Pháp luật hình sự Thái Lan

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội mua bán người trong luật hình sự Việt Nam (Trang 34 - 36)

Thái Lan đã có một hệ thống pháp luật gồm Luật chống buôn bán người, bảo vệ trẻ em, mại dâm mới, rửa tiền, bảo vệ nhận chứng, dẫn độ, hợp tác quốc tế những vấn đề về hình sự, bảo vệ người lao động và đang dự thảo Luật Chống tội phạm có tổ chức. Luật chống buôn bán người của Thái Lan quy định các biện pháp đấu tranh chống buôn bán người và đặc biệt chú trọng vào việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Đặc biệt, luật đã hợp pháp hóa hành vi nhập cảnh bất hợp pháp, mại dâm và sử dụng giấy tờ giả mạo của nạn nhân bị buôn bán. Do đó, nếu không có sự cho phép bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì cảnh sát không được buộc tội nạn nhân bị mua bán trở về các tội danh trên. Đồng thời luật dành hẳn một chương để quy định về các hình phạt từ và tiền nghiêm khắc đối với cá nhân, pháp nhân phạm tội buôn bán người, cản trở quá trình tố tụng về tội buôn bán người, các hành vi khác như tiết lộ thông tin điều tra, thông tin liên quan đến người bị buôn bán… Pháp luật hình sự Thái Lan quy định cụ thể và nghiêm khắc hơn pháp luật hình sự Việt Nam về tội này. Theo đó, các hành vi được coi là hành vi mua bán người kể cả việc có sự đồng ý của người đó. Mua bán người bằng cách đe dọa dùng vũ lực xúi dục bằng nhiều thủ đoạn đồi bại hoặc bằng bất kỳ hình thức nào khác chống lại ý muốn của người đó, bắt cóc hoặc che giấu người bị bắt cóc.

Hình phạt cao nhất là chung thân và phạt tiền từ 80.000- 200.000 bạt. Luật cũng quy định trừng phạt đối với những người hỗ trợ việc thực hiện tội phạm buôn bán người, giúp đỡ bằng việc cung cấp tài sản, nơi hội họp cho những kẻ buôn bán người. Tất cả những tội phạm quy định tại Luật này sẽ được xem là những tội phạm nguồn quy định tại Luật Rửa tiền nhằm tịch thu tất cả tiền thu được của tội phạm buôn bán người. Không chỉ có luật, Thẩm phán, công tố viên, cảnh sát cũng có vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng đối với nạn nhân trong các vụ án buôn bán người. Nếu những người này có hiểu biết về bản chất của buôn bán người, nhân thức không đúng đắn về nạn nhân bị buôn bán thì khó có thể giải quyết đúng vụ án và bảo vệ được nạn nhân [1].

Thái Lan có luật bảo vệ người đi tìm việc, nhằm ngăn chặn tội mua bán phụ nữ dưới các hình thức tuyển người. Ngoài ra, cơ quan hành pháp Thái Lan còn ban hành quy định về việc cấp hộ chiếu cho phụ nữ Thái Lan ra nước ngoài có thể bị đình chỉ, nếu có cơ sở cho rằng động cơ ra nước ngoài không trung thực.

Về hôn nhân giữa phụ nữ và người nước ngoài, chính phủ Thái Lan quy định: Người nước ngoài phải có một bảng kê khai về thu nhập, tình trạng hôn nhân với sự chứng nhận của sứ quán mà người đó có quốc tịch hoặc cơ quan có thẩm quyền và hai người sống tại nước anh ta cư trú chứng nhận. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cũng thực hiện nhiều chiến lược để ngăn ngừa các hình thức giới thiệu, ép buộc hoặc buôn bán người cho công nghiệp tình dục như thiết lập hệ thống giải đáp thắc mắc, trợ giúp những người phụ nữ nước ngoài đang bị bắt buộc mại dâm ở Thái Lan. Hệ thống này đã đưa nạn nhân trở về nước họ. Thực hiện kiểm tra các ga tàu xe và tuyến gần biên giới. Hỗ trợ Chính phủ các nước trong việc thực thi pháp luật đối với những công dân phạm tội buôn bán người.

Đặc biệt, ngày 24/3/2008, tại Hà Nội, Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về hợp tác song phương nhằm loại trừ nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán đã được ký kết nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, thúc đẩy song phương để trấn áp nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội mua bán người trong luật hình sự Việt Nam (Trang 34 - 36)