Pháp luật hình sự Philippin

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội mua bán người trong luật hình sự Việt Nam (Trang 36 - 39)

Khác với quy định của pháp luật Việt Nam về tội mua bán người (mà trong đó nạn nhân bao gồm cả phụ nữ và nam giới), Philippin có một đạo luật riêng về tội mua bán phụ nữ. Tất cả những hành vi vận chuyển, dụ dỗ để mua bán phụ nữ lấy tiền, có được lợi nhuận hay tư liệu sản xuất, đạt được mục đích kinh tế hay vì mại dâm khai thác tình dục hoặc lao động cưỡng bức đều là hành vi phạm tội và bị nghiêm cấm, kể cả mọi hình thức tạo điều kiện cho việc mua bán người.

Bộ luật hình sự Philippin nhấn mạnh và đưa ra hình phạt nghiêm khắc đối với mua bán người có tổ chức, có sự liên minh, liên kết và phân công vai trò rõ ràng trong tổ chức thực hiện tội phạm. Điều này cũng giống như trong Bộ luật hình sự Việt Nam quy định tình tiết phạm tội “có tổ chức” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Bộ luật hình sự Philippin còn quy định thêm người phạm tội là người bảo trợ của nạn nhân kể cả công chức Nhà nước, quân nhân tại ngũ, người thi hành pháp luật nếu mua bán người thì đều xét xử tăng nặng về trách nhiệm hình sự. Cũng như luật hình sự Việt Nam, hành vi buôn bán người đặc biệt là phụ nữ, hình phạt cao nhất có thể đến 20 năm tù và phạt tiền từ 1 triệu pesos đến 2 triệu pesos tương đương với khoảng 250 triệu đến 500 triệu Việt Nam đồng. Như vậy, so với mức phạt tiền của Luật Philippin thì mức phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng trong Bộ luật hình sự Việt Nam là quá ít,

chưa phù hợp với tình hình trượt giá và lạm phát như hiện nay. Trong thời gian tới, chúng ta cần sửa đổi tăng mức phạt tiền để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Về hôn nhân giữa phụ nữ Philippin với người nước ngoài, luật Philippin quy định việc môi giới kết hôn với người nước ngoài thông qua đặt hàng qua mạng là phạm pháp để hạn chế việc lợi dụng môi giới kết hôn với người nước ngoài để buôn bán phụ nữ. Hành vi môi giới kết hôn với người nước ngoài thông qua đặt hàng qua mạng được xếp vào tội buôn bán người, với mức án phạt tù có thể lên đến 20 năm đối với kẻ phạm tội [47].

Họ còn có quy định hình phạt đối với người không tham gia mua bán phụ nữ nhưng có sử dụng phụ nữ bị mua bán. Vi phạm lần đầu tiên, lao động công ích 6 tháng phạt 50 nghìn pesos (khoảng 12,5 triệu Việt Nam đồng), tái phạm phạt 1 năm và 100 nghìn pesos (khoảng 25 triệu Việt Nam đồng).

Kết luận chương 1

“Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm” [24, Điều 71]- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 đã quy định quyền tối cao này của con người. Để bảo về quyền con người, BLHS năm 1999 đã cụ thể hóa quyền này của công dân bằng việc quy định tất cả những hành vi xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm đều bị coi là tội phạm. Tội mua bán người là tội phạm rất nghiêm trọng, nó không những xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà còn chà đạp lên các giá trị đạo đức tốt đẹp, ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài của các nạn nhân.Qua nghiên cứu chương I, chúng ta hiểu hơn những vấn đề lý luận chung về tội mua bán người: khái niệm, những dấu hiệu pháp lý đặc trưng, đồng thời so sánh pháp luật của các nước về tội này cho thấy tùy từng nước mà pháp luật hình sự quy định khác nhau. Việt Nam cũng cần học tập quy định một số nước để áp dụng vào nước ta một cách phù hợp, từ đó góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về tội này.

Chương 2

THỰC TIỄN XÉT XỬ TỘI MUA BÁN NGƯỜI

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội mua bán người trong luật hình sự Việt Nam (Trang 36 - 39)