Pháp luật hình sự Trung Quốc

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội mua bán người trong luật hình sự Việt Nam (Trang 31 - 34)

Trong Bộ luật Hình sự Trung Quốc, tội mua bán người được quy định tại Chương IV “Tội xâm phạm quyền tự do cá nhân và quyền dân chủ của công dân”. Nếu như Việt Nam quy định tội mua bán phụ nữ tại Điều 119, còn tội mua bán đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em tại Điều 120 thì luật Hình sự Trung quốc lại quy định hai loại tội này cùng vào một điều luật. Cụ thể như sau:

Điều 240. Người nào buôn bán phụ nữ, trẻ em thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm và phạt tiền; phạm tội thuộc một trong những tình tiết dưới đây thì bị phạt tù từ mười năm trở lên, hoặc tù chung thân, phạt tiền và tịch thu tài sản; nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng thì xử tử hình và tịch thu tài sản:

1. Người cầm đầu tổ chức buôn bán phụ nữ, trẻ em; 2. Buôn bán phụ nữ, trẻ em từ ba người trở lên; 3. Hiếp dâm phụ nữ bị đem bán;

4. Lừa gạt, cưỡng bức những phụ nữ bị đem bán phải bán dâm hoặc bán họ cho người khác mà những người này cưỡng bức họ phải bán dâm;

5. Dùng bạo lực, ép buộc hoặc các biện pháp gây mê để bắt cóc phụ nữ, trẻ em để bán họ;

6. Bắt cóc trẻ em vì mục đích để đem bán;

7. Nếu gây ra cho phụ nữ, trẻ em bị đem bán hoặc những người thân của bọ bị chết hoặc những hậu quả nghiêm trọng khác;

8. Đưa phụ nữ, trẻ em đem bán ra nước ngoài [11, Điều 240]. Theo Bộ luật hình sự Trung Quốc, tội buôn bán phụ nữ, trẻ em là một trong những tội lừa gạt, bắt cóc, mua chuộc, tiếp đón, trung chuyển phụ nữ, trẻ em.

Hình phạt đối với hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em được quy định tại Điều 241 như sau:

Người nào phạm tội mua phụ nữ, trẻ em bị đem bán thì bị phạt tù đến ba năm, bị giam giữ hoặc quản chế. Phạm tội mua phụ nữ bị đem bán, cưỡng chế để quan hệ tình dục với họ thì bị xử phạt theo quy định của Điều 236 Bộ luật này.

Người nào có những hành vi phạm tội như mua phụ nữ, trẻ em bị đem bán rồi tước đoạt, hạn chế trái phép quyền tự do thân thể hoặc làm tổn hại làm nhục nạn nhân, thì bị xử phạt theo quy định của những điều luật có liên quan của Bộ luật này.

Người nào mua phụ nữ, trẻ em bị đem bán và phạm các tội quy định ở các khoản 2 và 3 của Điều này sẽ bị trừng phạt về phạm nhiều tội cùng một lúc.

Phạm tội mua phụ nữ, trẻ em và bán họ, thì bị xử phạt theo quy định của Điều 240 Bộ luật này.

Người nào mua phụ nữ, trẻ em bị đem bán nhưng không cản trở phụ nữ bị đem bán trở về quê cũ theo nguyện vọng của họ, hoặc không lạm dụng trẻ em bị đem bán hoặc không ngăn cản các nỗ lực giải thoát số trẻ em đó thì có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự [11, Điều 241].

Điều 242 quy định:

Người nào dùng bạo lực uy hiếp, ngăn cản nhân viên, người thi hành công vụ để giải thoát cho phụ nữ, trẻ em bị đem bán thì bị xử phạt theo Điều 277 của Bộ luật này.

Người nào cầm đầu một tổ chức ngăn cản nhân viên Nhà nước thi hành công vụ giải thoát cho trẻ em, phụ nữ bị đem bán, thì bị phạt tù đến năm năm, hoặc bị giam giữ; những người tham gia khác mà sử dụng biện pháp bạo lực hay uy hiếp thì bị xử phạt theo khoản 1 Điều này [11, Điều 242].

Có thể nhận thấy, Bộ luật hình sự Trung Quốc không có quy định tội đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Đặc biệt, luật Hình sự Trung Quốc quy định thành hai điều luật riêng biệt là tội buôn bán phụ nữ, trẻ em và tội mua phụ nữ, trẻ em. Luật Trung Quốc còn có quy định thêm hành vi: Dùng bạo lực, uy hiếp ngăn cản nhân viên, người thi hành công vụ khi họ giải cứu cho nạn nhân bị đem bán. Về hình phạt, pháp luật hình sự của Trung Quốc quy định nghiêm khắc hơn pháp luật hình sự của Việt Nam. Trung Quốc quy định hình phạt chính bao gồm: quản chế, giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân hoặc thậm chí cả tử hình. Trong khi pháp luật Việt Nam thì quy định hình phạt tối đa chỉ đến 20 năm tù. Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị hình phạt bổ sung là phạt tiền và tịch thu tài sản. Pháp luật Trung Quốc quy định cụ thể tình tiết tăng nặng và quan tâm nhiều đến hậu quả mà nạn nhân gặp phải.

Ý thức được hiệu quả hợp tác song phương trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống nạn buôn bán người, đồng thời nhằm tăng cường hợp tác thực thi pháp luật giữa hai nước, phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị hiệu quả các hoạt động phạm tội buôn bán người qua biên giới và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, ngày 15/9/2010 tại Bắc Kinh, hiệp định giữa Chính phủ nước ta và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác phòng, chống buôn bán người đã được ký kết.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội mua bán người trong luật hình sự Việt Nam (Trang 31 - 34)