung cầu khiến trở lại chủ thể phát ngôn cầu khiến là một hình thức mang lại lợi ích cho người nói và phần “thiệt” thuộc về người nghe. Cầu khiến trở lại trong phát ngôn từ chối là một cách thức mang tính đe dọa thể diện cao do bản thân HVTC đã mang tính đe dọa thể diện thì nay việc từ chối bằng lời cầu khiến sẽ càng làm tăng mức độ đe dọa thể diện cho người nghe.

Hình thức cầu khiến có thể biểu hiện bằng cấu trúc mệnh lệnh như 你 应 该 做…(Cậu nên làm…)你 要 做…(Cậu phải làm…)你 必 须 做…(Cậu phải/bắt buộc làm…)…(được chúng tôi trình bày trong phần cấu trúc từ chối là câu mệnh lệnh), và bằng cấu trúc nghi vấn. Trong tiếng Hán hiện đại, xu hướng sử dụng các từ nghi vấn vào cuối câu nói từ chối để biểu thị ý định cầu khiến trở lại với người cùng đối thoại được sử dụng nhiều. Trong quá trình thương lượng giữa hai bên tham thoại đứng trước một lời từ chối sẽ phải đưa ra người nói có thể lựa chọn cách thêm những từ như: “好吗? (được không?),可以吗?(có thể không?/được không?),怎么样?(thế nào?),行吗?(được không?)”để người nghe có thể có thêm cơ hội lựa chọn cho lời cầu khiến của mình. Một vài ví dụ cho hình thức này:

1 你可以自己做 X,好吗?(Cậu có thể tự làm việc X được mà?) 2 我可以帮你做 X,行吗?(Tôi có thể giúp cậu làm việc X

(Thay vì Y) được không?)

3 这件事让我帮你,怎么样?(Việc này cứ để tôi giúp cậu đi (thay vì nhờ người khác), thế nào?)

Việc sử dụng hình thức này trong tiếng Hán là một cách thức quan trọng giúp người nói giảm nhẹ giọng điệu khi phải từ chối và làm giảm nguy cơ đe dọa thể diện với người cầu khiến. Ví dụ:

(III.30) 我们应该去看他吧!

(Chúng mình nên đi thăm cậu ấy)

明天吧,怎么样?今天我有点事。

(Mai nhé, thế nào? Hôm nay mình có ít việc)

Việc đặt ngược lại câu hỏi trong câu từ chối như ví dụ trên cũng có nghĩa như người nói đặt ra một phương án mới để người cầu khiến có thể có thêm sự lựa chọn (ví dụ như ngày kia đi được). Xét một ví dụ khác:

(III.31) 你借给我这本书好吗?

(Cậu cho tớ mượn cuốn sách này được không?)

不好意思,这本书我还需要,下次我再借给你,好吗? [S1-C]

(Thật ngại quá, cuốn sách này mình vẫn phải dùng, để lần sau mình cho bạn mượn lại, được không?)

Một trong những cách thức làm giảm bớt mức độ căng thẳng trong hội thoại khi phải sử dụng hình thức từ chối đó là sử dụng sự ướm lời biểu hiện bằng cách chuyển sang hỏi ý kiến “下次我再借给你”( để lần sau mình cho bạn mượn lại) và chờ đợi ý kiến của người cầu khiến “好吗?”( được không?) như trong ví dụ trên. Hình thức từ chối này mang tính chất nhẹ nhàng do nó sử dụng những hình thức dạng phủ định như: (好不好/行不行/可以不可 以…)(được không vậy?/có thể hay không có thể?....). Ví dụ :

(III.32) 你跟我们去渴啤酒吧!

(Cậu đi uống bia hơi với bọn mình đi!) 今天我忙着呢,改天行不行?[S10-C]

(Hôm nay mình bận, hôm khác được không?)

Hình thức câu từ chối nghi vấn có giá trị cầu khiến sử dụng dạng phủ định như trong ví dụ trên là cách nói có âm điệu nhẹ nhàng. Trong tiếng Hán, hình thức như vậy được sử dụng nhiều do nó thường tạo nên một giọng điệu “tình cảm” dễ nghe và dễ được chấp nhận. Hình thức (好不好/行不行/可以 不可以…) cũng là một hình thức được sử dụng nhiều trong hội thoại hàng ngày của tiếng Hán hiện đại.

3.3.1.3. Cấu trúc từ chối là lời nghi vấn lặp lại nội dung cầu khiến

Hình thức từ chối sử dụng sự lặp lại toàn bộ hoặc chỉ là một bộ phận trong câu cầu khiến. Đây là hình thức được người từ chối sử dụng trong những trường hợp như:

- Thứ nhất, khi người nghe nhận được thông tin cầu khiến từ phía người nói mà không kịp chuẩn bị thì có thể dùng cách lặp lại lời cầu khiến để có thời gian chuẩn bị cho ý định từ chối của mình.

- Thứ hai, đây cũng là một cách nói người từ chối có thể giữ một chút thể diện cho người cầu khiến đồng thời chỉ ra rằng anh ta không coi nhẹ lời cầu khiến đó mà do anh ta không thể thực hiện được nó. Ví dụ:

(III.33) 你可以借给我 500元吗?

(Cậu có thể cho tôi vay 500 NDTệ được không?) 借 500元啊?我想想办法。

(Vay 500 NDTệ? Để tôi nghĩ cách đã)

Việc hỏi vay tiền với số lượng là 500NDT của người nói đối với người nghe trong hoàn cảnh này có thể là đường đột và dường như người nghe chưa có sự chuẩn bị cho sự việc. Vì vậy, trong câu từ chối của mình người nghe nhắc lại “借500元啊? ”(Vay 500 NDTệ?) là yếu tố mà người nghe không thể thực hiện được trong thời điểm hiện tại. Xét thêm ví dụ sau:

(III.34) 请你三点来面试!

(Mời anh ba giờ tới phỏng vấn)

来面试?三点?糟糕,我三点有事了。[40-tr182] (Phỏng vấn? ba giờ? ba giờ tôi có việc bận rồi)

Việc được gọi đến phỏng vấn đối với người nghe trong hoàn cảnh trên là rất bất ngờ. Do không có định liệu trước cho việc này nên người nghe đã phải nhắc lại cả hai dữ kiện trong câu đề nghị là “来面试?三点?” (Phỏng vấn? ba giờ?). Nhưng cũng vì do bất ngờ không có sự chuẩn bị mà người nói buộc phải từ chối lời đề nghị.

Trong tiếng Việt hình thức từ chối là một cấu trúc câu nghi vấn với các chức năng như bác bỏ một sự tình hoặc từ chối bằng cấu trúc nghi vấn nhằm mục đích cầu khiến cũng được sử dụng như trong tiếng Hán nhưng cũng có những hình thức biểu đạt có thể khác nhau.

a. Từ chối bằng cấu trúc nghi vấn bác bỏ.

Cấu trúc nghi vấn dùng để bác bỏ một sự tình nào đó cũng sử dụng các tác tử bác bỏ như : nào đâu, có đâu, nào có, thế sao, sao…. Các phát ngôn từ chối sử dụng cấu trúc nghi vấn để bác bỏ hoàn toàn nội dung cầu khiến của người cầu khiến, đồng thời cũng chỉ ra sự không hợp lí trong nội dung cầu khiến của người cầu khiến. Ví dụ:

(III.35) - Lạy quan, quan làm tình làm tội gì thì thầy cháu xin chịu, nhưng xin quan nghĩ lại cho nhà cháu, hai vợ chồng dại, với bảy đứa con thơ.

- Chồng mày bỏ rượu lậu vào ruộng tao, rồi đi báo quan, mày còn bảo tao thương thế nào [9, 387]

Trong ví dụ trên, “quan” từ chối yêu cầu của chủ thể phát ngôn bằng việc chỉ ra những việc làm không tốt như: (bỏ rượu lậu / đi báo quan), đó là những việc mà quan cho rằng không thể chấp nhận được. Phát ngôn này cũng mang hàm ý bác bỏ chỉ ra sau những việc như thế thì (mày còn bảo tao thương thế nào).

Người nói cũng có thể sử dụng cách thức từ chối nội dung cầu khiến bằng cách đưa ra những câu nghi vấn thể hiện nội dung cầu khiến là không đúng lúc không đúng đối tượng. Ví dụ:

(III.36) - Mình định đưa cô ấy về nhà mình, ý cậu thế nào?

- Sao cậu lại hỏi tôi?

Người bạn bác bỏ tính cấp thiết của nội dung cầu khiến cho rằng đây là việc riêng tư của anh bạn và việc làm “đưa cô ấy về nhà” không can hệ gì đến mình.

Hình thức từ chối bằng cấu trúc nghi vấn bác bỏ của tiếng Việt và tiếng Hán là tương đối tương đồng. Đó đều là cách nói bác bỏ tính vô lí, tính cần thiết của nội dung cầu khiến, đôi khi là chỉ ra sự phi lí của lời cầu khiến.

Từ chối bằng cấu trúc nghi vấn để cầu khiến là một cấu trúc được sử dụng với tần suất cao trong tiếng Hán. Trong tiếng Hán việc sử dụng nhóm từ cầu khiến trở lại thường là những từ mang tính chất thăm dò, xin phép cùng âm điệu giọng điệu của người nói như : “好吗?,可以吗?,怎么 样?,行吗…”(được không, có thể không, thế nào, …). Điều này khiến cho việc từ chối trở nên dễ nghe hơn với người cùng tham thoại. Trong tiếng Việt người Việt cũng có xu hướng sử dụng cấu trúc nghi vấn cầu khiến nhưng đặc biệt sử dụng nhiều hơn những yếu tố ngôn ngữ khác đi kèm cử chỉ, âm điệu. Ví dụ:

(III.37) - Mai anh cho bọn em nghỉ liên hoan ạ

TC 1 - Ơ thế các cậu không định làm xong rồi hãy liên hoan à?

(Chất vấn sao không thực hiện xong rồi hãy yêu cầu)

TC 2 - Ừ, thế làm xong đã nhé. (Thương lượng và đề nghị xong việc hãy liên hoan)

TC 3 - Hay làm xong rồi hãy liên hoan được không? …(Hỏi ý kiến và đề nghị xong việc hãy liên hoan).

Trong các phát ngôn từ chối trên những yếu tố ngôn ngữ khác như các từ tình thái hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong ý nghĩa của từng câu từ chối. Nó giúp cho người nghe phân biệt được thái độ của người nói với người nghe là áp đặt hay thương lượng, là thân tình, nhã nhặn hay tôn trọng…. Những yếu tố ngôn ngữ như các tiểu từ tình thái nhé, à, ơ, ư,…hoặc các từ xin phép như được không ạ, được không chứ… được dùng chủ yếu trong hình thức từ chối này ở tiếng Việt. Ví dụ :

(III.38) - Mai cậu qua công ty giúp mình ít việc.

- Mai là chủ nhật, thế để ngày kia anh nhé.

Như vậy trong phát ngôn từ chối nghi vấn nhằm mục đích cầu khiến trong tiếng Hán và tiếng Việt là khá tương đồng. Chỉ có một số khác biệt trong việc sử dụng những yếu tố ngôn ngữ là các tiểu từ tình thái như (nhé, à, ơ, ư,..) trong tiếng Việt được sử dụng nhiều nhưng trong tiếng Hán chỉ có các

từ thuộc nhóm xin phép như : “好吗?,可以吗?好不好? ,行不行?”(được không ạ, được không chứ) chứ không có nhóm từ kiểu như nhóm tiểu từ tình thái trong tiếng Việt là: à, ơi, ư….

c. Từ chối bằng cấu trúc lập lại câu hỏi.

Nếu như trong tiếng Hán việc sử dụng câu từ chối bằng việc lặp lại câu hỏi hoặc một phần câu hỏi là tương đối phổ biến thì trong tiếng Việt đây là cách nói không thường xuyên và thường mang ý nghĩa băn khoăn hoài nghi. Ví dụ:

(III.39) - Anh cứ cầm về đi đừng lo gì

- Cầm về ư? Thôi anh ạ.

Khác với mục đích sử dụng của hình thức lặp lại nội dung cầu khiến của tiếng Hán là sự bất ngờ của nội dung cầu khiến và là cách nói thể hiện người từ chối không coi nhẹ lời cầu khiến mà do anh ta không thể thực hiện được nội dung cầu khiến. Hình thức lặp lại nội dung cầu khiến trong câu từ chối của tiếng Việt lại là chỉ nêu lên sự hoài nghi, băn khoăn và mong muốn xác lập thái độ của người cùng đối thoại trước lời cầu khiến. Do đặc điểm về ngôn ngữ và văn hóa khác nhau mà người Trung Quốc và người Việt có những cách thức và mức độ sử dụng cấu trúc nghi vấn để từ chối khác nhau dù về cấu trúc ngữ nghĩa và ngữ dụng là như nhau.

Một phần của tài liệu Khảo sát phương thức ngôn ngữ biểu hiện hành vi từ chối lời cầu khiến trong tiếng Hán hiện đại (liên hệ với tiếng Việt (Trang 83 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)