Vai trò của doanhnghiệp nhỏ và vừa

Một phần của tài liệu Các giải pháp hỗ trợ của chính quyền tỉnh nhằm phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2015 (Trang 29 - 34)

DOANHNGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

1.1.1.2.Vai trò của doanhnghiệp nhỏ và vừa

Vai trò của DNNVV trong nền kinh tế quốc dân

Hiện nay, ở hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, các DNNVV chiếm tỷ trọng cao và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Được thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, DNNVV góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động:

Đây là một thế mạnh rõ rệt của các DNNVV, và là nguyên nhân chủ yếu khiến chúng ta phải đặc biệt chú trọng phát triển các loại hình doanh nghiệp này. Ưu điểm của các DNNVV trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động là: các doanh nghiệp này có số lượng lớn, phân bố rộng rãi từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, nên mặc dù số lao động làm việc trong một DNNVV không nhiều nhưng theo quy luật số đông, với số lượng rất lớn DNNVV trong nền kinh tế đã tạo ra phần lớn việc làm cho xã hội. Mặt khác, các doanh nghiệp loại này mang tính tư hữu cao, dễ dàng đa dạng hóa sản phẩm, kể cả các mặt hàng mà các doanh nghiệp lớn không sản xuất. Sự lớn mạnh của các DNNVV đã làm tăng thu nhập của công nhân và giảm tỷ lệ thất nghiệp của mỗi địa phương nói riêng và toàn lãnh thổ nói chung.

DNNVV không chỉ trực tiếp tạo việc làm cho số lao động làm việc thường xuyên ở các doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện để lao động ngoài doanh nghiệp có được việc làm thông qua các hoạt động cung ứng đầu vào, tiếp nhận đầu ra và phục vụ sản xuất - kinh doanh. Xét trên góc độ giải quyết việc làm thì DNNVV luôn đóng vai trò quan trọng hơn các doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Lịch sử phát triển kinh tế của các nước công nghiệp phát triển cũng như ở Việt Nam trong thời kỳ đầu đổi mới đã cho thấy rằng: khi nền kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp lớn phải giảm lao động để giảm chi phí đến mức có thể tồn tại được vì cầu của thị trường thấp hơn cung. Dù khó khăn nhưng do tính thích ứng linh hoạt của mình, DNNVV này có thể bị "chết" đi nhưng lại liên tục có các

DNNVV mới sinh ra nên tổng lượng lao động mà DNNVV sử dụng vẫn không bị ảnh hưởng, thậm chí vẫn tăng. Chính vì vậy, Hội đồng doanh nghiệp nhỏ thế giới đã cho rằng: DNNVV là liều thuốc cuối cùng chữa trị bệnh thất nghiệp khi nền kinh tế suy thoái.

Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao và không ổn định, sức ép dân số, lao động, việc làm ở nông thôn chính là nguyên nhân của dòng di dân từ nông thôn ra thành phố, gây ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Khu vực DNNVV thuộc các thành phần kinh tế hiện thu hút khoảng 26% lực lượng lao động phi nông nghiệp của cả nước, nhưng triển vọng thu hút lao động rất lớn vì suất đầu tư cho một chỗ làm việc ở đây thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp lớn, chủ yếu là do chi phí thấp và thu hút được các nguồn vốn rải rác trong dân. Các DNNVV đang là nơi có nhiều thuận lợi nhất để tiếp nhận số lao động từ các DNNN dôi ra qua việc cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê, phá sản doanh nghiệp hiện đang được triển khai.

Do các DNNVV có thể phát triển ở khắp mọi nơi trong nước, nên khoảng cách giữa nhà sản xuất và thị trường được rút ngắn lại, tạo nên sự phát triển cân bằng giữa các vùng. Chênh lệch giàu nghèo không đáng kể, mỗi người dân có thể là một ông chủ, mỗi gia đình có thể là một doanh nghiệp. Thu nhập bình quân của người Việt Nam còn khá thấp do kinh tế chậm phát triển. Phát triển DNNVV ở thành thị cũng như nông thôn là biện pháp chủ yếu để tăng thu nhập, đa dạng hóa thu nhập của các tầng lớp nhân dân khắp các vùng trong nước.

Thứ hai, các DNNVV có khả năng huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các DNNVV mang tính tư hữu cao, chủ yếu do các cá nhân có vốn đầu tư hoặc góp vốn cùng nhau kinh doanh ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào với quy mô tuỳ ý nên có khả năng huy động các nguồn vốn tiết kiệm từ người thân, bạn bè,...cho hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, việc phát triển trải rộng

trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ những khu vực có điều kiện thuận lợi đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa nên có thể tận dụng mọi nguồn lực lao động ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ, kể cả các lao động phổ thông, lao động là người tàn tật, mọi nguồn nguyên liệu...góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng giá trị xuất khẩu và làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thứ ba, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn và là tiền đề hình thành các doanh nghiệp lớn.

Các DNNVV có thể bổ trợ cho các ngành công nghiệp lớn với tư cách là người cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, cung cấp dịch vụ, hoặc là trung gian tiêu thụ sản phẩm đầu ra, hay cũng có thể với tư cách là người gia công một vài công đoạn sản phẩm của doanh nghiệp lớn...Mặt khác, quá trình phát triển DNNVV cũng là quá trình tích tụ vốn, tìm kiếm, mở rộng thị trường để phát triển thành các doanh nghiệp lớn.

Thứ tư, các DNNVV có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Các DNNVV góp phần quan trọng vào sự gia tăng thu nhập quốc dân của các nước trên thế giới, bình quân chiếm khoảng 50% GDP ở mỗi nước. Riêng ở Việt Nam, nếu chỉ tính các doanh nghiệp chính thức, mỗi năm các DNNVV đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Các doanh nghiệp này có nhiều thuận lợi trong việc khai thác những tiềm năng phong phú trong dân… Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của từng địa phương đã nổi tiếng trong cả nước, một số đã được xuất khẩu, được nước ngoài đánh giá cao. Nhiều ngành nghề truyền thống đã được khôi phục và phát triển trong từng hộ gia đình, từng dòng họ, hình thành tập trung trong các làng nghề, phát huy truyền thống dòng họ, làng xã đặc trưng của nông thôn nước ta.

Thứ năm, các DNNVV là nhân tố tạo sự năng động nền kinh tế trong cơ chế thị trường, đóng góp quan trọng trong việc làm tăng lưu thông và xuất khẩu hàng hóa:

cùng với hình thức tổ chức kinh doanh, sự kết hợp chuyên môn hóa và đa dạng hóa mềm dẻo, hòa nhịp với những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường nên các DNNVV có vai trò to lớn góp phần làm năng động nền kinh tế trong cơ chế thị trường, DNNVV có nhiều khả năng thay đổi mặt hàng, chuyển hướng sản xuất, đổi mới công nghệ.

Các DNNVV luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa công việc sản xuất và chiến lược thị trường phù hợp. Trong thời gian qua, các loại hình DN này đa phần lấy mục tiêu phục vụ thị trường trong nước làm chính, đáp ứng nhu cầu trong nước và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn, sức mua tăng lên, nhu cầu lớn hơn, các DNNVV rất nhạy bén trong việc điều chỉnh cơ cấu, tăng doanh thu. Điều này rất khó thực hiện ở các doanh nghiệp lớn khi muốn đa dạng hóa mặt hàng sản xuất. DNNVV còn có thể làm đại lý, vệ tinh tiêu thụ hàng hóa hoặc cung cấp các vật tư đầu vào với giá rẻ hơn cho các doanh nghiệp lớn, do đó góp phần hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp lớn.

Thứ sáu, các DNNVV có vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đặc biệt đối với khu vực nông thôn, sự phát triển của các DNNVV sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm cho công nghiệp phát triển mạnh, đồng thời thúc đẩy các ngành thương mại, dịch vụ. Sự phát triển của DNNVV ở thành thị cũng góp phần làm tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ và làm thu hẹp dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế quốc dân. Các DNNVV còn đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi và đa dạng hóa cơ cấu công nghiệp.

Thứ bảy, các DNNVV góp phần dân chủ hóa nền kinh tế, duy trì sự tự do cạnh tranh và có khả năng ứng biến nhanh nhạy.

DNNVV chiếm một tỷ trọng lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung lực lượng kinh tế, lực lượng lao động. Sự phát triển không ngừng của các DNNVV góp phần phân phối theo chiều hướng tương đối công bằng, mặt khác huy

động được nguồn sức lao động lớn trong xã hội vào hoạt động sản xuất theo quy trình phân công lao động xã hội.

Tự do kinh doanh là con đường tốt nhất để phát huy tiềm lực. Một quốc gia muốn tạo nên các DNNVV đều phải có môi trường tự do cạnh tranh. Các doanh nghiệp lớn thường cần những thị trường lớn, thường đòi hỏi phải có sự bảo hộ của chính phủ và có xu hướng độc quyền. Còn ở DNNVV, tình trạng độc quyền không xảy ra, họ sẵn sàng chấp nhận tự do kinh doanh. So với các doanh nghiệp lớn, các DNNVV có tính tự chủ cao, không ỷ lại vào sự trợ cấp, bảo hộ của Nhà nước, sẵn sàng khai thác các cơ hội để phát triển.

Thứ tám, các DNNVV là nơi đào tạo các nhà doanh nghiệp.

Các DNNVV góp phần đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện một đội ngũ doanh nhân, ươm mầm các tài năng kinh doanh. Kinh doanh quy mô nhỏ sẽ là nơi đào tạo, rèn luyện các nhà doanh nghiệp làm quen với môi trường kinh doanh. Bắt đầu từ kinh doanh qui mô nhỏ và thông qua điều hành quản lý kinh doanh quy mô vừa và nhỏ, một số nhà doanh nghiệp sẽ trưởng thành lên thành những nhà doanh nghiệp lớn, tài ba, biết đưa doanh nghiệp của mình nhanh chóng phát triển. Các tài năng kinh doanh sẽ được ươm mầm từ trong các DNNVV.

Một phần của tài liệu Các giải pháp hỗ trợ của chính quyền tỉnh nhằm phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2015 (Trang 29 - 34)