Các nhân tố tác động đến hành vi từ chối

Một phần của tài liệu Khảo sát phương thức ngôn ngữ biểu hiện hành vi từ chối lời cầu khiến trong tiếng Hán hiện đại (liên hệ với tiếng Việt (Trang 38)

Có khá nhiều nhân tố tác động trực tiếp đến HVTC như: vấn đề lịch sự trong giao tiếp, vấn đề văn hóa, thói quen sử dụng ngôn ngữ và thói quen tư duy, vấn đề giới tính...Chúng tôi xem xét một số vấn đề cơ bản như sau:

I.6.1. Vấn đề lịch sự

Trong giao tiếp vấn đề lịch sự là một vấn đề lớn bởi lịch sự, lễ phép là cái đi kèm tất yếu bao quanh hành động ngôn ngữ. Lịch sự trong giao tiếp ở cả tiếng Việt và tiếng Hán là những cách thức ứng xử ngôn ngữ có tính quy thức thể hiện được thái độ tôn trọng người đối thoại.

Hành vi từ chối là hành vi ngôn ngữ không được mong đợi và nó cũng là hành vi mang tính đe dọa thể diện cao. Chính vì vậy trong HVTC khi phải đặt mình vào những mối quan hệ xã hội thì lời từ chối chịu ảnh hưởng rất nhiều từ vấn đề lịch sự. Sự chi phối từ mối quan hệ giữa những người cùng tham thoại, từ địa vị xã hội, từ mối quan hệ họ hàng …khiến cho người tham gia giao tiếp phải chú ý lựa chọn ngôn từ cho phù hợp. Đặc biệt trong cả tiếng Hán và tiếng Việt vấn đề lựa chọn cách ứng xử với những người lớn tuổi, những người có vị thế xã hội đều phải đặc biệt chú trọng đến sử dụng ngôn từ. Đó là do trong cả hai đất nước đều có tinh thần tôn trọng người cao tuổi. Trong giao tiếp với những bậc tiền bối những người đi trước phải đặc biệt chú trọng đến lựa chọn những hành động ngôn từ cho phù hợp mới được coi là lịch sự, có văn hóa và mới được xã hội chấp thuận.

1.6.2. Vấn đề văn hóa

Có thể nói văn hóa là một trong những yếu tố cơ bản nhất tác động trực tiếp đến HVTC. Ngôn ngữ và văn hóa là hai đối tượng đặc biệt và chúng có mối quan hệ cũng hết sức đặc biệt với nhau. Chính ngôn ngữ và văn hóa quy định một nhóm cộng đồng lại thành một dân tộc và cũng chính là ngôn ngữ và văn hóa làm nên tính đặc thù của dân tộc đó. Ngôn ngữ được coi như là một yếu tố hay một bộ phận hữu cơ của văn hóa, ngôn ngữ và văn hóa phát triển trong sự tác động qua lại lẫn nhau. Ngôn ngữ là phương tiện tất yếu đặc biệt

và là điều kiện cho những thành tố đặc trưng nhất của bất kì một nền văn hóa đân tộc nào nảy sinh và phát triển. Lĩnh vực giao tiếp là một lĩnh vực mang đậm nét đặc thù của mọi nền văn hóa.

Thế giới khách quan được con người dùng ngôn ngữ của mình miêu tả và diễn đạt. Chính ngôn ngữ liên kết ý tưởng hay sự kiện về một thế giới mà con người cùng tri nhận, chia sẻ. Thông qua ngôn ngữ con người không chỉ diễn đạt những kinh nghiệm mình đã trải qua mà còn thực hiện những kinh nghiệm đó. Có thể nói rằng ngôn ngữ tượng trưng hóa thực tế văn hóa. Như vậy chúng ta không thể làm chủ một ngôn ngữ mà không nắm bắt được nền văn hóa của nó bởi trong mỗi hành vi giao tiếp đều có dấu ấn của văn hóa.

Trong một thế giới phát triển hòa nhập như hiện nay việc học ngoại ngữ ở Việt Nam nói riêng và ở các nước khác trên thế giới nói chung đặc biệt phát triển. Song có thể nói việc học ngoại ngữ mà không chú trọng đến nền văn hóa của ngôn ngữ đó sẽ khiến cho người học rơi vào tình cảnh chỉ nắm được bề nổi của con chữ mà không hiểu được đằng sau đó là cả một cách thức tư duy và diễn đạt của ngôn ngữ đó.

Có thể nói cách tư duy và diễn đạt ngôn ngữ của một người phụ thuộc rất nhiều vào tri thức nền, vào vốn kiến thức văn hóa. Như vậy trong giao tiếp để có được một chiến lược giao tiếp tốt, thành công thì ngoài việc người nói phải có kiến thức ngôn ngữ, kĩ năng giao tiếp thì sự hiểu biết về văn hóa sẽ tạo nên phương thức biểu hiện HVNN phù hợp.

1.7. Tiểu kết

1. Hội thoại là hình thức giao tiếp quan trọng và phổ dụng trong cuộc sống hàng ngày. Hội thoại diễn ra theo quy tắc nhất định như quy tắc luân phiên lượt lời, quy tắc chi phối hội thoại. Đồng thời phải tuân theo các nguyên tắc như nguyên tắc lịch sự, nguyên tắc cộng tác hội thoại… Những người tham gia cuộc thoại dựa vào mối quan hệ liên nhân để tạo phát ngôn

thích hợp nhằm duy trì mối quan hệ xã hội tốt đẹp cũng như nhằm thỏa mãn mục đích giao tiếp.

2. Austin là người đầu tiên đưa ra lý thuyết về HVNN với những tiêu chí phân biệt sự khác nhau trong cùng một HVNN. HVTC thường là lượt lời thứ hai trong đoạn thoại cầu khiến, có nghĩa là HVTC liên quan đến lời đáp cho HVCK hơn là một hành động khởi xướng. HVTC xuất hiện trong những điều kiện nhất định và có tính đe dọa thể diện cao, đồng thời cũng biểu lộ tính phức tạp hơn các HVNN khác.

3. Ranh giới phân biệt HVTC với hành vi phủ định, hành vi bác bỏ và hành vi ngăn cản cấm đoán là rất mỏng manh. Thực tế cho thấy, người ta có thể phủ định, bác bỏ một sự kiện, ngăn cản cấm đoán thực hiện một sự tình mà không liên quan đến HVTC. Các hình thức từ chối lời cầu khiến đều liên quan đến HVCK tiền vị, trong khi bác bỏ và ngăn cản cấm đoán có thể xuất hiện mà không cần có lời cầu khiến trước đó.

4. Là một hành vi mang tính đe dọa thể diện cao, người nói thường phải lựa chọn và cố gắng tạo được hình thức từ chối sao cho dễ chấp nhận nhất, ít gây phản ứng tiêu cực nhất. Tình trạng này dẫn đến hình thành thương lượng để cuối cùng, kết quả của cuộc thoại phải làm hài lòng cả hai bên tham thoại.

5. Mỗi xã hội, mỗi cộng đồng ngôn ngữ có cách biểu đạt HVTC khác nhau. Điều này có cơ sở từ truyền thống văn hóa, thói quen sử dụng ngôn ngữ và tư duy của mỗi thứ tiếng.

CHƯƠNG II

PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN HÀNH VI TỪ CHỐI TRỰC TIẾP TRONG TIẾNG HÁN (CÓ LIÊN HỆ VỚI TIẾNG VIỆT) 2.1. Đặc điểm chung của hành vi từ chối trực tiếp

2.1.1. Khái niệm từ chối trực tiếp

TCTT là một HVNN biểu hiện rõ ràng dứt khoát từ chối thực hiện một yêu cầu, một đề nghị nào đó. Người nghe trực tiếp nhận được ý định từ chối của nguời nói mà không cần suy ý dựa vào ngữ cảnh, vốn hiểu biết hay bất cứ kinh nghiệm ngôn ngữ nào. Ví dụ :

(II.1) 你借给我这本书好吗?

(Cậu cho tớ mượn cuốn sách này được không?) 不行,我现在要看这本书。[S1-C]

(Không được, hiện nay tôi đang đọc nó )

Trong ví dụ trên người nói đưa ra lời đề nghị đối với người nghe, người nghe đưa ra lời từ chối mà trung tâm của lời nói nhằm mục đích từ chối lời đề nghị (đi chơi) . Người nói nhận thấy HVNN trung tâm này diễn đạt ý định từ chối rõ ràng (lời đáp cho một HVCK). HVTC trực tiếp tạo hiệu lực tại lời xác định rõ cho một HVCK.

2.1.2. Đặc điểm về phương thức thể hiện

Hành vi ngôn ngữ từ chối phần lớn là do nhiều thành phần ngữ nghĩa tạo thành, các thành phần ngữ nghĩa này thường đứng theo những trật tự nhất định mà khi thực hiện HVTC thì vai trò của chúng cũng quan trọng như nhau. Trong đó HVNN trung tâm chính là trung tâm thực hiện HVNN từ chối. HVNN mở rộng dùng để phụ trợ cho thực hiện HVNN từ chối. Ví dụ:

(II.2) 不可以,我很忙。

(Không được, mình rất bận )

不可以 (không được) : HVNN trung tâm. 我很忙 (mình rất bận) : HVNN mở rộng. Có thể mô hình hoá cấu trúc từ chối cơ bản như sau :

HVNN trung tâm + HVNN mở rộng

Trong câu TCTT thành phần HVNN trung tâm bao giờ cũng là thành phần chỉ rõ HVTC. Để xác định rõ HVNN trung tâm và HVNN mở rộng chúng ta cần căn cứ vào trình tự xuất hiện, ngữ cảnh và chức năng của từng HVNN. Song, trong thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận thấy rõ ràng các thành phần HVNN này. Có thể xem xét một số khả năng như sau:

a. Câu từ chối chỉ có thành phần HVNN trung tâm. Ví dụ :

(II.3) 你可以借给我一些钱吗?

(Bạn có thể cho mình vay ít tiền không?) 不行。

(Không được đâu)

b. Câu từ chối gồm HVNN trung tâm + HVNN mở rộng hoặc ngược lại. Ví dụ:

(II.4) 我们可以一起去渴咖啡吗?

(Chúng ta có thể cùng nhau đi uống cà phê không?)

对不起,我很忙,恐怕不能跟你去。

(Xin lỗi mình rất bận e rằng không thể đi cùng cậu được) c. Câu từ chối có nhiều thành phần là HVNN trung tâm. Ví dụ :

(II.5) 明天你帮我翻译这本书好吗?

(Mai cậu dịch cho mình cuốn sách này nhé ) 明天我要去北京,我没有时间。[12-50]

(Mai mình phải đi Bắc Kinh, mình không có thời gian )

Trong ví dụ trên, câu từ chối là câu gồm hai thành phần mà nếu bỏ đi bất cứ thành phần nào thì câu cũng được hiểu là người nghe từ chối lời đề nghị của người nói. Nếu bỏ “明天我要去北京”(Mai mình phải đi Bắc Kinh)

thì câu từ chối là câu TCTT rất rõ ràng. Ngược lại nếu bỏ “我没有时 间”(mình không có thời gian) thì câu từ chối chuyển thành TCGT.

Dưới dây chúng tôi sẽ đi vào mô tả từng thành phần.

2.1.2.1 Thành phần HVNN trung tâm

Thành phần HVNN trung tâm biểu đạt hành động từ chối và là thành phần chính của phát ngôn từ chối. Thành phần này có thể đứng độc lập để tạo thành một phát ngôn từ chối hoàn chỉnh như trong ví dụ (II.3) hoặc có thể kết hợp với thành phần HVNN mở rộng. Thành phần của HVNN trung tâm được biểu hiện bằng động từ ngôn hành diễn đạt ý nghĩa từ chối hoặc các hình thức từ phủ định.

a. Thành phần HVNN trung tâm chứa động từ ngôn hành.

Theo chúng tôi trong tiếng Hán hiện đại thì chỉ có động từ ngôn hành 拒绝 (cự tuyệt, từ chối) là tham gia vào phát ngôn từ chối. Việc sử dụng từ 拒 绝như một việc từ chối hết sức rõ ràng, không hề có chút lưu tâm nào đến việc từ chối. Ví dụ :

(II.6) 老师,明天早上给我辅导,好吗?

(Thưa thầy sáng mai thầy phụ đạo cho em được không ạ?)

对不起,我又拒绝你的要求但明天我有事了。

(Xin lỗi mình phải từ chối vì mai mình có việc rồi). b. Thành phần HVNN trung tâm là từ phủ định “不”

Từ phủ định “不” được sử dụng như thành phần cốt lõi. Trong một cấu trúc rút gọn đặc biệt một mình“不”có thể làm thành một phát ngôn từ chối hoàn chỉnh. Ví dụ :

(II.7) 我们一起走吧!

(Chúng ta cùng đi thôi) 不

Trong tiếng Hán trường hợp “不” đứng một mình như một phát ngôn từ chối độc lập mà không kết hợp với một số động từ, trợ động từ nào là không nhiều. Phần lớn là“不” được sử dụng kết hợp với nhóm động từ, trợ động từ tạo thành nhóm từ như: 不想,不能,不行,不愿,不可以,不可能,不用, 不愿意…Ví dụ :

(II.8) 阿南,帮我一个忙吧! (Nam à giúp mình cái nào) 不行,我觉得不舒服。

(Không thể rồi, mình cảm thấy không được thoải mái) (II.9) 今天的课文很难 , 你帮我翻译好吗?

(Bài khóa hôm nay khó quá cậu dịch giúp tôi với!) 不好,我很忙。[S3-C]

(Không được, mình bận lắm)

c. Thành phần HVNN trung tâm là từ phủ định 没有

Từ phủ định “没”được sử dụng đi cùng với từ “有” tạo thành “没有” để phủ định, phủ nhận một sự việc. Song việc sử dụng từ 没有 là không nhiều như từ phủ định “不“Ví dụ :

(II.10) 明天早上我们一起去好吗? (Sáng mai chúng ta cùng đi nhé)

我没有时间。

(Mình không có thời gian)

2.1.2.2. Thành phần HVNN mở rộng

Thành phần HVNN mở rộng nhằm giảm thiểu mức độ từ chối cho đối phương. Thông thường trong câu từ chối nếu có thành phần mở rộng thì mức độ từ chối dứt khoát bị giảm đi khá nhiều khiến cho người bị từ chối cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Thành phần mở rộng chủ yếu chứa các yếu tố giảm

thiểu, hạ ngôn nhã ngữ .. thông thường là bày tỏ đồng ý song bày tỏ đáng tiếc hoặc nêu lí do, nguyên nhân của việc từ chối. Ví dụ:

(II.11) 明天的晚会,你跟我一起去吧?

(Bạn cùng mình tham gia buổi dạ tiệc ngày mai nhé ) 对不起,我不参加, 明天晚上我有事。 [11-99]

(Xin lỗi mình không tham gia được,tối mai mình có việc) Trong ví dụ trên, người từ chối đã đưa ra lời xin lỗi “对不起” và sau đó là từ chối thẳng thắn “我不参加”.”“明天晚上我有事” chính là HVNN mở rộng đưa ra lời giải thích cho việc từ chối của mình. Ví dụ:

(II.12) 今天你跟我走好吗?

(Hôm nay cậu đi cùng mình được không?) 今天我不想去,我们明天去吧。 [11-154]

(Hôm nay mình không muốn đi, ngày mai chúng mình đi nhé ) Trong ví dụ này thì “我们明天去吧” chính là HVNN mở rộng gợi ra một phương án mới cho người cầu khiến.

2.2. Các kiểu loại hành vi từ chối trực tiếp

Căn cứ vào hình thức biểu hiện HVTC như đã miêu tả trên chúng tôi phân chia kiểu loại HVTC TT như sau :

a. Hành vi TCTT chứa TP cốt lõi với các kiểu như sau:

- Hành vi TCTT chứa TP cốt lõi có chứa động từ ngôn hành như “拒绝” - Hành vi TCTT rút gọn nhất với từ “不”

- Hành vi TCTT là nhóm từ “不” kết hợp với các động từ, trợ động từ (như不想,不能,不行,不愿,不可以,不可能,不用,不愿意...)

- Hành vi TCTT chứa từ phủ định “没” được dùng với “有” {没(有)} - Hành vi TCTT chứa từ phủ định “不” và thành phần cốt lõi “不” + động từ b. Hành vi TCTT chứa thành phần trung tâm và TP mở rộng.

2.3. Các phương tiện biểu hiện HVTCTT chứa thành phần cốt lõi trung tâm

2.3.1 Thành phần trung tâm chứa động từ ngôn hành

Trong tiếng Hán hiện đại, động từ “拒绝” là động từ thuộc nhóm các động từ ngăn cản liên quan đến HVTC. Nhóm các động từ ngăn cản như: 推托 (Khước từ; từ chối (khước từ trách nhiệm), 推却 (Từ chối , khước từ) , 推辞 (Từ chối, không nhận lời), 否认 (Phủ nhận, không thừa nhận, từ bỏ), 拒绝 ( Cự tuyệt, từ chối thẳng thừng), 把受 (Từ chối, cự tuyệt không nhận), 谢 (Chối từ, cự tuyệt).

Có thể xếp “拒绝” vào nhóm các động từ ngôn hành nhằm thực hiện hành vi không chấp nhận, bác bỏ một cách rõ ràng và tường minh. Song, trong thực tế rất ít khi người ta sử dụng nhóm từ này. Có thể gặp các từ trong nhóm khi được miêu tả hoặc kể lại của các giọng văn. Trong giao tiếp thực tế, người Trung Quốc rất ít và rất không mong muốn sử dụng từ chối dứt khoát và không có chút lưu ý như vậy. Chúng tôi chỉ bắt gặp trong hội thoại sử dụng từ “拒绝” như một cách thức TCTT rõ ràng như trong ví dụ (II.6). Qua tìm hiểu và xác lập các ví dụ, chúng tôi cũng nhận thấy việc sử dụng TCTT thường thấy ở những người có khoảng cách xã hội xa nhau và có quyền lực xã hội không bình đẳng. Đó là người sử dụng TCTT thường là người có quyền lực xã hội cao hơn người bị từ chối. Ví dụ:

(II.13) 阿南,明天我想休息一天,可以吗?

(Nam ạ, ngày mai cho tôi nghỉ một ngày được không?)

对不起,现在公司有很多合同,我又不得不拒绝你的请求。 (Xin lỗi công ty hiện có rất nhiều hợp đồng, tôi đành phải từ chối lời đề nghị của anh thôi).

Trong ví dụ trên, người từ chối rõ ràng là lãnh đạo của người cầu khiến vì vậy khi từ chối lời đề nghị của nhân viên người từ chối đã sử dụng động từ ngôn hành “拒绝” cho lời từ chối của mình.

Ở ví dụ (II.6) trong quan hệ xã hội ở đây thì thầy giáo rõ ràng là người có khoảng cách xã hội cao hơn học sinh, vì vậy, khi từ chối đã sử dụng động từ “拒绝” để từ chối việc có thể phụ đạo giúp học sinh của mình. Song, có thể khẳng định người Trung Quốc sử dụng các động từ ngôn hành cho lời từ chối của mình là không nhiều.

Cũng như vậy, theo Trần Chi Mai [25] trong luận án của mình tác giả đã tham khảo Nguyễn Bá Bách cũng khẳng định người Việt rất ít khi sử dụng các động từ ngôn hành cho lời từ chối của mình. Đó là không gặp hình thức biểu hiện này dù về mặt lý thuyết là có thể. Tác giả đưa ra một ví dụ mang hình thức từ chối . Quy thức này như sau:

(II.14) - Thưa thầy em xin phép được làm việc với thầy vào cuối tuần sau, được không ạ?

- Mình bận quá đành từ chối vậy. Tuần sau nữa mình sẽ thu xếp để xem luận án của bạn thế nào, được không? [49.25]

Ở đây chúng tôi nhận thấy trong cả tiếng Việt và tiếng Hán thì việc sử dụng các động từ ngôn hành cho lời từ chối là ít và hầu như không gặp, chúng tôi cũng đồng ý với kết luận của tác giả Nguyễn Bá Bách đó là gần như không gặp và có tần suất đặc biệt ít.

2.3.2. Thành phần trung tâm chứa từ phủ định

Trong tiếng Hán những từ phủ định dùng để phủ định hành vi động tác hoạt động, trạng thái chủ yếu bao gồm “不” và “没有”.

2.3.2.1. Từ phủ định “

Từ “不” trong tiếng Hán là đánh dấu phủ định, là từ phủ định có tần suất sử dụng cao nhất. Trong hành vi TCTT là phủ định thì“不” khi ghép với mốt số động từ , trợ động từ là hình thức TCTT thường xuyên nhất trong tiếng Hán.

不 想 不想 能 不能 行 不行 愿 不愿 可以 不可以 可能不可能 用不用 愿意不愿意 好 不好

Trong HVTCTT từ “不” rất ít khi đứng một mình. Khi “不” đứng một mình thì mức độ từ chối thường rất cao và mang tính cương quyết. Ví dụ :

(II.15) 上车吧,我送你去。 (Lên xe đi tôi đưa cậu đi)

不,我自己去。 (không/thôi tôi tự đi )

Trong phiếu điều tra về phương thức biểu thị hành vi từ chối đối với sinh viên Trung Quốc chúng tôi thu được rất ít trường hợp “不” đứng một mình

Một phần của tài liệu Khảo sát phương thức ngôn ngữ biểu hiện hành vi từ chối lời cầu khiến trong tiếng Hán hiện đại (liên hệ với tiếng Việt (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)