Hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về tội mua

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội mua bán người trong luật hình sự Việt Nam (Trang 86 - 90)

bán người

Để công tác áp dụng quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về tội mua bán người đạt được hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới không thể không kể đến biện pháp khắc phục những bất cập, hạn chế, thiếu sót trong các quy định của pháp luật về tội phạm này.

Thứ nhất, để bảo đảm tính tương thích giữa quy định của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh chống tội phạm mua bán người, cần phải sửa đổi Điều 119 Bộ luật hình sự Việt Nam theo hướng:

Quy định thêm các hành vi từ tuyển mộ, vận chuyển đến chuyển giao, chứa chấp (che giấu), nhận người vào Tội mua bán người, mua bán trẻ em. Những hành vi trên phải được thực hiện bằng những thủ đoạn như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay các thủ đoạn ép buộc khác, lừa gạt, lạm dụng quyền lực, lợi dụng tình trạng quẫn bách hay bất kỳ thủ đoạn nào khác để bóc lột nạn nhân trái với ý muốn của họ (đối với nạn nhân từ đủ 18 tuổi trở lên). Cần quy định lại độ tuổi để phân biệt hai tội Mua bán người và Mua bán trẻ em là từ đủ 18 tuổi và dưới 18 tuổi. Bổ sung mục đích “bóc lột” (bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hay các hình thức bóc lột khác) là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Việc quy định như vậy sẽ góp phần khắc phục được cơ bản những khó khăn, vướng mắc khi định tội danh mà hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp phải trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội mua bán người, đồng thời lột tả rõ bản chất nguy hiểm của tội phạm mua bán người.

Thứ hai, cần xem xét, bổ sung một số tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự như: “Mua bán phụ nữ mà biết là có thai”, “Dùng thủ đoạn xảo quyệt”, “Gây hậu quả nghiêm trọng” hay tình

tiết “Phạm tội với người thân”, các tình tiết này phản ánh được tính nguy hiểm cao của hành vi phạm tội, thể hiện thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của người phạm tội, hoặc nó phản ánh sự tha hóa về đạo đức, lối sống gây phẫn nộ lớn trong dư luận… nhưng chưa được quy định trong điều luật. Thực tiễn xét xử gặp nhiều trường hợp phạm tội thuộc các tình tiết định khung tăng nặng như trên cần sớm bổ sung, hoàn thiện hơn các quy định của Bộ luật. Về hình phạt bổ sung, mức phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng có thể tăng thêm mức phạt tiền cho phù hợp với tình hình thực tế và hành vi chuẩn bị phạm tội cũng phải bị truy tố và tịch thu tài sản của kẻ phạm tội.

Cụ thể, Điều 119 Bộ luật hình sự 1999 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng như sau:

Điều 119. Tội mua bán người

1. Người nào đe dọa sử dụng vũ lực, sử dụng vũ lực hoặc các hình thức như bắt cóc, lừa gạt, dối trá, lạm dụng quyền lực hoặc lợi dụng điều kiện, hoàn cảnh của người khác (người từ đủ 18 tuổi trở lên)trong tuyển mộ, giao dịch, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người đó vì mục đích bóc lột thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm:

a) Vì mục đích mại dâm; b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Để đưa ra nước ngoài; g) Đối với nhiều người;

i) Mua bán phụ nữ mà biết là có thai

k) Phạm tội nhiều lần;

l) Phạm tội với người thân;

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị tịch thu tài sản và phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Việc quy định các tình tiết tăng nặng “Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm”, “Gây hậu quả nghiêm trọng”, “Mua bán phụ nữ mà biết là có thai”, “Phạm tội với người thân” là rất cần thiết. Bởi vì: “Dùng thủ đoạn xảo quyệt” là trường hợp khi phạm tội, người phạm tội có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người bị hại hoặc những người khác khó lường thấy trước được để đề phòng [46].

- “Gây hậu quả nghiêm trọng” là trường hợp mua bán người dẫn đến việc nạn nhân bị chết (nạn nhân uất ức mà tự sát; nạn nhân bị ốm, bị bệnh tật hoặc không được chăm sóc chu đáo nên đã chết); nạn nhân bị mắc các bệnh truyền nhiễm, nan y như: AIDS, giang mai v.v…; hậu quả là không xác định được nạn nhân đang ở đâu tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm; thân nhân của nạn nhân tuyệt vọng, đau buồn mà chết hoặc tự sát hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe...

- “Phạm tội với người thân” là trường hợp phạm tội với “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại; là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, mà họ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột” theo quy định về người thân thích tại điểm b, khoản 4, mục I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán ngày 02 tháng 10 năm 2004 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003) [16].

- “Mua bán phụ nữ mà biết là có thai” là trường hợp nạn nhân bị mua bán là người đang mang thai và bản thân người phạm tội khi thực hiện hành vi mua bán người cũng biết rõ điều đó. Trường hợp mua bán người này nên bị coi là trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự vì hành vi phạm tội xâm phạm đối tượng cần được xã hội quan tâm và bảo vệ đặc biệt. Hành vi mua bán phụ nữ mà biết là có thai thể hiện tính vô nhân đạo, rất khác với hành vi mua bán người thông thường. Hành vi phạm tội không chỉ xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm, tự do thân thể, nhân phẩm của người mẹ mà còn xâm phạm đến tính mạng, sự sống trong tương lại của đứa con.

Cần quy định thêm vấn đề “tịch thu tài sản” của kẻ phạm tội vì theo quy định tại Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999 về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, nếu muốn tịch thu tài sản của kẻ phạm tội thì phải chứng minh được tài sản đó là do người phạm tội sử dụng tiền do phạm tội mà có để mua bán hoặc đổi chác. Tuy nhiên, trong thực tế, có thể tội phạm đã dùng mọi thủ đoạn để che giấu tài sản và rất khó chứng minh để áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999, do đó không thể tịch thu được, trong khi thu lợi bất chính về hành vi tội phạm này rất lớn. Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng so với các vụ án lớn là quá thấp, không còn phù hợp với hiện nay nữa, nhất là giai đoạn lạm phát và trượt giá đang diễn ra này. Vì vậy, để xử lý nghiêm minh hành vi mua bán người thì ngoài việc tăng mức phạt tiền quy định tại khoản 3, Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1999, việc quy định người phạm tội còn bị tịch thu tài sản mà không cần chứng minh tài sản đó do người phạm tội dùng tiền phạm tội để mua sắm là cần thiết.

Thứ ba, hoàn thiện những quy định của pháp luật tố tụng hình sự, ban hành các văn bản hướng dẫn về quyền và nghĩa vụ của thân nhân nạn nhân

khi tham gia phiên tòa, vấn đề bảo vệ người làm chứng, người tố giác tội phạm, người bị hại. Theo đó cần chỉ rõ các biện pháp bảo vệ cụ thể, thủ tục yêu cầu bảo vệ, nguồn kinh phí thực hiện các biện pháp này.

Thứ tư, hoàn thiện các quy định về xử lý hành chính, bồi thường dân sự, hôn nhân gia đình liên quan đến hành vi mua bán người nhằm tăng tính hiệu quả các chế tài hành chính, dân sự với việc xử lý các hành vi này. Trong đó chú trọng đến các hành vi xuất nhập cảnh trái phép, kết hôn có yếu tố nước ngoài, môi giới xuất khẩu lao động trái phép…

Cần có những quy định riêng về trình tự, thủ tục hồi hương và tái hòa nhập cộng động đối với các nạn nhân bị mua bán. Khắc phục những thiếu sót trong lĩnh vực kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, sử dụng lao động, xuất khẩu lao động… để ngăn ngừa các nguyên nhân dẫn đến tệ nạn mua bán người.

Thứ năm, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người. Hệ thống hóa, ra soát các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Tiếp tục nghiên cứu, đàm phán, phê chuẩn, ký kết các Công ước, Nghị định thư, các thỏa thuận song phương và đa phương về phòng chống tội phạm buôn bán người với các nước trên thế giới đặc biệt là các nước trong tiểu vùng sông Mêkông, các nước chung đường biên giới với Việt Nam. Đẩy mạnh việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước để tạo điều kiện cho việc dẫn độ cũng như xử lý tội phạm quốc tế.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội mua bán người trong luật hình sự Việt Nam (Trang 86 - 90)