Giải pháp về kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội mua bán người trong luật hình sự Việt Nam (Trang 94 - 96)

Giải pháp về kinh tế - xã hội là giải pháp chung cho hầu hết các tội phạm trong đó có mua bán người bởi vì kinh tế là nguyên nhân sâu xa của các vấn đề tiêu cực trong xã hội. Nhằm loại bỏ những nguyên nhân và điều kiện về kinh tế xã hội dẫn đến tội phạm mua bán người, cần chú trọng các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp xã hội, Nhà nước ta nói chung và chính quyền các địa phương nói riêng cần có chính sách xoá đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, đặc biệt là nhân dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới [22].

Cụ thể như sau:

Hỗ trợ nhà ở cho người nghèo: Chính quyền các thành phố lớn cần có chính sách để xoá các nhà tạm, các xóm liều, các khu ổ chuột… Để tạo điều kiện những người nghèo có chỗ ở ổn định, vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là phụ nữ. Tránh tình trạng người lao động tập trung đông tại các xóm lao động ngoại tỉnh, các khu nhà trọ dột nát, gây nên tình trạng phức tạp, mất trật tư trị an khu phố.

Hỗ trợ người nghèo vay vốn để phát triển sản xuất với điều kiện lãi xuất ưu đãi, hướng dẫn sử dụng vốn một cách có hiệu quả, cung cấp vật tư, cây giống, con giống và hướng dẫn nhân dân kỹ thuật xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng rừng tại gia đình… Rà soát các thủ tục cho vay, cơ chế cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay của ngân hàng. Phát triển mạnh những mô hình kinh tế tại gia đình sẽ giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo đồng thời tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động, hạn chế được số lượng lao động thất nghiệp.Phổ biến, nhân rộng mô hình các hội, đoàn thể giúp nhau phát triển kinh tế, mô hình phụ nữ giúp nhau

làm giàu, phụ nữ hai giỏi, nêu nhưng gương phụ nữ điển hình để cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cách giữ gìn hạnh phúc gia đình, cách chăm sóc, giáo dục con cái, cùng nhau phòng chống tội phạm. Các tổ chức xã hội, các ngành, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ đoạn tuyệt với quá khứ, xóa bỏ mặc cảm, tránh bị lừa bán trở lại, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ họ như: trợ giúp vốn, công cụ, phương tiện lao động, cây trồng, vật nuôi, giúp kỹ thuật công nghệ, giúp tiêu thụ sản phẩm… để họ tạo dựng lại cuộc sống bình thường.

Thứ hai, cần có chính sách giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động.

Trước hết cần có chính sách tăng cường ổn định và phát triển kinh tế để tạo việc làm cho người lao động. Tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ở các khu vực nông thôn, chính quyền địa phương cần mở rộng quy mô các làng nghề truyền thông hoặc các làng nghề mới để thu hút những người trong độ tuổi lao động, giúp họ có việc làm thu nhập ổn định, cuộc sống bớt khó khăn họ sẽ không nảy sinh ý định phạm tội hoặc không phải bươn trải ra thành phố kiếm việc làm có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Ở khu vực các thành phố, để tăng trưởng ổn định, chính quyền cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, xây dựng các ngành công nghiệp mũi nhọn, kỹ thuật hiện đại và thân thiện với mô trường như: điện - điện tử - thông tin, viễn thông, dệt - may - da giày, chế biến thực phẩm, vật liệu mới. Tập trung phát triển kinh tế gắn liền với việc thực hiện tốt các chính sách xã hội bởi đây được coi là nhân tố của sự phát triển bền vững: đầu tư cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề để người lao động có thể kiếm được việc làm hoặc tự tạo việc làm cho mình từ đó giảm tình trạng thất nghiệp.

Đối với hoạt động xuất khẩu lao động, cần có chính sách hợp lý. Khuyến khích các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động

có cơ hội việc làm thuận lợi. Tập trung củng cố các Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm và đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tổ chức thu thập thông tin về số lao động chưa có việc làm, số lao động đang có nhu cầu tìm việc làm, các doanh nghiệp cần tuyển việc làm, thông tin về xuất khẩu lao động… để giải quyết tốt mối quan hệ cung - cầu về việc làm tại các thành thị [22].

Định kỳ tổ chức các Hội chợ việc làm để người lao động, người sử dụng lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm… gặp gỡ và tiếp xúc, trao đổi với nhau từ đó nắm bắt thông tin, nhu cầu về lao động việc làm.

Thứ ba, cần có biện pháp quản lý tốt các ngành nghề, các loại hình dịch vụ. Hiện nay, sự phát triển nhanh của các ngành nghề, loại hình dịch vụ đã tạo ra không ít khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Do đó, cần có những chính sách quản lý một cách có hiệu quả, hạn chế những tệ nạn phát sinh từ đó. Đặc biệt cần chỉ đạo tăng cường kiểm tra, quản lý việc cho thuê nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, các dịch vụ tắm hơi, matxa, vũ trường, quán bar… tránh tình trạng buông lỏng quản lý để tội mua bán người có điều kiện phát triển.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội mua bán người trong luật hình sự Việt Nam (Trang 94 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)