5. Bố cục của luận văn
1.1.6. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý thuế GTGT đối với các doanh
nghiệp ngoài quốc doanh
Thứ nhất, Cơ cấu, trình độ, năng lực quản lý thuế của các cơ quan quản lý thuế.
-Về cơ cấu, hệ thống quản lý thuế của nước ta được tổ chức như sau:
+ Ở Trung ương có Tổng cục thuế thuộc Bộ tài chính. Bộ máy giúp việc cơ quan Tổng cục gồm các phòng chức năng và các phòng nghiệp vụ.
+ Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các Cục thuế, chịu sự chỉ đạo song song của Tổng cục thuế và Ủy ban nhân dân cùng cấp.
+ Ở cấp quận, huyện và cấp tương đương có Chi cục thuế thuộc Cục thuế, chịu sự chỉ đạo song trùng của Cục thuế và Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Như vậy, cơ cấu trên là hợp lí và tương đối chặt chẽ. Cơ cấu đó có tác động lớn tới việc thực thi thuế GTGT. Cụ thể, việc thống nhất hệ thống tổ chức bộ máy quản lý về thuế không những cho phép Nhà nước quản lý thống nhất chế độ thuế trong cả nước, mà còn tạo cơ sở về mặt tổ chức bảo đảm thực hiện thành công đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thuế.
-Về trình độ, năng lực quản lý thuế của các cơ quan này.
Nếu trình độ, năng lực quản lý thuế cũng như đạo đức của cán bộ quản lý thuế tốt thì việc thực thi luật thuế GTGT sẽ đạt hiệu quả cao và ngược lại.
-Về cơ chế quản lý thuế
Hiện nay, Nhà nước đang có công cuộc cải cách về cơ chế quản lý thuế. Cải cách này thể hiện ở cơ chế tự khai, tự nộp. Cơ chế tự khai, tự nộp là cơ chế quản lý thuế hiện đại, hiệu quả, được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng, nó cho phép các cơ quan thuế phân bổ nguồn lực theo hướng chuyên môn hóa, chuyên sâu trong quản lý cải tiến các quy trình quản lý rõ ràng làm tăng sự minh bạch trong quản lý thuế, đồng thời giảm bớt chi phí quản lý, thúc đẩy cải cách
-Về công tác thu nợ và cưỡng chế thuế.
Hiện nay, tình trạng nợ đọng thuế khá phổ biến, số nợ thuế gần như không giảm qua các năm. Cơ quan Thuế lại chưa có bộ phận chuyên trách thực hiện chức năng thu nợ tại các cục thuế, các cán bộ quản lý thu thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc thu nợ cùng với các nhiệm vụ khác như hướng dẫn, hỗ trợ đối tượng nộp thuế, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Công tác thu nợ chưa được thực hiện khoa học, chưa ứng dụng được tin học vào thu nợ và phân tích nợ.
-Về các hoạt động tuyên truyền thực hiện các văn bản thuế nói chung và luật thuế GTGT nói riêng.
Trong năm 2013, ngành đã tổ chức nhiều hội nghị, đối thoại trả lời những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực thi pháp luật thuế GTGT. Công tác tuyên truyền, phổ biến luật về thuế, tập huấn nghiệp vụ có nhiều tiến bộ hơn so với các năm trước. Ban tư tưởng văn hóa Trung ương và các địa phương đã phối hợp khá chặt chẽ vói cơ quan thuế, để đẩy mạnh tuyên truyền giải thích các luật thuế. Tổng cục Thuế cũng đã mở trang website điện tử, xuất bản các loại ấn phẩm về thuế để tuyên truyền hướng dẫn về các nội dung chính sách thuế; thủ tục về thuế.
- Về các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ việc quản lý thuế.
Không gian của hoạt động kinh doanh thường rộng lớn. Một doanh nghiệp ở Cà Mau có thể mua bán với các doanh nghiệp ở Lạng Sơn, Gia Lai hoặc Bình Phước, và cũng có thể xuất khẩu thông qua nhiều cửa khẩu. Vì vậy, thông tin về lô hàng của từng đợt xuất nhập khẩu phải được phối kiểm trên phạm vi cả nước chứ không chỉ gói gọn tại một địa phương. Trong khi đó, thời gian xét hoàn thuế lại ngắn nên cơ quan thuế không thể thẩm tra toàn bộ chứng từ cũng như lai lịch của các bên có liên quan. Điều này dễ gây ra sai sót không chủ ý và xảy ra những sai lệch khi hoàn thuế. Ngay công tác kiểm tra sau thông quan cũng khó mang lại kết quả tốt vì thiếu hệ thống điện toán toàn diện, thiếu máy kiểm tra chuyên dùng, camera, cân điện tử,...
Thứ hai, Ý thức chấp hành pháp luật thuế của người dân.
Ý thức chấp hành pháp luật thuế của người dân là yếu tố có ảnh hưởng quyết định tới việc thực thi luật thuế GTGT. Ý thức chấp hành này thể hiện rõ rệt qua hành vi tự khai nộp thuế của các đối tượng kinh doanh.
- Các Doanh nghiệp ít khi vi phạm về thời gian quy định nộp tờ khai thuế GTGT mà chủ yếu vi phạm về cơ chế tự khai, tự nộp thuế. Nguyên nhân là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế của người dân Việt Nam còn kém. Nhiều người có tư tưởng, nộp đủ thuế là “khác người”, vậy nên, họ tìm mọi cách để gian lận, mà gian lận dễ dàng nhất là dùng hóa đơn chứng từ khống để nộp thuế và hoàn thuế GTGT. Chất lượng kê khai được thông qua việc thực hiện đúng theo biểu mẫu quy định, các chỉ tiêu kê khai phù hợp với thực tế phát sinh trong quan hệ mua, bán hàng hoá dịch vụ tại cơ sở kinh doanh. Hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh có quy mô vừa và lớn đang kê khai nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, nếu chất lượng kê khai thấp sẽ gây thất thu thuế cho NSNN là không nhỏ và dẫn đến không công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Ở đây, nếu doanh nghiệp muốn gian lận thuế GTGT, doanh nghiệp chỉ cần tìm cách ghi trên các hoá đơn mua hàng vào số tiền thật lớn, tương ứng số thuế thật nhiều và tìm cách làm cho
giá trị hàng bán ra thật thấp để có số thuế tương ứng, hoặc lập hồ sơ hàng bán ra là xuất khẩu để có số thuế GTGT = 0. Khi đó doanh nghiệp sẽ được Nhà nước hoàn toàn bộ số thuế GTGT đầu vào. Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều người lập doanh nghiệp để lập hồ sơ mua hàng khống, rồi lập hồ sơ xuất khẩu khống, để lập thủ tục hoàn thuế, lấy tiền của ngân sách quốc gia.
- Hiện nay, qua số liệu kê khai nộp thuế cho thấy, tỷ lệ giữa số thuế GTGT phát sinh âm trên số thuế GTGT phát sinh dương của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh luôn lớn hơn so với doanh nghiệp nước ngoài; có nhiều doanh nghiệp liên tục không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Đối với doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường có số thuế GTGT phát sinh dương lớn hơn thuế GTGT phát sinh âm (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào); từ đó có số thuế GTGT nộp vào NSNN. Còn đối với lĩnh vực ngoài quốc doanh thì ngược lại; nhiều doanh nghiệp có quy mô kinh doanh khá lớn nhưng thuế GTGT đầu ra lại nhỏ hơn thuế GTGT đầu vào nên luôn tồn tại số thuế còn được khấu trừ. Với thực trạng nêu trên đã nói lên phần nào chất lượng của công tác kê khai nộp thuế đối với DN thuộc lĩnh vực ngoài quốc doanh còn hạn chế.
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể nói trước hết là từ công tác tổ chức bộ máy kế toán tại doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có tổ chức bộ máy kế toán khá chặt chẽ, hạch toán và ghi sổ kế toán tương đối đúng quy định. Từ đó, kết quả kê khai, báo cáo tài chính trong khu vực kinh tế này cơ bản phản ánh đúng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh mặc dù đã thực hiện chế độ kế toán theo quy định nhưng tổ chức bộ máy kế toán phần lớn không rõ ràng; một kế toán có thể làm việc cho nhiều doanh nghiệp nên theo dõi hạch toán không đầy đủ và còn nhiều sai sót; thậm chí có doanh nghiệp hàng năm không có báo cáo tài chính. Một nguyên nhân khách quan là các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu cung cấp hàng hoá dịch vụ cho người kinh doanh nên đòi hỏi việc sử dụng hoá đơn
chứng từ là chặt chẽ, đúng với thực tế giá cả. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện chức năng còn lại là cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng; trong khi người tiêu dùng lại không có thói quen yêu cầu người bán hàng cung cấp hoá đơn. Chính vì vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, dịch vụ không xuất hoá đơn hoặc có xuất hoá đơn nhưng phản ánh không đúng thực tế nên làm giảm đáng kể số thuế phải nộp. Như vậy, chất lượng công tác kê khai nộp thuế đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tính trung thực, tự giác của doanh nghiệp.
Trong việc hoàn thuế, những năm gần đây, số lượng các vụ kê khai khống hóa đơn GTGT để được hoàn thuế vẫn chưa chấm dứt.