CỘNG ĐỒNG NÀO?

Một phần của tài liệu Chinh phục các đợt sóng văn hóa Những bí quyết kinh doanh trong môi trường văn hóa đa dạng (Trang 41 - 47)

5. Nhóm và cá nhân

CỘNG ĐỒNG NÀO?

Các cá nhân thường có định hướng cá nhân hoặc cộng đồng, mặc dù chúng ta phải cẩn thận trong việc khái quát về “cộng đồng” mà một nền văn hóa cụ thể sẽ xác định. Ví dụ, hãy trả lời câu hỏi sau.

Việc lắp đặt máy móc gặp phải sai sót. Lỗi này do sự lơ đễnh của một thành viên trong đội. Trách nhiệm trong trường hợp này có thể được quy theo nhiều cách.

A. Nhân viên gây ra sai sót phải chịu trách nhiệm.

B. Vì anh ta ở trong đội nên cả đội phải chịu trách nhiệm.

Theo bạn, cách nào trong hai cách nhận trách nhiệm trên thường xảy ra trong xã hội của bạn, A hay B?

Câu hỏi này tạo nên một loạt các kết quả phù hợp với câu hỏi trước, nhưng chúng ta vẫn có thể xác định một số khác biệt. Điều này có liên quan đến sự không đồng nhất trong quan niệm về “cộng đồng” hay “nhóm”. Với từng xã hội riêng lẻ, cần quyết định xem các cá nhân gắn bó chặt chẽ với nhóm nào. Họ có thể thích gắn bó với công đoàn, gia đình, công ty, tôn giáo, nghề nghiệp, dân tộc hay bộ máy nhà nước. Người Pháp có xu hướng gắn bó với nước Pháp, gia đình và khuôn khổ; người Nhật với công ty; khối Đông Âu cũ với Đảng Cộng sản; và Ireland với Nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã. Các mục tiêu cộng đồng có thể tốt hay xấu đối với ngành công nghiệp, dựa trên mối quan tâm của cộng đồng, thái độ và sự liên quan tới phát triển doanh nghiệp. Hình 5.3 cho thấy nhà quản lý Nga và Đông Âu có kết quả cao nhất trong giả định về trách nhiệm cá nhân. Những người Mỹ chỉ trên mức trung bình với 54%, thấp hơn cả vài nước châu Âu. Nhật Bản có 32% theo chủ nghĩa cá nhân, trong khi người

Indonesia là 16%.

CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN CÓ PHẢI LÀ YÊU CẦU CỦA CÁC TẬP ĐOÀN?

Trong khi người Pháp cảm nhận về chủ nghĩa cá nhân có phần tiêu cực thì triết lý lạc quan của nước Đức lại coi chủ nghĩa cá nhân, như theo lời của Simmel, là “sự thống nhất có tính hệ thống giữa cá nhân và xã hội”. Nước Mỹ thường được coi là hình mẫu tiêu biểu về chủ nghĩa cá nhân và quả thực người Mỹ có kết quả cao nhất, hay gần như thế, trong hầu hết các nghiên cứu của chúng tôi. De Tocqueville, một quý tộc Pháp thế kỷ XIX, đã miêu tả những người Mỹ là biểu lộ “một sự tự tin mạnh mẽ vào bản thân, dựa vào những cố gắng và năng lực của họ”. Uỷ ban Các mục tiêu Quốc gia trong báo cáo với Tổng thống Eisenhower đã tuyên bố rằng khả năng hiện thực hóa bản thân cá nhân là mục tiêu trung tâm của nền văn minh Hoa Kỳ.

Hình 5.3. Lỗi của ai?

Phần trăm những người trả lời chọn công việc ghi nhận với tư cách cá nhân.

Tuy nhiên, thậm chí ở Mỹ, cũng có những ý kiến phản đối tác dụng của chủ nghĩa cá nhân. Nhà xã hội học của trường Havard, Daniel Bell, buộc tội chủ nghĩa cá nhân vì người tiêu dùng mà ông gọi là chủ nghĩa hiện đại là đã làm yếu đi cơ sở hạ tầng của Mỹ. Khi xã hội thông tin phát triển, con người với các đặc tính của chủ nghĩa cộng đồng sẽ phổ biến thông tin nhanh hơn. Thông tin có thể được chia sẻ theo cách mà các sản phẩm vật chất không có được. Bell và Nelson nhìn thấy một sự thay đổi từ “tình huynh đệ kiểu bộ lạc”, mà chủ đạo là tinh thần gạt cá nhân ra ngoài, tới “sự khác biệt

phổ biến”, thứ bao gồm các cá nhân trong khi vẫn tập trung vào các mục tiêu nhóm bình thường.

Emile Durkheim, nhà xã hội học người Pháp thế kỷ XIX, đã khôn ngoan khi kêu gọi sự kết hợp giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cộng đồng. Ông đã thấy chủ nghĩa cá nhân có cả các hình thức thô sơ và hiện đại. Trong hình thức thô sơ của nó, xã hội có chung nhận thức cộng đồng mà không ai dám đi theo hướng khác. Cá nhân bị cộng đồng thống trị. Durkheim gọi hình thức này là sự thống nhất cơ học và ông thấy nó đang dần mất vị trí vì nền công nghiệp đòi hỏi phải có sự phân công lao động, thứ mà sự thống nhất cơ học chậm thích nghi. Điều này sẽ giúp giải thích cho thành công về kinh tế trước đây của các quốc gia theo chủ nghĩa cá nhân và đạo Tin Lành.

Tuy nhiên, Durkheim cũng thấy một hình thức phức tạp hơn của sự kết hợp tự nguyện giữa các sinh vật tự chủ mà ông gọi là sự thống nhất có hệ thống. Phân công lao động mở rộng sẽ khiến các cá nhân chia sẻ ngày càng ít hơn với những cá nhân khác trong cùng một xã hội và điều này đòi hỏi một hình thức kết hợp xã hội mới. Nó bao gồm cả sự kết hợp sinh học, như đã thấy trong các cơ quan phát triển có cả sự tách biệt và kết hợp. Năm 1956, Paul Lawrence và Jay Lorsch đã phát hiện ra rằng các công ty sản xuất chất dẻo công nghệ cao, phát triển trong những môi trường không ổn định, đều có sự tách biệt và kết hợp cao. Nó là sự xác minh cho mô hình tăng trưởng có hệ thống và hướng đến một sự kết hợp đang ngày càng cần thiết giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cộng đồng trong các xã hội đang ngày càng trở nên phức tạp. Về cơ bản, chúng ta xem vấn đề này như một vòng quay với hai “điểm khởi đầu” (xem Hình 5.4).

Chúng ta sẽ xem xét những vòng quay này, bắt đầu từ những điểm khác nhau và nhận thức chúng như các phương tiện hay mục đích. Nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân xem cá nhân như là “mục đích” và những tiến bộ trong các giao ước cộng đồng là phương tiện để đạt được mục đích đó. Nền văn hóa theo chủ nghĩa cộng đồng xem nhóm là mục đích và những tiến bộ đối với các khả năng của cá nhân là phương tiện để đạt được mục đích. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ này đúng là vòng quay, việc quyết định xem yếu tố nào là mục đích và yếu tố nào là phương tiện sẽ không hợp lý. Theo định nghĩa, các vòng quay không bao giờ kết thúc. Mọi “mục đích” đều là phương tiện cho một mục tiêu khác.

Điều này gần hơn với sự tin tưởng của chúng tôi rằng chủ nghĩa cá nhân tìm thấy sự hoàn thiện của nó trong việc phục vụ nhóm, trong khi các mục tiêu nhóm là giá trị có thể giải thích được với các cá nhân chỉ khi những cá nhân này được hỏi ý kiến và tham gia vào quá trình phát triển các mục tiêu. Sự hòa hợp không phải dễ dàng, nhưng có thể.

Tất cả các phụ huynh đều biết điều này thông qua trực giác. Bạn đang nuôi dạy con cái trở nên tự lập ở tuổi 18, hay bạn cố gắng phát triển đứa trẻ trở thành một thành viên tốt trong gia đình? Chúng ta đều biết câu trả lời đối với cả hai câu hỏi là “có”. Các bậc phụ huynh trên khắp thế giới cố gắng phát triển con cái của mình trở thành người tự lập và trở thành một thành viên tốt trong gia đình. Ở đây, một lần nữa, chúng ta lại thấy sự quan trọng của hòa hợp. Một giá trị làm tăng lên chất lượng của một giá trị khác có vẻ như đối lập với nó.

CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN VÀ CHỦ NGHĨA CỘNG ĐỒNG TRONG KINH DOANH QUỐC TẾ

Những khác biệt trong cấp độ của chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa cộng đồng tạo ra những vấn đề thực tiễn nào? Hãy xem xét trường hợp tiếp theo của MCC và người nam giới thiếu may mắn, ông Johnson.

Trong một cuộc họp ở Milan, ông Johnson trình bày các ý tưởng về kế hoạch trả lương để thúc đẩy lực lượng bán hàng. Ông rất tức giận với cách mà những cuộc họp này diễn ra và quyết định sẽ tính xem tất cả các cuộc họp trong tương lai nên diễn ra như thế nào. Ông không thích những đại diện người Singapore và châu Phi luôn xuất hiện theo nhóm. Ông nói họ nên xuất hiện với từng đại diện một mà thôi. Liệu ông Sin từ Singapore có thể đảm bảo rằng ông chủ của ông ta luôn có một người đại diện chứ không phải những người khác nhau trong các dịp khác nhau?

Những đề nghị này không được các giám đốc chú ý. Ông Sin, ông Nuere từ Nigeria và ông Calamier từ Pháp đều muốn biết lý do của những nhận xét trên. Ông Sin hỏi tại sao họ không nên có những đại diện khác nhau có kiến thức về các lĩnh vực khác nhau. Cuộc thảo luận đã không đi đến kết quả nào, sau một tiếng đồng hồ, ông Johnson đề nghị nên bỏ phiếu. Ông tin tưởng rằng hầu hết các giám đốc châu Âu sẽ ủng hộ ông.

Tuy nhiên, điều này cũng lại gây ra tranh cãi. Ông Calamier giơ tay và nói rằng ông đã “bị choáng khi một vấn đề nhạy cảm và quan trọng đến vậy người ta lại tìm cách áp đặt quyết định dựa trên thiểu số”. Ông nói rằng thật sự cần phải có một sự đồng thuận về vấn đề này thậm chí nếu có mất thêm một giờ đồng hồ nữa. Ông Sin đồng ý rằng “bỏ phiếu nên dành cho những vấn đề không quan trọng”. Johnson nhìn các đại diện người Đức và Scandinavi để tìm kiếm sự ủng hộ, nhưng với sự ngạc nhiên của ông, họ đồng ý rằng nên có sự đồng thuận. Ông quá thất vọng. Cuối cùng, những người Nigeria đề xuất rằng ít ra cuộc thảo luận và/hay bỏ phiếu nên được hoãn lại cho tới phiên họp tiếp theo. Những người này còn cố gắng níu kéo các quan điểm của đồng nghiệp tại văn phòng của họ như thế nào nữa? Mệt mỏi, ông Johnson đành đồng ý. Các cuộc thảo luận sâu hơn về hệ thống khen thưởng cũng sẽ phải hoãn lại.

Đại diện

Ví dụ trên cho thấy hiển nhiên rằng các nền văn hóa theo chủ nghĩa cộng đồng thích đại diện theo nhóm hơn. Người Singapore, Nigeria và Pháp tìm kiếm các nhóm đàm phán, các nhóm là quy mô thu nhỏ những lợi ích của toàn bộ các chi nhánh quốc gia họ. Đứng trước các yêu cầu bất ngờ, những người theo chủ nghĩa cộng đồng mong

muốn được hội ý với những người ở quê nhà. Rất hiếm khi người Nhật đến một cuộc đàm phán quan trọng một mình. Tuy vậy, đối với những người AngloSaxon, một người đại diện đơn lẻ bỏ phiếu dựa trên sự nhận thức riêng của anh ta, đại diện cho những cử tri là hòn đá tảng của nền dân chủ nghị viện. Đối với các nền văn hóa chủ nghĩa cộng đồng, những người có mặt ở buổi họp chỉ là đoàn đại biểu, đại diện cho ý kiến của những người đã gửi họ đi.

Địa vị

Những người riêng lẻ trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa cộng đồng bị coi là không có địa vị. Nếu không có ai ghi chép cho bạn hay giúp bạn mang túi xách, bạn không thể là người quan trọng. Ví dụ nếu bạn đến Thái Lan mà không có ai tháp tùng, họ sẽ đánh giá thấp địa vị và quyền lực bạn có.

Phiên dịch

Trong các cuộc đàm phán của người AngloSaxon, người phiên dịch được coi là trung lập, giống như một hộp đen trong đó từ ngữ đi vào theo một thứ tiếng và đi ra theo một thứ tiếng khác. Người phiên dịch trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa cộng đồng thường phục vụ cho nhóm quốc gia, ràng buộc lâu dài và cố gắng điều hòa các hiểu lầm xuất hiện trong văn hóa cũng như trong ngôn ngữ. Anh ta sẽ thường là người đàm phán cao nhất trong nhóm và là người thông ngôn hơn là một người phiên dịch.

Ra quyết định

Việc ra quyết định trong nhóm theo chủ nghĩa cộng đồng thường lâu hơn và cần có những nỗ lực liên tục để khiến mọi người đạt được sự đồng thuận. Bỏ phiếu chống lại người không chịu quy phục, việc thường xảy ra tại các nền dân chủ phương Tây nói tiếng Anh, là không chấp nhận được. Thường là sẽ có những cuộc hội ý chi tiết với tất cả những người liên quan và thường sẽ đạt được sự đồng thuận bởi vì có áp lực phải đồng ý với những mục tiêu tập thể. Nếu nhóm hay văn phòng ở nhà không được hỏi ý kiến trước, một câu trả lời “có” ban đầu có thể dễ dàng trở thành “không” sau đó. Những sự phản đối thứ yếu đưa ra thường mang tính thực tiễn hơn là cá nhân. Tuy nhiên, vì những người được hỏi sẽ thường phải thi hành sự đồng thuận, phương diện thứ hai của việc thi hành thường tiếp diễn dễ dàng và thuận lợi. Thời gian “bỏ phí” (từ góc nhìn của người theo chủ nghĩa cá nhân) được tiết kiệm khi những thủ tục mới vận hành như dự kiến. Quá trình ringi của người Nhật, quá trình mà những đề xuất lan truyền và được những người tham gia đồng ý ký tắt, là ví dụ nổi tiếng nhất của việc ra quyết định của chủ nghĩa cộng đồng, nhưng nó cũng có thể dẫn tới những trì hoãn kéo dài.

Một công ty Nhật Bản có một nhà máy xây dựng tại miền nam Hà Lan. Như thường lệ, nó được tiến hành chính xác tới từng chi tiết. Mặc dù vậy, trên phương diện thiết kế, người ta phát hiện ra nó đã không xem xét một hạn chế. Theo luật chiều cao tối thiểu cho các phòng hội thảo phải cao hơn chiều cao trong bản thiết kế 4cm. Một bản thiết kế mới có ý kiến của nhiều người tại văn phòng đầu não ở Tokyo phải mất đúng một tháng để có được sự tán thành.

Những người Bắc Mỹ và Tây Bắc Âu, đã quen với chủ nghĩa cá nhân, có thể dàng dàng cười nhạo những trì hoãn như vậy. Những thủ tục của chúng ta có thể sai sót theo hướng ngược lại. Quá trình ra quyết định tại các nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân thường rất nhanh, với “chỉ một người theo chủ nghĩa cá nhân” ra quyết định trong vài giây. Trong khi điều này có thể tạo ra sự suy tính nhanh hơn, “những giám đốc một phút” và tương tự như thế, nhiều tháng sau tổ chức sẽ bị phát hiện ra là hợp lực để làm hỏng các quyết định mà các giám đốc chưa bao giờ thích hay đồng ý. Tiết kiệm thời gian trong việc ra quyết định thường kéo theo những trì hoãn đáng kể do phải giải quyết các vấn đề phát sinh.

Xã hội theo chủ nghĩa cá nhân, với sự tôn trọng các ý kiến cá nhân, sẽ thường hỏi ý kiến về việc bỏ phiếu để hướng tất cả mọi người theo cùng một hướng. Mặt hạn chế của việc này là trong một thời gian ngắn họ chắc chắn phải quay lại định hướng ban đầu. Xã hội theo chủ nghĩa cộng đồng theo trực giác sẽ cố không bỏ phiếu vì nó thể hiện sự không tôn trọng đối với các cá nhân chống lại quyết định của số đông. Xã hội này sẽ ưa suy xét cẩn thận cho đến khi đạt được đồng thuận. Sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được kết quả cuối cùng, nhưng nó sẽ chắc chắn hơn. Trong các xã hội theo chủ nghĩa cá nhân thường có sự chênh lệch giữa việc ra quyết định và thực thi quyết định đó.

CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, CHỦ NGHĨA CỘNG ĐỒNG VÀ ĐỘNG LỰC

Mối quan hệ giữa cá nhân và nhóm cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm động lực đối với con người. Ông Johnson tin rằng ông và MCC biết được cái gì thúc đẩy con người: phần thưởng ngoài lương cho những cá nhân xuất sắc. Dường như đây là điều hiển nhiên trong các cuộc họp tại Missouri, nhưng giờ đây ông đang nghi ngờ. Sau cuộc thảo luận trước, liệu ông có thể chắc chắn về điều gì?

Ông Johnson cuối cùng đành phải nhượng bộ về vấn đề đại diện bằng cách cho phép mỗi văn phòng quốc gia được gửi tới ba người nếu họ muốn, nhưng không được hơn.

Một phần của tài liệu Chinh phục các đợt sóng văn hóa Những bí quyết kinh doanh trong môi trường văn hóa đa dạng (Trang 41 - 47)