Nếu phía tây Xứ Thanh là “rừng vàng” thì phía đông xứ Thanh chính là “biển bạc”. Xứ Thanh có một bờ biển dài tới 102 km từ Nga Sơn cho đến Tĩnh Gia gắn với vùng biển Đông. Sở hữu trên 102km bờ biển ấy là những bãi biển đẹp như mơ:
Sầm Sơn, Hải Hòa, Biện Sơn; những đồng bãi bồi phù sa ngập mặn nơi sinh trưởng lý tưởng của cây cói từng làm nên danh tiếng cho một thương hiệu làng nghề của xứ Thanh: Chiếu Nga Sơn gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định lụa hàng Hà Đông; những cảng biển với tiềm năng khai thác lớn: Lễ Môn, Nghi Sơn. Ấy là chưa kể đến nguồn lợi từ vùng lãnh hải rộng lớn hàng trăm km2. Tuy nhiên, ký viết về biển không dễ. Đây là một đối tượng không dễ chinh phục và nắm bắt. Vì vậy, đó là nguyên nhân ký viết về biển không nhiều, ngoài bài ký “Một vùng biển” của Phan Thị Minh Thuận, chủ nhân của những trang ký về biển xứ Thanh không phải ai khác chính là một người con của biển.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ngư Lộc, Hậu Lộc, vùng biển nổi tiếng của xứ Thanh, Nguyễn Văn Đệ đã từng là “Ngư phủ” trước khi trở thành nhà văn. Bài ký đầu tiên của ông - “Bãi cá giữa vụ cá” đã đạt giải nhất cuộc thi viết ký do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức khi ông chưa qua một lớp đào tạo viết văn nào. Văn chương chính là cuộc đời. Được sống, được trải nghiệm, yêu biển và hiểu biển, Nguyễn Văn Đệ đã trở thành cây bút viết về biển hay nhất của làng ký xứ Thanh: Bãi cá giữa vụ cá, vàng dưới biển xanh, Một chuyến đi biển, …
Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã từng chọn Bãi cá giữa vụ cá của Nguyễn văn Đệ như là minh chứng cho những bài ký hay viết về cái đẹp của cuộc sống và con người: “Có những bài ký hay được viết hoàn toàn không phải vì những “nỗi nhức nhối”. Chẳng hạn bài “Bãi cá giữa vụ cá” của Nguyễn Văn Đệ chứa chan những tình cảm hào hứng, hồ hởi, ca người lao động dũng cảm ngày đêm vật lộn với sóng gió giữa biển cả” (năm bài giảng về thể loại, tr… ). Biển Hậu Lộc – Ngư lộc trong những ký của Nguyễn Văn Đệ giống với hình ảnh của nữ thần biển vừa lộng lẫy huyền bí, vừa phóng túng rộng lượng, vừa dữ dội, quyền uy...
Khi biển lặng, biển đẹp mơ màng như “một tấm nhung xanh biếc”. Biển đẹp nhất có lẽ vào những đêm trăng. Khi ấy, “những làn sóng lấp lánh ánh trăng như mái tóc được cài lên những cây trâm bạc”. Dễ hiểu tại sao, bãi biển trong những đêm trăng sáng thường là nơi hẹn hò, là chứng nhân cho tình yêu. Hãy nghe Nguyễn Văn Đệ cảm nhận về biển khơi. Sóng biển theo cảm nhận của Nguyễn Văn cũng là một thế
giới, có sóng “trẻ” và sóng “già”. Sóng “trẻ” thì “tóc” của chúng xanh biếc. Chúng nghịch ngợm và đa tình: “Mỗi lần thằng gió Đông nổi lên thì con sóng Nam kia lại đon đả chào đón, làm con sóng Đông phải cong môi lên ghen tị. Và bao lần chú gió bấc tràn về thì cô sóng Nam cũng tớn lên như nắng hạn gặp mưa rào”(Mắt biển xanh, tr…). Những bác sóng già hay những cụ sóng “xõa đầy tóc bạc” thường khó tính và hung dữ “… một đợt sóng nữa đang dân cao, ngọn những con sóng như những hàm răng trắng ỡn của loài quái vật đang nhe nanh ngoạm lấy con thuyền”, hoặc “lũ sóng nồm già xõa tóc bay chồm lên trườn vào bờ” v.v…
Thế giới của biển cả không chỉ hấp dẫn ở vẻ bên ngoài của nó. Hãy theo chân chàng ngư phủ Nguyễn Văn Đệ sẽ còn được thưởng thức những cảnh hấp dẫn nhất của biển cả. “Tôi đã từng đánh cá đối vào những ngày đẹp trời. Chúng tôi có thể phát hiện ra cá đối từ rất xa, căn cứ vào sự quần tụ của những đàn chim biển săn mồi, căn cứ vào màu nướ biển (chỗ có cá, cá làm cho màu nước biển đang xanh biếc trở thành xanh thẫm). Đó là khi nắng to, nhưng vào lúc chập tối, chỗ cá dày sẽ làm cho màu nước tím lại. Nhưng khi gặp kỳ lụt bão, nước biển đang lọt hồng, chỗ có cá nước đỏ rực lên. Nhất là những đêm biển lặng, sẽ nghe tiếng cá đối nhảy, nhưng nó không tí tách như cá lầm, không lao xao như cá ve, không ré lên như cá mòi, mà rào rào như vãi lúa trên sân” (Bãi cá…, tr 158). Những “đoạn băng” bằng ngôn ngữ về những cảnh đánh bắt cá sống động như thế này gieo mãi vào lòng người đọc sự thích thú, bất ngờ: “Chúng tôi bửa lưới đúng cái lúc cá đối ăn lên rầm rộ nhất. Có lẽ cá hoàn toàn không ngờ được là chúng tôi vẫn bám sát chúng khi nó đã ra khỏi mép cồn nổi, nên vẫn đi một cách đàng hoàng và ngạo nghễ, làm như biển bao giờ cũng là một xứ sở bất khả xâm phạm của nó. Những chú cá bị bất ngờ và ngạc nhiên khi chạm vào những mắt lưới đầu tiên. Thực ra lúc đầu đàn cá mới chỉ ngạc nhiên không thôi nên chỉ nhảy lao xao quanh những cái phao đầu lưới. Nhưng sau đó thì nhảy lên một cách rầm rộ (…) Chúng tôi kéo đến đâu, cá chật trong vòng lưới đến đó. Toàn cá đối măng tơ, không hề lẫn một thứ cá khác. Hàng loạt vì nhảy, vì chạy mãi mà không thoát lưới mệt lử nằm phơi bùng trắng hếu dọc đường phao. Những con khỏe mạnh thì hung hăng nhảy tung lên giữa vòng lưới, trông như đang có một trận mưa đá phun lên mặt biển” ( Bãi
cá…tr166). Hay như bức ảnh hữu tình này của thiên nhiên: “Những con cá đi đầu đã nổi lên mặt nước. Và bỗng nhiên một con cá cái có cái bụng rất to đầy trứng trớn lên trên ngọn sóng nhỏ mình ngửa ra trắng hếu. Một con cá đực thân thon dài trườn theo té tắt, thô bạo trên mình con cá cái lẳng lơ kia. Tiếp theo đó, một loạt những con cá tơ khác phóng theo. Và đội hình của tía cá đã trở nên mất trật tự…”( Bãi cá…tr 172) Vẻ đẹp của biển không thể tách rời với vẻ đẹp của con người – chủ nhân của biển cả. Ngư dân vùng biển Hậu Lộc đã quen với nghề biển từ bao đời. Họ thuộc biển như thuộc lòng bàn tay. Nguyễn Văn Đệ miêu tả họ vừa như những người anh hùng, vừa như những nghệ sĩ của biển cả. Đây là hình ảnh người thuyền trưởng đang chỉ huy một trận đánh bắt cá thật lãng mạn và hào hùng: “Ông Nhụ tay lăm lăm tù và, mắt dán chặt vào tía cá, bàn chân ông khẽ đẩy tay lái. Mũi tàu lách ngang làn sóng nhỏ tiến lên trước tía cá. Bàn tay của ông Nhụ nãy giờ vẫn chĩa ra phía trước chợt giơ cao lên và chặt mạnh xuống như một thanh kiếm:- Đánh”( Bãi cá…, tr 173).