Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Các giải pháp hỗ trợ của chính quyền tỉnh nhằm phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2015 (Trang 54 - 57)

PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG HỖ TRỢ CỦA CHÍNH QUYỀN TỈNH HẢI DƯƠNG ĐỐI VỚI CÁC

2.1.1.Điều kiện tự nhiên

* Vị trí địa lý:

Hải Dương là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với 5 tỉnh là Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và Thành phố Hải phòng. Trên địa bàn, nhiều trục giao thông quốc gia quan trọng chạy qua, với chất lượng đường tốt như quốc lộ 5A, quốc lộ 18, 37,38...thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi với bên ngoài. Thành phố Hải Dương, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh nằm trên trục Quốc lộ 5A, cáh thành phố Hải Phòng 55km về phía Tây và cách Thủ đô Hà Nội 60 km về phía Đông. Phía Bắc tỉnh có hơn 20km đường Quốc lộ số 18 chạy qua, nối sân bay Quốc tế Nội Bài ra biển qua cảng Cái Lân. Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Kép - Bãi Cháy đi qua Hải Dương là cầu nối giữa Thủ đô và các tỉnh phía Bắc ra các cảng biển.

Là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm ở vị trí có nhiều hướng tác động mang tính liên vùng, Hải Dương có vai trò quan trọng làm cầu nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Hải Phòng, thành phố du lịch Hạ Long; cung cấp sản phẩm hàng hoá giữa hệ thống cảng biển và các thành phố, các vùng trong nước, do vậy, vừa có cơ hội đóng vai trò là một trong những động lực phát triển, vừa phải đối mặt với các thách thức trong cạnh tranh khai thác và phát triển các ngành hàng có cùng lợi thế.

* Tiềm năng khai thác các nguồn lực tự nhiên, đặc điểm lịch sử văn hoá để phát triển kinh tế, xã hội.

Địa hình: Địa hình Hải Dương nghiêng và thấp dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Phía đông của tỉnh có một số vùng trũng, thường bị ảnh hưởng của thuỷ triều và bị ngập úng vào mùa mưa. Toàn tỉnh Hải Dương được chia ra làm hai vùng chính, vùng đồi núi chiếm khoảng 11% diện tích đất tự nhiên, chủ yếu là đồi núi thấp phù hợp với việc xây dựng các cơ sở công nghiệp, du lịch và trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và các loại cây công nghiệp; vùng đồng bằng 89% diện tích tự nhiên, đất đai bằng phẳng màu mỡ thích hợp với việc trồng cây lương thực, cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày.

Khí hậu: Hải Dương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, 4 mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 230C thuận lợi cho cậy trồng sinh trưởng và phát triển. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500 -1.700 mm, phân bố không đồng đều, tập trung vào tháng 6,7,8, dễ gây úng lụt, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và dân sinh. Độ ẩm không khí trung bình cao từ 78 - 87%. Nhìn chung, điều kiện khí hậu của tỉnh thuận lợi cho sự phát triển hệ sinh thái động thực vật cũng như các hoạt động sản xuất, dịch vụ và du lịch. Điều kiện khí hậu vào mùa đông thuận lợi cho việc phát triển cây rau màu thực phẩm nhất là khả năng trồng rau xuất khẩu.

Tài nguyên đất: Năm 2008, diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.654,8 km2, xếp thứ 3 trên 11 tỉnh, thành phố ở khu vực đồng bằng sông Hồng và thứ 53/63 tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước. Đất và đồng bằng chủ yếu là đất phù sa sông Thái Bình, thuận tiện cho việc thâm canh và sản xuất nhiều loại cây trồng cho năng suất cao. Vùng đồi núi nằm gọn ở phía Đông Bắc thuộc 2 huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh. Nhóm đất này nghèo dinh dưỡng, tầng mặt mỏng, nghèo mùn, độ phì thấp, chủ yếu phù hợp trồng các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả như vải thiều, dứa, cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, chè...

Tài nguyên khoáng sản: Một số loại tài nguyên có trữ lượng lớn, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao là nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp như đá vôi, cao lanh, đất sét chịu lửa... Ngoài ra, tỉnh còn có đá, cát, sỏi, than đá, than bùn, bôxít, thuỷ ngân và nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất vật liệu xây dựng.

Tài nguyên văn hoá, du lịch: Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc đã để lại cho vùng đất này một số tài sản vô giá với hàng trăm di tích lịch sử văn hoá. Vùng đất này gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử. Phong phú nhất trên khu vực miền núi phía Đông Bắc là Chí Linh và Kinh Môn.

Thị xã Chí Linh có nhiều núi đồi, độ cao trung bình không quá 400m, rừng cây xanh tốt, cảnh quan đẹp, nhiều hồ nước tự nhiên, nhiều di tích, di chỉ văn hoá như: Khu danh thắng Phượng Hoàng Ký Lân là địa danh thích hợp cho du lịch dã ngoại, vãn cảnh, leo núi, thăm quan di tích lịch sử; khu du lịch danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi cảnh đẹp thiên nhiên - tâm linh gắn liền với cuộc đời của Anh hùng dân tộc - Danh nhân Văn hoá Thế giới Nguyễn Trãi, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và nhiều danh nhân đất Việt khác như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang, đồng thời là một trong ba trung tâm của phiền phái Trúc Lâm.

Huyện Kinh Môn thuộc vùng núi đã vôi với nhiều hang động kỳ thú. Nơi đây còn lưu lại di tích của người thời đại đồ đá mới: Núi An Phụ với đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo) trên đỉnh và tượng đài Trần Hưng Đạo ở chân núi; Hang động Kính chủ và vùng núi đá vôi Dương Nham.

Các huyện thuộc vùng đồng bằng cũng có tiềm năng du lịch phong phú nhờ có các cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, làng quê trù phú, mang đậm nét đặc trưng của Văn hoá Bắc Bộ: Khu miệt vườn vải thiều Thanh Hà nổi tiếng với cây vải tổ; Làng cò (Chi Lăng Nam) ở Thanh Miện; Văn Miếu Mao Điền ở Cẩm Giàng; gốm Chu Đậu Nam Sách); đền thờ Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang)...

Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hoá cách mạng, các làng nghề, các lễ hội truyền thống, ẩm thực, các giá trị truyền thống và hiện đại khác làm phong phú nguồn tài nguyên du lịch của Hải Dương.

* Đặc điểm về dân số và nguồn nhân lực

Dân số tỉnh Hải Dương thời điểm 01/4/2009 là 1.705 nghìn người, mật độ dân số trung bình toàn tỉnh năm 2009 là 1.031 người/km2. Dân số thành thị chiếm 19,0%, số người trong độ tuổi lao động chiếm 63,4% tổng dân số; về qui

mô dân số, xếp thứ 5 ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và thứ 11 cả nước. Cùng với phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, dân số thành thị tăng khá nhanh, tỷ trọng dân số đô thị trong tổng dân số đứng thứ 5 trên 11 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sống Hồng.

Dân số nông thôn vẫn còn chiếm tỷ trọng cao, chủ yếu làm nông nghiệp, có bề dày kinh nghiệm, khéo tay trong sản xuất nông nghiệp, ngành nghề truyền thống. Ngoài canh tác lúa nước, dân cư Hải Dương còn nổi tiếng với các nghề truyền thống như hoàn kim, chạm khắc gỗ...

Nguồn lao động dồi dào nhưng phần lớn là lao động phổ thông, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, năng suất lao động chưa cao. Lao động có việc làm và làm việc ở các ngành trong nền kinh tế quốc dân tăng khá, song cơ cấu lao động còn bất hợp lý. Lao động làm việc tại các ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp, trong khi lao động thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng cao.

Với những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lao động, bằng những chính sách, giải pháp phù hợp tỉnh Hải Dương đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của địa phương, thu hút tốt các nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá tạo tiền đề vững chắc để xây dựng tỉnh Hải Dương ngày một phát triển.

Một phần của tài liệu Các giải pháp hỗ trợ của chính quyền tỉnh nhằm phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2015 (Trang 54 - 57)