Lý thuyết cổ điển về hoạt động chơi của trẻ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự phát triển thể chất của học sinh tiểu học dưới sự tác động của hoạt động vận động giải trí tại các quận nội thành thành phố Hồ Chí Minh (Trang 27)

Theo một số lý thuyết cổ điển, chơi là hoạt động không mục đích, tự nhiên sẵn có của sinh vật nhằm giải tỏa năng lượng dư thừa (Lý thuyết Năng lượng Thặng dư – Surplus energy theory - Schiller 1873, Spencer 1875), hoặc là hoạt động thư giãn nhằm nạp lại năng lượng đang thiếu hụt (Lý thuyết Thư giãn – Relaxation theory, Lazarus 1883, Patrick 1916). Hai lý thuyết trên đều xem hoạt động chơi không mang mục đích quan trọng nào và có thể thay thế bằng hoạt động khác [28].

Lý thuyết Tiền tập luyện (Pre - exercise theory - Groos – 1898) thì cho rằng chơi là hành vi bản năng. Những nội dung chơi được xây dựng từ những hành vi của người lớn. Chơi được coi như là sự chuẩn bị cho công việc trong tương lai. Như vậy lý thuyết này ngầm nhìn nhận chơi là hoạt động có mục đích và tiến đến việc xem xét nội dung cần chuyển tải trong các hoạt động chơi của trẻ.

Cũng đánh giá hoạt động chơi như là hành vi mang tính bản năng có ý nghĩa, lý thuyết Tóm lược (Recapitulation Theory - G 'Stanley Hall - 1906 Wundt - 1913) xem xét hoạt động chơi không chỉ là phạm trù hành vi của cá thể riêng biệt nhưng liên quan đến những hành vi trong quá trình tiến hoá của cả giống loài. Các giai đoạn chơi của trẻ phản ánh các giai đoạn phát triển của nhân loại, đi từ đơn giản đến phức tạp. Chơi trở thành hoạt động thoát ly có tính bản năng được di truyền lại, giúp sinh vật dần dần thoát khỏi những kỹ năng không còn cần thiết nữa. Theo đó, con người thoát ra khỏi những hành vi nguyên thủy, chơi chuẩn bị cho những hành vi mang tính thời đại. Như vậy, lý thuyết này bắt đầu chú ý nghiên cứu về các giai đoạn chơi ở trẻ trong các độ tuổi khác nhau.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự phát triển thể chất của học sinh tiểu học dưới sự tác động của hoạt động vận động giải trí tại các quận nội thành thành phố Hồ Chí Minh (Trang 27)